Ngày Thơ Việt Nam: Nghề chơi cũng lắm…

Thứ Hai, 24/02/2014, 15:50

Đến hẹn lại lên, ngày Thơ Việt Nam lần thứ 12 với chủ đề “Mùa xuân đất nước từ Điện Biên đến Trường Sa” đã diễn ra vào ngày Rằm tháng Giêng tại Văn Miếu Quốc Tử Giám trong sự chờ đợi của nhiều người yêu thơ. Cũng như mọi năm, hai sân thơ “Già” và “Trẻ”, theo cách gọi quen thuộc, đã diễn ra nhiều hoạt động để ngày Thơ Việt Nam có nhiều điều hấp dẫn hơn những năm trước, xứng đáng là một ngày Quốc lễ để tôn vinh thơ ca trong thời hội nhập. Nhân dịp này chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhà thơ Vũ Quần Phương và nhà thơ Đỗ Trung Lai, những người nhiều năm là thành viên Ban tổ chức, để độc giả hiểu thêm được những nỗi niềm của thi nhân phía sau hội Thơ Văn Miếu.

Nhà thơ Vũ Quần Phương: "Lễ hội đông hay không đông, vui hay không vui đều không phản ánh được sự phát triển của nền thi ca Việt Nam"

Phóng viên (PV): Thưa nhà thơ Vũ Quần Phương, có thể nói ông là một trong những thành viên kỳ cựu của Ban Tổ chức 12 ngày thơ vừa qua tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ông có suy nghĩ gì về Ngày Thơ Việt Nam?

Nhà thơ Vũ Quần Phương: Sáng kiến Ngày Thơ ban đầu do tôi khởi xướng là làm Ngày Thơ cho riêng Hà Nội, chúng tôi định tổ chức ngày 10/10 sau đó chọn tháng Giêng là tháng của lễ hội để làm. Đang phân vân là chọn ngày nào thì nhà thơ Phạm Tiến Duật (khi đó còn sống) bảo làm luôn Rằm tháng Giêng vì có bài thơ "Nguyên Tiêu" của Cụ Hồ. Chúng tôi có bàn với anh Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn, thì anh đồng ý. Hồi đó làm đơn giản lắm, chúng tôi tổ chức nói chuyện về thơ từ xưa đến nay, nói đến bài nào, tác giả nào thì cho người ra đọc. Tôi nhờ cô Bích Ba bên Đài Tiếng nói mang một êkíp sang ngâm. Sang đến năm thứ 3 mới tổ chức quy mô.

Anh Hữu Thỉnh cùng Hội Nhà văn đã đưa Ngày Thơ trở thành Quốc lễ, có cờ Thơ, có nhiều nghi thức. Mỗi năm Hội Nhà văn đều có chỉ đạo về một nội dung khác nhau, những sáng kiến khác nhau để thu hút đông đảo người dân đến.

Tôi cho rằng, Ngày Thơ đã là một hoạt động thường niên và cũng rất hữu ích đối với các nhà thơ nói riêng và với độc giả yêu thơ nói chung. Theo quan sát của tôi, các nhà thơ dần dần không tham gia trực tiếp nhiều nữa, ý đồ là quần chúng hóa việc làm thơ hay các việc này không liên quan đến công việc của mình. Cho nên các nhà thơ chuyên nghiệp có mặt ở đây ít dần đi, trên các sân khấu chính chỉ lác đác một vài gương mặt trong khi sân thơ trẻ, sân thơ quần chúng phát triển.

Ngay các trường đại học, những trường gần văn chương nhất như Trường Tổng hợp, Trường Văn hóa nhiều khi lại không nhiệt tình bằng trường khác. Vậy phải làm thế nào để họ phát huy được sở trường của họ cộng hưởng với ngày hội thơ? Còn bây giờ những người làm chuyên nghiệp chỉ thấy đây là ngày hội chung thôi, không "dính" vào công việc sáng tác mấy. Đây cũng là một vấn đề phải bàn bạc rất nhiều vì đã đưa vào phần lễ hội thì phải chấp nhận nhu cầu của người dự hội, sẽ có cái xa thơ gần hội, như các cụ đã từng nói "lễ hội chỉ là người đi xem người". Cần có cái nhìn cân đối hơn.

PV: Cân đối hơn ở điều gì, nhà thơ có thể nói rõ thêm với tư cách vừa là một nhà thơ, vừa là một khán giả, độc giả, vừa là thành viên Ban tổ chức?

Nhà thơ Vũ Quần Phương: Có sân thơ dành cho giới trẻ làm cho Hội Thơ phong phú lên. Có nhiều người thường so sánh hai sân thơ, nhưng tôi thiết nghĩ, không nên so sánh sân thơ nào hay hơn. Mỗi sân thơ đại diện cho một xu thế, sân thơ chính cố nhiên nó phải giữ tính truyền thống, tính dân tộc nên chú ý nhiều đến thơ cổ điển, còn sân trẻ nặng về biểu diễn hơn. Gần đây thêm lực lượng thứ 3 là công chúng, đại diện cho các câu lạc bộ thơ mà chính là các cụ hưu trí ở các địa phương và sinh viên đại học. Năm nay hồ Văn dành cho các ông đồ viết chữ Nho, còn sân thơ dành cho các câu lạc bộ ở phía khuôn viên ngoài.

Gần đây phát triển số người tham gia, khán giả cũng đông lên. Tổ chức được hội này rõ ràng là vui nhưng so với công lao, công sức, kinh phí đầu tư vào cũng lớn. Ví dụ kinh phí đó giúp vào việc trả nhuận bút cho các báo thì có thể nâng cao chất lượng của báo lên vì hiện nay các báo không có lãi nên lương của biên tập viên thấp và người ta phải tìm cách có thu nhập. Một trong những cách đó có thu nhập là đăng bài của ai mà người ta không lấy nhuận bút hoặc là họ lại nộp thêm kinh phí hay họ mua báo cho mình thì việc đó, những người làm thơ kém phải nộp tiền vào để in, như thế có lợi về mặt kinh phí cho tờ báo nhưng lại làm chất lượng văn chương tờ báo tụt xuống, đây là vòng luẩn quẩn.

Những quả bóng bay của Ngày Thơ được thả lên trời.

Bây giờ có kinh phí bù vào chỗ đó, tức là báo có thể đầu tư ban đầu 3-5 năm gì đó để nâng cao chất lượng lên thì dần dần ta sẽ có tờ báo chuyên văn chương, và khi nó đã đi vào khẩu vị của người đọc rồi thì mình có quyền tăng giá. Muốn chọn lựa phải có tờ báo làm hay, muốn làm hay phải trả nhuận bút cao mới lấy được bài tác giả gửi về, muốn trả nhuận bút cao phải chịu lỗ, rồi phải có nơi mà bù lỗ, thì 3 năm bù lỗ đến năm thứ 4 có thể tăng giá được, hiện nay chúng ta cần có một nhà xuất bản và tờ báo ở đẳng cấp cao, thì nếu có được kinh phí đó cũng cần thiết không hơn gì phần "đổ" vào lễ hội. Bởi vì lễ hội vui hay không vui, đông hay không đông không nói lên được sự phát triển của nền thi ca Việt Nam. Đây là việc đầu tư bề nổi nhưng có việc đầu tư bề chìm tức là đầu tư vào nhuận bút, vào quỹ bù lỗ cho các xuất bản phẩm.

Tôi nghĩ nên có những số báo chuyên đề tập trung vào các tác giả vì có số chuyên đề người ta sẽ giữ lại làm tư liệu. Ngày Thơ vừa có cái mừng vừa có cái phân vân, là một lễ hội rất tốt đẹp về mặt văn hóa nhưng chúng ta dành cho nó nhiều công sức quá. Một năm có 12 tháng thì nguyên một tháng dành để lo cho Ngày Thơ.--PageBreak--

PV: Từng nắm giữ chức Chủ tịch Hội đồng Thơ Việt Nam nhiều năm liền, lại luôn là người có uy tín về tiếng nói trong nền thi ca đương đại, vì lý do gì ông không tư vấn để Hội Nhà văn có thể thực hiện được những điều ông vừa nói ở trên, thưa nhà thơ?

Nhà thơ Vũ Quần Phương: Hiện nay, nhiều người yêu việc làm thơ để trở thành tác giả chứ họ không nghĩ đến việc thưởng thức thơ, biết tiêu thụ thơ. Người đọc thơ bây giờ ít, ngay các câu lạc bộ thơ bây giờ cũng chỉ đọc lẫn nhau, không đọc thơ cổ điển, hiện đại. Hăng hái như người đi chọi gà. Con gà tức nhau tiếng gáy, tức nhau miếng đá, cho nên bây giờ hỏi các cụ chuyên làm thơ Đường rằng bài thơ nào hay nhất trong thơ Đường thì các cụ không biết.

Tác giả Tú Xương khác Bà Huyện Thanh Quan như thế nào họ cũng không biết, hay như làm lục bát có người lại không đọc Truyện Kiều. Một trong những yêu cầu của các câu lạc bộ hoặc hội thơ này đó là nâng cao trình độ tiêu thụ, trình độ nhận thức về thơ chứ đổ xô nhau đi làm thơ chỉ sản xuất ra những "phế phẩm". Hiện nay "phế phẩm" rất nhiều, bây giờ có phương tiện là mạng internet, mặt tốt biết rồi nhưng mặt khác nó đưa "rác" lên rất nhiều, người ta sẽ tiêu tốn nhiều thì giờ để lọc thông tin.

Bây giờ nhiều người làm, ít người đọc tức là sản xuất mà không có người tiêu thụ, sản xuất thì chất lượng không cao và tiêu thụ gần như ế. Ngày hội thơ làm sao khuyến khích được sự thưởng thức. Ví dụ cho thả 50 câu thơ lên, có nhất thiết là thơ hiện đại không hay có nên chọn những câu thơ cổ điển hay? Hoặc mỗi năm vinh danh 1 nhà thơ cổ điển để có thể nâng cao sở trường lên, chứ bây giờ chúng ta đang lấy sở đoản ra để khoe, lấy thơ câu lạc bộ, lấy thơ sinh viên nhưng tinh hoa thì mình quên, người ta gọi là "hậu kim bạc cổ"…

Bởi vì làm gì cũng phải được thời gian thử thách. Tên tuổi như Bà Huyện Thanh Quan thực chất cũng chỉ có 4 bài thơ, 4 bài được đọc rất nhiều. Làm sao phải để cho người thơ biết được những tinh hoa ấy và điểm mạnh - yếu của mình. Chú ý để cho người ta thưởng thức, mà thưởng thức phải cố giữ lấy cái tinh hoa còn những cái sáng tạo, cái tìm mới cũng cần có nhưng không phải là tất cả.

PV: Là người cũng tham gia ngay từ đầu từ việc chọn thơ thả bóng bay, đến chấm các gian hàng thơ ở Hội Thơ lần thứ 12… Cảm giác và suy nghĩ của ông như thế nào?

Nhà thơ Vũ Quần Phương: Tôi nghĩ nên có nhiều chọn lựa, nhiều đối tượng, bởi có đối tượng thích thâm trầm, có đối tượng đòi hỏi sự ồn ào hơn, mình nên có nhiều khu vực. Như hội làng ngày xưa có nhiều khu vực rất hay như chọi gà, xóc đĩa, tổ tôm, đánh đu… thuần túy là chơi nhưng cũng có nơi người ta đố Kiều, giải Kiều, bói Kiều, thậm chí ngày xưa có trò "tam cúc điếm" tức là người ta hát, người ta vận dụng các câu hát, cũng như cờ tướng, các câu hát đó là thơ văn, là sự thế nhưng lại hát, vận vào nước cờ, vận vào cuộc chơi. Đó cũng là một cách chơi văn chương.

Ví dụ như hình thức hát cô đầu, cũng phải có những quan viên biết đánh trống chầu phải biết câu nào hay để mà khen mà thưởng, đó là chơi có nâng cao. Vậy nên có những trò nặng về văn chương, nặng về lễ hội. Trong nặng về văn chương cũng có cái nặng về thưởng thức, nặng về tìm hiểu.

Đã gọi lễ hội thì phải có một cái đích cụ thể, biến hóa để đến cái đích đó chứ đừng quá sa đà vào những điều lớn lao hơn vì không biết thế nào là vừa. Ví dụ hôm nay các bác ở câu lạc bộ thơ gọi điện đến bảo muốn giăng dây để treo thơ của ông ấy mà các ông ấy bảo tốn kém gì của các anh, những cái đó nếu không có đích sẽ rất dễ nhượng bộ. Hay có người bảo chỉ bày quầy thơ của riêng mình thôi.

Cho nên để thỏa mãn được mỗi người là rất khó, Hội Nhà văn phải quyết đoán. Hiện nay nhiều người thích làm thơ nên thích tiêu thụ, chạy tiêu thụ. Cái nguy cơ nhất hiện nay là kinh tế toàn cầu, là kinh tế thị trường mà chống lại nó chỉ có văn hóa mà trong văn hóa cốt lõi là văn học, mà ở trong văn học nước ta cái có thể đi mạnh nhất, cái có thể tấn công vào trái tim người ta là thơ ca, vậy chúng ta làm những việc cần thiết dành cho thơ trong đời sống ngày hôm nay, đời sống hiện đại. Hoan nghênh là có Ngày Thơ nhưng đừng có mất công mất sức nhiều quá, thơ hay hoặc không hay không phụ thuộc vào ngày này, đây là 1 sinh hoạt văn hóa độc lập chứ không khẳng định điều gì cho cả một nền thơ ca Việt Nam.

PV: Xin cảm ơn nhà thơ Vũ Quần Phương!

Nhà thơ Đỗ Trung Lai: Thơ bé dần trong ngày Hội

Tôi thì nhận thấy rằng, Ngày Thơ không hay mà cũng không dở. Thực ra ban đầu Hội Nhà văn muốn đó là một ngày học thuật nghiêm trang, hàn lâm. Sau đó chuyển từ hình thức học thuật sang lễ hội, đã lễ hội thì không ai làm cái  học thuật ấy nữa mà ngày càng xã hội hóa, phổ thông hóa. Bây giờ phải chấp nhận cái đó. Sau này Hội Nhà văn sẽ thu nhỏ vai trò của Hội, chỉ có vai trò tác động, gợi ý thôi, nó sẽ hoạt động như các lễ hội khác.

Lúc đầu chỉ đến nói về Ngày Thơ, bây giờ phải có một đêm cho các sinh viên đại học, các câu lạc bộ. Khi trở thành quốc lễ, phần học thuật sẽ chìm đi, phần hội nổi lên. Lễ sinh ra phức tạp, quan liêu… nảy sinh ra cái khác, thơ trong đó còn ít thôi. Điều đó tốt, khi nó đã thành lễ hội nếu mình cố tình níu lấy phần học thuật là mình sai và mình cũng không làm được. Nó trở thành một hoạt động xã hội - chính trị. Cái hay là dẫu sao nó cũng trở thành một mỹ tục mới.

Bản thân tôi, đã tham gia tới 6 năm, và sau đó Chủ tịch Hội Nhà văn Hữu Thỉnh cũng có mời tôi tham gia nhưng nhất định tôi không làm. Vì thấy vinh nhiều mà nhục cũng lắm. Vinh cho nghề nghiệp, nhục, nói cách khác là vất vả cũng lắm. Vinh - nhục gắn với nhau như hai mặt của vấn đề. Vinh vì có quốc lễ của thơ, vinh danh nghề nghiệp nhưng khi có ngày quốc lễ lại có một hội "xúm vào", lợi dụng ngày thơ để làm nhiều việc nữa. Thơ sẽ bé dần trong ngày hội, đó cũng là một sự nhục.

Tôi nhớ, có năm, tôi được giao viết đi đặt in thơ trên bình gốm, gần 1.000 cái bình, thì có tới vài trăm cái bị các anh chị thợ gốm chép sai lỗi chính tả, mặc dù đã có văn bản. Ngồi đập đi không xuể…

Trần Hoàng Thiên Kim (thực hiện)
.
.
.