Phim Việt đảo chiều?

Thứ Tư, 10/07/2019, 07:49
Sau nhiều năm tháng liên tục “mất điểm” bởi sự nhàm chán, lê thê, cũ kỹ, kể cả sự cẩu thả khiến khán giả thờ ơ và không ít nghệ sĩ – người trong cuộc tuyên bố: “không bao giờ xem phim truyền hình Việt Nam”, phim Việt trên màn ảnh nhỏ đang dần lấy lại vị thế của mình.

Chỉ trong một khoảng thời gian không dài, hàng loạt phim truyền hình Việt Nam liên tục lập kỷ lục về nhiều mặt, thu hút sự chú ý của khán giả. Không chỉ có những đề tài gai góc, những bộ phim gây tranh cãi hoặc bị cho là ê kíp thực hiện cố tình để người xem tranh cãi nhằm kích thích và gây sự chú ý với số đông, nhiều bộ phim quay về với những đề tài tưởng chừng cũ kỹ nhưng vẫn khiến người xem hồi hộp, đợi chờ. 

Sau nhiều năm tháng liên tục “mất điểm” bởi sự nhàm chán, lê thê, cũ kỹ, kể cả sự cẩu thả khiến khán giả thờ ơ và không ít nghệ sĩ – người trong cuộc tuyên bố: “không bao giờ xem phim truyền hình Việt Nam”, phim Việt trên màn ảnh nhỏ đang dần lấy lại vị thế của mình.

Điểm sáng “Về nhà đi con”

Khai thác đề tài “xưa như trái đất” – đời sống gia đình nhưng những ngày này, bộ phim truyền hình “Về nhà đi con” lại đang “làm mưa làm gió” trên màn ảnh nhỏ. Có lẽ, ít có bộ phim truyền hình Việt nào bị “soi” thời lượng đến từng phút, gây tranh cãi cả ở việc tập này chỉ có 23 phút hay 25 – 27 phút vì cảm giác mỗi tập phim quá ngắn, vừa “ấm ức” với nhà sản xuất, vừa hồi hộp, chờ đợi giờ phát sóng tập tiếp theo như bộ phim này. 

Bộ phim “Về nhà đi con” đang gây sốt màn ảnh nhỏ.

Cuộc sống gia đình ông Sơn (NSƯT Trung Anh thủ vai) và 3 cô con gái Thu Huệ (Thu Quỳnh), Anh Thư (Bảo Thanh), Ánh Dương (Bảo Hân) trong phim trở thành câu chuyện được bàn luận phổ biến của các bà, các chị từ nhà ra ngõ, từ công sở tới chợ, được quan tâm ở cả nông thôn lẫn thị thành, trong cả đời sống thực lẫn cộng đồng mạng.

Tham gia đóng phim “Về nhà đi con”, NSƯT Trung Anh trở về với hình ảnh đã “đóng đinh” trong lòng khán giả - người đàn ông khắc khổ, có phần tội nghiệp. Nhưng, có lẽ, đây lại là một trong những vai diễn thành công, được số đông khán giả quan tâm và yêu mến nhất của anh trong vài năm gần đây. 

Hình ảnh “ông bố quốc dân” – cách gọi thân mật mà công chúng dành cho nam nghệ sĩ sau vai ông Sơn - còn phổ biến và được quan tâm sát sao từ phim đến đời thực hơn cả thời điểm “Người phán xử” - bộ phim truyền hình ăn khách khác mà Trung Anh tham gia trước đó “phủ sóng” ngang cùng ngõ hẻm.

Với Bảo Thanh, người xem gần như quên phắt vai nàng dâu Minh Vân trong “Sống chung với mẹ chồng” – phim truyền hình cũng khai thác đề tài gia đình nhưng từng trở thành “tâm bão”, gây tranh cãi trong thời điểm phát sóng. Người xem chỉ còn nhớ một Bảo Thanh khác với vai Thư, người con tưởng chừng mạnh mẽ, quyết đoán, ích kỷ, thực dụng nhất trong 3 cô con gái của “ông bố quốc dân” nhưng lại là người lấy đi nhiều nước mắt, sự thương cảm của người xem nhất trong thời điểm hiện tại. 

Với Thu Quỳnh, vai Huệ, người chị cả chịu thương chịu khó, luôn chấp nhận thiệt thòi để lo cho cha và các em là một cuộc “lột xác” ngoạn mục ngay sau thành công của My Sói trong “Quỳnh búp bê” – một phim truyền hình thu hút đông đảo khán giả nhưng cũng gây nhiều tranh cãi nhất thời gian qua.

Trong khi đó, Bảo Hân, nữ sinh viên năm thứ nhất của Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh đã chinh phục người xem ngay trong vai diễn đầu đời – vai Ánh Dương, con gái út của ông Sơn, một cô gái cá tính, bồng bột của tuổi trẻ, lấy vẻ ngoài  bất cần để che giấu sự tự ti của người con luôn trong tâm trạng bị cha ghét bỏ. 

Quốc Trường, Ngân Quỳnh - hai diễn viên phía Nam hợp tác cùng dàn diễn viên hùng hậu ở phía Bắc trong dự án phim lần này không chỉ gây sự chú ý ban đầu với khán giả trước khi phim lên sóng. 

Nữ diễn viên Ngân Quỳnh, đúng như đạo diễn, NSƯT Đỗ Thanh Hải, Giám đốc sản xuất phim từng chia sẻ ngày phim ra mắt là bà mẹ điển hình của phụ nữ Việt: yêu chồng, thương con, lặng lẽ đứng sau chồng con để vun đắp hạnh phúc gia đình. Quốc Trường với vai Vũ, đúng “chuẩn” thiếu gia được nuông chiều, đầu tư ăn học tới nơi tới chốn ở trời Tây nhưng bản tính Sở Khanh có… thừa.

Thực tế, nếu xem “Về nhà đi con”, khán giả không khó để nhận thấy, hiếm có bộ phim truyền hình Việt Nam nào mà tất cả các ông bố lại đều yêu con hết mực như bộ phim này. 

Dù là ông bố khắc khổ, hy sinh tất cả, chấp nhận một mình “gà trống nuôi con” như ông Sơn, hay cục cằn, vũ phu như Khải – chồng của Thu Huệ, lớn tuổi còn ngây ngô trong tình yêu như Quốc – bố của Bảo, bạn thân của Ánh Dương, sở khanh như Vũ – chồng “hờ” của Anh Thư, bản lĩnh như bố của Vũ thì xuyên suốt bộ phim, khán giả khó tìm được cảnh nào có ông bố nào trong phim không dành tình yêu thương cho con. 

Và, cũng không hẳn chỉ với vai các ông bố, hầu như mỗi nhân vật trong phim đều cho người xem cảm giác thân thuộc, gần gũi như ngoài đời thực, thấy thấp thoáng đâu đó bóng dáng của chính mình, của những người quanh mình trong các nhân vật ấy. Hơn thế, từ mỗi tình huống, mỗi tập phim, mỗi người đều tìm thấy được đâu đó những bài học ứng xử nhất định trong cuộc sống, vun đắp mái ấm gia đình. 

Có lẽ, đây cũng chính là những điểm sáng khiến “Về nhà đi con” chinh phục người xem, sau những nỗ lực, cố gắng và thành công về nhiều mặt khác, từ logic của cốt truyện, diễn xuất của diễn viên đến âm nhạc, hình ảnh…

Nỗ lực đổi mới

Trước và gần như cùng thời điểm với thành công của bộ phim “Về nhà đi con”, khán giả trung thành với phim truyền hình Việt trên Đài truyền hình Việt Nam còn có 2 sự lựa chọn đáng chú ý khác: Phim cảnh sát hình sự “Mê cung” và phim truyền hình cũng về đề tài gia đình nhưng giàu yếu tố hài hước hơn là “Nàng dâu oder”. 

Lan Phương và bạn diễn Thanh Sơn trong “Nàng dâu oder”.

Thậm chí, so với phim “Về nhà đi con” thì “Mê cung” còn có nhiều yếu tố hấp dẫn hơn. Ngoài đề tài gai góc và cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm vẫn luôn là những “miếng bánh” dễ thu hút sự chú ý của người xem thì “Mê cung” còn đặc biệt gây chú ý ngay từ khi chưa lên sóng với sự tham gia diễn xuất của Hoàng Thùy Linh.

Đây là bộ phim đánh dấu sự trở lại với phim truyền hình lần đầu tiên của nữ diễn viên sau nhiều năm rẽ ngang sang con đường âm nhạc, kể từ thời điểm vướng vào vụ tai tiếng bất đắc dĩ khiến bộ phim cô đang đảm nhận vai nữ chính trong “Nhật ký vàng anh” phải ngưng phát sóng. 

Sự thành công của Thùy Linh trong lĩnh vực âm nhạc, dấu ấn của cô trong những ngày gắn bó với phim truyền hình ngày xưa cũ, những giọt nước mắt xúc động cùng sự tái hợp với bạn diễn một thời và vẫn đang rất nổi tiếng như Việt Anh, Hồng Đăng; diễn viên Quốc Đam thay đổi hình ảnh đã quen thuộc với khán giả thích phim cảnh sát hình sự - từ chàng cảnh sát đẹp trai chuyển “phắt” sang vai tên tội phạm bệnh hoạn nhưng cực thông minh… Tất cả đều giúp “Mê cung” có được thế mạnh nhất định trong việc gây sự chú ý với công chúng.

Sự trở lại của Hoàng Thùy Linh trong phim “Mê cung".

Với “Nàng dâu oder”, sức thu hút ban đầu đến từ cả truyện phim lẫn “cách kể” vốn ít nhiều mang bóng dáng của kiểu phim thần tượng pha hài hước – dạng  phim ăn khách phổ biến của xứ Hàn và một số quốc gia khu vực châu Á khác vài năm trở lại đây. 

Sự trở lại của NSƯT Minh Vượng – nghệ sĩ vốn nổi danh với các vai diễn hài trong vai bà nội của chồng, khắt khe, chuẩn chỉ. Và, nói như cách của chính êkíp làm phim là đậm đặc hình ảnh của các bà, các mẹ nơi phố cổ không hẳn không gây tò mò, thậm chí pha chút nghi hoặc. 

Dù rằng, nữ nghệ sĩ đã lên tiếng khẳng định chắc chắn từ trước  ngày phim lên sóng là khán giả sẽ không phải thất vọng. Bởi lẽ, “chuyên ngành” mà Minh Vượng được đào tạo bài bản trong nhà trường là chính kịch, không phải hài kịch. Các vai hài đến với chị và thành công trong diễn hài chỉ là cơ duyên đưa đẩy.

Một yếu tố không phải không gây tò mò khác là diễn viên Lan Phương trong vai Yến, nữ nhà văn đang “nổi đình nổi đám” với ngôn tình trong cộng đồng mạng, giỏi kiếm tiền, tự tin có thể giải quyết tất tần tật mọi thứ chỉ với một chiếc điện thoại thông minh hay máy tính xách tay. Sự thịnh hành của trào lưu sống ảo trong giới trẻ được phản ánh trên phim với những góc nhìn đa chiều. 

Mặt trái của thế giới ảo và người trẻ, những “anh hùng bàn phím” được chuyển tải phần nào với vô số những tình huống dở khóc dở cười của Yến trong cuộc sống của đời thực. 

Chưa kể, Lan Phương trong đời thực hơn bạn diễn Thanh Sơn – người đảm nhận vai chồng của Yến khá nhiều tuổi. Dù Lan Phương tài năng, đã khẳng định được vị trí của mình trong hoạt động nghệ thuật nhưng cách chọn diễn viên này của êkip không phải không là yếu tố ít nhiều gây chú ý cho phim.

Có một điểm chung khác của những bộ phim truyền hình Việt Nam ăn khách thời gian gần đây dễ được nhận thấy khác nữa là những cảnh quay chân thực, đẹp hơn nhiều so với trước đây. Các tình huống, lời thoại cũng đời hơn. Hầu hết các êkip sản xuất phim đều cho biết, bên cạnh sự nỗ lực của từng cá nhân thì sự hỗ trợ từ công nghệ cho phim truyền hình hiện nay rất lớn. Như nữ diễn viên – NSND Lan Hương từng chia sẻ, khi đạo diễn quay xong, xem lại cảnh vừa quay, chính chị cũng vô cùng ngạc nhiên vì không ngờ lại đẹp đến như thế.

Công nghệ giúp các đoàn phim có thể thu tiếng trực tiếp. Điều này khiến các diễn viên thoại không tốt sẽ rất dễ lộ nhược điểm nhưng cũng giúp người xem cảm nhận sự đa chiều trong diễn xuất. Ít nhất là giọng nói của các diễn viên đã không còn kiểu đều đều dù ai cũng thoại rất tròn vành rõ chữ như trong cách lồng tiếng cho phim trước đây. 

Tất nhiên, để có những bộ phim thành công như hiện nay không thể không kể đến sự trau chuốt cho từng vai diễn của diễn viên, nỗ lực của đội ngũ biên kịch, đạo diễn, quay phim, người làm nhạc phim… Dù rằng, không phải những nỗ lực nào cũng đã đem lại những trái ngọt như mong muốn hay dự liệu.

Với “Mê cung”, người xem vẫn “nhặt” được không ít sạn. Sau phần đầu tiên với sự trở lại đầy ấn tượng của Quốc Đam và các diễn viên đã thành danh thì sự trở lại được nhiều chờ đợi của Hoàng Thùy Linh đã không như mong đợi, nếu không muốn nói là khiên cưỡng và có những lúc phi lý đến không ngờ. 

Lan Phương với bạn diễn, trong những cảnh quay ban đầu, nhất là cảnh hẹn hò, lãng mạn vẫn khó sánh được với các phim cùng thể loại ăn khách của nước ngoài. 

Nhưng, chắc chắn, sau những nỗ lực, cố gắng, đổi mới theo chiều hướng tích cực hơn của người làm phim truyền hình Việt hiện nay, việc hy vọng phim truyền hình sẽ dần thoát hẳn khỏi sự mặc định, thậm chí đã trở thành định kiến rằng phim truyền hình Việt là kém hấp dẫn khán giả của nhiều người xem, kể cả người làm nghề đã không hẳn là ước mơ nằm ngoài tầm tay.

Minh Hà
.
.
.