Tội phạm công nghệ cao - nghìn lẻ ngón lừa

Thứ Bảy, 10/06/2023, 08:15

Giả danh giáo viên, nhân viên y tế hoặc cơ quan Công an gọi điện cho phụ huynh, thông báo con em họ bị tai nạn hoặc đang cấp cứu, đề nghị chuyển tiền nộp viện phí gấp; Gọi điện thoại cho phụ huynh thông báo con em họ mua hàng nợ tiền và yêu cầu chuyển khoản; Đánh cắp quyền truy cập vào các tài khoản mạng xã hội, mạo danh chủ tài khoản để nhắn tin đề nghị chuyển hộ tiền, vay tiền hoặc mua thẻ cào điện thoại; gọi video call với công nghệ AL lừa chuyển tiền... và còn rất nhiều ngón lừa khác, đang như những chiếc vòi bạch tuộc bủa vây người dân.

Một tháng nhận 9 cuộc gọi lừa đảo

Chị N.T.B, 40 tuổi, công tác tại một cơ quan truyền thông, bản thân chị cũng thường xuyên viết bài cảnh báo về các thủ đoạn lừa đảo của bọn tội phạm công nghệ cao, nhưng chị lại nhận được tới 9 cuộc điện thoại lừa đảo trong một tháng, với nhiều thủ đoạn tinh vi mà nếu không hiểu biết, ít đọc báo, chắc hẳn sẽ có nhiều người mắc bẫy.

Tội phạm công nghệ cao -  nghìn lẻ ngón lừa -0
Tang vật gồm nhiều điện thoại mà các đối tượng sử  dụng để làm phương tiện lừa đảo.

Trung tá Hoàng Quốc Thực - Đội trưởng Đội CSHS, Công an quận Hai Bà Trưng cho biết, đơn vị đã tổng kết được khoảng 20 phương thức, thủ đoạn mà đám tội phạm công nghệ cao đã sử dụng lừa người dân để cảnh báo tới bà con trong hội nghị tập huấn được Hội Liên hiệp phụ nữ quận Hai Bà Trưng phối hợp với Đội Cảnh sát hình sự - Công an quận, tổ chức tập huấn, tuyên truyền đến hơn 300 hội viên.

Bản thân người viết bài đã không ít lần bị một số đối tượng gọi điện, thông báo đang có đơn kiện gửi tòa án, vì liên quan đến một vụ buôn bán ma túy hoặc một vụ án mà "tòa án đang điều tra". Với giọng điệu có vẻ rất nghiêm trọng, những đối tượng này đã lừa được không ít người "yếu bóng vía", ngoan ngoãn làm theo tất cả các yêu cầu của chúng và kết cục là toàn bộ số tiền trong tài khoản đã bị chúng moi hết.

 Nguy hiểm hơn, tội phạm công nghệ cao len lỏi vào tận hang cùng ngõ hẻm, vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, nơi người dân có đời sống kinh tế khó khăn và dân trí thấp. Một buổi trưa, bà N.T.M, 64 tuổi, trú tại huyện Ba Vì nhận được điện thoại của một "nhân viên Công ty Viettel", thông báo có người giả danh bà M đang có khoản nợ 8.950.000 đồng và đề nghị bà M liên hệ với cơ quan Công an qua tài khoản Zalo có tên “Bùi Công Vinh”.

"Cán bộ Công an Bùi Công Vinh" giới thiệu làm ở Công an thành phố Hà Nội kiêm Thanh tra Chính phủ. Nếu là một người hiểu biết, sẽ biết ngay đó là đối tượng lừa đảo, vì không ai cùng lúc kiêm hai chức danh ở hai đơn vị... không liên quan như vậy cả. Nhưng nạn nhân vốn ít tiếp xúc với các phương tiện truyền thông, nên nhanh chóng mắc bẫy. "Anh cán bộ Bùi Công Vinh" thông báo bà M bị một kẻ giả danh bà M để buôn bán ma túy và đã chuyển cho bà số tiền 6 tỷ đồng.

Khi "anh cán bộ" hỏi về số tiền tiết kiệm, bà M thật thà cho biết, mình có số tiền tiết kiệm gửi ngân hàng là 1,1 tỷ đồng. "Anh cán bộ" liền lập tức yêu cầu bà M phải chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của “cơ quan Công an” để điều tra, làm rõ, nếu không sẽ bị bắt giam vi dính líu tới đường dây ma túy đang bị điều tra, nếu sau này khi điều tra mà bà M vô tội, "cơ quan Công an" sẽ trả lại cho bà. Bà M cuống lên, vội vã tới ngân hàng và chuyển số tiền 1,1 tỷ đồng cho đối tượng lừa đảo.

Rất may mắn, nhân viên ngân hàng thấy biểu hiện lo sợ, tâm lý bất thường của khách hàng nên đã điện báo cho Công an huyện Ba Vì. Đội Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an huyện đã cử một cán bộ lập tức đến ngân hàng nắm bắt tình hình và nhờ sự cảnh giác của nhân viên ngân hàng, bà M đã may mắn không bị mất số tiền 1,1 tỉ đồng com cóp bao nhiêu năm.

Tội phạm công nghệ cao -  nghìn lẻ ngón lừa -0

Không chỉ phụ nữ có tuổi mà kể cả đàn ông cũng bị lừa. Ông N.N.T, SN 1947, trú tại huyện Ba Vì, cũng bị một đối tượng tự xưng là Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao gọi điện, yêu cầu ông T. chuyển tiền. Người đàn ông có tuổi này nhanh chóng sập bẫy và rút toàn bộ số tiền 850 triệu đồng chuẩn bị chuyển vào tài khoản của "anh Công an" nhưng may mắn được ngăn chặn.

Theo lời kể của nạn nhân, ông T nhận được điện thoại thông báo số điện thoại của ông đã bị một tên tội phạm mua bán trái phép ma túy xuyên quốc gia mạo danh để phạm tội. Vừa mới nghe đến đấy thì ông T đã run như giẽ, nhất là khi đối tượng đã giăng sẵn kịch bản bằng cách chuyển máy cho đồng bọn trong các vai "cán bộ Công an" và "Viện Kiểm sát nhân dân tối cao", yêu cầu ông T chụp ảnh tất cả các sổ tiết kiệm và cung cấp chi tiết về số tiền mặt, số vàng đang sở hữu. Ông T như dính bùa mê, vội vã làm theo yêu cầu của chúng. Tuy nhiên, chưa kịp chuyển 850 triệu đồng cho kẻ lừa đảo thì được người nhà phát hiện, ngăn chặn. Đến khi nghe các cán bộ Công an huyện Ba Vì giải thích, ông T mới biết mình là nạn nhân của một loại tội phạm công nghệ cao đang hoành hành khắp nơi trên mạng.

Không chỉ dùng thủ đoạn giả mạo là cán bộ Công an, cán bộ Tòa án, chúng còn đăng tin tuyển dụng việc làm online thu nhập cao; lập tài khoản lôi kéo nạn nhân đầu tư các sàn chứng khoán ảo rồi đánh sập để trục lợi; gọi điện đe dọa khóa sim điện thoại, rồi lấy quyền truy cập sim để đăng nhập các tài khoản ngân hàng rút tiền; giả làm người nước ngoài kết bạn, yêu đương rồi thông báo gửi quà, sau đó yêu cầu nạn nhân đóng các khoản phí để nhận được quà. Chưa hết, chúng còn lập các website cho vay tiền, quảng cáo trên mạng xã hội, rồi đề nghị người vay chuyển trước tiền làm thủ tục hoặc đóng lãi trước; giả danh nhân viên ngân hàng gọi điện thông báo chương trình tri ân, yêu cầu khách hàng cung cấp mã OTP để nhận quà.

Nâng cao cảnh giác trước các số điện thoại lạ

Trung tá Hoàng Quốc Thực - Đội trưởng Đội CSHS, Công an quận Hai Bà Trưng cho biết, đơn vị đã tích cực tuyên truyền, cảnh báo tới người dân những thông tin liên quan đến thủ đoạn của tội phạm, đồng thời khuyên bà con không nên lo lắng, không hoang mang trước những cuộc gọi với những nội dung, thông tin thất thiệt mà tội phạm đưa ra. Cần bình tĩnh xử lý và phối hợp tốt với cơ quan Công an, để giúp Công an điều tra làm rõ các ổ nhóm lừa đảo.

Ngoài những chiêu thông thường, giờ đây các đối tượng còn tinh vi hơn, sử dụng công nghệ AL (ứng dụng trí tuệ nhân tạo) để giả giọng nói, hình ảnh của chủ tài khoản mạng xã hội, sau đó thực hiện các cuộc gọi “video call” lừa đảo khiến các nạn nhân tin tưởng mà chuyển tiền cho chúng.

image_6483441 (2).jpg -0
image_6483441.jpg -1
Các đối tượng lừa đảo công nghệ cao bị Công an quận Hoàn Kiếm bắt giữ.

Nhiều biện pháp đối phó với tội phạm công nghệ cao được triển khai có hiệu quả. Công an huyện Ba Vì đã niêm yết các bảng thông báo về thủ đoạn của tội phạm cũng như khuyến cáo của lực lượng Công an, tại các ngân hàng, quỹ tín dụng, để khi người dân đến giao dịch kịp thời nắm bắt, chủ động phòng ngừa.

Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó trưởng Công an huyện Ba Vì cho biết, Công an huyện đã tham mưu cho Đảng ủy, Ủy ban nhân dân huyện tổ chức tuyên truyền trên các mạng xã hội, trên mạng Zalo, nhằm tiếp cận nhanh nhất tới bà con. Các nhóm Zalo của Đoàn thanh niên hay Hội phụ nữ đã phát huy tác dụng tích cực, mỗi thành viên là một tuyên truyền viên… Ngoài ra, Công an huyện còn giao trách nhiệm cho các đồng chí CSKV, Công an xã nâng cao việc tuyên truyền đến từng bà con...

Mới đây, Công an quận Hoàn Kiếm đã điều tra, tóm gọn một băng nhóm lừa đảo công nghệ cao. Theo đó, chúng giả danh ngân hàng Techcombank đăng tin cho vay lãi suất thấp, giải ngân nhanh, để lừa các nạn nhân sập bẫy.

Kết quả điều tra cho thấy, ổ nhóm này đã sử dụng công nghệ cao thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng mạo danh ngân hàng Techcombank, sau đó đăng các bài viết quảng cáo trên Facebook với nội dung "cho vay tiền với lãi suất thấp, không cần xác minh và giải ngân trong ngày". Đọc được những dòng quảng cáo này, những người đang khát tiền như người đi trên sa mạc tìm thấy dòng nước, liền lập tức lao vào. Kết bạn với chúng qua Zalo và gửi thông tin cá nhân như CCCD, tài khoản ngân hàng và làm các thủ tục chúng hướng dẫn như... đúng rồi. Quá trình trao đổi, các bị hại được yêu cầu chuyển tiền để làm hồ sơ vay vốn online.

Sau đó, nhóm tội phạm này làm giả một bộ hồ sơ vay vốn giống như thật rồi yêu cầu "khách hàng" đóng các loại phí như bảo hiểm khoản vay, chứng minh thu nhập, hỗ trợ giải ngân nhanh… Đến khi đã nhận đủ các loại phí, chúng liền xóa tài khoản Zalo.

Nhận được thông tin về ổ nhóm tội phạm công nghệ cao từ công tác trinh sát địa bàn, Công an quận Hoàn Kiếm đã xác lập chuyên án đấu tranh, bắt giữ được nhóm lừa đảo này. Đáng chú ý, chúng gồm toàn các thanh niên rất trẻ, tuổi từ 20 - 22, cả nam và nữ, giỏi công nghệ, trú tại nhiều tỉnh thành trong cả nước, kết hợp cùng nhau phạm tội.

Theo lời khai của chúng, bằng phương thức giả mạo ngân hàng, chúng đã "lùa gà" sang nhóm Zalo, rồi chiếm đoạt của các nạn nhân số tiền hơn 2 tỷ đồng. Công tác điều tra mở rộng đến nay vẫn đang được Công an quận Hoàn Kiếm tiến hành làm rõ.

Thời gian vừa qua, Công an TP Hà Nội liên tục triệt phá nhiều ổ nhóm tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tiền của nhân dân. Qua các vụ án kể trên, cơ quan Công an TP Hà Nội khuyến cáo: Tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày một tinh vi, phức tạp, thủ đoạn khó lường, muôn hình vạn trạng, quan trọng nhất vẫn phải là ý thức tự cảnh giác của mỗi người dân trước các đối tượng phạm tội. Muốn thế, người dân cần nâng cao hiểu biết, chịu khó tìm hiểu, cập nhật các thông tin mới được cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong các tình huống nhận được điện thoại lạ, phải hết sức bình tĩnh, cảnh giác, tuyệt đối không cung cấp mật khẩu, mã OTP... Khi có dấu hiệu nghi ngờ, cần báo tới cơ quan Công an để kịp thời xử lý.

Không chỉ người dân, các nhân viên ngân hàng cũng cần nâng cao cảnh giác, trước các trường hợp khách hàng giao dịch trong tâm trạng hoang mang, lo lắng, có dấu hiệu bị lừa đảo, nhân viên ngân hàng cần phải nắm bắt, khéo léo tìm hiểu để kịp thời trợ giúp khách hàng tránh trở thành "con mồi" của bọn lừa đảo. Đồng thời, ngay lập tức cấp báo thông tin tới cơ quan Công an để kết hợp điều tra làm rõ.

Đinh Hiền
.
.
.