NSƯT Trần Hạnh: Khổ như… trong phim!

Thứ Tư, 14/09/2016, 13:37
Gặp ông để phỏng vấn về chuyện đời, chuyện nghề, nhưng tôi vẫn cứ bị ám ảnh bởi dáng hình ông, nụ cười ông hiền lành, chất phác... Không chỉ là một Trần Hạnh trên màn ảnh nhỏ, với những vai diễn lầm lũi, nghèo khổ, mà cuộc đời của ông, ngoài đời thực còn nhiều nỗi khổ hơn những phận đời trong phim. Âu cũng là phận số.


Mỗi người sinh ra đã được ông trời mặc định cho một kiếp sống. Và ông, người nghệ sĩ giản dị giữa lòng Hà Nội với những câu chuyện về hiện tại, quá khứ, tương lai luôn để lại cho người đối diện những suy nghĩ...

Con phố Trần Quý Cáp nhỏ và đông người. Tìm đến nhà ông không khó bởi chẳng ai trong cái ngõ nhỏ ấy không biết đến Trần Hạnh, người diễn viên già, nhỏ bé và còm cõi đã có quá nửa đời người sống tại nơi đây.

NSƯT Trần Hạnh ít khi hẹn khách vào nhà. Ông thường ngồi hút thuốc uống trà ở một quán trà quen thuộc. Có lần ông đã chia sẻ, quán nước quen thuộc này là địa điểm ông thường hẹn mọi người, lúc thì để phỏng vấn, lúc lại ký hợp đồng đóng phim, có lúc, quán nước ấy thành nơi trung chuyển kịch bản cho ông, nếu ông không có mặt ở nhà.

NSƯT Trần Hạnh ngồi trông hàng cho con.

Trần Hạnh ngồi xuống và thỏng thả châm thuốc hút. Những điếu thuốc lá Thăng Long thả khói trên bàn tay gân guốc da mồi của ông. Nhìn ông, trong cái dáng điệu này, lại cảm thấy thanh thản đến lạ kỳ. Cảm giác gương mặt ông, cho dù đã tóc bạc da mồi, nhưng đầy sự an nhiên, tĩnh tại. Ông ngồi trên chiếc ghế gỗ quen thuộc, không nhìn người đối diện, mà nhìn ra đường, nơi những chiếc xe máy đang ngược xuôi đi về trong con ngõ nhỏ. Ông nhả khói thuốc, nhìn đời với một đôi mắt trìu mến. Không phán xét...

Tôi được tận mắt nhìn rõ khuôn mặt của người diễn viên già đã có rất nhiều vai diễn trên màn ảnh nhỏ. Những vai diễn đã đi vào lòng công chúng với vẻ khổ hạnh, đáng thương, những vai nông dân hiền lành, chất phác mặc dù ông là người Hà Nội gốc.

Chắc chắn khán giả yêu phim truyền hình Việt Nam sẽ không quên một Bí thư Đảng ủy trong phim "Làng Nổi"; một ông bố trong phim "Chuyện cổ tích tuổi 17"; bố Lài trong phim "Tướng về hưu"; ông Khiển trong phim "Người cầu may"; ông Lâm trong phim "Chiếc bình tiền kiếp"; bố Mai trong phim "Hãy tha thứ cho em"; bố Lực trong phim "Cỏ lau"; ông Cần trong phim "Cuốn sổ ghi đời"; cụ đồ trong phim "Thời xa vắng"; và gần đây là vai ông bố trong phim "Người đàn bà thứ 2"…

Nhiều vai diễn của Trần Hạnh xuyên suốt cả bộ phim, nhiều vai diễn chỉ là xuất hiện trong vài tập, thậm chí, nhiều vai diễn lại chẳng có tên, nhưng tất cả đã làm nên một cái tên Trần Hạnh của số đông, của sự bình dị, chân chất, có sức sống không chỉ trên sân khấu hay trên màn ảnh nhỏ mà trong cả đời thực cùng bà con lối xóm, trong con ngõ toàn những người lao động chân tình và thật lòng...

NSƯT Trần Hạnh sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Ông từng có một tuổi thơ yên ấm trong vòng tay của cha mẹ. Cụ thân sinh ra ông làm việc tại nhà máy in Ngô Tử Hạ ở phố Nhà Thờ, còn mẹ ông là một thương gia nhỏ. Nhưng rồi, hạnh phúc chưa được bao lâu thì trong một cơn đau yếu, bố ông đã ra đi để lại vợ con côi cút.

Lúc đó Trần Hạnh mới 8 tuổi. Ông đã phải sống tự lập rất sớm. Để giúp mẹ, ông vừa làm nghề đóng giày thuê ở phố Tràng Tiền. Vừa đóng giày, Trần Hạnh vừa tham gia sinh hoạt diễn kịch ở Câu lạc bộ Thanh niên (của Thành đoàn Hà Nội). Trong câu lạc bộ có nhiều người bạn sau này đã trở thành những tên tuổi gạo cội trong làng kịch Việt Nam như Đạo diễn Doãn Hoàng Giang, NSƯT Phạm Bằng, NSND Trọng Khôi, NSƯT Đoàn Dũng…

Hồi đó, tham gia diễn kịch nghiệp dư, Trần Hạnh chỉ nghĩ rằng nó là sự vui vẻ tạm thời, nó như sự giải khuây trong chốc lát sau những giờ làm việc vất vả để được hòa mình vào một đời sống khác, một cảnh huống khác, một tâm trạng khác của cuộc đời vốn đa diện này. Nào ngờ, cái duyên nghiệp sân khấu đã ngấm vào ông. Hay cũng có thể nói, số phận đã chọn ông để vào vai những ông già nhà quê với gương mặt đầy nếp nhăn tuổi tác, sống như thể để nhận hết những khốn khổ của cuộc đời.

Trần Hạnh tâm sự: "Giá như chuyện đời suôn sẻ thì anh thợ đóng giày là tôi đây đã được an nhàn tuổi già với cái nghề có lẽ cũng có tiền dù phải lao động chân tay, chứ không còn phải theo các đoàn làm phim long đong nay đây mai đó. Biết làm sao khi trong tôi cái máu ham vui, ham văn nghệ đã ngấm tự bao giờ. Tôi lập gia đình khi mới ngoài 20 tuổi và dù đã vợ con bìu ríu nhưng không sao bỏ được những buổi "chơi" kịch cùng với ban kịch Thanh niên Hà Nội. Khi mọi người vào học khóa đầu tiên đào tạo diễn viên chính quy của Trường Sân khấu thì tôi đành phải rẽ ngang về Đoàn kịch Hà Nội bởi lý do duy nhất là phụ cấp ở đó cao hơn 10 đồng. Những năm tháng ấy thật sự đã rất xa rồi, nhưng mỗi lần nghĩ đến, tôi vẫn cho rằng, đó là những ngày thần tiên trong đời tôi. Tôi đã học được tình yêu thiêng liêng với nghề nghiệp từ những giọt nước mắt của NSND, đạo diễn Nguyễn Đình Nghi khi cụ nhìn thấy phông màn nhà hát nhăn nheo; học được sự đam mê công việc từ câu thơ một người bạn nghề: "Những ngày sân khấu không làm việc/ Nhà hát buồn như một nghĩa trang...".

NSƯT Trần Hạnh trong phim “Người đàn bà thứ hai”.

NSƯT Trần Hạnh trưởng thành từ lớp kịch nói khóa 1960-1964, Trường Nghệ thuật sân khấu Việt Nam (Nay là Trường Đại học Sân khấu điện ảnh) và đoạt giải thưởng trong một số Liên hoan Sân khấu toàn quốc. Nhưng NSƯT Trần Hạnh lại được công chúng biết đến nhiều qua các vai diễn trong phim điện ảnh, truyền hình. Vai diễn điện ảnh bố của Lực trong phim "Cỏ lau" của đạo diễn Vương Đức là một thành công về diễn xuất của nghệ sĩ Trần Hạnh.

Một nhà phê bình điện ảnh đã nhận xét: Dù đó là vai diễn xuất hiện không nhiều, kiệm lời, nhưng ông thể hiện được chiều sâu nhân vật, nỗi đau khổ tột cùng của một người cha đã bị chiến tranh cướp mất đứa con trai duy nhất, nhưng lại nén nỗi đau vào trong để Quảng, người chồng mới của con dâu, người từng cưu mang ông nhiều năm tháng loạn lạc khỏi buồn phiền... Khi Quảng giật những tấm ảnh của Lực từ tay ông, ông "hứt" lên rồi quỵ xuống. Ngôn ngữ không lời ấy gieo vào lòng người xem niềm xót xa đồng cảm với nỗi bất hạnh nén đặc của nhân vật...

Một trong những vai diễn truyền hình đầu tiên, và cũng là vai mà ông tâm đắc nhất là vai ông Cần trong phim "Cuốn sổ ghi đời" của đạo diễn Tất Bình. Vai diễn này thành công bởi một lẽ, những cảnh huống trong phim rất gần với cuộc đời thực của Trần Hạnh. Đó là câu chuyện kể về một người cha nghèo, vì nhà chật nên con trai của ông không lấy được vợ. Muốn xây nhà cho con, ông chỉ còn cách ngày ngày âm thầm đi lượm ve chai gom góp tiền để xây nhà cho con và ghi chép số tiền ấy vào một cuốn sổ.

Nhưng rồi, mơ ước chưa được thực hiện thì ông Cần ốm và ra đi vào cõi vĩnh hằng. Kể về những cảnh phim, NSƯT Trần Hạnh ngậm ngùi bảo "Đôi khi tôi diễn mà thầm khóc ở trong lòng "phim giả mà tình thật", vai diễn ấy mang tâm tư của tôi, nó như cảnh đời mà tôi đã phải trải qua trong suốt mấy chục năm nay…".

Đó là câu chuyện về ngôi nhà hơn chục mét vuông của ông nằm trong khu Trần Quý Cáp chật chội, dột nát quanh năm với 9 nhân khẩu có lẽ còn tội nghiệp hơn cả ngôi nhà ông Cần có trong phim. Cũng may hồi năm ngoái, cô con gái đã giúp bố xây được căn nhà mới khang trang hơn trên nền đất cũ để ông không phải chịu cảnh nhà lụp xụp, thấm dột mỗi khi mưa đến.

Cuộc đời không phải lúc nào cũng có một cái kết đẹp như trong phim hay như truyện cổ tích. Ông với bản tính hiền lành, làm phim chỉ đủ tiền chi tiêu trong gia đình, nói gì đến dư giả để xây nhà, dựng cửa... Con người hiền hậu chẳng to tiếng với ai bao giờ, gặp chuyện gì cũng chỉ cười trừ cho qua ấy, vào những năm tháng tuổi già lại không được an nhàn.

Cả chục năm trôi qua, ông phải tự tay cơm nước, chợ búa, giặt giũ, chăm sóc cho người vợ bị liệt nửa người sau một lần bị tai biến mạch máu não. Hiện nay, người con trai út sau một lần bị tai nạn ảnh hưởng đến thần kinh, cũng không được minh mẫn. Anh đã hơn 40 tuổi nhưng ngày ngày ông vẫn phải chăm sóc, bảo ban, lo cho con không khác gì một đứa trẻ… Những lúc đi đóng phim, ông phải nhờ người con gái ở gần nhà chăm sóc.

Ông nói giọng như tủi hờn: "Anh em 'kiến giả nhất phận' nhưng rồi chị ngã em nâng, đành phải làm phiền các con thôi chứ biết làm sao. May mà các con ông đều yêu thương nhau nên ông cũng an lòng. Những lúc không đi đóng phim, ông ra trông hàng cho người con gái bán quần áo ở phố Trần Quý Cáp. Ông kể rằng, vì thương hoàn cảnh của ông, có tác giả kịch bản bộ phim có gửi một bức thư cho đoàn. Ngoài việc cảm ơn đoàn làm phim đã hoàn thành đúng ý tưởng của người viết, tác giả còn gửi thêm 500.000 đồng tặng riêng cho "ông Cần".

Ông cảm ơn trước những tấm lòng đã chia sẻ động viên, song với ông, cuộc sống dù nghèo nhưng không phải quá thiếu thốn. Ông vẫn xoay xở được bằng việc đi đóng phim, các con ông vẫn làm việc, dù đó chỉ là nghề lao động tay chân hay đi bán hàng ở kiot cạnh ga Trần Quý Cáp để nuôi sống gia đình, chăm lo cho các cháu. Ông hạnh phúc với sự đạm bạc ấy. Có rau ăn rau, có cháo ăn cháo. Ông chẳng có mưu cầu gì nhiều. Chiếc xe máy 82 gắn bó với ông hơn chục năm qua đã là bạn đồng hành cùng ông trên những nẻo đường của người diễn viên.

Thời còn khỏe mạnh, ông vẫn đi xe máy đến các tỉnh Hòa Bình, Hưng Yên, Phú Thọ… cùng các đoàn làm phim. Ông thường được các đạo diễn, dù già hay trẻ, dù chuyên nghiệp hay nghiệp dư (thậm chí là sinh viên làm bài tốt nghiệp giữa kỳ) tín nhiệm mời vào vai. Bởi vì hơn ai hết, Trần Hạnh là người có lòng tự trọng với nghề. Nếu như thói quen của các diễn viên là hỏi tiền thù lao trước khi diễn thì Trần Hạnh ngược lại, ông chỉ biết đọc kịch bản, diễn và rất hiếm khi ông hỏi đến chuyện tiền nong. Xong vai diễn, các đạo diễn đưa tiền, ông nhận, rồi lại tự đi xe máy trở về căn nhà nhỏ của mình.

Trần Hạnh tâm sự rằng, ông đi diễn một phần vì phải kiếm tiền nuôi gia đình, nhưng phần cơ bản là vì ông yêu nghề, nhớ nghề. Một lần ông đi diễn về, trời đã tối nhập nhoạng, xe máy của ông đâm phải một xe rác. Ông bị gãy tay. Mấy tháng trời bó bột ông phải từ chối vài lời mời của các đạo diễn, ông thấy buồn lắm. Ông bảo: "Nếu mà năm ấy chỉ 60 là tôi sẵn sàng vác cái tay gãy đi đóng phim đấy. Nhưng giờ mình yếu rồi, phải cẩn thận hơn".

Khi chưa gặp NSƯT Trần Hạnh, tôi không nghĩ ông khổ đến thế. Bởi vì dẫu diễn xuất của ông trầm, ít lời, bi hài, thiên về biểu hiện nội tâm qua ánh mắt lúc đau đáu, sửng sốt, lúc thất thần vô vọng, lúc nhẫn nhục cam chịu… thì vẫn chỉ là… diễn. Ai ngờ, những nhân vật trên phim đã ám ảnh vào cuộc đời ông như định mệnh.

Nhìn đôi giày da cũ ông đã đi sờn cả mép, những đường khâu đã bắt đầu đứt chỉ, tôi hỏi: "Đôi giày này chắc là bác tự khâu cho mình?". Ông lắc đầu: "Không, đôi giày này, ông hàng xóm bỏ đi nhưng tôi thấy còn tốt quá, tôi xin ông ấy. Thế mà cũng đi được mấy phim rồi đấy". Ông nói xong rồi châm thuốc hút, bao thuốc lá Thăng Long ông mở ra từ lúc tôi đến gặp ông mà chỉ một tiếng sau đã hết nhẵn vì ông đốt liên tục điếu này gối đầu điếu khác mà không để cho lửa tắt trên tay mình.

Tôi lại hỏi ông: "Bác hút nhiều thế này, nên mua thuốc đắt tiền hơn, ít chất nicotine hơn, đỡ hại phổi". Ông cười nhăn đuôi mắt: "Thuốc này thế là đã đắt hơn đấy. Dạo xưa mua sỉ chỉ có một nghìn tám, giờ lên đến hơn chục nghìn đồng rồi. Dạo xửa xưa, tôi chỉ hút thuốc lào quấn giấy thì sao, cũng ngon cả. Cái lẽ hút thuốc này tôi biết chẳng tốt, nhưng thói quen của mình từ thời xưa đến nay, cũng khó bỏ".

Những câu chuyện với ông, nếu được gợi lên quá thú vị để lắng nghe ông kể. Dường như cả một đời làm phim, đi khắp trong Nam ngoài Bắc, ông cũng đã trải nhiều trạng huống cuộc đời, chứng kiến nhiều chuyện, thăm thú nhiều cảnh đẹp.

Bởi thế mà ông khẳng định, nếu được trẻ lại tuổi 20 và chọn lại nghề nghiệp, ông vẫn muốn làm diễn viên. Có lẽ, đôi khi những vai diễn của ông quá đạt vì nó là những chắt chiu của đời sống thường nhật mà ông nếm trải được bê nguyên vào trong những cảnh phim. Ông khiến khán giả cảm thấy xao lòng, bởi những nỗi niềm cùng sự đam mê và lẽ sống..

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.
.