Bạn viết ở chiến trường

Thứ Tư, 31/10/2018, 15:12
Bài viết giới hạn trong một số ký giả, văn nghệ sĩ mà tác giả được gặp trong kháng chiến chống Mỹ tại chiến trường Nam Bộ (giai đoạn 1965-1975).


10 năm hoạt động từ miền Đông tới miền Tây chỉ gặp được 9 người mà trong đó có tới 4 người chỉ nhìn thấy họ chứ không được trao đổi trực tiếp. Thời đó, tôi thầm nghĩ giới ký giả, văn nghệ sĩ thuộc diện “của hiếm”. Được gặp họ quả là điều may mắn đối với những ai đang tập tọe viết báo, viết văn và làm thơ như mình.

Đôi điều phi lộ trên để nói tới một điều: Giới cầm bút trẻ thời nay sướng thật. Ra đường là gặp nhà văn, nhà báo; ra ngõ là gặp nhà thơ...  Cả nước có tới hàng vạn nhà báo, hàng vạn văn nghệ sĩ. Gặp họ dễ ợt. Nếu có chủ tâm thì mỗi năm có thể gặp được cả trăm người. Có thể trực tiếp hoặc gián tiếp qua màn hình, báo chí... Ngẫm chuyện nay lại thương nhớ một thời. Cái thời cách đây hơn một phần hai thế kỷ!

Năm ấy (1965), tôi được Cục Nghiên cứu Bộ Tổng tham mưu (nay là Tổng cục 2 Bộ Quốc phòng) tuyển chọn, đưa về Hà Nội đào tạo cấp tốc một khóa nghiệp vụ rồi cử vào Cụm Tình báo chiến lược B48. Địa bàn hoạt động tại chiến trường Đông Bắc Sài Gòn thuộc tỉnh Bình Dương.

Tác giả và nhà thơ Thanh Giang (bên trái) tại đại hội hội nhà văn Việt Nam lần thứ V

Gia tài viết lách của tôi khi vào tới chiến trường chỉ là mấy chục bài thơ cảm tác dọc đường hành quân và mấy bài ký ghi lại một số sự kiện qua các trạm giao liên. Cái lớn nhất, có lẽ là chút kiến thức làm báo vì được qua một lớp báo chí ngắn hạn do Báo Quân đội nhân dân tổ chức tại Quân khu Tây Bắc.

Thời điểm đó, địa bàn hoạt động của đơn vị chúng tôi chưa căng thẳng lắm, vẫn còn có thời gian gọi là thư giãn đôi chút. Đó là điều kiện tốt nhất cho những ai cầm bút nghiệp dư như tôi. Song, dường như câu chữ ngày càng nghẽn lại bởi cái tâm lý viết để làm gì? Gửi in ở đâu?... Bởi thời ấy báo chí cách mạng miền Nam chỉ có mấy tờ mà chưa tỏ mặt một tờ nào.

Tâm niệm lời dạy của người đời - “học thầy không tày học bạn” nên cố công tìm kiếm một nhà báo, nhà văn, nhà thơ để mà học hỏi kinh nghiệm nhưng khó quá.

Hơn 3 năm sống ở địa bàn Đông Bắc chẳng gặp được ai. Sau tết Mậu Thân, địch phản ứng quyết liệt chiến trường Đông Bắc. Cấp trên quyết định sáp nhập Cụm B48 vào B49, tập trung về căn cứ phía Tây Bắc Sài Gòn.

Mấy tháng sau, tôi nhận quyết định sang Cụm H67 thuộc Đoàn Tình báo chiến lược miền Nam, có bí số J22 hoặc M22. Căn cứ bám trụ tại mật khu Bời Lời. Cuối năm 1969, cấp trên quyết định các cụm tình báo “tùy nghi di chuyển”, khẩn trương chuyển căn cứ bám trụ về Đồng bằng sông Cửu Long. Đơn vị H67 chúng tôi quyết định về Bến Tre.

Từ Bời Lời, nếu tính theo quốc lộ chỉ hơn 100km là tới Bến Tre. Vậy mà thời đó, chúng tôi phải hành quân đường vòng, qua bao cửa ải, phải hơn 3 tuần lễ mới tới nơi. Trước tiên, phải đi về hướng Tây sang nước bạn Campuchia để tới Tăng Lèo, một cửa ngõ an toàn trên đất bạn. Từ đây sẽ băng qua Đồng Tháp Mười, vượt sông Cửu Long là tới địa bàn. Vì phải đợi chuyến giao liên dẫn đường nên chúng tôi phải trú lại ở Tăng Lèo tới gần chục ngày.

Phóng viên Thông tấn xã giải phóng Quang Huy (bìa phải) và nhà thơ Lê Hà (thứ 3, hàng sau, từ phải qua) tại An Phước năm 1971

Đó là những ngày thanh bình nhất đối với chúng tôi. Vì ở đó không có bóng dáng máy bay địch, không tiếng bom, tiếng pháo... Nhiều cơ quan, đơn vị bên ta tạm lánh sang đây; nhiều cán bộ các cơ quan, ban ngành ở “R” đi thực tế cũng về đây để tiếp xúc nhân chứng chiến trường. Cái may mắn đến với tôi là những ngày đó ở Tăng Lèo.

Quả là “không hẹn mà gặp...”. Cuối chiều, ngày thứ hai, cơm nước xong, chúng tôi quây quần bên chiếu trà trước lán nghỉ thì có một khách lạ tới. Đó là một người đàn ông tầm thước, tuổi chừng trên dưới 40. Anh tự giới thiệu là cán bộ trên “R” đi thực tế, nghe giao liên thông báo có đoàn về Bến Tre nên tới thăm, vì đó là quê hương anh. Khi nghe tôi nói đơn vị được tăng cường cho Tỉnh đội Bến Tre, anh ngỡ ngàng nhìn tôi và thốt lên:

- Ủa!... Vậy chú từ Bắc mới vô. Mình là dân tập kết, về lâu rồi nhưng bị giữ riết ở chiến khu. Buồn thấy mồ.

- Chắc anh công tác ở cơ quan tham mưu?

- Không! Làm nghề tuyên huấn. Mình là Thanh Giang, Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân Giải phóng.

Sự ngỡ ngàng đến không tưởng, tôi ôm chầm lấy vị khách, reo lên.

- Trời ơi! Anh là nhà thơ Thanh Giang! Em đã đọc anh rồi, từ khi còn ở miền Bắc. Thật tuyệt vời, không ngờ hôm nay lại được gặp anh. Em là Dương - Thái Dương (tên thường gọi của tôi ở chiến trường) vào được hơn 4 năm rồi. Tiếc quá, giá được biết anh sớm, em sẽ nhờ anh đọc giúp một số bài.

- Vậy là Thái Dương có viết báo, viết văn.

- Gọi là tập viết thôi anh ạ.

- Thế thì tốt lắm. Tạp chí rất cần những bài viết từ chiến trường. Vậy, ngày mai mình tới. Về địa bàn sông nước, công tác bảo quản khó lắm, viết được gì cứ gửi về bọn mình giữ cho. Bây giờ mình phải về với anh em cùng đoàn. Cứ chuẩn bị gom bài đi. Hẹn chiều mai gặp nhau.

Tôi khấp khởi mừng thầm, lục cái mớ bòng bong bản thảo viết bằng giấy pơ-luya, chọn được 2 cái truyện ngắn ưng ý nhất.

Chiều hôm sau anh tới để chia tay chúng tôi, nhận bài viết và trao đổi riêng với tôi về tình hình văn nghệ Bến Tre.

- Về dưới đó, Thái Dương cố gắng liên hệ với tạp chí “Văn nghệ Đồ Chiểu”. Ở đó, nhiều anh em viết tốt lắm. Ngoài ra, ráng tìm nhà văn Xuân Vũ - một cây tiểu thuyết có tiếng đó. Xuân Vũ đã về Bến Tre được mấy tháng rồi.

Trước lúc chia tay, anh chỉ ra phía ngã ba đường, nơi có mấy người bạn đứng chờ và giới thiệu

- Người dong dỏng cao kia là “cây” truyện ngắn Lê Văn Thảo, người đeo kiếng là nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, người trẻ nhất đứng kế bên là ca sĩ cải lương Thế Sương.

Thế là cả 3 nhân vật nổi tiếng ấy tôi chỉ được nhìn thấy họ chứ chẳng có cơ may tiếp xúc.

Chúng tôi chọn xã An Phước, Châu Thành, Bến Tre, để xây dựng căn cứ bám trụ. Đó là địa bàn thuận lợi để giao thông viên từ Sài Gòn chuyển tài liệu về. Mấy tuần tập trung xây dựng căn cứ, khi đã “an cư, lạc nghiệp” rồi, tôi mới theo anh em trinh sát ra ven đồng ấp 1, ấp 2 - nơi có đông bà con sinh sống để tiếp xúc, tìm hiểu nhằm xây dựng cơ sở. Đó là thời cơ thuận lợi để tôi tìm hiểu nhằm thực hiện ước vọng của mình. Tiếc thay, hỏi tạp chí “Văn nghệ Đồ Chiểu” thì được biết họ ở bên Thạnh Phú, cách xa Châu Thành; hỏi về Xuân Vũ, mới hay tin anh ta đã chiêu hồi theo địch rồi.

Thủ trưởng Bảy Vĩnh của chúng tôi là một cụm trưởng “máu chiến” đã từng vang bóng từ căn cứ Bời Lời. Về đồng bằng sông nước, ông cho xây dựng nhiều căn cứ tại An Phước với tinh thần cùng du kích địa phương bám trụ chống càn, giữ đất, giữ làng và bình phong là “Đoàn nghiên cứu địa hình của tỉnh”. Vì vậy, mỗi lần địch càn vào An Phước đều ôm đầu máu trở về. An Phước bỗng trở thành địa bàn bám trụ vững vàng nhất ở vùng Nam Châu Thành.

“Đất lành chim đậu”, nhiều cơ quan chuyển về lập cứ tại An Phước, nhiều cán bộ các ngành đi nghiên cứu tình hình cũng về đây. Đó là cơ hội để tôi được tiếp xúc họ và đón nhận nhiều chuyện không ngờ.

Người đầu tiên tôi được cụm trưởng giao cho đón tiếp và bố trí ở cùng hầm với tôi là anh Tư Sách (Trần Ký) do ông Ba Cầu (Thường vụ Tỉnh ủy) giới thiệu. Thật không ngờ, đó lại là vị Phó Tổng biên tập tạp chí “Văn nghệ Đồ Chiểu”, một cây bút ký cự phách của tờ tạp chí, có lẽ vì thế mà lấy bút danh Thần Ký. Mấy ngày thôi mà tôi học ở anh nhiều về lối viết để sau này trở thành cộng tác viên quen thuộc của tờ tạp chí.

Cuối năm 1971, nhiều chuyện bất ngờ nữa đến với tôi: Gặp nhà thơ Lê Hà (từ Quân khu 8 sang); Gặp Quang Huy - phóng viên Thông tấn xã Giải phóng từ “R” xuống; tiếp đó nhận được tin truyện ngắn “Cu Tèo và cái giàn thun” của tôi đã được in trên Văn nghệ Quân Giải phóng.

Niềm vui khích lệ, tôi nhanh chóng chỉnh sửa truyện ngắn “Vùng tử địa”, viết trên giấy pơ-luya 2 mặt, cuốn nhỏ như 2 điếu thuốc, bỏ chung vào báo cáo của cụm gửi về trung tâm theo đường giao thông của đơn vị. Cuối năm 1972, được tin truyện đã in. Đầu năm 1973, có đoàn từ “R” về, tôi mới nhận được báo biếu (cả số in từ 1971) thì báo đã cũ mèm vì qua nhiều tay người đọc.

Cũng năm đó, nghe tin có văn công về biểu diễn bên Phước Thạnh, chúng tôi vượt sông Ba Lai sang xem. Tan cuộc, cố len lên gần sân khấu để được bắt tay trưởng đoàn Vũ Hoàng, một nhân vật chỉ mới được nghe tên mà chưa từng tỏ mặt.

Kết thúc chiến tranh, tôi nhận quyết định về công tác tại Cục Bảo vệ Cơ quan và Văn hóa thuộc Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an). Nghiệp văn trỗi dậy, tôi lại hí hoáy viết trong âm thầm, bí mật và tìm đến số 3 ngõ Chiến Thắng, phố Khâm Thiên (trụ sở Báo CAND lúc đó) để làm quen và gửi bài. Cây viết Khổng Minh Dụ “phất” lên từ đó.

Hình như quý vị lãnh đạo tờ báo qua các thời kỳ từ đống chí Văn Đình Đức, Trần Liêu, Chu Phùng và sau này tới Ngôn Vĩnh, Hữu Ước, Phạm Miên... đều ưu ái với tôi. Bài viết được xuất hiện trên tất cả các ấn phẩm của báo, để tôi nghiệm ra rằng Báo CAND là bà đỡ cho các đứa con tinh thần của tôi để trở thành nhà văn, nhà thơ, nhà báo.

Tôi viết những dòng này vào thời điểm Báo CAND đang chuẩn bị kỷ niệm 72 năm truyền thống của tờ báo, lực lượng xung kích trên mặt trận văn hóa - tư tưởng góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội là để tỏ lòng biết ơn, biết ơn nhiều lắm.

Khổng Minh Dụ
.
.
.