Thịt chó thời... "thổ... tả" (!)

Thứ Tư, 27/05/2009, 22:40
Trong những ngày đầu tiên sau khi lệnh cấm giết mổ, tại thôn Ỷ La và thôn La Dương (Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội) vẫn còn hiện tượng một số cửa hàng lén lút mổ và bán thịt chó. Các nhà hàng không mở cửa và không phục vụ thực khách tại quán nhưng các mối quen và gọi điện thoại đặt hàng thì vẫn mổ và phục vụ.

“Làng thịt chó” băn khoăn về “nguồn gốc chó”

Chúng tôi có mặt tại “làng thịt chó” Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội - nơi được xem là một trong những “nguồn cung” lớn nhất cho cả thủ đô. Dương Nội nổi tiếng là nơi giết mổ thịt chó với lượng lớn rồi phân phối đi các nhà hàng tại Hà Nội.

Đúng là có dịch có khác, mọi hoạt động ở làng Dương Nội kém tấp nập hẳn. Các “đại lý” thịt chó hoặc đóng kín cửa, nhân viên cùng chủ quán vác ghế ra cửa ngồi ngáp vặt giết thời gian.

“Lệnh cấm vận” được ban ra từ ngày 16/5/2009, sau khi Sở Y tế Hà Nội phát hiện khuẩn tả trong thịt chó tại 2 thôn Ỷ La và La Dương (xã Dương Nội). Trong 6 mẫu thịt chó và phân chó của 4 cơ sở giết mổ tại xã Dương Nội, quận Hà Đông. Kết quả xét nghiệm cho thấy, 5/6 mẫu dương tính với phẩy khuẩn tả. Các cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra các hộ giết mổ kinh doanh thịt chó trên địa bàn xã cũng cho kết quả 100% các hộ đều không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Chúng tôi vào nhà hàng Hồng Thơm hỏi mua thịt chó, bà chủ quán tên Thơm thậm chí còn không thèm đon đả như mọi ngày: “Cấm hết rồi chú ạ! Bán giờ này người ta phạt cho à. Độ nửa tháng nữa may ra mới mổ được, lúc đó các chú quay lại”.

Tham khảo qua một loạt các nhà hàng lớn như Phương Hà, Trung Nguyên... cũng đều gặp cảnh đìu hiu. Và hầu như tất cả các chủ lò mổ ở đây đều kêu ca vì chuyện: lâu nay vẫn mổ có sao đâu, đến khi có dịch, các cơ quan chức năng mới hỏi nguồn gốc của chó!

Nhà hàng Hồng Hạnh khi chưa có dịch, mỗi ngày ngoài việc phục vụ hàng trăm thực khách ăn tại quán còn mổ hàng chục con chó “rải” lên các nhà hàng ở Hà Nội. Chị Hạnh, chủ quán phàn nàn: “Cấm thì chúng tôi đành chịu thôi chứ làm sao mà tra được nguồn gốc của chó”.

Chủ quán thịt chó gần đó rỗi việc cũng chạy sang góp chuyện: “Một năm mà làm vài đợt thế này chắc phải chuyển nghề mất. Lương người làm vẫn phải trả đều mà mối hàng thì mất”. Theo như người này thì vẫn có nhà hàng trên Hà Nội yêu cầu cung cấp hàng và mình chấp hàng lệnh cấm giết mổ thì đương nhiên là “mất khách”.

Theo khảo sát của chúng tôi, trong những ngày đầu tiên sau khi lệnh cấm giết mổ, tại thôn Ỷ La và thôn La Dương vẫn còn hiện tượng một số cửa hàng lén lút mổ và bán thịt chó. Các nhà hàng không mở cửa và không phục vụ thực khách tại quán nhưng các mối quen và gọi điện thoại đặt hàng thì vẫn mổ và phục vụ. Chỉ có cái khác là thịt chó mổ xong, vận chuyển ra đường phải kín đáo, “ngụy trang” một tý. Vậy nên mới còn cảnh bên ngoài các nhân viên y tế dự phòng đi phun thuốc sát khuẩn, các phương tiện truyền thông tuyên truyền ầm ầm mà ở trong các nhà hàng vẫn lén lút mổ chó phục vụ khách.

Cho đến ngày 18/5, PV ANTG thử gọi điện đến một loạt các cửa hàng như Hải Hồng, Phương Hà... đều nhận được lời hẹn... đến tháng sau. Một số làm nghề xe ôm ở đầu xã Dương Nội cho chúng tôi biết, nếu không phải là khách quen thì có gọi điện người ta cũng không mổ vì sợ bị các cơ quan kiểm tra cài bẫy.

Nhiều gia đình ở đây còn “minh chứng sự chấp hành nghiêm túc” của mình bằng cách vác hẳn lồng nhốt chó ra trước nhà và mở cửa để các các cơ quan chức năng đỡ nghi ngờ.

Ông Trịnh Như Hà, Phó chủ tịch UBND xã Dương Nội cũng cho biết, từ ngày 15/5, UBND xã đã có Thông báo số 53 TB/UBND về việc tạm đình chỉ kinh doanh buôn bán giết mổ, vận chuyển chó và sản phẩm từ thịt chó trên địa bàn xã. Thông báo này xã đã chuyển đến 30 hộ giết mổ, chế biến thịt chó sống để tạm dừng kinh doanh. Theo ông Hà thì xã vẫn thường xuyên kiểm tra và không phát hiện có cơ sở nào vi phạm.

Quán thịt chó duy nhất tại Tây Mỗ chiều ngày 17/5.

Cho đến trước khi lệnh cấm giết mổ chó được ban hành, xã Dương Nội đã có 38 người mắc các chứng tiêu chảy, trong đó có nhiều bệnh nhân đang nằm trong diện nghi ngờ nhiễm phẩy khuẩn tả.

Ông Trịnh Như Hà cho biết thêm, xã Dương Nội đã phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng quận Hà Đông thực hiện các biện pháp vệ sinh, khử trùng, phun dung dịch Cloramin B 5%. Những người đã tiếp xúc với bệnh nhân tiêu chảy được cho uống kháng sinh dự phòng.--PageBreak--

Vẫn “điếc không sợ súng”!

Ở làng Dương Nội im ắng bao nhiêu thì “hàng xóm” là Tây Mỗ, Từ Liêm lại nhộn nhịp bấy nhiêu. Kỳ lạ là sự nhộn nhịp này lại được tạo ra bởi chỉ một hàng bán thịt chó duy nhất còn trụ lại. Hàng chục quán thịt chó ở Tây Mỗ đã “gác thớt” mấy ngày nay và duy chỉ một quán vẫn bày bán và khách thì đông đến lạ thường.

Chúng tôi cũng ghé vào “thực tế” bằng cách mua mấy cân thịt chó nhưng vẫn bị chủ hàng cười khẩy: “Mua thịt chó mà cũng phải đeo khẩu trang à. Sợ chết thì đừng có ăn!”. Rồi bà nhanh chóng “trấn an” vì sợ “mất khách”: “Người ta nói thế thôi chứ bệnh tả nó chỉ lây qua đường ruột, tôi bỏ hết nội tạng rồi. Thịt luộc chín rồi không sao đâu. Rau thì nhúng qua nước muối là ăn được tuốt. Với lại chó nhà tôi là chó nhà, có làm sao đâu”.

Khi chúng tôi rút máy ảnh ra chụp thì bà giật ngay túi thịt chó trên tay đồng nghiệp của tôi rồi giơ dao lên chỉ chỉ rồi chặt đồm độp vào thớt đe dọa: “Mua không mua thì thôi. Các ông không ăn để người khác người ta ăn. Chụp cái gì mà chụp”.

Chính hàng thịt chó này sau đó một ngày đã bị đoàn kiểm tra của Trung tâm Y tế Hà Đông bắt gặp. Chủ hàng này giải thích với đoàn kiểm tra là “chó nhà, không phải chó mua nên rất an toàn”.

“Dân nhậu” Hà Thành lén lút tìm “chó dạo”

Trong khu vực nội thành Hà Nội, những quán như Thanh Đỏ ở dốc Hàng Than hay Tú Béo ở đường Âu Cơ cũng buồn hiu buồn hắt. Những quán này thường ngày rất đông khách thì nay chỉ chủ và nhân viên ngồi tán phét với nhau cho qua ngày. Các phố như Nhật Tân, Tam Trinh... các quán thịt chó hoàn toàn đóng cửa.

Tuy nhiên, tại một số chợ cóc, chợ tạm lác đác vẫn có hàng thịt chó bày bán (thịt chó sống cũng như thịt chó đã qua chế biến). Thật ngạc nhiên vẫn có người “điếc không sợ súng” tìm đến mua như thường. Một số chủ quán “lách luật”, tránh các cơ quan kiểm tra bằng cách chở thịt chó sau xe đi bán rong như người ta vẫn thường bán tào phớ...

Tại khu vực cầu Lủ, quận Thanh Xuân, chúng tôi bắt gặp một quầy “thịt chó di động” như vậy và thật ngạc nhiên khi xe dừng lại vẫn có nhiều người xúm vào mua. Anh Bùi Minh Ngọc, một người dân trong khu vực Hoàng Đạo Thành cười xí xóa khi chúng tôi hỏi: “Bác không ngán phẩy khuẩn tả à?”: “Nghe báo đài tuyên truyền cũng sợ lắm, nhưng mấy anh em ngồi với nhau, không có cái món này, e nhậu không trôi. Chắc luộc kỹ là vẫn xơi được, với lại có rượu diệt khuẩn rồi cũng yên tâm”.

Nếu anh Ngọc biết được các công đoạn chế biến “mộc tồn” ở các lò mổ thì không biết anh có dám ăn hay không? Ví dụ như ở một số lò mổ tại Dương Nội, sau khi thui, chó được tẩy rửa bằng dung dịch dùng làm nước rửa xe máy. Lý luận kiểu “con nhậu” như vậy thì chúng tôi cũng đành “chào thua” - mong sao cho anh Ngọc và các “bạn nhậu” không đen đủi vướng phải dịch bệnh mà cả nước đang lo lắng phòng ngừa.

Theo ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường - Bộ Y tế, ngoài thủ đô Hà Nội đến nay bệnh nhân đã xuất hiện tại Nam Định, Hải Phòng, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương, Thanh Hóa... và mới nhất là Ninh Bình. Cục Y tế dự phòng đang tìm các biện pháp phối hợp với các cơ quan chức năng tại từng địa phương đối phó tránh không cho dịch lây lan qua nguồn thức ăn, nguồn nước. Theo ông Nga thì trước tiên, các ổ dịch như Dương Nội sẽ bị khoanh vùng trong khoảng 15 ngày, chờ đến khi kiểm soát được tình hình.

Cũng theo số liệu từ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Thanh Hóa dịch tiêu chảy cấp đã lan ra ít nhất 6 huyện, thị, thành phố với 13 bệnh nhân dương tính với phẩy khuẩn tả. Nhằm tìm kiếm và xác định nguồn chính gây ra dịch tiêu chảy cấp, Viện Vệ sinh dịch tễ TW cũng đã phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Thanh Hóa về xã Thành Lộc, huyện Hậu Lộc để giám sát và lấy mẫu bệnh phẩm trên đàn chó. Đây là địa bàn có gần 40 hộ chuyên kinh doanh chó, cung ứng chó sống cho toàn miền Bắc.

Tại Hải Phòng đã có 16/33 trường hợp tiêu chảy cấp được xác định dương tính với phẩy khuẩn tả. Hầu hết các trường hợp đều có liên quan đến thịt chó, rau sống, nước đá. Tuy nhiên, hiện chưa  tìm thấy vi khuẩn tả qua kiểm tra mẫu nước, thịt chó, rau sống...

Ngày 17/5, thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Thái Bình: theo xét nghiệm ban đầu, 3/7 trường hợp mắc tiêu chảy cấp tại địa phương mắc tả. 3 trường hợp trên làm việc tại Hà Nội, sau khi ăn thịt chó, cơm bình dân và về địa phương thì có biểu hiện bệnh.

Cũng trong chiều 17/5, tại Cảng Hàng không quốc tế Nội bài cũng đã diễn ra cuộc diễn tập y tế phòng chống khẩn cấp dịch cúm A/H1N1. Tình huống giả định là một chuyến bay có 160 hành khách từ nước ngoài về, nhập cảnh qua sân bay Nội Bài, trong đó, 10 hành khách có thân nhiệt cao. Biện pháp xử lý lập tức được triển khai: 10 hành khách được cách ly. Nhiều khả năng, cũng sẽ có một đợt diễn tập với tình huống tương tự nhưng là với phẩy khuẩn tả

Hoàng Thắng
.
.
.