“Trường tranh” Ngô Xuân Bính
- Giới họa sĩ tìm cách chống "đạo tranh"
- Họa sĩ Nguyễn Quốc Thái: Những cung bậc của “chiến tranh và hòa bình”
- Khi họa sĩ quyết liệt với nạn đạo tranh
Đắm chìm vào “trường tranh” - không gian suy tưởng của hình và sắc, chợt nhận ra sự sáng tạo bất thường ấy có được bởi cái thiêu đốt bên trong của năng lượng bị dồn nén” - còn nhớ Họa sĩ Đào Hoàng Long đã nói với tôi như thế, tại triển lãm tranh “Du & Dội”, tổ chức năm 2017 của giáo sư - viện sĩ - Họa sĩ Ngô Xuân Bính.
Người con xứ Nghệ
Ở trong nước, nhiều người biết đến ông với vai trò Võ sư Chưởng môn phái võ Nhất Nam, là tác giả của 5 tập sách “Nhất Nam căn bản” với hàng nghìn trang viết, trong đó 2 tập sách đầu đã đạt giải Nhất tại Triển lãm sách Thể dục thể thao Quốc tế ở Ba Lan (năm 1985).
Họa sĩ Ngô Xuân Bính. |
Công lao của ông là làm hồi sinh dòng võ Hét đặc dị có từ ngàn xưa, phát tích ở miền Thanh - Nghệ (Châu Ái, Châu Hoan cổ), thành một môn võ có tính quy mô và tổ chức cao. Suốt mấy mươi năm qua, ông đã dành mọi tâm huyết để “hoằng dương môn pháp”, đưa võ Nhất Nam - di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của Việt Nam ra nhiều nước trên thế giới. Học trò của ông khắp các châu lục.
Một sự kiện khác của ông cũng gây được tiếng vang, đó là đêm nhạc “Ân khúc - Giao hòa” diễn ra tối 24-1-2015 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, với những ca khúc do 10 nhạc sỹ nổi tiếng phổ thơ Ngô Xuân Bính.
Từ đây, công chúng mới biết thêm về ông với tư cách một thi sĩ, là tác giả của 7 tập thơ đã xuất bản như: “Sấp ngửa bàn tay”, “Giao hòa lắng nghe”, “Cánh đồng tiềm thức”, “Cánh đồng thao thức”, “Cánh đồng tri ân”... , mỗi tập thơ dày từ 300-500 trang, gồm hàng nghìn bài thơ giàu tính tư tưởng và triết lý sâu sắc.
Thơ của ông đã giao hòa với nhạc điệu và truyền cảm hứng để các nhạc sĩ chắp cánh thành nhạc phẩm.
Tại Liên bang Nga và các nước Baltic – nơi ông làm việc gần 30 năm qua, tên tuổi của bác sĩ Ngô Xuân Bính được ghi nhận ở tầm quốc gia. Theo đánh giá của Quỹ Tổng thống Yeltsin, tỷ lệ chữa bệnh thành công bằng phương pháp châm cứu theo y học dân gian Việt Nam của ông lên tới hơn 97%.
Với thành tựu trong nghiên cứu và thực hành y học, ông là người thứ 55 trên thế giới được Liên Hiệp Quốc trao tặng Huân chương cao quý Nicolai Peregov (năm 2010), vì những “đóng góp lớn lao và đặc biệt vào nền y tế nhân loại” – (từ trong nguyên văn). Ông chính thức được phong hàm Giáo sư y học dân gian, Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học tự nhiên châu Âu.
Công việc hiện nay của ông là khám chữa bệnh, nghiên cứu khoa học, giảng dạy y tế và phát triển môn phái võ Nhất Nam ở châu Âu. Những năm qua, ông tiếp tục cho xuất bản các công trình khoa học đồ sộ về châm cứu của mình, trong đó có tác phẩm “Cao huyết áp - Các chứng liên đới” (tập 1, chuyên khoa châm cứu) với 1.556 trang viết.
Cuốn sách đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) đưa vào kỷ lục Việt Nam vào năm 2014. Tính đến nay, ông đã có gần 20 đầu sách đã xuất bản ở các lĩnh vực: y tế, võ thuật, thi ca…
Một địa hạt khác ghi nhận những cống hiến của ông, đó là hội họa. Là một họa sĩ tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội, nguyên giảng viên môn “Lý luận hội họa” tại Trường Đại học Sư phạm nghệ thuật Hà Nội, niềm đam mê sáng tạo luôn bỏng cháy trong ông, bên cạnh tình yêu với khoa học, võ thuật, thi ca.
Trong thời gian ở hải ngoại, họa sĩ Ngô Xuân Bính đã đoạt nhiều giải thưởng mỹ thuật cao quý. Năm 2006, ông đoạt giải ARTIADA - Giải xuất sắc của Triển lãm Nghệ thuật tại Liên hoan Nghệ thuật tổng hợp quốc tế lần thứ 7 tại Moscow (Nga).
Năm 2008, tại Liên hoan quốc tế “Truyền thống và hiện đại” tổ chức tại Moscow, ông đã đoạt giải xuất sắc và được bình chọn là một trong 10 hiện tượng “Hội họa trong tháng”, đồng thời được báo Nga – Mỹ bình bầu là “Họa sĩ của năm”.
Đặc biệt, năm 2010, họa sĩ Ngô Xuân Bính là 1 trong 2 người nước ngoài duy nhất được Viện Hàn lâm nghệ thuật tạo hình Liên bang Nga trao tặng danh hiệu "Viện sĩ danh dự". Tính đến nay, ông đã có 3 lần triển lãm tranh ở Minsk, 3 triển lãm cá nhân ở Moscow và 2 triển lãm cá nhân ở Việt Nam.
Giải tỏa năng lượng
Xưởng vẽ của Họa sĩ Ngô Xuân Bính tại khu đô thị Royal City (Hà Nội) luôn rộn rã tiếng nói cười của bầu bạn, đồng nghiệp trong giới mỹ thuật, cùng đám học trò võ Nhất Nam… mỗi dịp ông về nước. Diện tích 2 căn hộ đã đục thông nhau không hề nhỏ, nhưng trở nên chật chội vì số lượng tranh của ông quá lớn.
Tranh của họa sĩ Ngô Xuân Bính. |
Vài trăm bức đã vẽ xong, đóng khung, vài chục bức đang vẽ dở dang… luôn là thứ chúng tôi nhìn thấy khi đến thăm thầy. Có lần, tôi tò mò hỏi ông sáng tác số tranh ấy trong bao lâu, ông tủm tỉm bảo: “Đừng kể với ai là thầy vẽ số tranh này trong vài tháng đấy nhé”!
Sức sáng tạo của ông đã khiến nhiều người kinh ngạc, bởi gia tài tranh của một đời họa sĩ, có vài chục bức chất lượng đã là cố gắng lớn. Có thể thấy điều này qua Triển lãm tranh chủ đề “Du&Dội”, tổ chức chung với Họa sĩ Lê Văn Thìn vào ngày 9-11-2017 tại Bảo tàng Hà Nội. Cá nhân ông mang tới triển lãm hơn 200 tác phẩm khổ lớn, với nhiều thể loại, chất liệu, mà đều là tranh ông mới vẽ cách đó ít lâu.
Qua các tác phẩm lấy ý niệm từ chuyện cổ tích và huyền thoại trong kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam, như “Tiềm thức”, “Hoang dại”, “Vân tranh”, “Lên đồng”, “Hớp hồn”, “Bí ẩn”… ông đã cho người xem thấy được sự phong phú trong đời sống tâm hồn, sức sáng tạo đầy bất thường hiện ra qua sự mới mẻ của ngôn ngữ tạo hình. Xem tranh của ông, có thể cảm được sự đồng nhất với khí chất và tâm hồn. Từng nét vẽ là chừng ấy tâm tư, tình cảm ông đặt vào trong đó, tranh như hiện thân của chính ông vậy.
Thầy trò tâm giao, ông kể đã nhiều đêm “trốn ngủ”, thâu đêm suốt sáng bên cây cọ, bảng màu… để khơi thông nguồn năng lượng bị kìm nén, kiềm tỏa bên trong. Ông vẽ như trong trạng thái thiền, như vô thức, để những cảm xúc tuôn trào ồ ạt như dung nham núi lửa… đẩy cọ đi, để những sáng tạo bất thường chợt xuất thần trong từng tác phẩm.
Ông kể rằng khi vẽ dòng năng lượng sống hừng hực bên trong thúc đẩy ông tái hiện những quy luật tự nhiên bằng ngôn ngữ tạo hình. Với ông, vẽ tranh là một sự may mắn, khi ông biết cách yêu, và yêu đến tận cùng. Hội họa đã giúp ông thể hiện được nội tâm, nói ra được những điều sâu lắng bên trong.
Ông nói: “Đối với tôi, trong hội họa, đặc biệt là trong vẽ tranh sơn mài, yếu tố cảm xúc là vô cùng quan trọng, hay còn gọi là “lên đồng” trong lúc vẽ. Chỉ có những lúc xuất thần con người ta mới tìm ra được những cái bất thường, những thứ khác lạ không bị trộn lẫn với những thứ khác. Như vậy khi tác phẩm ra đời, mình mới cảm thấy “sướng”.
Giải thích về những nỗ lực trong lao động nghệ thuật của mình, ông nói: “Làm việc mà không từ tình yêu, đối với tôi, không khác gì khổ sai. Khi tôi đã làm việc gì đó là phải làm đến cùng, không làm một cách chung chung mà phải biết lật lại vấn đề. Không chỉ riêng tôi, mà bất kỳ ai muốn đạt đến cái ngưỡng đỉnh cao nói chung và đỉnh cao của nghệ thuật nói riêng thì hãy làm việc hết mình”.
Bạn đời của ông, cô Lena - người phụ nữ Nga đôn hậu, một cao thủ Nhất Nam, dù thương yêu ông hết mực, dù say tranh chồng vẽ, nhưng trước việc ông trốn ngủ đi vẽ hằng đêm, cô đã xin ông hãy thương con mà đừng thức trắng thế.
Tìm lối đi riêng
Họa sĩ Ngô Xuân Bính theo đuổi chất liệu sơn mài. Theo ông, sơn mài là một chất liệu truyền thống, nhưng luôn cần sự cải tiến, nghiên cứu, sáng tạo. “Kỹ thuật vẽ sơn mài được các bậc thầy Trường Mỹ thuật Đông Dương sáng tạo và tiếp tục được các học trò tài hoa phát triển. Cuộc cách mạng về chất liệu mang tính bắt buộc của sơn mài sẽ giúp nghệ thuật tranh sơn mài, cũng như hàng mỹ nghệ... phát triển”.
Ông nhận định cuộc cách mạng trên chất liệu sơn mài đầy xung đột, thử thách, không chỉ là những cải tiến về màu sơn truyền thống, cùng chất phụ gia, vóc… mà nó còn đến từ những giằng xé giá trị giữa nghệ thuật truyền thống và ngôn ngữ nghệ thuật đương đại. Bản thân ông không chỉ tiên phong trong việc tìm tòi cách vẽ mới, mà còn đi đầu trong việc thực nghiệm tranh sơn mài trên các chất liệu mới, như nền tấm nhựa, toan…, được giới chuyên môn và công chúng đánh giá rất cao.
Từng phát biểu tại buổi khai mạc triển lãm tranh “Du&Dội”, bà Natalia Alekseievna Bazenova - Chủ tịch Trung tâm sáng tạo “Akvarins” (Nga) đã nói: “Sự lột xác trong nhận thức nghệ thuật đã được biết đến từ thời cổ đại Hy Lạp, nhưng không phải họa sĩ nào cũng dám giải quyết bài toán tham vọng to lớn choáng ngợp này.
Theo cảm nhận của riêng tôi và với sự quan sát người xem triển lãm: Họa sĩ Bính, đã là người đủ sức để làm nên những việc biến đổi lớn lao, chính sự nhận thức đầy đủ về thế giới xung quanh và kiến văn sâu sắc về việc xây dựng đời sống tinh thần của cá nhân và cộng đồng, đã đưa đến cho họa sĩ những sáng tạo bất thường, để tạo nên những bức tranh bất thường; đặc biệt, có tác dụng như một phép lạ xuyên thấu đến người xem”.
Kể về bút pháp của mình, ông bày tỏ: “Hiện nay có hàng trăm nhà sơn mài, tự nhiên có một phong cách không giống người khác, không bị người khác chi phối là cả một vấn đề. Vì thế, tôi luôn theo dõi từng dòng chảy của hội họa và tự tìm cho mình một lối riêng.
Tranh sơn mài với tôi là tình yêu, tình yêu này mang cho tôi nhiều xúc cảm để tạo ra sự đột phá khác biệt. Cái khác biệt ở đây không chỉ tiếp thu lối vẽ "âm" dùng mài để thể hiện cảm xúc, màu sắc, đường nét, còn mạnh dạn kết hợp lối vẽ của phương Tây, diễn tả trực tiếp cảm xúc, màu sắc đường nét bằng cách vẽ đắp vào, bôi vào... tạo thành lối vẽ “dương””.
Hiện nay xu hướng mai một dòng tranh sơn mài ở Việt Nam là một thực tế. Họa sĩ Ngô Xuân Bính giải thích đó là vì nhiều người không có đủ điều kiện sống, nên vẽ tranh theo kiểu thương mại, do vậy tác phẩm không chất lượng, không thể đạt đến đỉnh cao.
Để bảo tồn và phát huy được giá trị của tranh sơn mài, các họa sĩ trước hết phải có con đường đi đúng, có định hướng và phương thức tiếp cận đúng. Bản chất của tranh sơn mài phải được biến thành hiệu ứng có tính chất văn hóa, thể hiện được giá trị tinh thần, cho nên nếu suy nghĩ làm tranh vì thương mại thì nghề tranh sơn mài sẽ trượt dốc.
Để bán được loại tranh này, phải biến nó thành giá trị văn hóa, giá trị ngành nghề, biến thành một thị trường khác từ vấn đề chất lượng cao cho đến ứng dụng có tính chất trực tiếp. Đồng thời, cần đưa chương trình giảng dạy vào các trường đại học cho sinh viên định hướng, các hội nên có nhiều triển lãm và các hội thảo bàn về tranh sơn mài. Như vậy lớp người trẻ sẽ nhận thức đúng được giá trị của văn hóa.
“Chúng ta nên đầu tư đến chất liệu, tạo ra những chất liệu công nghệ mới để tranh sơn mài bền hơn và lưu giữ, bảo tồn được lâu hơn” – họa sĩ Ngô Xuân Bính tư vấn.