Gỡ nút thắt xử lý xe vi phạm giao thông

Thứ Ba, 17/03/2020, 16:03
Từ năm 2013 đến nay, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (ĐBĐS) Công an TP Hồ Chí Minh đã phải xây dựng 5 kho bãi để chứa 170 ngàn phương tiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Lượng xe vi phạm bị lưu giữ ngày càng tăng. Do mức phạt cao, giá trị xe thấp, nhiều người vi phạm sẵn sàng bỏ luôn phương tiện giao thông.

Các phương án thanh lý phương tiện vi phạm để quá thời gian quy định vướng phải nhiều thủ tục rườm rà, mất nhiều thời gian nên các kho bãi tạm giữ phương tiện luôn quá tải...

Các kho chứa phương tiện vi phạm giao thông tại TP Hồ Chí Minh luôn trong tình trạng quá tải.

Xe vi phạm chất đống

Quận 9 có nhiều tuyến đường huyết mạch đi qua, trong đó có xa lộ Hà Nội, QL1, phương tiện lưu thông luôn trong tình trạng quá tải. Là quận xa trung tâm thành phố, có nhiều người dân từ các tỉnh thành về đây mưu sinh, làm công nhân trong các khu công nghiệp... nên tình trạng vi phạm giao thông khá phổ biến. Mỗi ngày có hàng chục đến cả trăm phương tiện vi phạm luật giao thông đường bộ bị lập biên bản tạm giữ.

Nhiều người vi phạm sử dụng phương tiện không có giá trị cao, mức phạt cao hơn giá trị xe nên chủ xe không đến nộp phạt lấy xe về. Khu vực tạm giữ xe vi phạm lúc nào cũng trạng quá tải. Quận 9 chưa có kho tạm giữ phương tiện vi phạm đúng nghĩa nên phải tận dụng khoảng sân của trụ sở để làm kho chứa phương tiện.

Thượng tá Tân Xuân Tiên - Phó Trưởng Công an quận 9 cho biết, phương tiện vi phạm chứa trong bãi xe vi phạm khoảng 4.000 chiếc. Có nhiều phương tiện bị bỏ lại đây đã 3-4 năm, hư hỏng, gỉ sét nhưng chưa thể thanh lý. Để có chỗ chứa những phương tiện vi phạm mới, Công an quận 9 phải sắp xếp phân loại liên tục. Theo ghi nhận, các phương tiện tại quận 9 bị phủ đầy bụi, đa phần hư hỏng nặng, cũ, giá trị thấp.

Tại Công quận Bình Thạnh, lượng phương tiện vi phạm bị tạm giữ quá lớn nên công tác bảo quản các loại phương tiện này dường như bỏ ngỏ. Không có kho bãi đúng nghĩa, khu vực giữ xe vi phạm chỉ được rào sơ sài bằng lưới B40. Bên trong bãi giữ xe này là hàng nghìn phương tiện, đa phần là xe gắn máy, số còn lại là xe ba gác, ôtô và có cả... xe buýt. Bị phơi nắng phơi mưa nên có nhiều phương tiện hư hỏng không nhìn ra hình dạng. Bãi giữ phương tiện vi phạm quá tải nhưng chỉ được quản lý sơ sài, lại nằm cạnh khu dân cư khiến những người sống tại đây luôn lo lắng về nguy cơ cháy nổ.

Các kho bãi giữ phương tiện của Phòng CSGT ĐBĐS Công an TP Hồ Chí Minh cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Mặc dù 5 kho bãi đã được xây mới nhưng sức chứa của các kho này cũng không đáp ứng được nhu cầu thực tế. Theo thống kê, từ năm 2013 đến nay các kho bãi chứa xe phương tiện vi phạm giao thông đã chứa khoảng 170 ngàn phương tiện.

Quy trình thanh lý xe trải qua nhiều bước, thực hiện trong thời gian dài.

Một nhân viên trông coi tại kho chứa cho biết, cứ 10 xe vi phạm đưa vào kho thì có 3-4 phương tiện giao thông không có người đến nộp phạt lấy xe vi phạm về. Có trường hợp bị tạm giữ xe năm trước, năm sau mới đến lấy xe nên các phương tiện bị tạm giữ xuống cấp, gỉ sét. Có đến hàng ngàn xe máy bị hư hỏng, biến dạng không thể sắp xếp theo hàng mà đành phải chất đống vì bị bỏ lại 4-5 năm.

Quy trình xử lý phức tạp

Theo một cán bộ Phòng CSGT, trong 2 năm (2018-2019), Phòng CSGT đã thanh lý gần 6.000 phương tiện. Để thanh lý một phương tiện vi phạm giao thông phải trải qua một qui trình kéo dài khoảng 5 tháng. Khi phải thanh lý, CSGT sẽ gửi phương tiện đi giám định xác minh biển số, số khung, số máy, mời người vi phạm, chủ sở hữu xe đến phối hợp làm việc.

Tiếp theo, CSGT tra cứu danh sách xem có trường hợp nào số khung, số máy, biển số trùng với thông tin mất cắp người dân trình báo hay không. Nếu có sẽ làm thủ tục cho nhận lại xe. CSGT sẽ gửi giấy mời 2 lần trong 20 ngày như địa chỉ cung cấp ban đầu của người vi phạm. Sau 60 ngày, người vi phạm không đến đóng phạt thì xe sẽ được làm thủ tục thanh lý.

Bước tiếp theo CSGT  niêm yết danh sách những xe không có người đến nhận tại đội, trạm ra quyết định xử phạt sau đó bàn giao xe cho trung tâm đấu giá của Sở Tư pháp và Ban Vật giá của Sở Tài chính để áp giá và đấu giá. Những phương tiện thanh lý không đủ điều kiện lưu thông sẽ phải cưa khung sườn, tháo rời phụ tùng bán sắt vụn, sung công quỹ.

Trung tá Nguyễn Văn Bình - Đội trưởng Đội Tham mưu, Phòng CSGT ĐBĐS cho biết, đa phần các phương tiện vi phạm người dân không đến nộp phạt để lấy xe ra là xe có giá trị thấp, xe cũ, xe gian, xe không giấy tờ hợp lệ... Người sử dụng các phương tiện này vi phạm các lỗi bị phạt nặng, mức phạt cao hơn giá trị của phương tiện nên họ sẵn sàng bỏ luôn. Ngoài những phương tiện giao thông đang ký tại TP Hồ Chí Minh thì có rất nhiều phương tiện vi phạm mang biển số của các tỉnh thành khác nên việc yêu cầu người vi phạm đến xử lý vi phạm để giải quyết phương tiện bị tạm giữ rất khó.

Thượng tá Nguyễn Quốc Hải - Phó Trưởng Công an quận 12 nêu ra một số thực trạng bất cập, đó là Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định rất đơn giản nhưng lại có quá nhiều thông tư, nghị định liên quan khiến việc tiêu hủy, thanh lý phương tiện vi phạm rất khó khăn. Tại quận 12, bãi xe phương tiện quá tải, có hàng ngàn chiếc. Thủ tục xử lý phương tiện quá rườm rà. Nếu đem thanh lý thì vướng quy định, còn không thanh lý thì chất đống, hư hỏng, gỉ sét, mục nát và chiếm quá nhiều diện tích kho bãi.

Công an tỉnh Bình Dương đã phải tự tháo gỡ tình trạng này bằng biện pháp khá quyết liệt. Gần đây, sau khi thống kê, thông báo những phương tiện vi phạm nhiều năm không có người đến nhận, quá thời hạn tạm giữ, Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Dương đã tiến hành tiêu hủy 527 xe mô tô 2 bánh, 3 bánh. Các phương tiện vi phạm này bị cắt nhỏ sau đó bán phế liệu, sung công quỹ. Lần trước đó 604 xe mô tô, xe 3 bánh cũng được Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Dương... xử lý theo hình thức này.

Ngoài việc thanh lý, các phương tiện không thể lưu thông sẽ bị cắt vụn bán lấy tiền sung công quỹ.

Những tồn đọng trong công tác bảo quản, xử lý phương tiện vi phạm luật giao thông đường bộ quá hạn gây khó khăn trong việc tìm kiếm kho bãi, nơi chứa xe phương tiện đã được các đơn vị liên quan nhiều lần bàn bạc để đưa ra giải pháp hữu hiệu, tuy nhiên còn nhiều vướng mắc nên chưa thể xử lý rốt ráo.

Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó Trưởng Phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, Công an TP đang nghiên cứu đến việc xã hội hóa các bãi tạm giữ phương tiện giao thông, xem xét mức giá giữ xe vi phạm, xem xét các bãi tạm giữ phương tiện đủ điều kiện trên địa bàn, tính toán các phương án tạm giữ phương tiện vi phạm tại các kho bãi ở xa. Tất cả các phương án này đều được cân nhắc để đúng quy định, tránh phương tiện bị hư hỏng và tránh vi phạm về các vấn đề PCCC.

Người vi phạm giao thông được giữ phương tiện vi phạm

Nghị định 31/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2013/NĐ-CP ngày 3-10-2013 của Chính phủ quy định về quản lý, bảo quản phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính được Chính phủ ban hành có hiệu lực vào ngày 1-5-2020 phần nào đã giải tỏa được “nút thắt” trong cách xử lý xe vi phạm Luật Giao thông đường bộ.

Theo đó, phương tiện giao thông vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Nếu tổ chức, cá nhân vi phạm có một trong các điều kiện dưới đây thì người có thẩm quyền tạm giữ có thể giao cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản phương tiện dưới sự quản lý của cơ quan của người có thẩm quyền. Người được bảo quản và giữ lại phương tiện bị xử lý vi phạm là người có nơi đăng ký thường trú hoặc có đăng ký tạm trú còn thời hạn hoặc có giấy xác nhận về nơi công tác của cơ quan, tổ chức nơi cá nhân vi phạm đang công tác; tổ chức vi phạm phải có địa chỉ hoạt động cụ thể, rõ ràng. Tổ chức, cá nhân vi phạm phải có nơi giữ, bảo quản phương tiện. Một quy định khác cần thiết để tổ chức, cá nhân được tự bảo quản phương tiện khi vi phạm là đặt tiền bảo lãnh phương tiện.

Trong Nghị định có các quy định chặt chẽ về việc quản lý người vi phạm được giữ phương tiện. Đó là việc tổ chức, cá nhân vi phạm trong thời gian được giao giữ, bảo quản phương tiện vi phạm thì không được phép sử dụng phương tiện vi phạm đó tham gia giao thông; không được tự ý thay đổi nơi giữ, bảo quản phương tiện vi phạm. Trong thời gian được giao giữ, bảo quản phương tiện, nếu tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành đúng quy định thì người có thẩm quyền tạm giữ phương tiện xem xét, quyết định chuyển phương tiện vi phạm đó về nơi tạm giữ của cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ.

Những phương tiện vi phạm không được giao cho người vi phạm giữ là những phương tiện là vật chứng của các vụ án hình sự, phương tiện được sử dụng để đua xe trái phép, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng hoặc gây tai nạn giao thông; giấy chứng nhận đăng ký phương tiện bị làm giả, sửa chữa; biển kiểm soát giả, phương tiện bị thay đổi trái phép số khung, số máy hoặc bị xóa số khung, số máy.

Nghị định 31/2020/NĐ-CP khi được thực hiện sẽ phần nào tháo gỡ “nút thắt” trong việc xử lý phương tiện vi phạm Luật Giao thông đường bộ, phần nào giảm tải áp lực trong việc tìm kiếm kho bãi, quản lý, bảo dưỡng xe vi phạm, tránh tình trạng phương tiện bị bỏ phế nhiều năm trong các bãi xe.

Huyền Đức
.
.
.