Tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc: Rác hay không rác?

Thứ Ba, 05/05/2015, 13:05
Tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc đang lên “cơn bão” trong giới trẻ. Kéo theo đó là “cơn bão” tranh luận trong giới phê bình văn học. Nhiều ý kiến “ném đá”, thậm chí rộ lên chiến dịch tẩy chay, coi sách ngôn tình như rác rưởi của văn học và thị trường sách. Vậy ngôn tình có thực sự là rác, hay thực ra nó cũng thể hiện một mặt nhu cầu nhất định của một lớp người, nhất là khi phim điện ảnh, truyền hình chuyển thể từ ngôn tình đang ngày càng nở rộ?

“Bão” ngôn tình

Ngôn tình hiểu nôm na là chuyện tình yêu. Theo TS Trần Lê Hoa Tranh, Phó trưởng Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, nếu cắt nghĩa như vậy thì các tác phẩm "Kiếp sau", "Em ở đâu", "Nếu em không phải một giấc mơ"… của nhà văn người Pháp Marc Levy hay "50 sắc thái" của nhà văn người Anh E.L.James cũng là dạng tiểu thuyết ngôn tình. Tuy nhiên, dòng tiểu thuyết ngôn tình của Trung Quốc có nguồn gốc và những nét đặc trưng cơ bản.

TS Trần Lê Hoa Tranh bàn rằng, lúc đầu, Trung Quốc có dòng tiểu thuyết tài tử giai nhân. Đến đầu thế kỷ XX, xuất hiện tiểu thuyết uyên ương hồ điệp. Bấy giờ, tiểu thuyết này tràn sang Việt Nam cũng mạnh mẽ, ồ ạt như ngôn tình bây giờ. Người Việt đua nhau đọc "Đa tình hận", "Tuyết hồng lệ sử" của Từ Chẩm Á, thậm chí có người tự tử vì đọc những tiểu thuyết này. Thập niên 60, 70, tiểu thuyết tâm lý xã hội của Trương Ái Linh, Quỳnh Dao… nở rộ, lấy biết bao nhiêu nước mắt của bạn đọc.

Đầu thế kỷ XXI là thời đại của ngôn tình với sự xuất hiện của nhà văn Trương Duyệt Nhiên rồi sau đó mới đến Tân Di Ổ, Cố Mạn, Tào Đình và các tác giả trẻ sau này. Thật ra nó là một kiểu kế thừa, nâng cấp của các dòng tiểu thuyết vừa nêu.

Tên gọi khác nhau nhưng nó đều xuất phát từ một nguồn gốc, đều là tiểu thuyết tình cảm. Mỗi thời đại nó sẽ có những câu chuyện, sắc thái khác nhau nhưng tựu trung,  nó phản ánh chuyện tình yêu trắc trở.

Mô-típ thường thấy của ngôn tình Trung Quốc thế này: Đôi trai gái yêu nhau, một người giàu sang, một người nghèo hèn. Tình yêu của họ liên tục gặp sóng gió, họ vượt qua sóng gió để đến với nhau. Kết thúc thường có hậu!

Đến nay, ngôn tình Trung Quốc phát triển mạnh và chia thành hàng loạt thể loại: xuyên không (nhân vật vượt giới hạn thời gian - không gian), cung đấu (đấu đá, tranh đoạt trong cung đình), huyền huyễn (truyện có yếu tố phép thuật, kỳ ảo), võng du (truyện miêu tả song song cuộc sống ảo trên mạng và ngoài đời thực của nhân vật), đam mỹ (truyện về tình yêu đồng tính nam), cổ đại (mang tính chất cổ xưa)… Sự phân chia này phản ánh các góc cạnh phong phú của đời sống xã hội hiện đại.

Cách đây vài năm, ngôn tình Trung Quốc được dự đoán sẽ bão hòa và có xu hướng tụt lùi, vì cơ bản không có gì mới ngoài những câu chuyện đẫm nước mắt và một đời sống nhung lụa phi thực tế. Nhưng hiện tại cho thấy, nó không bão hòa mà đang gây bão.

Lần giao lưu của tác giả Diệp Lạc Vô Tâm (tác giả của "Chờ em lớn nhé được không", "Động phòng hoa chúc cách vách", "Nụ hôn của sói"...) tại Hà Nội và TP HCM đầu tháng 4 lên cơn sốt trong cộng đồng giới trẻ, nhất là hàng loạt trang hâm mộ trên mạng xã hội Facebook. Khán phòng đông nghẹt độc giả là học sinh, sinh viên. Các em chen chúc mong được trò chuyện, xin chữ ký và chụp ảnh chung với thần tượng.

Tác giả Diệp Lạc Vô Tâm được giới trẻ đón chào nồng nhiệt trong dịp giao lưu tại Việt Nam đầu tháng 4/2015.

Trên các fanfage, các thành viên không ngừng cập nhật nội dung các tiểu thuyết mới nhất cũng như hoạt động của thần tượng. Từng trang của tác phẩm nhanh chóng được những bạn sành tiếng Hoa dịch ra gần như cùng lúc với bản tiếng Hoa mới "ra lò" để nhanh chóng phục vụ các thành viên. Dịch chưa kịp, các thành viên đã kéo nhau lên trang hối thúc. Có độc giả không chờ nổi, mày mò dịch bằng… google đọc cho đã thèm. Vào các nhà sách, quầy bày bán sách ngôn tình bao giờ cũng đông đảo số lượng, được bố trí bắt mắt và dễ quan sát.

So với ngôn tình Trung Quốc, ngôn tình phương Tây ở nước ta hiện nay có rất ít các tác giả và tác phẩm ăn khách. Thêm nữa, tiền bản quyền của các đầu sách phương Tây lúc nào cũng đắt đỏ hơn. Trong khi chỉ cần chút chi phí rẻ mạt là đơn vị làm sách đã có trong tay cuốn ngôn tình Trung Quốc ăn khách, nội dung, văn phong lại gần gũi với văn hóa người Việt.

Số lượng tác giả và tác phẩm ngôn tình Trung Quốc rất nhiều, đa dạng hình thức, thể loại. Nhưng yếu tố thu hút nhất của ngôn tình vẫn là nội dung biến hóa khó lường. Tranh cãi về ngôn tình cũng chủ yếu xoay quanh yếu tố này. 

Còn chưa ngã ngũ

Có nhà văn không ngại ngần đánh giá: "Ngôn tình là "độc dược" của tâm hồn, khuấy động những suy nghĩ thiếu lành mạnh. Nó như một mầm độc len lỏi vào suy nghĩ chưa từng trải, chưa trưởng thành, chưa đủ chín chắn của các bạn trẻ, được bọc trang bằng câu văn bay bổng, duy mỹ, tình yêu viễn tưởng với những nhân vật nam nữ thiếu thực tế... Để nảy chồi lên cả một cây độc, nở hoa độc, ra những quả độc".

Không ít ý kiến đồng tình. Họ cho rằng ai đã nghiện ngôn tình thì không thể hành động như người bình thường. Ngôn tình gieo vào lòng người đọc những mơ mộng hão huyền về một tình yêu quá hoàn hảo, không thật, tệ hơn nữa là tha hóa, biến thái. Các câu chuyện trong ngôn tình nhàn nhạt với văn phong dễ dãi, không có một bài học nào hay ho mà nó chỉ đơn giản là dâm thư trá hình, loại tiểu thuyết “ba xu” Với lo ngại như vậy thì rõ ràng, xu hướng chuyển thể ngôn tình thành phim truyện chẳng khác nào đại dịch bệnh. Ngược lại, nhiều độc giả bức xúc cho rằng nhà văn này đang "vơ đũa cả nắm", đánh giá phiến diện.

TS Trần Lê Hoa Tranh cho rằng ngôn tình thuộc về văn hóa đại chúng. Và dĩ nhiên, những gì thuộc về văn hóa đại chúng đều dễ được đón nhận hơn văn hóa hàn lâm. "Món ăn thì có nhiều loại, người ta có thể chọn món bình dân, món cao cấp. Món nào cũng có cái ngon riêng. Có thể ví ngôn tình như món ăn bình dân, phù hợp với đông đảo công chúng và nó có 3 ưu điểm cơ bản: thứ nhất nó rất dễ đọc, văn phong nhẹ nhàng, dễ theo dõi.

Thứ hai, ngôn tình phù hợp tâm lý của thanh niên. Đa số các truyện hướng tới tình yêu trong sáng, tình yêu cao đẹp không quan tâm tới đẳng cấp, danh lợi, tiền bạc.

Thứ ba, ngôn tình cũng thường hướng người ta đến cái thiện, lý tưởng cao đẹp của tuổi trẻ. Nhưng cái chính là không nhiều tác giả thành công với ngôn tình, tạo nên dấu ấn nghệ thuật và giá trị nhất định" - TS Hoa Tranh nhận xét.

Một số tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc đang "gây sốt" trong giới trẻ.

Dịch giả Dennis Quyên, (nổi tiếng với sách dịch ngôn tình như: "Ai là ai của ai", "Ánh trăng không hiểu lòng tôi", "Bên nhau trọn đời"…) cũng cho hay: "Tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc vẽ ra một xã hội mà những cô gái hay mơ tưởng, ví dụ gặp được một anh chàng điển trai, tài giỏi, nhà giàu, chung thủy… Nhưng nó cũng nêu ra những vấn đề thực tế của xã hội hiện nay chứ không chỉ là viển vông, hoang tưởng. Ngoài ra, những cảm xúc của nhân vật được khắc họa, miêu tả rất thật, khiến chúng ta có thể sống cùng họ, trải nghiệm cùng họ, từ đó có thể học được những điều rất hay và bổ ích.

Mỗi tác giả có một thủ pháp riêng, cách xây dựng nhân vật cũng như cốt truyện khá đặc sắc. Cố Mạn thì trẻ trung, hài hước nhưng không kém phần sâu sắc. Tiên Chanh dí dỏm và khá thực tế. Còn Hoa Thanh Thần lại có một vẻ tươi mới, hóm hỉnh".

Trước những lo ngại về vấn nạn ngôn tình tạo xu hướng lệch lạc, mơ mộng phi thực tế cho giới trẻ, Dennis Quyên cho rằng cái gì cũng có tính hai mặt của nó. "Cũng có thể các bạn nữ sẽ mơ tưởng đến một người đàn ông y hệt nam chính trong ngôn tình, rồi chờ đợi một người hoàn hảo như vậy, nhưng dù sao nó cũng chỉ là một số trường hợp. Hẳn các bạn sẽ phân biệt được đâu là đời thực, đâu là tiểu thuyết".

Trào lưu chuyển thể ngôn tình thành tác phẩm điện ảnh, truyền hình ngày càng nở rộ tại Trung Quốc. Các phim không chỉ có sự góp mặt của những ngôi sao Hoa ngữ mà còn chiêu mộ được các ngôi sao đình đám xứ kim chi như Bi Rain, Dennis O, Song Seung Hun...

Rất nhiều bộ phim tạo nên cơn sốt trên màn ảnh Hoa ngữ mà không cần PR rầm rộ như: "Bên nhau trọn đời", "Yêu em từ cái nhìn đầu tiên" (Cố Mạn), "Hãy nhắm mắt khi anh đến" (Đinh Mặc), "Nhật ký lấy chồng của Tiền Đa Đa" (tác giả Nhân Hải Trung),  "Vị hôn thê" (chuyển thể từ "Trở thành trời xanh biển rộng của em" của  Lam Tiểu Tịch)… Sự chuyển thể này cho thấy nhiều tác phẩm ngôn tình  cũng có câu chuyện hấp dẫn, giàu ngôn ngữ điện ảnh và được đánh giá cao về mặt giải trí.

Ăn khách và sa đà

Ngôn tình là một khuynh hướng văn học thuộc trào lưu văn học đại chúng. Do đó, sự xuất hiện của tác phẩm đỉnh cao không nhiều. Tuy nhiên, nó không có tội vì bản chất của nó vẫn là món ăn bình dân, giải trí nhẹ nhàng. Những năm gần đây, khi các tác giả coi ngôn tình như loại văn chương câu khách, chuộng yếu tố dễ dãi và giật gân dần lấn át những tác giả có tài thì người ta bắt đầu có cái nhìn định kiến về khuynh hướng văn học này?

Trở thành người sáng tác trên mạng rất đơn giản, ai cũng có thể đăng ký. Đầu tiên tác phẩm được đưa lên mạng miễn phí. Sau đó, độc giả phải bỏ tiền mới đọc được. Những tác giả nào càng ăn khách thì số tiền bỏ ra càng nhiều. Nếu số lượng người bỏ tiền ra mua nhiều thì tác giả sẽ in thành sách.

Để dễ viết và câu khách, họ không ngại đưa vào ngôn tình đầy rẫy cảnh nóng, thường gọi là "H văn".  Thậm chí, có sách cổ xúy cho những nội dung lệch lạc như bạo dâm, ấu dâm, cưỡng hiếp, ngoại tình, loạn luân…

Những tác giả nghiệp dư giải quyết các tình huống, xung đột trong chuyện vô cùng nghiệp dư, đôi khi phi lý đến khó chịu. Đại loại như một anh chàng công tử đang ghét cay ghét đắng cô nàng, tìm cách hãm hại cô ta thì đùng một phát trở thành người tốt bụng, yêu cô ta tha thiết.

Văn phong thì cốt kể nhanh để đến cảnh nóng. Những tác phẩm như "Chờ em lớn nhé được không", "Động phòng hoa chúc cách vách", "Nụ hôn của sói", "Thục nữ PK xã hội đen", "Chuyện cũ của Lịch Xuyên", "Bạn trai tôi là sói"...  đầy rẫy các cảnh sex.

Phim "Vị hôn thê" chuyển thể từ tiểu thuyết ngôn tình "Trở thành trời xanh biển rộng của em".

Theo các chuyên gia tâm lý, cái gì càng lạ, càng cấm thì giới trẻ càng muốn tìm hiểu, khám phá. Đặc biệt, lứa tuổi này đang phát triển về sinh lý, tò mò về giới tính nên những cảnh nóng trong ngôn tình đặc biệt cuốn hút.

Điều tai hại là chính tác giả viết ra những cảnh nóng tỉ mỉ, chi li này cũng tự thừa nhận mình không hề có kinh nghiệm gì chuyện chăn gối, và cảnh nóng chỉ là tưởng tượng! Tưởng tượng với thực tế là một trời, một vực. Mà giới trẻ đâu phải ai cũng đủ kinh nghiệm để nhận ra điều đó, hay cứ tưởng những gì tác giả viết đều là thật?! Khi ngôn tình bị đem ra làm lốt cho đủ loại tào lao tạp phẩm, khiêu dâm nhăng nhít thì nó trở nên độc hại, khó lường.

Các bậc phụ huynh và truyền thông phải là người định hướng giới trẻ để họ nhận ra đúng giá trị của sách ngôn tình, chọn đọc tác giả, tác phẩm phù hợp. Và nói như TS Trần Lê Hoa Tranh, sách ngôn tình tràn lan, vàng thau lẫn lộn như bây giờ không phải là lỗi của người đọc mà là lỗi của người làm sách và lưỡi kéo kiểm duyệt.

Mai Quỳnh nga
.
.
.