Nhớ cái Tết xứ Mường chộn rộn…

Thứ Ba, 13/02/2024, 08:13

Cận Tết, cái rét miền Bắc căm căm như cứa vào xương tủy. Từng mảng da lộ khỏi lớp vải sờn màu ngắn ngủn be bét miếng vá của bọn trẻ nhà nghèo chúng tôi đỏ ửng. Hai hàm răng đập vào nhau lộp cộp như nhai ngô rang chống đói mùa giáp hạt. Mưa và gió, lạnh tím người...

Bấy giờ, qua ngày 15 tháng Chạp, không khí Tết đã tràn về đầy ắp miền quê nghèo, dù mưa phùn vẫn rơi, gió vẫn thổi rung lắc từng tấm vách đất căn nhà lợp bằng lá cỏ tranh. Cận Tết, cánh nhà nghèo thường rất bận. Bố mẹ tôi ra khỏi nhà từ khi rạng sáng và trở về trong uể oải lúc đêm khuya. Mấy chị em chúng tôi sốt sắng tích trữ cỏ cho đàn bò để được đi chơi trọn vẹn trong 3 ngày đầu năm mới. Cứ nghĩ tới Tết, đứa nào cũng hí hửng, làm việc không biết mệt dù có khi bụng rỗng tuếch cứ rên lên ùng ục.

Bộ quần áo mới của tôi, mẹ đưa đi đo may trước cả tháng dài lòng thòng, rộng thênh thang vẫn được treo cẩn thận trên sợi dây trong buồng. Từ ngày lấy về, nhân lúc không có người lớn ở nhà, thỉnh thoảng tôi vẫn vào ngắm nghía và còn mạnh bạo lấy trộm xuống ướm thử. Hiển nhiên, bộ đồ thùng thình, duy nhất trong năm chỉ được mặc lần đầu vào những ngày Tết. Đó là sự thiêng liêng của một bộ quần áo được may bằng loại vải thô kệch, rẻ tiền.

Nhớ cái Tết xứ Mường chộn rộn…_ANTG tet_trang34 -0
Ruộng bậc thang mùa lúa chín. Ảnh: Đỗ Thành Trung.

Ngày 23 tháng Chạp, ngày tiễn ông Táo lên chầu trời cũng là ngày cái ao công sản của làng Mường được trổ nước, đánh bắt cá chia cho các hộ ăn Tết. Đó là nguồn chất tanh xa xỉ trong năm của cánh nhà nghèo thời còn triền miên đói kém.

Mặc nhiên, cùng với tiếng cười nói hoan hỉ là sự cãi vã eo xèo trong lúc cân chia cá, đôi co người hơn kẻ thiệt. Mỗi gia đình được khoảng trên dưới 3 kg cá, chủ yếu là rô phi, con lớn nhất bằng 4 ngón tay người lớn cộng lại. Khoảng 3 kg cá rô phi xương nhiều hơn thịt là nguồn thực phẩm quan trọng đặc biệt của ngày Tết dành cho 7 thành viên trong gia đình tôi. Thế nhưng, điều đó không có nghĩa là chị em tôi sẽ được thưởng thức hết. Phần lớn trong số đó phải để dành đón tiếp những vị khách quý tới chơi, chúc Tết! Quá ít thực phẩm là loại chất tanh, chị em tôi tỏ ra lo lắng khiến bố mẹ tôi phải trấn an: Còn cả một con gà to nữa kìa... Đó là con gà trống già nhiều năm tuổi đã quá sức “đạp mái”.

Lửa ấm Xuân Kinh Bắc_ANTG Tet trang 34 -0
Cảnh chia cá ăn Tết vẫn còn lưu giữ tới nay ở một số địa phương. Ảnh: Khắc Lịch.

Sau khi mổ bụng cá, móc hết ruột, bố tôi cẩn thận đến từng chi tiết không cần thiết. Ông cho rất nhiều muối hột vào ướp. Đó là kinh nghiệm được rút ra từ Tết năm trước. Vì ướp muối hơi nhạt, thời gian để lâu trong khi trời bỗng trở oi nồng nên mấy thanh cá nướng chuyển sang nặng mùi. Thế nhưng, điều đó không có nghĩa là số thực phẩm này bị đổ bỏ. Những con cá rô phi gầy trơ xương được nẹp chắc chắn vào các thanh tre tươi và đưa lên bếp than nướng, nước nhỏ xuống xì xèo, thơm lừng cả nhà. Nhìn nẹp cá dần vàng ửng, mấy chị em ai cũng ao ước riêng mình được sở hữu một con ngay lúc này.

Bố nạt “của cúng ông bà, ông vải ngày Tết” để chặn ngay tư tưởng đó của chị em chúng tôi. Dù biết là không thể nhưng mấy chị em đứa nào cũng thòm thèm con cá rô phi nướng gầy trơ xương trước khi lên bàn thờ mời ông bà, tổ tiên trong năm mới...

Bây giờ, cuộc sống đã khấm khá hơn, Tết chẳng còn thiếu những món ngon, áo đẹp. Xuân về nơi xa xứ, lại thấy tâm hồn lắng đọng, rưng rưng nhớ về bản Mường với tuổi thơ lê thê khốn khó. Nhớ màu khói lam chiều trong hơi lạnh chớm xuân, nhớ chợ phiên ngày 23 tháng Chạp, nhớ thiếu nữ Mường xúng xính trong bộ váy xinh... 

Và nhớ lắm mùi cá rô phi gầy trơ xương bố nướng!...

Khắc Lịch

.
.
.