HDBank
Mobifone

Hồng ngọc từ Myanmar

Chủ Nhật, 11/11/2007, 14:30
Những cuộc thương lượng mua bán đá quý diễn ra liên tục thâu đêm suốt sáng ở thành phố nhỏ xinh đẹp Idar-Oberstein, tức là “thành phố ngọc”, của Myanmar ngày nay. Những con buôn đường dài cho giới kinh doanh đá quý ở châu Âu tìm đến Idar-Oberstein để lùng mua đá quý và kim cương – những viên ruby (hồng ngọc) to, màu đỏ sẫm xuất xứ từ Myanmar có giá đến hàng chục ngàn euro/carat và được đánh giá là đắt nhất thế giới.

Konrad Henn, đại diện thương mại của công ty kinh doanh đá quý của Đức Karl Faller, cho biết những viên ruby của công ty đều có nguồn gốc từ những vùng Mogok và Mong Hsu. Song, Konrad Henn thú thật là ông chưa bao giờ liều lĩnh đến tham quan mạng lưới mỏ đá ở đó, bởi vì “nguy cơ là rất lớn, trong khi giá mua tại chỗ cũng chẳng rẻ hơn hàng lấy từ những người cung cấp Thái Lan sống với nghề lâu đời”. 

Khoảng 90% lượng rubi cung ứng cho toàn cầu có nguồn gốc từ Myanmar. Theo lời kể của nhiều nhân chứng, giới chủ nhân hầm mỏ hung ác pha chất kích thích amphetamine vào nước uống của công nhân khai thác mỏ để tăng năng suất lao động! Đôi khi cả trẻ con cũng làm việc dưới mỏ đá.

Ngoài gỗ teak, dầu và khí đốt, đá quý là nguồn sinh lợi thứ tư của chính quyền Myanmar, và chưa ai biết được con số chính xác về số tiền thu được từ công việc buôn bán của họ (ước đoán là khoảng hàng trăm triệu USD/năm). Tại chợ đấu giá đá quý do nhà nước Myanmar tổ chức ở Yangon, nước này thu về khoảng 300 triệu USD trong năm 2007.

Trung Quốc, Thái Lan và Ấn Độ là những khách hàng chính của Myanmar. Và 3 quốc gia này cũng kiểm soát việc mua bán đá quý với châu Âu và Mỹ, số lượng rubi và sapphire trị giá hàng năm 1 triệu euro nhập thẳng từ Myanmar đến Đức. Mỗi năm, Công ty đá quý Myanmar (do nhà nước sở hữu) xuất khẩu hàng tấn ngọc ra nước ngoài.

Một công nhân Myanmar đang chế tác đá quý.

Về phần buôn bán gián tiếp, một lượng đá quý Myanmar lớn hơn nhiều được bọn buôn lậu tuồn từ Bangkok đến Đức. Khác với “kim cương máu” của các vùng châu Phi, đá quý của Myanmar dường như không bị điều luật quốc tế nào gây cản trở lưu thông.

Michael Hahn, nhà buôn đá quý ở Dusseldorf và Chủ tịch Hội Các nhà nhập khẩu đá quý của Đức, là một trong những người mua đá quý Myanmar từ Bangkok.

Ông cho rằng hành động tẩy chay đá quý Myanmar chỉ có thể gây hậu quả tiêu cực đối với người dân hơn là tác động đến chính quyền quân sự nước này. Michael Hahn cũng cho biết, nhiều nhân vật lãnh đạo trong tổ chức kỹ nghệ đá quý Đức cũng đồng tình với ý kiến này.

Vậy thì việc mua rubi của Myanmar có phải là hành động từ thiện? Mặc dù Mỹ đã có lệnh cấm nhập khẩu trực tiếp đá quý từ Myanmar, song nước này lại cho phép buôn bán chúng thông qua Bangkok, sau sự can thiệp mạnh của giới kinh doanh đá quý đầy quyền lực! Và giới chính khách Brussels (Bỉ) cũng mới bắt đầu cân nhắc với sự thắt chặt việc kinh doanh đá quý từ Myanmar của Liên hiệp châu Âu

T.T.P. (theo Spiegel)

.
.