Hoang mang ngôn tình truyện

Thứ Hai, 08/06/2015, 21:45
Có lẽ trên đời chẳng có ai là không thích nói về chuyện tình yêu. Và bởi thế, có mặt hàng nào dễ "bán" hơn là những câu chuyện tình yêu. Và cũng bởi thế, chẳng có mặt hàng nào dễ bị làm giả, làm nhái, nhập lậu và làm hàng kém chất lượng hơn là... chuyện tình yêu.

Trên sóng truyền hình dạo trước có một câu chuyện tình yêu xúc động của một cặp vợ chồng hát rong. Anh chồng, một "ca sĩ được đào tạo chính quy", đem lòng thương yêu một cô gái mù, rồi hai người rong ruổi hát rong bán chổi trên đường phố. Mơ ước của anh là được một lần hát cho vợ nghe trên sóng truyền hình. Nhà đài ra tay. Khán giả đầm đìa nước mắt. Cuối cùng người ta phát hiện anh "chồng" kia đã có vợ con ở quê và câu chuyện tình yêu này là "hàng fake". Đội ngũ biên tập bị phạt nặng, chương trình bị cấm phát sóng một thời gian.

Kể lại để thấy rằng chuyện tình yêu luôn ăn khách. Và thị trường của những câu chuyện tình yêu luôn vàng thau lẫn lộn. Cứ vài ba bữa trên mạng lại xuất hiện một câu chuyện gây sóng gió - hay nói theo kiểu của văn học Nhật, là chuyện tình yêu "một lít nước mắt". Nào là vợ chồng hát rong mù, nào là người tử tù bỏ lại con gái trước cửa nhà cô gái trẻ. Và ở đó, đầy đủ những đặc tính của một thị trường hàng hóa: có hàng thật, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Ở đó, cũng như nhiều thị trường khác, là sự thống trị của hàng hóa "made in China" - sách ngôn tình Trung Quốc.

Ngôn tình truyện xuất hiện nhiều trên thị trường sách Việt Nam.

Tại sao hàng hóa “made in China” thống trị thì lý do rất đơn giản là nó rẻ. Hàng Trung Quốc rẻ đến mức chất lượng trở thành yếu tố hậu xét. Và các nhà sản xuất Trung Quốc cũng sáng tạo nữa, bắt kịp những tâm lý nhỏ nhặt nhất của người tiêu dùng. Trong cuộc đời một bà nội trợ, ai cũng đã từng mua một món đồ "made in China" mà họ cảm tưởng là vô cùng tiện lợi, rốt cục chẳng dùng được cho việc gì. Ví dụ như một thời, nhà nào cũng có một cái que nhựa, một đầu có gắn bàn tay để gãi lưng, cảm giác là một sự đột phá của khoa học công nghệ, khoảng cách từ ngón tay đến vết ngứa trên lưng dài đúng bằng bước chân của Neil Armstrong trên mặt trăng, là bước tiến vĩ đại của con người...

Sách ngôn tình Trung Quốc là một thứ hàng hóa như thế. Có nhà làm sách tâm sự rằng bây giờ thậm chí họ không cần phải chờ bên Trung Quốc ra sách rồi mua bản quyền về dịch nữa. Họ có thể sang tận Trung Quốc đặt các tác giả mạng viết riêng cho thị trường Việt Nam, giống như mấy bà, mấy chị buôn hàng mỹ phẩm rẻ tiền sang Quảng Châu đặt làm "hàng fake" đem về chợ đầu mối bán cả lố. Nó là những cuốn sách về tình yêu lý tưởng, đèm đẹp, gãi vào đúng chỗ ngứa của những thiếu nữ thị thành đang tuổi ăn tuổi lớn, như là cái que nhựa có gắn bàn tay đối với những người đang bị ngứa lưng không biết nhờ ai gãi. Thật khó mà nói về giá trị của chúng. Bảo là vô nghĩa thì không hẳn, nhưng nếu nói rằng có ý nghĩa gì đó thì quả là sự xúc xiểm với lịch sử văn chương.

Và hàng "made in China" còn hứa hẹn nhiều nguy cơ không ai ngờ được đến. Hãy nhớ lại vào dịp tết năm nọ, trẻ con đứa nào cũng ao ước có một khẩu súng nhựa Trung Quốc, có loại nhét viên pháo nhỏ vào, bắn phát ra tiếng nổ và tia lửa, vô cùng kỳ thú, cầm trên tay tưởng mình sắp là ngôi sao hành động đến nơi. Loại khác, dùng lò xo, bắn viên đạn nhựa xuyên thủng được cả quần áo. Có đứa bị nổ toét tay, có đứa bị bạn chơi dại bắn hỏng cả mắt.

Mãi đến rất lâu sau, người tiêu dùng Việt Nam mới bắt đầu ý thức được về sự nguy hại của rất nhiều món đồ chơi "made in China", đi mua đồ chơi cho trẻ con cũng biết hỏi lại có phải Trung Quốc không, vì nguyên liệu độc hại, vì chất lượng rởm trẻ con chơi dễ tự làm hại mình, và không còn bị "mê hoặc" bởi cái sự mới mẻ, sặc sỡ và giá tiền của chúng nữa.

Sách ngôn tình Trung Quốc thì không thể làm mù mắt trẻ con. Nhưng nó cũng được tạo ra bởi cùng một cơ chế của thị trường: các nhà sản xuất thấy dễ có lãi, sản xuất hàng loạt với một tâm lý cẩu thả, đôi khi bất chấp để đánh vào tâm lý đám đông. Nên chúng cũng có thể gây nguy hại.

Trong các dòng sách ngôn tình, có nhiều dạng quái gở. Có "đam mỹ", là dòng truyện nói về tình yêu đồng tính giữa hai người nam. Thôi thì ở nước ta, một trong những xã hội được đánh giá cao về thái độ dành cho người đồng tính, chuyện này tạm chấp nhận được. Nhưng còn có cả "tỷ đệ luyến" - tình chị em; "phụ tử" - tình cha và con; incest (loạn luân); "luyến đồng" - thích trẻ em; "nhân thú" - người thích làm tình với thú... và tất cả những khía cạnh tính dục mà các tác giả văn học mạng của Trung Quốc có thể nghĩ ra để thu hút độc giả. Hãy thử gõ "đam mỹ phụ tử" trên Google và xem bạn thu được bao nhiêu kết quả.

Tất nhiên, thị trường sách Việt Nam còn có cơ quan quản lý xuất bản. Nhưng hãy nghĩ đến các hàng hóa khác, cũng có cơ quan quản lý thị trường, nhưng hàng "made in China" với những rủi ro tiềm tàng của chúng vẫn tràn ngập. Hàng lậu vẫn xuất hiện khắp nơi. Và đáng sợ nhất, là trong khi không ai nghiện đồ chơi Trung Quốc, điện thoại Trung Quốc hay hàng gia dụng Trung Quốc, thì thanh niên nước ta đang rất nhiều người nghiện ngôn tình. Với Internet, họ có thể chẳng cần thông qua cơ quan quản lý nào để đọc sách, có thể tự dịch, tự đọc với nhau mà không chờ đến việc nó có được xuất bản hay không. Đã bảo rồi, rằng không có thứ gì ăn khách trên đời hơn là chuyện tình yêu.

Tất nhiên là hàng "made in China" cũng có những sản phẩm chất lượng, từ điện thoại đến văn học. Họ có nhiều tác phẩm văn chương có giá trị. Họ có một tác giả đoạt giải Nobel văn chương, nhà văn Mạc Ngôn. Họ có những tác phẩm ngôn tình được cả châu Á thừa nhận về giá trị. Nhưng là thiểu số hay đa số, chất lượng chung ra sao, hẳn người tiêu dùng tự biết.

Có thể sách ngôn tình không khiến con em chúng ta nhập viện ngay như súng đồ chơi. Nhưng cái đáng sợ nhất, là một thứ chúng ta không thể đo lường được hậu quả. Hãy nghĩ đến việc một thanh niên nghiện đọc dòng sách nói về việc cha và con trai ruột hình thành một mối tình, tình yêu đúng mô-típ chỉ dành cho trai gái, một số chương khác lan man chi tiết từng cảnh nóng, chuyện này quả nhiên không thể phân tích được bằng lời.

Hoàng Hoàng
.
.
.