Châu Âu trước cơn khủng hoảng lạm phát

Thứ Sáu, 27/05/2022, 15:45

Sự phục hồi kinh tế dự kiến của châu Âu sau đại dịch COVID-19 đã bị cản trở bởi một số yếu tố trong những tuần gần đây và mọi ngóc ngách của châu lục này đều đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát tăng cao.

Lạm phát của toàn Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ đạt 6,8% trong năm nay, khi cuộc chiến của Nga tại Ukraine - và sự sụp đổ trong quan hệ kinh tế giữa Nga và hầu hết các nước còn lại của châu Âu - tiếp tục ảnh hưởng đến các nền kinh tế.

Ủy ban châu Âu đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng của khối, trong đó Ủy viên châu Âu về vấn đề kinh tế và tài chính Paolo Gentiloni mô tả việc cắt giảm tăng trưởng lần này là "một trong những mức cao nhất" từng được thực hiện giữa các lần dự báo. Bên ngoài EU, tỷ lệ lạm phát của Vương quốc Anh đã tăng lên 9%, một tỷ lệ hàng năm cao nhất kể từ năm 1982. Trong khi đó, Nga đang đối mặt với lạm phát 17,8%.

Điều gì gây ra lạm phát?

Châu Âu và nhiều nơi trên thế giới đã bị ảnh hưởng bởi giá năng lượng tăng vọt - nguyên nhân dẫn đến lạm phát - trước khi Nga tiến quân vào Ukraine vào cuối tháng 2-2022. Xung đột đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng bởi nó làm dấy lên lo ngại toàn cầu rằng chiến tranh có thể dẫn đến việc gián đoạn nguồn cung cấp dầu hoặc khí đốt tự nhiên từ Nga. Nga là nhà cung cấp dầu, khí đốt tự nhiên và than đá hàng đầu của EU, chiếm khoảng 1/4 tổng năng lượng của khối.

Châu Âu trước cơn khủng hoảng lạm phát -0
Châu Âu đang chứng kiến giá cả tăng vọt trong năm nay.

Lệnh cấm của EU đối với than từ Nga sẽ có hiệu lực vào tháng 8-2022. Trong khi đó, các nước EU đang nỗ lực cắt giảm 2/3 nhu cầu đối với khí đốt tự nhiên của Nga trong năm nay. Một lệnh cấm vận dầu mỏ được đề xuất đã gặp phải rào cản trong bối cảnh một số quốc gia vốn phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ của Nga, chẳng hạn như Hungary, tỏ ra dè dặt với kế hoạch này.

Tuy nhiên, giá của nhiều mặt hàng quan trọng bao gồm cả thực phẩm đã tăng kể từ khi các lệnh phong tỏa để ngăn chặn đại dịch COVID-19 được áp dụng lần đầu tiên cách đây hai năm, gây căng thẳng cho chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến cây trồng bị thối rữa và khiến người mua hàng hoảng loạn.

Cuộc chiến ở Ukraine một lần nữa làm xấu đi triển vọng, vì Nga và Ukraine chiếm gần một phần ba lượng lúa mỳ và lúa mạch toàn cầu, và hai phần ba lượng dầu hướng dương xuất khẩu của thế giới được sử dụng để nấu ăn. Ukraine cũng là nước xuất khẩu ngô lớn thứ 4 thế giới. Cơ quan lương thực của Liên hiệp quốc cho biết giá cả đã đạt đỉnh vào tháng 2-2022 và một lần nữa vào tháng 3-2022, và Ngân hàng Thế giới dự báo giá lúa mỳ có thể tăng hơn 40% trong năm nay.

Ông Gentiloni cũng cảnh báo mọi thứ có thể trở nên tồi tệ hơn so với dự báo của các nhà thống kê EU. Ông nói: “Dự báo của chúng tôi có độ không chắc chắn và rủi ro rất cao. Các kịch bản khác có thể xảy ra, theo đó tăng trưởng có thể thấp hơn và lạm phát cao hơn mức chúng tôi dự đoán".

Phản ứng của ECB

Phát biểu với CNBC, ngày 20-5, một thành viên trong hội đồng điều hành của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết ngân hàng sẽ sớm tăng lãi suất lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ.

ECB đã được chú ý vì lập trường “mềm mỏng” hơn về chính sách tiền tệ so với các ngân hàng trung ương khác. Tuy nhiên, kỳ vọng về việc tăng lãi suất đã tăng lên trong những tháng gần đây trong bối cảnh lạm phát liên tục gia tăng, với các chuyên gia dự đoán rằng sẽ có ít nhất bốn lần tăng lãi suất trước khi kết thúc năm.

Joachim Nagel, chủ tịch ngân hàng Bundesbank của Đức và là một trong những thành viên có quan điểm “diều hâu” của ECB, nói với CNBC: “Chúng tôi đang đi đúng hướng. Trong cuộc họp rất quan trọng vào tháng 3-2022, chúng tôi đã quyết định kết thúc việc mua tài sản ròng và trong cuộc họp tháng 6-2022, tùy thuộc vào dữ liệu, chúng tôi sẽ quyết định có thể dừng lại và sau đó tôi tin rằng chúng tôi sẽ sớm chứng kiến những đợt tăng lãi suất đầu tiên”.

Châu Âu trước cơn khủng hoảng lạm phát -0
Châu Âu trước cơn khủng hoảng lạm phát -1
ECB cân nhắc tăng lãi suất để đối phó lạm phát.

Bình luận của ông cho thấy rằng đợt tăng lãi suất đầu tiên có thể đến vào tháng 7-2022, sau khi ECB tranh luận về các dự báo kinh tế mới được công bố trong tháng 6-2022. Bình luận của Nagel được đưa ra sau phát biểu của Francois Villeroy de Galhau, người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Pháp và là thành viên ECB, cho biết ông hy vọng lãi suất sẽ tăng dần từ sau mùa hè.

Trong khi đó, Ignazio Visco, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Italy và là một nhân vật theo quan điểm “ôn hòa” trong ECB, nói với CNBC rằng việc tăng lãi suất “có thể diễn ra trong quý 3 hoặc vào cuối năm, nhưng nó phải diễn ra từ từ”.

Các ngân hàng trung ương đang chịu áp lực rất lớn trong việc giảm lạm phát khi giá tiêu dùng tăng cao hơn bao giờ hết, thúc đẩy cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vào đầu tháng này đã tăng lãi suất chuẩn của mình thêm 0,5% - mức tăng mạnh nhất trong 22 năm. Dự kiến, Fed sẽ tiến hành một loạt các đợt tăng lãi suất trong năm nay. Lạm phát hiện đang ở mức cao nhất trong 40 năm ở Mỹ, với chỉ số giá tiêu dùng tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 4-2022.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Anh đã tăng lãi suất vào tháng 5-2022, lần thứ tư kể từ khi Anh bắt đầu bình thường hóa hậu COVID-19 vào tháng 12-2021. Tuy nhiên, lạm phát của Anh vẫn ở mức cao, chạm mức cao nhất trong 40 năm là 9% hôm 18-5.

Tuy nhiên, ECB cho đến nay vẫn có khả năng chống lại các đợt tăng giá mạnh hơn, đồng thời nhấn mạnh rằng áp lực giá sẽ giảm trong nửa cuối năm. Lạm phát khu vực đồng euro đã đạt mức cao kỷ lục trong tháng thứ sáu liên tiếp trong tháng 4-2022 do cuộc chiến Ukraine tiếp diễn và tác động sau đó đối với nguồn cung năng lượng của châu Âu đè nặng lên nền kinh tế của khu vực.

Triển vọng tăng trưởng cắt giảm

Ủy ban châu Âu hiện dự báo tăng trưởng năm 2022 là 2,7% trong khu vực đồng euro gồm 19 quốc gia và rộng hơn là 27 quốc gia EU - giảm so với mức dự báo 4% ba tháng trước. Tuy nhiên, họ cho biết việc cắt giảm hoàn toàn nguồn cung khí đốt của Nga sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng thêm 2,5 điểm - đưa nền kinh tế vào bế tắc thực sự trong năm nay. Với nhiều quốc gia châu Âu phụ thuộc vào xuất khẩu năng lượng của Nga, tăng trưởng dự kiến sẽ chậm hơn nữa trong năm tới - ở EU và khu vực đồng euro ở mức 2,3%.

Một tuyên bố của Ủy ban châu Âu có đoạn: “Triển vọng của nền kinh tế EU trước khi chiến tranh bùng nổ là phát triển lâu dài và mạnh mẽ. Tuy nhiên, cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đã đặt ra những thách thức mới. Các quốc gia tăng trưởng nhanh nhất trong EU năm nay dự kiến là Bồ Đào Nha (5,8%) và Ireland (5,4%), trong khi Estonia (1%), Đức và Phần Lan (đều 1,6%) được dự báo là các nước tăng trưởng yếu nhất.

Valdis Dombrovskis, một ủy viên thương mại của EU, nhận định: “Không còn nghi ngờ gì nữa, nền kinh tế EU đang trải qua một giai đoạn đầy thách thức do cuộc chiến của Nga - Ukraine và chúng tôi đã hạ cấp dự báo của mình. Yếu tố tiêu cực bao trùm là giá năng lượng tăng vọt, khiến lạm phát tăng cao kỷ lục và gây căng thẳng cho các doanh nghiệp và hộ gia đình ở châu Âu. Mặc dù tăng trưởng sẽ tiếp tục trong năm nay và năm sau, nhưng nó sẽ thấp hơn nhiều so với dự kiến trước đây. Sự không chắc chắn và rủi ro đối với triển vọng sẽ vẫn còn cao”.

Tác động toàn cầu

Trong một nền kinh tế toàn cầu hội nhập, lạm phát có thể lây lan giữa các nền kinh tế vì hai lý do: hoặc do những cú sốc chung tác động đến tất cả các quốc gia đồng thời, chẳng hạn như cú sốc dầu những năm 1970, hoặc do cú sốc riêng trong khu vực, chẳng hạn như cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 hoặc cuộc khủng hoảng nợ có chủ quyền của khu vực đồng euro năm 2012, đủ lớn để ảnh hưởng đến sản lượng và giá cả trên toàn thế giới.

Châu Âu trước cơn khủng hoảng lạm phát -0
Cuộc chiến Nga-Ukraine đẩy giá năng lượng tăng cao

Lạm phát toàn cầu cũng dự kiến sẽ đạt 6,7% trong năm nay, hoặc gấp đôi mức trung bình 2,9% trong giai đoạn từ 2010 đến 2020, với giá thực phẩm và năng lượng tăng mạnh. Ở các nước đang phát triển và kém phát triển (LDC) trên thế giới, lạm phát cao đang làm giảm thu nhập thực tế của các hộ gia đình. Điều này đặc biệt xảy ra ở các nước đang phát triển, nơi nghèo đói phổ biến hơn và tăng trưởng tiền lương vẫn bị hạn chế, trong khi hỗ trợ tài chính để giảm bớt tác động của giá dầu và lương thực cao hơn cũng bị giới hạn.

Ở một số khu vực của Yemen bị chiến tranh tàn phá, thực phẩm cơ bản đã đắt hơn 85% vào tháng 3-2022 so với một năm trước, theo Mạng lưới Hệ thống Cảnh báo sớm Nạn đói, cơ quan giám sát tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu.

Chi phí lương thực và năng lượng tăng cũng đang có những tác động trực tiếp đến phần còn lại của nền kinh tế, gây thách thức cho việc phục hồi sau đại dịch do các hộ gia đình có thu nhập thấp bị ảnh hưởng một cách không tương xứng. Ngoài ra, việc Fed "thắt chặt tiền tệ" có thể làm tăng chi phí đi vay và làm trầm trọng thêm khoảng cách tài chính ở các quốc gia đang phát triển, bao gồm cả các nước LDC trên thế giới.

Hamid Rashid, Giám đốc Chi nhánh Giám sát Kinh tế toàn cầu của Vụ Kinh tế và các vấn đề xã hội của Liên hiệp quốc, cho biết: “Các nước đang phát triển sẽ cần phải đối mặt với tác động của việc thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ của Fed và đưa ra các biện pháp bảo đảm vĩ mô thích hợp để ngăn chặn dòng chảy đột ngột và kích thích đầu tư hiệu quả”.

Một số nhà kinh tế cho rằng bản thân lạm phát có thể dẫn đến lạm phát nhiều hơn nếu người lao động và doanh nghiệp bắt đầu kỳ vọng vào nó và yêu cầu mức lương cao hơn hoặc đặt giá hàng hóa cao hơn. Tuy nhiên, hiện cũng có khả năng lạm phát ở một quốc gia có thể dẫn đến lạm phát ở một quốc gia khác. Lạm phát ở Mỹ đã dẫn đến sự gia tăng giá trị của đồng USD do các nhà đầu tư kỳ vọng lãi suất sẽ tăng. Đồng thời, nhiều quốc gia đã nhận thấy rằng đồng tiền của họ có giá trị thấp hơn nhiều so với một hoặc hai năm trước đây. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, nơi giá trị của đồng lira đã giảm, điều đó có nghĩa là hàng nhập khẩu tiêu tốn một khoản tiền khổng lồ (lạm phát hàng năm ở Thổ Nhĩ Kỳ là gần 70%).

Việc tăng lãi suất cũng sẽ ảnh hưởng đến các quốc gia vốn đã gánh nặng nợ nần, khiến họ khó có thể cung cấp “cứu cánh” cho tình trạng lạm phát. Tháng 4-2022, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo rằng các quốc gia ở các thị trường mới nổi đã vay nặng lãi để tài trợ cho các biện pháp cứu trợ đại dịch có nguy cơ xảy ra “vòng lặp diệt vong”, trong trường hợp xấu nhất có thể dẫn đến việc các chính phủ vỡ nợ.

Bích Hạnh (Tổng hợp)
.
.
.