Vườn chim quý hiếm quanh ngôi chùa 300 năm tuổi

Thứ Sáu, 16/05/2008, 13:30
Ai đã từng có dịp viếng thăm ngôi chùa Hồ Sơn Cổ Tự ở phường 9, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên không chỉ bị cuốn hút trước những vẻ cổ kính của một công trình kiến trúc tồn tại trên 300 năm, mà còn ngạc nhiên khi nhìn thấy bên trong một khoảnh vườn nhỏ rợp bóng cây xanh là những loài chim có tên trong Sách Đỏ cất tiếng hót rộn rã. Nhà sư đã có công nuôi dưỡng và nhân giống thành công một số loài chim quý hiếm là Thượng tọa Thích Nguyên Đức.

Biết tôi muốn tìm hiểu về sự hình thành khu vườn nuôi chim quý, Thượng tọa Thích Nguyên Đức rất vui vẻ. Thế nhưng ông lại bắt đầu câu chuyện về những bậc thiền sư đã tạo lập, trụ trì ở Hồ Sơn Cổ Tự, đó cũng là nếp quen mỗi khi ông đón tiếp khách lạ mới đến thăm chùa.

Theo sách Kiến trúc Phật giáo Việt Nam của Nguyễn Bá Lăng do Viện Đại học Vạn Hạnh Sài Gòn - 1972, thì Hồ Sơn Cổ Tự đã hình thành hơn 300 năm ở đất Phú Yên. Trên đường hành đạo vào năm 1702, vị thiền sư Tế Căn vốn là đệ tử của tổ sư Liễu Quán thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 36 đã dừng chân ở đây tạo lập ngôi chùa trên khu đất có hình rồng, kiến trúc xây dựng mang nét vẻ cổ xưa huyền bí, nhiều bảo vật có giá trị vẫn còn lưu giữ rất cẩn trọng.

Đặc biệt nơi đây đã tìm thấy một tượng Phật nung bằng đất sét, theo cố Giáo sư Trần Quốc Vượng, tượng Phật này có niên đại từ thế kỷ thứ VI đến thế kỷ thứ VII.

Thời trước chùa mang tên Cổ Tích Hồ Sơn Tự gồm 13 mẫu tự, nhưng khi trùng tu chánh điện và tiền đường vào năm 1984, biển tự đã được rút gọn còn 9 mẫu tự, đó là Hồ Sơn Cổ Tự. Tính đến nay đã có 17 lượt nhà sư nối tiếp nhau trụ trì ngôi chùa này.

Bước ra phía tiền sảnh, khách viếng thăm chùa sẽ bắt gặp ở bên trái là một khu vườn nhỏ rợp mát bóng cây xanh, suốt ngày rộn rã tiếng chim quý hiếm có tên trong Sách Đỏ như chim công, chim trĩ đỏ, gà sao... Khi tôi tới cạnh khu vườn, những con chim công với bộ lông nhiều màu sắc rực rỡ từ dưới đất bay vội lên những cành cây.

Nhưng khi Thượng tọa Thích Nguyên Đức mở cổng khu vườn bước vào, ném một nắm ngũ cốc trên sân đất, thì đàn chim công lại đáp xuống quanh ông để nhặt thức ăn một cách thân thiện.

Thượng tọa Thích Nguyên Đức chăm sóc chim công, chim trĩ đỏ.

Ôm lấy một con chim công 3 tuổi, ông kể lại: “Thú thật, chuyện tôi nuôi và nhân giống một số loài chim quý hiếm rất tình cờ. Trước khi miền Nam giải phóng, tôi vừa tu hành, vừa làm giáo viên ở Trường tư thục Bồ Đề, nay là Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi ở phố Trần Hưng Đạo, TP Tuy Hòa.

Hơn 10 năm trực tiếp đứng trên bục giảng dạy bộ môn sinh vật, tôi đam mê và yêu quý các loài chim thú, nhưng thời gian cuốn hút công việc giảng dạy văn hóa và hành đạo nên lúc đó tôi không dám nghĩ tới chuyện tạo lập một vườn chim thú quý hiếm.

Tình cờ, cuối mùa đông năm 1976, tôi gặp một cậu thanh niên quê ở miền núi huyện Sơn Hòa cùng một vài người bạn đang tính giết thịt một con chim công bị thương ở cánh mà họ vừa bắt được. Thấy con chim công đẹp, hơn nữa mình là bậc tu hành, nên tôi lựa lời khuyên can không nên giết thịt và ngỏ ý thuyết phục cậu thanh niên nọ nhượng lại.

Tôi ôm con chim công về tới chùa, lấy thuốc chăm sóc vết thương rồi thả rông trong vườn để nuôi dưỡng. Dần dà con chim công hồi phục sức khỏe, sáng sớm bay ra phía đồng ruộng ở gần chùa tìm kiếm thức ăn tự nhiên, đến trưa chiều trở về khu vườn.

Một buổi chiều sau nhiều năm lưu trú trong vườn chùa, tôi không thấy con chim công trở về như thường lệ, nên đi tìm, lòng thầm mong con chim đã bay về núi, không ngờ nó chết ngoài bờ ruộng do trúng độc thức ăn có thuốc trừ sâu. Mấy ngày liền tôi tiếc ngẩn ngơ”.

Khoảng đầu năm 1992, Thượng tọa Thích Nguyên Đức mua được một con chim công mái do một người dân bắt được ở tận miền núi Krông Pa, tỉnh Gia Lai mang về xuôi để bán. Hì hục suốt mấy ngày liền, ông giăng lưới khép kín vườn cây để thả nuôi con chim.

Chiều chiều, vị Thượng tọa ngắm nhìn con chim công và cảm nhận nét buồn của nó trong mỗi bước đi lầm lũi. Biết con chim nhớ bạn, nhớ rừng, nên ông tính đến chuyện tìm mua một con công trống vừa nuôi cho con chim công mái có bạn, vừa thử nhân giống loài chim quý hiếm này.

Tuy nhiên, để tìm được một con công không phải là chuyện dễ, Thượng tọa Thích Nguyên Đức đã phải nhờ người quen và các đạo hữu tìm kiếm. Phải chờ đợi 4 năm liền ông mới mua được con chim công trống vào độ cuối hè năm 1996.

Ngoài thời gian hành đạo phụng sự Phật pháp, Thượng tọa Thích Nguyên Đức đã dành công sức để chăm nuôi đôi chim công. Ông dò hỏi từ các đạo hữu, rồi vào thư viện để tìm kiếm, tra cứu những tập sách hướng dẫn cách chăm sóc, thuần dưỡng và nhân giống chim thú quý hiếm. Đáp lại công sức nuôi dưỡng của vị Thượng tọa, hơn một năm sau con công mái đẻ trứng, ông lót ổ và mượn gà để ấp trứng công.

Đến tháng ba âm lịch năm 1998, 4 chú chim công con đầu tiên lần lượt chào đời cất tiếng kêu líu ríu trong khu vườn chùa Hồ Sơn Cổ Tự đã khiến cho nhiều người phải ngạc nhiên. Cứ thế, đàn chim công được nhân giống mỗi năm từ 20 đến 30 con.

Đến thời điểm này, ngoài số chim công trên 50 con đã được nhà sư biếu tặng một số đạo hữu, nhà chùa trong và ngoài tỉnh, rồi mang vào rừng cấm đèo Cả ở xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa và khu rừng gần đập Đồng Cam xã Hòa Hội, huyện Phú Hòa để phóng sinh nhân dịp tết Nguyên đán và lễ Vu Lan mỗi năm, số còn lại trong vườn chùa trên 20 con.

Không chỉ riêng chim công, mà trong vườn chùa Hồ Sơn Cổ Tự còn có đàn gà sao, chim trĩ đều do Thượng tọa Thích Nguyên Đức tìm kiếm, nuôi dưỡng, nhân giống và phóng sinh mỗi năm trên dưới chục con.

Ông tâm sự: “Khi thấy chim công sinh trưởng ổn định, tôi lại nảy ra ý tưởng tạo lập một khu vườn sinh học đa dạng, nên tìm kiếm, bổ sung một số loài chim quý hiếm khác. Tuy nhiên, pháp luật đã nghiêm cấm săn bắt tất cả các loài chim, thú quý hiếm, đặc biệt là những loại chim, thú có tên trong Sách Đỏ, nên sự có mặt của loài chim trĩ đỏ và gà sao trong khu vườn này cũng rất tình cờ”.

Tháng 1/1998, Thượng tọa Thích Nguyên Đức cùng một số nhà sư ở Phú Yên vào Đồng Nai, TP HCM để bàn việc đạo pháp với một số nhà sư khác.

Buổi sáng, vị Thượng tọa tha thẩn ra phố bắt gặp một người dân đang rao bán một đôi gà rừng, ông bước tới xem và phát hiện đó là loài chim trĩ đỏ, nên quyết định mua theo giá người bán đưa ra.

Mang đôi chim trĩ đến gửi ở chùa Long Thành được mấy ngày, thì con mái sổng chuồng bay mất, ôm con trống vượt hơn nửa ngàn cây số về tới vườn chùa Hồ Sơn Cổ Tự nuôi dưỡng được ba tuần, thì mấy đứa trẻ con tò mò cắt lưới chui vào chọc phá, nên con trống bay mất luôn.

Ngược xuôi phương Nam năm, bảy lần, Thượng tọa Thích Nguyên Đức mới tìm mua được một cặp chim trĩ đỏ khác. Lần này ông ôm cặp trĩ đỏ lên xe tốc hành về Tuy Hòa. Nuôi dưỡng gần một năm thì chim trĩ mái đẻ trứng. Không thấy nó ấp, ông lấy mớ trứng gửi vào ổ... gà ri. Lứa đầu, 4 chú trĩ con nở đều trong một ngày khiến cho vị Thượng tọa quên luôn cả bữa ăn trưa.

Lúc chúng tôi đến chùa, ông đang bắt 18 con chim công, chim trĩ và gà sao biếu tặng cho một số đạo hữu ở Tuy Hòa, Nha Trang, Qui Nhơn và hai ngôi chùa Dương Long ở xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên, chùa Quan Thế Âm ở quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng, nên khu vườn chỉ còn 12 con chim công, 4 con chim trĩ và 6 con gà sao giống. Ròng rã 10 năm qua, Thượng tọa Thích Nguyên Đức đã nhân giống và nuôi dưỡng thành công trên 70 con chim công, 26 con chim trĩ và 31 con gà sao.

Giữa lúc không ít kẻ đang lén lút vào rừng săn bắn động vật hoang dã bán cho các quán ăn đặc sản, thì Thượng tọa Thích Nguyên Đức tâm nguyện lập vườn chim quý hiếm tập trung công sức nuôi dưỡng, nhân giống những loài chim có tên trong Sách Đỏ để biếu tặng cho một số nhà chùa và đạo hữu quả là chuyện đáng ghi nhận và trân trọng

Phan Thế Hữu Toàn
.
.
.