Canh bạc kinh tế ở Bắc Cực
- Tìm thấy hố "địa ngục" phát tiếng động như "vật thể sống" ở Bắc Cực
- Bắc Cực sẽ là “tia lửa” cho Thế chiến 3?
Đóng tàu phá băng để... cho thuê
Cuối năm 2019, một đoàn thám hiểm của hải quân Nga đã phát hiện 5 hòn đảo mới, chúng nằm tọa lạc trong quần đảo Novaya Zemlya (thuộc Bắc Băng Dương, phía Bắc nước Nga) và Đất Franz Josef (một quần đảo ở cực Bắc nước Nga).
Theo Hiệp hội Địa lý Nga (RGS) thì từ giữa năm 2015 và năm 2018, đã có hơn 30 hòn đảo mới, các mũi đất và vịnh biển được phát hiện trong khu vực. Khám phá mới nhất bao gồm một hòn đảo với diện tích cỡ 54.500m2 (tương đương kích cỡ của hơn 7 sân bóng đá).
Bắc Cực là một khu vực kinh tế và chính trị quan trọng mang tầm vóc toàn cầu khi mà vùng biển nơi đây có thể thông thương với châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ. Khoảng 90% hoạt động thương mại quốc tế đều diễn ra trong lòng 3 châu lục này. Bắc Cực đang chứa trong lòng nó nhiều kho tài nguyên khoáng sản khổng lồ chưa được con người “thuần hóa”, bao gồm một lượng lớn dầu mỏ đang bị chôn vùi.
Và tác động của biến đổi khí hậu đã đổi thay diện mạo Bắc Cực. Lấy ví dụ như nhiệt độ ở Bắc Greenland đã hạ thấp kỷ lục vào tháng 6-2019: -23.2°C (thấp hơn 0,1°C vào cùng kỳ năm ngoái 2018). Vào tháng 9-2019, Liên Hiệp Quốc (UN) báo cáo rằng trong khoảng giữa thời gian 2015 và 2019, băng hà đã giảm với tốc độ nhanh nhất lịch sử. Khủng hoảng môi trường đã khiến các siêu cường nuôi ý đồ thâu tóm Bắc Cực nhằm đoạt lợi về cho mình.
Sự thay đổi địa lý đã gây ra những hệ quả toàn cầu. Hiện tại, mùa vận chuyển ở Bắc Cực tương đối ngắn và tình hình chỉ lạc quan hơn trong 2 tháng 9 và 10. Một báo cáo của Chính phủ Anh cho biết rằng biến đổi khí hậu có thể tăng gấp 3 chiều dài của mùa và khiến Bắc Cực hoàn toàn không đóng băng trong suốt mùa hè ở thời điểm năm 2035, cho phép tàu bè di chuyển thoải mái. Nếu mùa hè không có băng ở Bắc Cực thì vương quốc Anh có thể tiết kiệm từ 10 đến 12 ngày đi lại đến Đông Á.
Nga cũng không bỏ sót Bắc Cực khi quốc gia này đã tăng cường các lưu lượng tàu qua lại Bắc Hải; còn trong một bài phát biểu hồi năm 2018, Tổng thống Vladimir Putin đã tuyên bố rằng Nga muốn 80 triệu tấn hàng hóa phải được vận chuyển theo tuyến Bắc Hải vào thời điểm năm 2024.
Tháng 8-2018, Maersk - nhà điều hành và cung ứng tàu biển lớn nhất thế giới - đã phái chiếc tàu container đầu tiên theo tuyến Bắc Hải (Nga) với hải hành từ Vladivostok đến St Petersburg, chạy qua eo biển Bering ngang qua Bắc Cực (so với tuyến hải hành từ Trung Quốc đi xuyên qua kênh đào Suez) làm giảm tới 40% chặng đường. Nga cũng có thể điều hạm đội tàu phá băng lớn nhất và tiên tiến nhất đi qua các vùng biển hiểm trở của Bắc Cực. Nga đã nhìn thấy tiềm năng kinh doanh ở Bắc Cực.
Ông Sidharth Kaushal, một thành viên nghiên cứu tại Viện Các dịch vụ liên hiệp hoàng gia (RUSI) nhấn mạnh: “Nga đang hình dung họ sẽ thu bộn tiền khi cho các nước thuê lại hạm đội tàu phá băng của mình. Một trong các cựu bộ trưởng Nga, ông Dmitry Rogozin, đã so sánh hạm đội tàu phá băng với đoàn xe rơ-moóc cũ, nơi Nga có thể kiểm soát các đoàn xe có thu phí và ông khẳng định rằng hạm đội tàu phá băng Nga có thể đảm đương vai trò thương mại đó”.
Một tàu trong hạm đội tàu phá băng tiên tiến của Nga đang hoạt động ở Bắc Cực. Nga có tham vọng cho các nước thuê loại tàu này để kinh doanh. Ảnh: Pragati. NationalInterest. |
“Quốc gia cận Bắc Cực”
Nhưng, ở đường chân trời, Nga còn vướng phải một đối thủ cạnh tranh khác: Trung Quốc. Năm 2013, Trung Quốc trở thành một quan sát viên của Hội đồng Bắc Cực (một diễn đàn liên chính phủ về những vấn đề mà các chính phủ và các cộng đồng bản địa ở Bắc Cực đang phải đối mặt. Các thành viên hiện tại của diễn đàn này là Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Nga và Mỹ). Năm 2018, Trung Quốc tuyên bố về cái gọi là “quốc gia cận Bắc Cực" và công bố giấy trắng Bắc Cực nhằm khám phá tiềm năng của “Con đường tơ lụa Bắc Cực”.
Tiến vào Bắc Cực, hai siêu cường sẽ phải cạnh tranh hoặc đụng độ. Bà Cleo Paskal đến từ Sở Tài nguyên và Môi trường, Năng lượng thuộc Viện Các vấn đề quốc tế hoàng gia Anh (viết tắt Chatham House) phát biểu: “Sự lấn sân của Nga ở Bắc Cực sẽ đẩy Nga và Trung Quốc tiến sát hơn, đó là lý do giải thích tại sao Trung Quốc cũng chế tạo các tàu phá băng”.
Ông Sidharth Kaushal giải thích: “Mối quan hệ Nga-Trung ở Bắc Cực sẽ được hiểu theo 2 cách: 1) Trung Quốc sẽ tận dụng các tuyến Bắc Hải mới được phá dỡ bởi hạm đội tàu phá băng của Nga. 2) Khả năng Nga sẽ tính phí cao hơn cho dịch vụ này và có thể gây xích mích giữa 2 quốc gia.
Một câu hỏi mở: Trung Quốc sẽ đóng vai trò gì ở Bắc Cực? Ông Sidharth Kaushal nhận xét: “Hiện tại thì Hội đồng Bắc Cực đóng vai trò quản lý nơi này nhưng Trung Quốc đang muốn hình thành “quốc gia cận Bắc Cực” và điều này khiến Nga phật ý vì họ cũng có vai trò đặc biệt ở đó”. Ngoài ra, sự thay đổi địa lý cũng có ý nghĩa chiến lược đối với Nga khi mà quốc gia này đã mở thêm nhiều căn cứ khoa học và quân sự ở Bắc Cực.
Bà Cleo Paskal phân tích: “Việc tiếp cận Bắc Cực sẽ cho phép Nga đi thẳng ra Thái Bình Dương. Bây giờ các hạm đội của họ có thể đi xuyên qua eo biển Bering và tiến vào Thái Bình Dương. Chính bản thân Ấn Độ - Thái Bình Dương đang trở thành khu vực khao khát tài nguyên nhất và cũng là nơi bị tắc nghẽn nhất”.
Và khủng hoảng khí hậu ở Bắc Cực cũng mở ra nhiều cơ hội làm ăn. Một báo cáo của Chính phủ Anh tuyên bố rằng kinh tế ở Bắc Cực đã tăng tốc từ 4 lĩnh vực chính là tài nguyên khoáng sản, thủy sản, hậu cần và du lịch. Tổng các khoản đầu tư sẽ cán mốc 100 tỷ USD (76 tỷ bảng Anh) ở khu vực Bắc Cực trong hơn một thập niên tới. Băng tan sẽ để lộ ra những bãi cá và cả những tài nguyên nhiều thèm muốn như dầu hỏa và khí đốt.