Lưu giữ nét đẹp tâm linh mùa Vu lan

Thứ Năm, 15/08/2019, 19:55
Hằng năm, cứ đến tháng 7 âm lịch là người ta nghĩ đến ngày xá tội vong nhân và mùa vu lan báo hiếu. Dân gian còn lưu truyền, tháng này đôi uyên ương Ngưu Lang - Chức Nữ xa cách nhau, họ khóc, tạo nên những cơn mưa ngâu rả rích kéo dài từ đầu tháng tới cuối tháng. Vì vậy, những việc trọng đại như làm nhà, cưới gả, xin việc... gần như tạm gác lại...

Mùa Vu lan và xá tội vong nhân

Đã biết bao nhiêu vòng xoay tuần hoàn của vũ trụ, hằng năm trước khi bước vào tháng 8, tết Trung thu là tháng 7 mùa Vu lan báo hiếu và ngày xá tội vong nhân. Cũng như tiết trời trước khi bước vào cảnh thu đẹp đẽ, dịu ngọt thì phải qua mùa hè thử thách, khắc nghiệt. Người ta không biết chính xác lễ xá tội vong nhân và mùa Vu lan báo hiếu có từ khi nào, chỉ biết rằng, sách Phật giáo ghi lại câu chuyện này liên quan đến Bồ tát Mục Kiền Liên, một vị Bồ tát có nhiều phép thuật nhất trong các vị Bồ tát của đức phật Thích Ca Mâu Ni.

Trong một lần Bồ tát Mục Kiền Liên dùng thiên nhãn thông của mình đi tìm mẹ thì thấy mẹ mình là bà Thanh Đề chịu cảnh đói khổ, cơ cực nơi âm ti địa phủ. Trong Phật giáo, khi con người mất đi sẽ tùy duyên nghiệp của mình mà tái sinh vào lục đạo luân hồi. Bà Thanh Đề khi còn sống tạo nhiều ác nghiệp nên khi mất bị đọa làm quỷ đói trong cõi Ngạ quỷ.

Đại lễ Vu Lan tại chùa Bằng (Linh Tiên Tự) quận Hoàng Mai, Hà Nội 2019.

Vô cùng thương xót, ông đã gửi cho mẹ mình một bát cơm nhưng không ngờ khi bà Thanh Đề vừa bưng bát cơm lên miệng thì bát cơm biến thành ngọn lửa đỏ rực. Ông vội vàng đến xin đức Phật cứu giúp mẹ mình. Đức Phật dạy rằng, đến ngày rằm tháng 7 hợp sức của tăng đoàn tụng kinh, niệm phật mới có thể cứu được mẹ ông. Bồ tát Mục Kiền Liên làm theo lời chỉ dạy của đức Phật, quả nhiên ông cứu được mẹ mình ra khỏi bể khổ.

Từ đó về sau, noi gương Bồ tát Mục Kiền Liên, dân gian có ngày lễ Vu lan báo hiếu cha mẹ, nếu cha mẹ mất thì làm lễ cầu siêu, cha mẹ còn sống thì báo hiếu bằng những việc làm thiết thực, cũng như đi chùa sám hối cầu an cho cha mẹ.

Tiến sĩ Phật học, Đại đức Thích Quảng Tiếp (Giáo hội Phật giáo Việt Nam) cho biết: Ngày xá tội vong nhân Vu lan hay còn gọi là Vu lan bồn. Xưa kia, đất nước trải qua giặc dã, đói kém, chiến tranh liên miên, không phải ai cũng có điều kiện đến được chùa, nhiều người con muốn báo hiếu cha mẹ đã dùng một cái thau để đặt đồ cúng làm lễ ngay tại nhà hay bất cứ đâu, những nơi đi tản cư cho cha mẹ mình.

Đại đức Thích Quảng Tiếp kể, ngày xá tội vong nhân bắt đầu từ tín ngưỡng từ ngàn xưa, bước sang tháng 7 âm lịch được mở cửa địa ngục, những âm hồn thoát khỏi âm ti lên dương thế, bảng lảng khắp nhân gian. Trong đó có nhiều âm hồn đói khát, oan khuất, tức tưởi... Vì vậy, người sống thường cúng cháo, gạo, muối, khoai, hương, hoa quả hay tụng kinh niệm phật cho các vong linh no cơm ấm áo, siêu thoát để về được với cảnh giới an lành tốt đẹp.

Bao lâu nay, Vu lan báo hiếu - một nét đẹp trong tôn giáo - được kết hợp với lễ xá tội vong nhân là tín ngưỡng bản địa làm chung thành một ngày lễ lớn, người ta chọn cúng ngày rằm tháng 7 âm lịch hằng năm.

Quan niệm về tháng 7

Về quan niệm tháng 7 là tháng cô hồn. Từ “cô” còn có nghĩa, cô đơn, cô quả. Hồn có nghĩa phần linh khí thoát khỏi xác sau khi người chết. Cô hồn là những linh hồn cô đơn lẩn quất nơi dương thế, khi cõi âm tràn lên dương thế là lúc âm dương gặp nhau. Để tưởng nhớ đến người đã khuất, người ta thường cúng cho những vong hồn đang còn luân lạc trong mông lung cõi giới. Cũng vì quan niệm này mà tháng 7 người ta không làm những việc lớn vì sợ bị cô hồn trêu đùa, hay vẫn còn sân si ám hại.

Anh Nguyễn Nghĩa Dũng, một đại gia bất động sản nói: “Chả ai dại gì mà mua nhà, chuyển nhà vào tháng cô hồn. Tháng này theo tín nghĩa dân gian là làm ăn không buôn may bán đắt”. Anh Dũng kể, sau nhiều năm làm trong ngành địa ốc, anh thấy gần như tháng 7 âm lịch nào thị trường bất động sản cũng đóng băng.

Thậm chí, công trình lớn hay công trình bé đều không muốn khởi công xây dựng vào tháng này. Ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt người ta lại muốn đi thuê nhà hoặc mua nhà vào tháng này vì biết đâu, do ít khách, để kích cầu mà người ta sẽ bán hoặc cho thuê với giá rẻ hơn.

Anh Phan Văn Cường, chủ một gara ô tô trên phố Nguyễn Xiển cũng thừa nhận tháng 7 âm mặc dù để thu hút và kích cầu, nhà xe đã có nhiều chế độ ưu đãi đặc biệt nhưng doanh thu chỉ thấp bằng 1/10 những tháng khác.

Anh bảo: “Dân mình vẫn nhớ câu: “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, không ai dại làm gì vào tháng cô hồn. Không chỉ có những ông chủ đất, nhà thầu công trình, chủ đầu tư xây dựng, hay chủ kinh doanh xe hơi mà ngay cả những nhà hàng ăn uống tổ chức tiệc cưới cũng bớt hẳn bởi quan niệm tháng 7 âm là tháng nước mắt nhiều hơn nụ cười. Ngày Ngưu Lang - Chức Nữ xa nhau, kẻ ở lại trần gian, người về nơi tiên giới, nếu lấy nhau tháng này sẽ xảy ra sinh ly, tử biệt, vì vậy lượng đám cưới cũng vơi hẳn.

Chỉ có những cơ sở sản xuất kinh doanh vàng mã, hương, đèn nến, bỏng gạo là lại vô cùng tấp nập. Chuyện tín ngưỡng tâm linh là sự thành kính, tin tưởng của mỗi người. Nhiều năm trở lại đây, đời sống được tăng cao nên nhiều gia đình phú quý sinh lễ nghĩa.

Phật Tử Nguyễn Thị Ái Liên thành tâm lễ cầu cho Cửu huyền thất tổ vào tháng 7 âm tại chùa Bồ Đề.

Chị Thu Nga ở chung cư Ngoại giao Đoàn, Bắc Tư Liêm, Hà Nội, kể đầu tháng 7 âm chị đi xem bói, ông thầy trạc 30 tuổi, sau khi châm 3 nén nhang, trịnh trọng nhìn chị một hồi, rồi cất giọng bảo: “Cha mẹ chị ở dưới suối vàng đang đòi nhiều thứ lắm. Cha chị đang đòi một đôi ngựa, một con màu đỏ, một con màu trắng. Ngựa đỏ để đi việc quan, ngựa trắng để đi chơi. Cụ còn muốn có cái kính để đọc báo”.

Sau đó, “ông thầy” trầm ngâm một hồi, bảo: “Ông cụ nói, bà cụ già rồi khiến ông không được vui vẻ nên muốn có cô gái trẻ đẹp, nếu chị muốn cha vui lòng thì ra hàng mã chọn lấy một cô thật trẻ đẹp làm lễ đốt để gửi xuống cho ông cụ”. Chị Nga bảo sợ làm vậy thì mẹ chị ở dưới suối vàng sẽ tủi thân vì bị ông cụ hắt hủi.

Ông thầy phán: “Sợ mẹ tủi thân thì ra hàng mã mua cho bà cụ dăm cô ô-sin, cô biết nấu ăn, cô biết quét dọn, tưới cây, cô biết kể chuyện, cô y tá chữa bệnh cho cụ là cụ vui lòng ngay. Mua cho bà nhiều vòng bạc, xuyến vàng, kim cương lấp lánh là bà sẽ vơi đi nỗi sầu”.

Chị Nga tin lời thầy, tất tả sắm sanh đầy đủ những thứ lễ ông thầy nói để dâng lên cha mẹ trong những ngày gần đến rằm tháng 7. Chị còn mời ông thầy đến nhà lập đàn cúng lễ rất to, chuông mõ ầm ĩ, trống phách liên hồi vang cả dãy nhà.  

Anh Hải Hưng, chủ một cơ sở xây dựng bảo không hiểu sao mấy tháng nay công ty anh làm ăn thua lỗ, đi xem bói bài Tây thì thầy bảo bị vong ám nên mới gây cảnh nhiễu loạn, muốn giải cái hạn này thì nhân dịp rằm tháng 7 phải làm lễ thật to, hoành tráng gửi biếu người âm thì tức khắc sẽ có “âm phù dương trợ”. Kinh doanh thất bát nhưng lễ lớn không thể không làm, dựng đàn tràng hương cúng, anh sắm đủ thứ ngựa xe tiền vàng, hình nhân thế mạng đã lên đến dăm bảy chục triệu đồng.

Chả biết giải hạn đến đâu nhưng những đồng tiền cuối cùng của gia đình phòng khi ốm đau bệnh tật đã phải chi ra khi anh làm cái lễ cúng người âm này, tiền phong bì cho thầy cúng giải hạn cũng không ít. Vợ anh vốn là người phụ nữ tần tảo, thương chồng yêu con, biết nếu chồng chị không làm cái lễ này thì anh sẽ ăn không ngon ngủ không yên nên bấm bụng chiều chồng.

Hàng nghìn Phật tử thành tâm dự lễ Vu Lan Báo hiếu.

Đừng biến nét đẹp tâm linh thành mê tín dị đoan

Thượng tọa Thích Thiện Thuận, Trụ trì Viện chuyên tu cho biết: “Vu lan thắng hội là một ngày lễ nói về mối lương duyên tốt đẹp, đáng trân trọng giữa cha mẹ và con cái. Báo hiếu không chỉ cơm ăn áo mặc vật chất. Bởi vì những gì liên quan đến vật chất, tiền bạc chỉ có thể cải thiện được cuộc sống trong một giai đoạn thôi nhưng không hẳn làm cha mẹ vui lòng.

Báo hiếu phải xuất phát tâm niệm từ tấm lòng, từ trái tim của những người con luôn hướng đến sự an yên hạnh phúc của cha mẹ bằng những điều nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống. Chúng ta có thể nói những điều chưa từng nói để được mẹ vui khi mẹ còn có thể nghe thấy được, làm những điều thể hiện tấm chân tình để cha được an ủi khi cha còn cảm nhận được.

Khi vô thường đem cha mẹ ra đi mãi mãi thì chúng ta cũng không phải sống trong hối tiếc. Nếu nói và làm được những điều này bằng cả trái tim, bằng cả tấm lòng thì mới được gọi là hiếu nghĩa - hiếu hạnh của người học Phật”.

Phật tử Nguyễn Thị Bát thành tâm lễ cầu cho Cửu huyền thất tổ tại chùa Bồ Đề.

Thượng tọa Thích Thiện Thuận bảo: “Món nợ lớn nhất của đời người chính là ân tình của cha mẹ nhưng không bao giờ chúng ta đền đáp hết được, vậy hãy sống bằng ân tình, hiếu nghĩa để đền đáp ân tình đối với cha mẹ. Cuộc sống còn nhiều điều bất như ý trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái nhưng khi rơi vào hoàn cảnh này hãy tự nhắc nhở mình để biết cách dừng lại, biết tiết chế và sống trên nền tảng đạo đức của những người con quyết giữ tròn hiếu đạo”.

Vừa qua, có nhiều chuyện xung quanh vấn đề tâm linh tín ngưỡng nơi thờ tự trang nghiêm như dâng sao, giải hạn ở chùa Phúc Khánh (Hà Nội), ầm ĩ dịch vụ thu tiền cúng vong chùa Ba Vàng (Quảng Ninh), ngày 18-7- 2019 Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có công văn gửi đến các chùa yêu cầu chấn chỉnh lại, chấm dứt các dịch vụ được coi là mê tín dị đoan ở các chùa trên địa bàn cả nước.

Công văn có ghi: “Vu lan là ngày lễ lớn trong đạo Phật. Tổ chức Đại lễ Vu lan hằng năm là một trong các pháp môn thực hành hạnh nguyện tri ân, báo ân, báo hiếu của tăng ni, tín đồ, cư sĩ Phật tử noi gương theo đức hạnh của ngài Mục Kiền Liên trong kinh điển Phật giáo. Với truyền thống văn hóa hiếu nghĩa, uống nước nhớ nguồn của dân tộc và tín ngưỡng tâm linh thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam, ngày lễ Vu lan của đạo Phật đã hòa quyện với triết lý, tục thờ cúng ngày rằm tháng 7 âm lịch hình thành lễ hội Vu lan báo hiếu đã trở thành nét văn hóa truyền thống hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam.

Đây là thời gian để mỗi người thực hành và khắc sâu hạnh nguyện báo hiếu, báo hạnh với cha mẹ, ông bà và những người thân yêu, đồng thời cũng là thời gian tưởng nhớ, tri ân các Anh hùng dân tộc, anh linh các anh hùng liệt sĩ, tổ tiên, Cửu huyền thất tổ của các gia đình trong toàn xã hội”.

Công văn của Giáo hội cũng nêu rõ: “Không đốt, cúng vàng mã. Nên thực hiện các việc làm từ thiện thiết thực cứu giúp người nghèo khổ để chuyển hóa thành nghiệp thiện, nghiệp lành báo hiếu tổ tiên, cha mẹ” đồng thời: “Không tổ chức cúng lễ thu tiền mang hình thức dịch vụ tâm linh và các nghi lễ không phù hợp chính pháp với các nghi lễ truyền thống”.

Trần Mỹ Hiền
.
.
.