Ngộ độc rượu, 3 người tử vong ở Đồng Nai:

Cảnh báo về rượu pha methanol

Thứ Hai, 11/06/2012, 14:20
Hiện tại, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP Biên Hòa, cùng Trung tâm Pháp y Công an tỉnh đang tiến hành khám nghiệm tử thi để làm rõ nguyên nhân dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, theo chẩn đoán ban đầu của các bác sĩ tại bệnh viện, các nạn nhân nói trên chết vì ngộ độc rượu, cụ thể là ngộ độc methanol pha trong rượu...

Vào khoảng 10h ngày 31/5, các anh Trương Thiện Minh, 43 tuổi; Đào Văn Út, 50 tuổi; Lê Tống Nhị Hùng, 43 tuổi, tất cả cùng cư trú tại xã Hiệp Hòa và Nguyễn Sơn Hải 37 tuổi, cư trú tại phường Quyết Thắng, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai rủ nhau đến nhà anh Nguyễn Văn Chim, 46 tuổi, tại ấp Tam Hòa, xã Hiệp Hòa để lai rai vài xị.

Sau khi nhậu xong, lúc về tới nhà, anh Đào Văn Út bắt đầu xuất hiện những triệu chứng nôn ói, hoa mắt, tay chân run rẩy nên gia đình vội vã đưa vào bệnh viện để cấp cứu. Riêng các anh Trương Thiện Minh, Lê Tống Nhị Hùng, Nguyễn Sơn Hải, thấy không hề gì nên sáng ngày 1/6, cả ba lại đến nhà anh Nguyễn Văn Chim, mua rượu về nhậu tiếp.

Tàn cuộc nhậu này, các anh Hải, Hùng, Minh đều có những triệu chứng nôn ói, chóng mặt, hoa mắt. Thấy vậy, người nhà đã đưa họ đến Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Tuy nhiên, theo một bác sĩ ở Khoa Cấp cứu, do ngộ độc quá nặng nên vào lúc 15h45, anh Nguyễn Sơn Hải tử vong rồi ít phút sau đó, đến lượt anh Đào Văn Út cũng trút hơi thở cuối cùng. Anh Lê Tống Nhị Hùng và Trương Thiện Minh, cho đến ngày 3/6, vẫn đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.

Theo bác sĩ Lê Văn Thống Nhất - Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc thì: "Tình trạng bệnh nhân Hùng khá nặng. Dù đã được lọc máu nhưng vẫn hôn mê sâu do nhiễm toan. Nếu may mắn qua khỏi, bệnh nhân cũng sẽ phải chịu nhiều di chứng ở não. Riêng anh Trương Thiện Minh thì có khá hơn". Tuy nhiên, đến chiều ngày 4/6, anh Lê Tống Nhị Hùng đã trút hơi thở cuối cùng sau 2 ngày điều trị.

Hiện tại, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP Biên Hòa, cùng Trung tâm Pháp y Công an tỉnh, tiến hành khám nghiệm tử thi để làm rõ nguyên nhân dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, theo chẩn đoán ban đầu của các bác sĩ tại bệnh viện, các nạn nhân nói trên chết vì ngộ độc rượu, cụ thể là ngộ độc methanol pha trong rượu...

Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra hiện tượng tử vong sau khi uống rượu có pha methanol. Trong một tiệc cưới tại An Giang vào cuối năm 2011, chủ lò nấu rượu đã khai nhận: Cứ 26 lít rượu đế thì pha thêm 4 lít cồn methanol. Hậu quả là tiệc cưới này có 1 người chết, hàng chục người phải vào bệnh viện cấp cứu. Cuối tháng 1/2012, 4 người ở huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương sau khi uống hết 1 lít rượu trắng pha methanol thì tử vong… 3 người. Nếu kể thêm thì danh sách nạn nhân còn dài lắm!

Methanol là gì?

Methanol, còn gọi là methyl alcohol, alcohol gỗ, naphtha gỗ hay rượu gỗ, là một hợp chất hóa học với công thức phân tử CH3OH  Đây là loại rượu dễ bay hơi, không màu, dễ cháy, có mùi gần giống như rượu trắng (rượu đế) nhưng hơi ngọt hơn. Trong công nghiệp, methanol thường được dùng làm chất hòa tan nhiều loại vật liệu như sơn, các loại nhựa tạo màng cho sơn, mực in, cao su, chất kết dính, chất chống đông lạnh, làm dung môi trong nước rửa kính xe, chất tẩy rửa và làm chất đốt cho các bếp lò nhỏ (cồn khô).

Chính vì có vị hơi ngọt nên nhiều lò nấu rượu đã pha methanol vào thành phẩm - vừa làm tăng sản lượng, hạ giá thành, lại vừa khiến rượu có vị hơi "ngọt hậu" khi uống vào. Tuy nhiên, khi pha methanol vào rượu sẽ làm biến tính rượu, tạo ra chất độc hại, gây tử vong nhanh chóng đối với những trường hợp uống nhiều.

Là chất dễ dàng hấp thu qua ruột, da, phổi của người, khi vào cơ thể, methanol sẽ có một giai đoạn tiềm ẩn - từ 30 phút đến 24 giờ.  Trong giai đoạn này, nạn nhân hầu như không có triệu chứng gì ngoại trừ cảm giác say rượu. Tiếp theo, 30 phút hoặc 24 giờ sau đó - tùy thuộc vào việc trong dạ dày nạn nhân có thức ăn hay không, methanol đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương. Sau giai đoạn này là sự phát triển của toan máu - biểu hiện bằng các triệu chứng về thị giác

Một nạn nhân ngộ độc rượu đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.

Điều này lý giải vì sao nạn nhân ngộ độc methanol bị hoa mắt, xây xẩm mặt mày. Tỷ lệ tử vong và các triệu chứng thị giác có liên quan đến mức độ toan máu. Điều nguy hiểm nhất là khi vào người, chỉ có khoảng 3 đến 5% methanol được đào thải qua phổi, 12%  đào thải qua thận.

Tại một số điểm bán hóa chất trên địa bàn TP HCM, methanol được bán tràn lan với giá khá rẻ. Ở chợ Kim Biên, methanol đựng trong các thùng nhựa loại 5-10 lít và 20 lít với giá 14.000 đồng/kg. Người bán, cho biết: "Methanol tinh khiết giá 30.000 đồng/kg, loại bình thường  14.000 - 15.000 đồng/kg. Nếu mua nguyên thùng phuy, mỗi phuy 160kg, thì giá 12.000 đồng/kg". Trên đường Lý Thái Tổ, quận 10, một cửa hàng chuyên cung cấp dung môi, phụ gia công nghiệp chào bán methanol với giá 10.000 đồng/kg.

Khi hỏi mua số lượng lớn methanol, chúng tôi được giới thiệu đến Công ty B, chuyên phân phối dung môi, hóa chất cho một số ngành công nghiệp ở TP HCM. Nhân viên công ty cho biết, ở đây có sẵn methanol đóng trong các thùng phuy 163kg, tương đương 200 lít với giá 12.500đồng/kg.

Methanol gây chết người như thế nào?

Khi pha trộn methanol vào rượu rồi khi uống, methanol sẽ chuyển hóa thành formaldehyde do quá trình oxy hóa với chất xúc tác là alcohol dehydrogenase. Formaldehyde độc gấp 33 lần so với  methanol. Formaldehyde sau đó lại nhanh chóng chuyển hóa thành axít formic, độc gấp 6 lần so với methanol. 

Methanol ảnh hưởng chủ yếu lên hệ thần kinh trung ương với các triệu chứng say rượu, ngủ gà, sững sờ, co giật, hôn mê. Một dấu hiệu giúp nhận biết ngộ độc methanol là nạn nhân nhìn thấy trắng mờ, như đang ở trong cơn bão tuyết. Một số triệu chứng sớm khác là nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn, đau thượng vị. Theo Tiến sĩ - Dược sĩ Đào Đại Cường, giảng viên Đại học Y Dược TP HCM, thì nạn nhân có thể bị mù hoặc mất thị lực vĩnh viễn.

Bên cạnh đó, còn có nhiều biểu hiện về tim mạch, thần kinh, chẳng hạn như nhịp tim chậm, suy cơ tim, tụt huyết áp nếu ngộ độc nặng, cảm giác lơ lửng, co giật, hôn mê, nhồi máu hạch nền. Ngoài ra còn có thể gặp triệu chứng cổ cứng và dấu màng não, có thể có liên quan đến xuất huyết

Nhiễm độc methanol qua đường uống rất hiếm gặp vì methanol là cồn công nghiệp, không phải là cồn thực phẩm. Tuy nhiên, vẫn có nhiều nạn nhân tử vong vì một số người kinh doanh do hám lợi nên đã  pha chế rượu với methanol vì giá methanol khá rẻ. Trước đây, một kết quả hậu kiểm chất lượng rượu của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã cho thấy, trong số 466 mẫu rượu - tùy loại rượu trắng, màu hay rượu vang -  lấy từ 18 địa phương được kiểm tra, có từ 22-24% chất furfurol và aldehyd - hai tạp chất cần hạn chế trong rượu. Còn loại rượu được chế biến bằng cồn công nghiệp làm tăng độ nặng của rượu, thì hàm lượng methanol cao gấp 100 đến 400 lần tiêu chuẩn cho phép.

Theo bác sĩ Nguyễn Cộng Hòa, giảng viên Đại học Y Dược TP HCM: "Việc chẩn đoán nhiễm độc methanol tương đối khó vì phải dựa vào các biểu hiện lâm sàng, bệnh sử và các xét nghiệm mà thường thì bệnh nhân không biết rằng mình đã uống phải methanol". Bên cạnh đó, việc điều trị cũng rất khó khăn: Phải xử lý tình trạng nhiễm toan chuyển hóa, ức chế sự chuyển hóa methanol, tăng cường đào thải những hợp chất chưa chuyển hóa cùng những chất chuyển hóa độc hại. Ngoài ra, còn phải tiến hành bồi hoàn nước điện giải, phục hồi các rối loạn nặng về thần kinh và tim như tụt huyết áp, co giật.

Bác sĩ Nguyễn Cộng Hòa cho biết: "Cần lưu ý rằng việc điều trị nhiễm độc methanol chỉ thành công khi người bệnh đến sớm, được chẩn đoán sớm, điều trị đúng và kịp thời. Để làm được điều này, cơ sở y tế phải có đầy đủ trang thiết bị cấp cứu như máy lọc thận nhân tạo, các thiết bị hồi sức và các thuốc đặc trị kháng độc".

Vì thế, pha methanol vào rượu cho người uống là tội ác!

Vũ Cao
.
.
.