Phim Việt doanh thu “khủng”: Tại sao không?
Cho đến thời điểm này, bất chấp những tranh luận xung quanh, doanh thu bộ phim “Em và Trịnh” đã cán mốc 100 tỷ sau một tháng ra rạp, trở thành phim Việt có doanh thu lớn nhất 6 tháng đầu năm 2022. Đâu là lý do giúp “Em và Trịnh” cũng như một vài bộ phim Việt trước đó đứng trong hàng ngũ “Câu lạc bộ phim trăm tỷ”?
Khi bộ phim “Em và Trịnh” đạt mức doanh thu 100 tỷ đồng đã mang đến niềm vui cho những nhà sản xuất phim. Lâu nay, câu chuyện lỗ - lãi, thu hồi vốn luôn là nỗi lo lắng của các đạo diễn. Là bộ phim được đầu tư “khủng”, với mức kinh phí lên tới 50 tỷ đồng nên cũng không nằm ngoài trăn trở này. Sau một tháng công chiếu, với doanh số hiện nay, xét theo tỷ lệ ăn chia 5:5 với nhà rạp thì hiện phim đang ở mức hòa vốn.
Trong bức tranh thị trường điện ảnh Việt 6 tháng đầu năm khá ảm đạm thì doanh số phòng vé mà bộ phim “Em và Trịnh” đạt được thực sự là một điểm sáng hy vọng. Có ý kiến cho rằng nguyên nhân khách quan giúp “Em và Trịnh” có được doanh thu khả quan vì phim ra mắt đúng thời điểm các rạp đang phục hồi hậu COVID-19. Chưa kể, thời điểm này ít có đối thủ là những bộ phim “bom tấn” thế giới cạnh tranh.
Tuy nhiên, công bằng mà nói, lý do cơ bản giúp “Em và Trịnh” tạo được cơn sốt phòng vé vì chính những điều bộ phim mang đến. Chọn đề tài phản ánh là cuộc đời nhạc sĩ tài hoa với những bóng hồng gắn liền với những ca khúc nổi tiếng đã là một sự mạo hiểm khôn ngoan của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh. Ngoài ra, bối cảnh xưa cũ, kỳ công, hình ảnh phim đẹp lãng mạn, âm nhạc đầy cảm xúc… là những điểm cộng lớn của phim.
Ngay từ khi ra đời, âm nhạc Trịnh Công Sơn có một vị trí quan trọng trong tâm hồn của nhiều thế hệ công chúng. Những bóng hồng ẩn hiện sau những ca khúc của ông luôn là câu chuyện khiến nhiều người tò mò lâu nay. Chính vì vậy, đã có một lượng khán giả nhất định háo hức đợi xem chân dung nhạc sĩ mình yêu quý lên phim thế nào? Đây cũng là lợi thế chung của phim lấy nguyên mẫu từ nhân vật có thật. Ngoài ra, với “Em và Trịnh” thì chính những tranh luận xung quanh bộ phim suốt thời gian vừa qua lại góp phần không nhỏ đẩy số lượng khán giả xem phim tăng lên. Nhận xét, tranh luận về phim ngập tràn trên báo chí và các trang mạng xã hội vô tình lại trở thành một cách quảng cáo hiệu quả cho phim.
Sự thành công về mặt phòng vé của bộ phim “Em và Trịnh” thực sự mang đến hy vọng cho thị trường điện ảnh Việt. Đồng thời, ghi thêm một vị trí vào danh sách “câu lạc bộ trăm tỷ” của điện ảnh Việt Nam thời gian gần đây. Theo thống kê, cho tới thời điểm này, điện ảnh Việt có khoảng 15 bộ phim đạt được mức doanh thu này. Trong đó, mỗi phim là một dấu ấn sáng tạo của đạo diễn mang đến cho khán giả.
Rất khó để có một “mẫu số chung” cho tất cả những bộ phim thành công. Tuy nhiên, từ câu chuyện của phim “Em và Trịnh” cùng những bộ phim khác nữa thì rõ ràng, nếu biết cách, điện ảnh Việt có thể tạo ra những kỳ tích về mặt doanh thu. Ở lĩnh vực nghệ thuật nói chung, điện ảnh nói riêng, lượng người xem – doanh số bán vé chính là một trong những thước đo sự thành công của phim.
Thực tế cho thấy, bộ phim thành công, trước hết phải có kịch bản hấp dẫn. Thậm chí, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực điện ảnh đều nhất trí cho rằng, kịch bản hay chiếm tới hơn 50% sự thành công của phim. Câu chuyện phim hấp dẫn, logic, cách xây dựng nhân vật chân thực là bước đầu tiên giúp phim giữ được chân khán giả.
Đứng đầu trong danh sách những bộ phim Việt có doanh thu trăm tỷ thời gian vừa qua phải kể tới “Bố già” (Kịch bản và đạo diễn: Trấn Thành). Phim hiện vẫn đang giữ kỷ lục về doanh thu “khủng” trong thời gian ngắn nhất. Dù gặp không ít khó khăn vì dịch bệnh COVID-19 nhưng “Bố già” chạm mốc doanh số 300 tỷ đồng chỉ sau 16 ngày công chiếu (100 tỷ sau 4 ngày đầu tiên). Cho đến thời điểm này, đây vẫn là tác phẩm có doanh thu cao nhất mọi thời đại tại Việt Nam (gần 400 tỷ đồng).
Kịch bản phim “Bố già” không phản ánh vấn đề “đao to búa lớn” mà xoay quanh cuộc sống những người dân nghèo sống trong một con hẻm nhỏ thường xuyên ngập nước ở TP Hồ Chí Minh. Trong đó, nhân vật chính là ông Ba Sang sống cùng con trai tên Quắn và con gái nuôi tên Bù Tọt. Phim chinh phục được khán giả bởi những chi tiết đậm chất dung dị, đời thường. Trong đó, không thiếu những xung đột thế hệ, những vất vả, cay đắng mưu sinh. Nhưng, đằng sau bức tranh đời sống mộc mạc có phần lấm lem đó, đạo diễn mang đến nhiều chi tiết xúc động đắt giá, mang thông điệp sâu sắc về tình phụ tử, tình người.
Cùng là bộ phim có kịch bản “thuần Việt” như “Bố già” còn có “Cua lại vợ bầu” (đạo diễn Nhất Trung) với doanh thu 192 tỷ là con số thực sự ấn tượng. Bộ phim hài - tình cảm này không chỉ khéo léo kể cho khán giả câu chuyện tình yêu có phần sến sẩm đáng yêu mà còn lồng ghép trong đó ý nghĩa về tình cảm gia đình qua những pha hài hước, mang lại không khí vui vẻ, tươi sáng. Ngoài ra, một loạt những bộ phim của đạo diễn Victor Vũ chuyển thể từ tác phẩm văn học của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh như “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Mắt biếc” (doanh thu 180 tỷ đồng) … cũng đã tạo được cơn sốt phòng vé một phần nhờ kịch bản phim đầy chất văn học. Từ tác phẩm văn học được yêu mến bởi nhiều thế hệ độc giả, qua bàn tay của đạo diễn đã trở thành phiên bản điện ảnh vừa quen thuộc, vừa sáng tạo. Đây cũng chính là lợi thế của những bộ phim này.
Nhắc tới kịch bản hấp dẫn, tạo nên sức cuốn hút cho phim không thể không nhắc tới những bộ phim thuộc dòng “remake” (phim chuyển thể từ kịch bản gốc nước ngoài). Là phim được mua bản quyền từ phiên bản gốc đã rất nổi tiếng của Hàn Quốc, “Tiệc trăng máu” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng có được doanh thu đẹp như mơ là 175 tỷ đồng nhờ kịch bản thú vị, bám sát vào những câu chuyện quen thuộc nhưng bất ngờ trong đời sống hiện đại. Phim đề cập đến những vấn đề nóng của đời sống hôn nhân hiện đại như ngoại tình, áp lực cuộc sống, đời sống vợ chồng “đồng sàng dị mộng” …
Rõ ràng, tổng thể nội dung không quá mới mẻ nhưng vẫn hút khán giả vì sự gần gũi, chân thực và không thiếu yếu tố bất ngờ. “Tiệc trăng máu” là minh chứng cho việc không cần phải bối cảnh hoành tráng, hay làm phim tốn kém, chỉ cần câu chuyện phim hay, cách làm phim hấp dẫn là có thể khiến khán giả ùn ùn tới rạp. Tương tự, “Em là bà nội của anh” (đạo diễn Phan Gia Nhật Linh) cũng là một bản phim remake đầy chất Việt, tạo tiếng vang với doanh thu ấn tượng là 102 tỷ đồng ngay thời điểm ra mắt.
Bên cạnh kịch bản, việc chọn được diễn viên phù hợp với vai diễn một yếu tố tạo nên sức thành công của bộ phim. Đầu tiên, phải nhắc tới sự có mặt của những gương mặt được mệnh danh là “ngôi sao phòng vé”. Nhìn trong số top 15 bộ phim Việt có doanh thu lớn nhất từ trước đến nay dễ dàng nhận thấy phần lớn trong số đó đều có sự tham gia của những nghệ sĩ mà tên tuổi họ như một sự “bảo chứng” tin cậy. Sau khi tạo được “cơn sốt phòng vé” với “Để Mai tính 1” Thái Hòa trở thành “ngôi sao phòng vé” và tiếp tục được “tín nhiệm” ở “Để mai tính 2”, “Tiệc trăng máu”. Diễn xuất hài hước duyên dáng của Thái Hòa đã thực sự mang đến cho nhân vật của anh những dấu ấn khó quên kèm theo doanh thu khủng cho phim.
Tương tự, Trấn Thành cũng là nghệ sĩ góp mặt trong cả 2 bộ phim có doanh thu lớn là “Cua lại vợ bầu” và “Bố già”. Kiều Minh Tuấn khẳng định tài diễn xuất của mình ở phim “Em chưa 18” đồng thời cũng thuyết phục hoàn toàn khán giả ở “Tiệc Trăng máu”… Cùng với những gương mặt như Kaity Nguyễn trong “Em chưa 18”, “Tiệc trăng máu”, Trường Giang trong “Siêu sao siêu ngố”, Ngô Thanh Vân trong “Hai Phượng”, Miu Lê trong “Em là bà nội của anh”… thì sự nhập vai xuất sắc của những nghệ sĩ này đã góp phần mang đến thành công cho phim. Ngoài những tên tuổi nổi tiếng thì nhiều gương mặt mới có tính phát hiện của đạo diễn lại là điểm nhấn giúp phim ăn khách. Những gương mặt lần đầu trình làng điện ảnh như Trúc Anh, Trần Nghĩa trong “Mắt biếc”, dàn diễn viên nhí trong “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”… với nét diễn tự nhiên, chân thực đã góp phần vào thành công chung của phim.
Hai năm gần đây, điện ảnh chịu ảnh hưởng không nhỏ từ dịch bệnh COVID-19 nhưng theo thống kê, trong năm 2019 có tới 5 bộ phim đạt doanh thu trăm tỷ. Năm 2020, mặc dù ảnh hưởng nhiều từ việc giãn cách nhưng cũng đã có 3 bộ phim vượt mốc trăm tỷ. Nhìn vào danh sách các phim có doanh thu khủng thì thấy đề tài phản ánh khá đa dạng từ tâm lý – tình cảm, hài hước đến võ thuật… Điều đó cho thấy, các đạo diễn đã không ngừng nỗ lực sáng tạo để mang đến cho khán giả những bộ phim hấp dẫn.
Thị trường điện ảnh Việt ngày càng sôi động. Số lượng phim ra mắt ngày một tăng theo từng năm. Đã có những bộ phim thành công nhờ “thiên thời địa lợi nhân hòa”. Doanh thu cao đến từ những yếu tố khác nhau, tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia thì phim Việt muốn chinh phục khán giả phải đậm chất Việt trước đã. Đề tài trong không cần quá cao siêu hay đao to búa lớn mà hãy gần gũi như tình cảm gia đình, cha con, anh em, bạn bè. Phim phải “đời” nhất có thể từ tính cách nhân vật, lời thoại, không nên rườm rà mà ngắn gọn, giản dị hợp tình hợp lý. Như câu chuyện xúc động trong “Em là bà nội của anh”, ký ức tuổi thơ hồn nhiên trong “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” hay tuổi thanh xuân mộng mơ, khờ khạo trong “Mắt biếc”…. Những điều đó sẽ giúp phim chạm được đến trái tim khán giả.