Kia
Mobifone

Trung Quốc: Tham vọng dẫn đầu trí tuệ nhân tạo bị đe dọa

Thứ Hai, 12/09/2022, 15:20

Ngày 2-9, Nvidia - Tập đoàn công nghệ đa quốc gia chuyên phát triển các bộ xử lý đồ họa (GPU) của Mỹ - cho biết họ đã được Chính phủ Mỹ yêu cầu ngừng xuất khẩu sang Trung Quốc và Nga các mẫu chip GPU cao cấp phục vụ AI, cụ thể là A100 và H100. Các hệ thống siêu máy tính DGX trang bị chip này cũng bị cấm bán sang Trung Quốc.

Lệnh cấm mới nhất của Mỹ liên quan việc bán các bộ vi xử lý cao cấp cho Trung Quốc đang cản trở tham vọng dẫn đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) của Bắc Kinh. Lệnh cấm mới đã chặn đường các công ty công nghệ lớn nhất của Trung Quốc tiếp cận một số chip tiên tiến nhất thế giới.

Các khách hàng bị ảnh hưởng của Nvidia gồm Alibaba Group Holding Ltd., gã khổng lồ Internet điều hành mảng kinh doanh dịch vụ đám mây lớn nhất Trung Quốc, và Tencent Holdings Ltd., gã khổng lồ về game và mạng xã hội. Cả hai đều kinh doanh các dịch vụ đám mây được cung cấp bởi chip của Nvidia, vốn có khả năng xử lý lượng dữ liệu khổng lồ cho các ứng dụng tiên tiến. Đồng thời, Mỹ cũng hạn chế bán chip MI250 Accelerator AI của Advanced Micro Devices Inc. (AMD) - nhà sản xuất linh kiện bán dẫn tích hợp đa quốc gia - cho Trung Quốc.

Cáo buộc Mỹ độc quyền các công nghệ tiên tiến

Trung Quốc: Tham vọng dẫn đầu trí tuệ nhân tạo bị đe dọa -0
Trung Quốc đang nuôi tham vọng phát triển trí tuệ nhân tạo thành thế mạnh của nền kinh tế.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc Mỹ thực hiện “bá quyền về khoa học công nghệ” và vi phạm các quy tắc của nền kinh tế thị trường qua việc hạn chế xuất khẩu chip mới nhất của họ. Hầu hết các nhà báo và chuyên gia công nghệ thông tin ở Trung Quốc cho rằng lệnh cấm này sẽ giáng mạnh vào lĩnh vực AI của nước này, vốn phụ thuộc vào chip của Nvidia và AMD. Một số ý kiến cho rằng do lệnh cấm này, các gã khổng lồ công nghệ thông tin Trung Quốc sẽ tăng ngân sách cho nghiên cứu và phát triển để sản xuất chip AI của riêng họ.

Tháng 10 năm ngoái, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai thông báo Mỹ sẽ “triển khai tất cả các công cụ và nghiên cứu phát triển các công cụ mới, bao gồm hợp tác với các nền kinh tế và quốc gia khác” để giải quyết những lo ngại cơ bản liên quan thương mại của Trung Quốc. Bà Tai cho biết, Trung Quốc đã thống trị ngành sản xuất thép và pin mặt trời trên thế giới thông qua các chính sách “không công bằng” và đang có kế hoạch tương tự trong ngành bán dẫn vào năm 2030. Bà cho rằng Mỹ phải có một cách tiếp cận mới, toàn diện và thực dụng trong mối quan hệ với Trung Quốc. Tháng trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký Đạo luật Khoa học và CHIPS nhằm thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn trong nước và nghiên cứu khoa học, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của Mỹ với Trung Quốc.

Khi Chính phủ Mỹ ra lệnh cho Nvidia và AMD ngừng xuất khẩu chip cao cấp phục vụ AI sang Trung Quốc, họ đã giải thích với Nvidia rằng chip A100 và H100 do công ty này sản xuất có thể được sử dụng hoặc chuyển hướng sang “mục đích quân sự” hoặc “được quân đội sử dụng”. Tháng trước, Cục Công nghiệp và An ninh thuộc Bộ Thương mại Mỹ đã cấm xuất khẩu sang Trung Quốc phần mềm thiết kế hỗ trợ máy tính điện tử được sử dụng để thiết kế chip 3 nanomet (nm). Handel Jones, người sáng lập và Giám đốc điều hành của Chiến lược Kinh doanh quốc tế (IBS), cho rằng lệnh cấm sẽ tác động đến thương mại Trung-Mỹ lớn hơn tác động của tất cả các biện pháp khác được thực hiện cho đến nay.

Đầu năm 2020, Washington đã ngăn Hà Lan xuất khẩu thiết bị in thạch bản cực tím sang Trung Quốc, đồng nghĩa với việc Trung Quốc không thể sản xuất hàng loạt chip cao cấp từ 22 nm đến 7nm. Chuyên gia công nghệ thông tin Hong Shibin khẳng định: “Mỹ muốn Trung Quốc dừng lại ở 5 nm trong thiết kế chip và 7 nm trong sản xuất chip, như vậy tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc trong lĩnh vực điện toán tốc độ cao và AI sẽ chậm lại”.

Ông nói thêm rằng lệnh cấm này cũng sẽ gây tổn hại cho các công ty Mỹ vì họ sẽ mất doanh thu tại thị trường Trung Quốc. Nvidia cho biết quy định mới của Mỹ cấm bán chip cao cấp mà không có giấy phép đặc biệt cho khách hàng Trung Quốc sẽ khiến họ mất 400 triệu USD doanh thu, và có khả năng họ sẽ phải chuyển một số hoạt động ra khỏi Trung Quốc. Trong khi đó, AMD cho biết họ cũng bị ảnh hưởng bởi yêu cầu xuất khẩu có giấy phép đặc biệt này dù không quá nghiêm trọng.

Bộ Thương mại Mỹ từ chối bình luận về những thay đổi trong chính sách của họ nhưng cho biết hành động này nhằm ngăn Trung Quốc mua công nghệ của Mỹ để nâng cấp khí tài quân sự. Về phần mình, Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 7-9 tuyên bố động thái của Mỹ sẽ gây tổn hại đến lợi ích của cả các công ty Trung Quốc lẫn Mỹ, đồng thời nêu rõ Mỹ nên đối xử công bằng với các doanh nghiệp từ tất cả các quốc gia.

Các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc bị tấn công

Bắc Kinh đã xác định AI là công nghệ chiến lược hàng đầu và do đó tài trợ cho các công ty và phòng thí nghiệm trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, một điểm yếu trong tham vọng AI của Trung Quốc là sự phụ thuộc vào các chịp cao cấp của các công ty Mỹ như Nvidia để lập trình các thuật toán AI phức tạp. Li Wei, cây bút chuyên về công nghệ thông tin của Trung Quốc, cho rằng việc các gã khổng lồ Internet của Trung Quốc không có được chip tiên tiến nhất từ Nvidia và AMD đồng nghĩa với sự phát triển trong lĩnh vực điện toán tốc độ cao và AI của họ sẽ bị chậm lại.

Theo Giám đốc điều hành IBS, việc mất quyền tiếp cận A100 và H100 sẽ tác động đáng kể đến các công ty Trung Quốc đang nghiên cứu một số công nghệ AI, buộc các khách hàng Trung Quốc của Nvidia phải sử dụng công nghệ cũ hơn. Đối với Alibaba, chip A100 vốn rất hữu ích cho các ứng dụng như đào tạo thuật toán AI và máy tính hiệu suất cao.

Trang web của Alibaba Cloud mô tả nhiều công dụng của A100, ví dụ như nó có thể giúp tăng tốc độ phân tích trong các lĩnh vực như chăm sóc y tế, tài chính và sản xuất. Tencent, nhà điều hành công ty đám mây lớn thứ ba ở Trung Quốc, cũng phụ thuộc vào A100 để phân tích dữ liệu, video và các lĩnh vực khác. Hồi tháng 4, Tencent cho biết họ sẽ trở thành một trong những nhà cung cấp dịch vụ đám mây đầu tiên trong ngành tung ra các dịch vụ sử dụng phiên bản A100.

Trần Anh

.
.