Chiến lược Đại Trung Đông và con đường tơ lụa mới của Trung Quốc

Thứ Tư, 06/03/2019, 15:50
Thuật ngữ “Đại Trung Đông” được dùng để ám chỉ 27 quốc gia có diện tích tương đương với các nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS), với Trung và Nam Mỹ hay với khu vực châu Phi hạ Sahara. Tập hợp này đại diện cho hơn một nửa (27/49) các quốc gia Hồi giáo trên thế giới, nơi người Hồi giáo chiếm hơn 50% dân số địa phương ở mỗi nước.

Và sự có mặt mạnh mẽ của Trung Quốc ở đây, với tham vọng xây dựng con đường tơ lụa mới, thực sự đã đem lại sự thay đổi cho khu vực, bao gồm cả hân hoan và những mối lo ngại.

“Ngã tư” Đại Trung Đông

Từ năm 2012 đến 2017, dân số của khu vực này đã tăng gần 16%, từ 720 lên 844 triệu dân, trong đó tính cả 190 triệu ở Bắc Phi, bao gồm cả Ai Cập – nước có hơn 97% là người Hồi giáo. Con số này chiếm 46% dân số Hồi giáo trên thế giới (1,83 tỷ người, chiếm 24,1% dân số thế giới năm 2017). Đây là tỷ lệ tăng dân số cao nhất so với các nhóm địa chính trị chủ chốt khác toàn cầu.

Nguyên nhân của sự khác biệt từ 10% đến 11% (từ 728 đến 844 triệu dân) và 24,1% dân số thế giới của thế giới Hồi giáo là sự “không hội nhập” vào khu vực Đại Trung Đông của các nước có đông người Hồi giáo nhất trên thế giới (khoảng hơn 1 tỷ người Hồi giáo), đồng nghĩa với việc chỉ có khoảng 20% người Hồi giáo (366 triệu) sống ở các quốc gia Arab. Mật độ dân số của khu vực Đại Trung Đông nằm ở mức trung bình so với mức của thế giới (khoảng 50 người/km2), nhưng tập trung chủ yếu ở Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, các nước vùng Vịnh và vùng Levant.

Về kinh tế, GDP của 27 quốc gia khu vực Đại Trung Đông chiếm tối đa khoảng 6% GDP toàn cầu, gấp 3 lần GDP trên danh nghĩa của vùng châu Phi hạ Sahara có diện tích và dân số tương đương; gấp đôi các quốc gia CIS và kém hơn một chút so với khu vực Trung Mỹ và châu Mỹ Latinh. Con số này ít hơn khoảng bốn lần so với Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ, vốn có diện tích và mật độ dân số ít hơn rất nhiều, từ 1,5 đến 4 lần. So với Trung Quốc, khu vực Đại Trung Đông lớn gấp đôi Trung Quốc, nhưng có dân số ít hơn hai lần và chỉ số GDP kém hơn gần 3 lần.

Một ga đường sắt trung chuyển trong chuỗi dự án Vành đai và Con đường của Trung Quốc tại Kazakhstan.

Những sự phân biệt như vậy về năng suất của cải được phản ánh một phần trong sự tăng trưởng GDP bình quân đầu người từ năm 2012 đến năm 2017: GDP bình quân đầu người của khu vực Đại Trung Đông này kém hơn khoảng hai lần mức chung của thế giới, của Trung Mỹ và châu Mỹ Latinh và của các nước CIS; thấp hơn 6 lần so với EU, gần 10 lần so với Mỹ nhưng lớn gấp 4 lần so với châu Phi hạ Sahara và gần bằng với Trung Quốc trong năm 2012, tuy nhiên với năng lực phát triển chậm hơn, đã có tỷ lệ cách biệt 1,6 lần đến năm 2017.

Sự sụt giảm GDP danh nghĩa (giảm 1,4% từ năm 2012 đến năm 2017) và GDP bình quân đầu người giảm 14,9% trong cùng kỳ của khu vực này là đáng lo ngại nhất. Đặc biệt là do sụt giảm nguồn thu từ năng lượng và do những bất ổn lớn về chính trị. Đây là sự suy giảm tồi tệ nhất được ghi nhận so với các nhóm địa chính trị khác, vốn thường theo hướng tích cực. Và sự thụt lùi mạnh và rõ nét nhất được ghi nhận thuộc về các nước CIS, khi GDP danh nghĩa giảm 29,2%, trong khi GDP bình quân đầu người giảm 30,5% từ năm 2012 đến 2017.

Nguyên nhân do sự suy thoái kinh tế ở Nga, bắt nguồn từ việc giá các nguồn năng lượng giảm mạnh và phải chịu những biện pháp trừng phạt cứng rắn của phương Tây. Chỉ số GDP vùng châu Phi hạ Sahara, Trung Mỹ và châu Mỹ Latinh cũng ở cấp độ tương đương.

Những kết quả như vậy trong một số nhóm kinh tế vĩ mô chủ chốt làm xuất hiện một “vùng đệm” đặc biệt dễ bị tổn thương giữa châu Âu và châu Á, cũng như ở các nước CIS, tạo thành một khu vực “trũng” về kinh tế giữa hai lục địa Á – Âu, như là Ukraine, Georgia, Turkmenistan.

Khu vực này tuy dễ bị tổn thương nhưng cũng rất quan trọng, vì những giao thương từ châu Á, chủ yếu là Trung Quốc với ý đồ xây dựng lại “con đường tơ lụa”, đến châu Phi và châu Mỹ Latinh bắt buộc phải đi qua để tiếp cận Mỹ, từ phía nam và phía bắc thông qua các dịch vụ hàng hải trong tương lai. Qua đó có thể thấy tầm quan trọng to lớn của các dự án mà Trung Quốc đang xây dựng, nhân danh “vành đai và con đường” trong khu vực này.

Con đường tơ lụa mới

Không thể phủ nhận Trung Quốc là một trong những quốc gia lớn trên thế giới trong quá khứ và hiện nay có một ký ức lịch sử và địa chính trị liên tục từ hơn 5.000 năm, với những văn bản ghi chép liên quan đến du lịch, thám hiểm, các sự kiện trong và ngoài nước… Điều này đem lại cho Trung Quốc những kinh nghiệm không gì sánh kịp, thông qua các cuộc gặp gỡ hoặc những sự đối đầu văn minh bất ngờ, trong đó có cả yếu tố thành công hoặc thất bại.

Ví dụ như cuộc đối đầu giữa dân tộc Hán và Vương triều Hung nô du mục, từ năm 133 trước Công nguyên (TCN) đến năm 89 TCN, khi nhà nước phong kiến Trung Hoa triển khai Con đường tơ lụa lịch sử. Và chính kết quả của những cuộc đối đầu này đã biến Trung Quốc trở thành một nhân tố chủ chốt thiết yếu của sự lĩnh hội và của những hành động vươn ra hay nối tiếp qua khu vực Đại Trung Đông, vốn được nhìn nhận như một khu vực “lưỡi liềm màu mỡ” bởi sự phát triển đa dạng và nơi giao thoa giữa các nền văn minh.

Từ những khoản đầu tư kếch xù, hàng hóa Trung Quốc ồ ạt vào Pakistan.

Về mặt lịch sử, Trung Quốc không phải là quốc gia xa xôi duy nhất quan tâm đến khu vực Đại Trung Đông và vượt qua nó để hướng tới châu Phi hay Ai Cập cổ, đến vùng Lưỡng Hà (Iraq hiện nay) hay Iran, Byzance, Ấn Độ hay các nền văn minh Hồi giáo, rồi châu Âu… Đó là vì Đại Trung Đông là một trong những ngã tư quan trọng  của thế giới, nơi gặp gỡ của những công nghệ, nơi diễn ra những hoạt động hàng hóa và những tư tưởng, nhất là dọc theo vĩ tuyến 300 độ Bắc, khu vực màu mỡ bị đứt gãy do địa chấn, ngẫu nhiên trở thành một trục ban đầu của Con đường tơ lụa trong lịch sử và của những nền văn minh chính ở phía nam của “thế giới được biết đến” (lục địa Á – Âu) từ thời Trung cổ.

Vì thế, tơ lụa ban đầu do người Trung Quốc độc quyền và mọi ý đồ xuất khẩu lụa ra khỏi đất nước này sẽ bị xử tội chết, nay xuất hiện rộng rãi từ lục địa Á – Âu cho đến tận Roma và vượt ra ngoài phương Đông. Sở dĩ vị Hoàng đế Trung Hoa Hán Vũ Đế (trị vì từ năm 141 đến năm 87 TCN) phải nhân nhượng cho những thương gia người Sogdians thông thạo nhiều ngôn ngữ của vùng Samarkand, Bukhara (hiện thuộc Uzbekistan) được buôn bán tơ lụa để đổi lấy một giống ngựa với đôi chân dài, hay còn gọi là những con “thiên lý mã” của thung lũng Ferghana (thuộc biên giới Uzbekistan hiện nay), cần thiết cho quân đội Trung Quốc có thể giành chiến thắng nhiều đời trước đế chế du mục Hung Nô (Mông Cổ ngày nay).

Ngoài ra, đó là công nghệ chế tạo giấy, ban đầu cũng là bí mật của vương triều, được truyền bá ra ngoài Trung Hoa từ khoảng năm 751 ở Samarkand, rồi năm 794 ở Baghdad Abbasid là bởi các tù binh chiến tranh người Trung Hoa, sau cuộc chiến bại ở Talas. Công nghệ này sau đó đã được cách mạng hóa bởi thế giới Hồi giáo, nhằm phục vụ việc truyền bá kinh Koran, cũng như các ấn phẩm đa dạng khác về khoa học và văn học thời kỳ vàng son của Hồi giáo từ thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ 14.

Sau đó, nhờ vào sự mở rộng của Hồi giáo sang châu Âu, công nghệ này tiếp tục được truyền đến trước tiên ở Andalusia của Tây Ban Nha vào  năm 1056; Sicily của Italy năm 1102; Valencia của Tây Ban Nha vào năm 1150 và sau đó là Marseille của Pháp và Ancona của Italy từ năm 1246 đến 1276, hướng tới Troyes của Hy Lạp ở giữa thế kỷ 14 sau đó đi qua Đức, Hà Lan…

Bất chấp tính dễ bị tổn thương của nền kinh tế và công nghệ hiện nay của Trung Quốc, hồi ký về một ngã tư của những nền văn minh đa dạng như thế ở khu vực Đại Trung Đông – ít nhất là cho đến thế kỷ 15 – khiến nước này thực tế phải chịu rủi ro khi khôi phục lại từng đoạn đường của con đường tơ lụa trong lịch sử, nhằm cố gắng giải quyết đồng thời và một cách hòa bình trong sự dung hòa của tổng hợp các yếu tố, tác động.

Đầu tư vươn dài

Điều này thể hiện cụ thể qua việc Trung Quốc, trong thời gian qua, xây dựng ồ ạt các cơ sở hạ tầng đa phương thức, kết nối với nhau và những cơ sở hậu cần quân sự khác từ nay cho đến năm 2049, như là một kết quả của một giai đoạn chuẩn bị lâu dài nhằm xác định các vị trí mũi nhọn, với sự trợ giúp mạnh mẽ của tình báo kinh tế, trên đất liền, trên biển, hay đưa ra những vị trí giả định, đánh dấu nhiều tuyến đường ngang dọc theo lục địa Á-Âu, châu Phi và Nam Mỹ.

Hơn nữa, những hoạt động khuếch trương này, vốn có nhiều thuận lợi khi Trung Quốc là nước gần như duy nhất cung cấp trang thiết bị và các khoản tín dụng cho các nước nằm trong phạm vi của dự án “Vành đai và Con đường”, vốn cũng phải chịu những rủi ro đáng kể về mặt tài chính. Những công ty Trung Quốc tham gia đã phải tiêu tốn rất nhiều tiền trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng và phải chấp nhận thu hồi vốn trong dài hạn.

Nhiều công ty Trung Quốc trực tiếp đầu tư hoặc đứng đằng sau các dự án bất động sản tại Ai Cập.

Trong khi đó sự can thiệp kinh tế và tài chính trên diện rộng của Trung Quốc, mềm mỏng hay cứng rắn, để bảo trợ cho các công ty này luôn gặp phải sự không ủng hộ của phương Tây. Chúng làm cho các nước liên quan cũng phải chịu những rủi ro tương tự. Đó là nợ công của các nước này tăng nhanh vì họ thường không còn sự lựa chọn nào khác, trước một phương Tây luôn thận trọng, chỉ trừ một vài ngoại lệ như mô hình dự án Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của phương Tây với kinh phí 60 tỷ USD có khả năng đối trọng với dự án Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

Đã có 151 dự án với tổng chi phí đầu tư lên tới 382 tỷ USD được Trung Quốc triển khai ở các nước nằm trong khu vực Đại Trung Đông, trong đó Pakistan là 101 dự án với 184 tỷ USD; Iran có 5 dự án với mức đầu tư 35 tỷ USD. Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) có 5 dự án với 17,4 tỷ USD. Qatar là 3 dự án với 7 tỷ USD. Iraq có 1 dự án với 1,5 tỷ USD. Saudi Arabia có 9 dự án với 14,6 tỷ USD. Israel là 3 dự án với 15,8 tỷ USD. Thổ Nhĩ Kỳ có 5 dự án với 45,6 tỷ USD. Ai Cập có 5 dự án với 25,2 tỷ USD. Sudan có 2 dự án với mức đầu tư 6,3 tỷ USD.

Đây là những khoản quan trọng nhất, sau các khoản dành cho châu Á nói chung, với mục đích dùng để liên kết, một cách đa phương thức giữa châu Âu, châu Phi và cả châu Mỹ Latinh bằng các tuyến đường đan xen với các tuyến đường biển của Con đường tơ lụa lịch sử và của các tuyến đường sắt thuộc liên minh kinh tế Á – Âu bao gồm Kazakhstan – Nga – Belarus.

Trong đó, nhánh phía đông của Con đường tơ lụa mới còn gặp nhiều gian nan và cả nguy hiểm trong bối cảnh địa chính trị hiện đang biến động mạnh mẽ, khi buộc phải đi qua nhiều nước và các biên giới để đảm bảo cho việc vận chuyển từ Trung Quốc đến châu Phi hay châu Âu qua khu vực “ngã tư” Đại Trung Đông.

Tuy nhiên điều này không ngăn cản được Trung Quốc không ngừng nhân rộng những thử nghiệm và xây dựng cơ sở hạ tầng xuyên biên giới và đa phương thức qua Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Pakistan, cũng như việc đảm bảo việc xây dựng hoặc tiếp quản các dịch vụ hậu cần cảng biển, cảng hàng không, công nghiệp, quân sự nhằm mục đích lưu thông hàng hóa và đảm bảo an ninh cho các hoạt động giao thương của họ.

Trước tình hình cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung gay gắt và sự gia tăng các lệnh trừng phạt của Mỹ ở các khu vực trên thế giới, sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc có vẻ như ngoài mục đích kinh tế, còn được sử dụng để tăng cường đoàn kết về địa chính trị giữa các nước nằm trong phạm vi của nó đang gặp khó khăn. Và, thêm vào đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho những “con đường tắt” đa phương thức và kết nối giữa các lục địa mà trung tâm của nó, đương nhiên sẽ là Trung Quốc.

Huy Thông (tổng hợp)

.
.
.