Người có khối u 80kg lên bàn mổ
Vậy là sau hơn 6 năm nằm một chỗ, đầu tháng 7 này, lần đầu tiên anh Nguyễn Duy Hải - người có khối u nặng 80kg - đã "dịch chuyển" đến Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Lạt để các bác sĩ làm các xét nghiệm trước khi được đưa về Bệnh viện Ung bướu TP HCM phẫu thuật. Nửa ngồi nửa nằm trên băng ca, Hải cười đầy… lo lắng: "Dạ, em được mổ chứ, bác sĩ?". Vị bác sĩ cũng chỉ… cười!
Chịu đựng đã quá nhiều
Chúng tôi chọn một buổi chiều cuối tuần để đến thăm Hải, chủ ý là vắng người sẽ có điều kiện được nói chuyện với chàng thanh niên mang khối u nặng nhất Việt Nam này được nhiều hơn. Nhà anh ở 26/30 Xuân An, phường 3, Đà Lạt, Lâm Đồng. Địa chỉ nhà Hải ghi ra thì rõ ràng nhưng đi tìm thì cứ như là bị… đánh lừa. Đường vào nhà phải qua hai lối rẽ nhỏ, dốc, sâu hun hút và ngoằn ngoèo không biết dẫn xuống đến tận đâu. Tuy tay lái khá vững nhưng nhìn con dốc cao đến cắm đầu ấy, chúng tôi cứ sợ chiếc xe Honda đang chạy bỗng lộn cổ như làm xiếc thì khổ. Vừa chạy, vừa hỏi thăm nhà, chúng tôi hoa cả mắt, ù cả tai.
Từ lối rẽ nhỏ ấy còn đến hơn chục lối rẽ nhỏ hơn, rồi lại rẽ nhỏ hơn nữa, và lối rẽ nào cũng cứ "cắm đầu" như nhau cả, cuối cùng mới đến một đường chỉ dành riêng cho người đi bộ. Vất vả lắm chúng tôi mới đặt được bàn chân mình lên trên những hòn đá hai bên lề như những bậc tam cấp hun hút và trơn nhẫy ấy. Nhà Hải nằm ở dưới một cái hục sâu nhất. Khi chúng tôi đến, nhà chỉ có Hải và bà mẹ già.
Dài dòng một chút về con đường đến nhà Hải vì đó cũng chính là con đường mà ngày trước, Hải ròng rã 7 năm trời bám vào lưng anh trai của mình để đến trường từ mẫu giáo đến lớp 5. Mẹ Hải, bà Nguyễn Thị Cho Con (năm nay 61 tuổi), rơm rớm nước mắt: "Nhà có bốn anh em. Hải là con thứ ba. Trên Hải là chị gái và anh trai cả. Năm 4 tuổi, cháu đã bị bệnh rồi. Bởi vậy, bắt đầu từ mẫu giáo, cháu đầu của tôi là Lâm (Nguyễn Duy Lâm, sinh năm 1976) phải cõng em đi học. Ròng rã bao nhiêu năm trời như vậy…". Thử hình dung: một cậu anh trai chỉ 8 tuổi đầu cõng đứa em 4 tuổi đi mẫu giáo trên con đường dốc đến người lớn cũng phải "chờn". Cứ thế suốt 7 năm trời, đôi chân "nhân đôi" ấy đã đi được một quãng đường dài đến nhường nào trên con dốc vẫn đang sừng sững trên kia để đứa em có được "cái chữ lớp năm"?
Đến năm 17 tuổi, Hải được phẫu thuật cắt bỏ chân trái. Nhưng chưa yên, vài năm sau, căn bệnh tái phát, khối u ngày càng lớn dần; và đến năm 2006, anh phải nằm một chỗ vì khối u quá lớn.
"Em nặng chỉ chưa đến 40kg, nhưng khối u mà em mang trên người hơn 10 năm nay nặng gấp đôi người em. Mười năm nay em chỉ ngồi một chỗ; đến ngủ cũng phải ngủ ngồi" - Hải nói.
Hải là người hay cười (như là chuyện phải thế để vượt qua nỗi đau). Nhưng hôm nay, nụ cười trên đường đến Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Lạt của chàng thanh niên này đượm nỗi lo không thể giấu: "Sẽ thành công - các bác sĩ đã nói với em như vậy mà, phải không các anh?". Các bác sĩ khẳng định ca phẫu thuật này có khả năng thành công đến 75% trở lên. Thôi thì mong sao hy vọng sẽ góp thêm 25% thành công nữa!
Sau nhiều năm nằm liệt một chỗ, đây là lần đầu tiên Nguyễn Duy Hải được di chuyển. Phải nhờ sự trợ giúp của hơn 20 thanh niên trong xóm Hải mới được đưa ra khỏi nhà và chuyển lên chiếc xe chuyên dụng của Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Lạt, rời khỏi "thế giới riêng" của mình dưới thung lũng sâu để bắt đầu bước vào một cuộc "chiến đấu" mới trên bàn mổ trong tương lai gần.
Khối u của anh Hải hiện đã nặng tới 80kg. |
Mọi sinh hoạt của anh Hải đều nhờ cậy vào người mẹ già. |
Khối u lớn nhất Việt Nam hay lớn nhất thế giới?
Có người bảo khối u của anh Hải đang mang trên người là khối u lớn nhất Việt Nam từ trước tới nay. Người khác bảo lớn nhất thế giới. Về vấn đề này, bản thân người viết bài này chưa có dịp và cũng không có chuyên môn để kiểm chứng, nhưng quả thực là chúng tôi chưa bao giờ được nghe có một khối u nào nặng đến nhường ấy.
Năm 2008, một tờ báo ở Quảng Châu (Trung Quốc) đưa tin: "Giải thoát" cho cô gái có khối u lớn nhất thế giới". Cô này tên là A Huệ có khối u trên mông nặng tới 45kg và đã phải nằm liệt giường từ năm 2006 đến 2008. "Đây là khối u lớn nhất mà chúng tôi từng thấy, các báo cáo y học cũng chỉ ra rằng nó là khối u xơ thần kinh lớn nhất trên thế giới" - Trưởng nhóm, bác sĩ Hoàng Quang Tường của tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) đã nói. Ngoài ra, ở Trung Quốc còn có không ít người có những khối u bất thường khác: một cậu bé tên là Qiu chỉ mới 3 tuổi nhưng có khối u ở giữa vùng mông và sườn nặng đến gần 19kg. Anh thanh niên Chen Zongtao, 29 tuổi, sống tại một ngôi làng hẻo lánh bị một khối u khổng lồ ở chân nặng tới 70kg"…
"Lần" sang Argentina, đọc thêm: "Choáng với khối u nặng tới 25kg trong cơ thể". Đây là khối u ác tính lớn nhất từng được lấy ra trên thế giới. Người phụ trách ca phẫu thuật này - bác sĩ Oscar Lopez - nói rằng: "Tôi chưa bao giờ nhìn thấy bất cứ một khối u nào như vậy trong suốt 34 năm hành nghề".
Trở lại với Việt Nam, ông Sáu "dị nhân", tức Phạm Sáu sinh sống tại phường Thuận Phước, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng, từ những mụn nhỏ li ti nổi lên; ban đầu là ở bụng, sau đó lan dần ra toàn thân và lớn rất nhanh thành khối u 25 kg. Các bác sĩ Bệnh viện Ung bướu TP HCM cho biết, đó cũng là khối u lớn nhất mà họ từng gặp và chữa trị.
Lá thư của cháu Võ Trúc Anh. |
Như vậy, nếu tính về trọng lượng thì khối u của Nguyễn Duy Hải ở Lâm Đồng rất có thể là khối u nặng nhất Việt Nam tính cho đến thời điểm này. So tầm quốc tế, kỷ lục bất đắc dĩ này có lẽ chỉ thua kỷ lục của một thiếu nữ ở Quảng Đông (Trung Quốc) tên là Lâm Quang Chi. Cô gái này bị khối u năm 6 tuổi ở chân trái và đến năm 17 tuổi thì chân trái của cô đã dài tới 1,25m và khối u cân nặng đến 150kg (trong khi trọng lượng cơ thể cô chỉ 35kg).
Những tấm lòng
Cuối tháng 6 vừa qua, sau khi nghe thông tin về bệnh nhân Nguyễn Duy Hải có khối u nặng nhất Việt Nam, một đoàn bác sĩ của Bệnh viện Ung bướu TP HCM đã lên tận Đà Lạt để thăm bệnh và khám chẩn đoán ban đầu cho Hải. Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP HCM, bác sĩ Lê Hoàng Minh, một trong những bác sĩ trực tiếp khám cho anh Hải hôm đó nói rằng, sau khi hội chẩn và có phương án điều trị, Bệnh viện Ung bướu TP HCM sẽ nhận phẫu thuật, điều trị miễn phí hoàn toàn cho bệnh nhân đặc biệt này. Cũng theo các bác sĩ trong đoàn, bệnh của anh Hải có tên gọi là Von Reckling Hausen, có tính di truyền. Hướng điều trị tốt nhất cho anh Hải là phẫu thuật và không chỉ phẫu thuật một lần.
Sau khi khám lâm sàng cho bệnh nhân Nguyễn Duy Hải, bác sĩ Bùi Chí Viết - Trưởng khoa Ngoại của Bệnh viện Ung bướu TP HCM - đã có kết luận bước đầu rằng đây là một căn bệnh hiếm gặp; xác suất người mắc bệnh này chỉ ở tỷ lệ 1/3.000, nhưng kích thước và trọng lượng khối u lớn như của anh Hải thì cực kỳ hiếm gặp. Song hành với Bệnh viện Ung bướu TP HCM, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Lạt cũng đã vào cuộc bằng cách "treo" các giải thưởng: Thưởng 20 triệu đồng cho tổ chức hoặc cá nhân nào chẩn đoán chính xác nhất bệnh của anh Hải (?); thưởng 50 triệu đồng cho kíp mổ và hỗ trợ 30 triệu đồng bồi dưỡng sức khỏe cho bệnh nhân Hải. Chưa hết, nếu Bệnh viện Ung bướu TP HCM mời chuyên gia nước ngoài cùng tham gia vào ca phẫu thuật này thì Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Lạt cũng sẽ hỗ trợ thêm chi phí ăn ở và tiền vé máy bay cho chuyên gia nước ngoài đó.
Đoàn bác sĩ Bệnh viện Ung bướu TP HCM đến tận nhà để khám bệnh cho anh Hải. |
Cùng với các cơ sở chuyên ngành y tế, trong thời gian gần đây, nhiều tổ chức và cá nhân trong cả nước cũng đã có những giúp đỡ Hải cả về vật chất lẫn tinh thần. Trong đó, một trong những chia sẻ đã làm chính bệnh nhân xúc động mạnh là lá thư viết tay kèm theo 50.000 đồng của một học sinh lớp 3 ở TP HCM.
Trên trang giấy học trò, cháu Võ Trúc Anh - học sinh lớp 3A Trường tiểu học Trần Văn Ơn, quận 12, TP HCM, đã viết: "Cháu chào chú! Cháu là Võ Trúc Anh, học sinh lớp 3A, Trường tiểu học Trần Văn Ơn. …Chú và cháu, tất cả đều là con người, mà sao cháu lành lặn không bệnh tật trong khi chú cũng là một con người mà sao lại bị tật nguyền, thật không công bằng tí nào! Cháu có một ít tiền dành dụm bấy lâu, tuy ít nhưng đây là tất cả tấm lòng của cháu. Hẳn sẽ có một bác sĩ giỏi sẽ giúp chú gỡ bỏ khối u xấu xí ấy. Cháu hy vọng những nét chữ cảm thông, chia sẻ và số tiền ít ỏi này sẽ giúp chú có nghị lực vươn lên như một mầm non vươn tới ánh sáng.
Bạn đọc báo - Võ Trúc Anh".
Mộc mạc, hồn nhiên, đầy sự cảm thông, chia sẻ, tấm lòng của cháu Võ Trúc Anh đã khiến anh Nguyễn Duy Hải nghẹn ngào: "Sự chia sẻ của bé Trúc Anh trong sáng quá đỗi! Sự chia sẻ của bé sẽ giúp tôi vơi đi những mặc cảm về bệnh tật. Cảm ơn bé rất nhiều!".
Và chắc chắn trong những ngày sắp đến, khi lên bàn mổ, Hải sẽ còn nhận được không ít sự chia sẻ của bạn đọc như sự chia sẻ của cô bé Võ Trúc Anh kia, trong cả nước! Chúng tôi tin điều đó!