Cuộc cách mạng Internet không có lợi cho môi trường như thế nào?

Thứ Ba, 23/06/2020, 14:36
Nếu chúng ta buộc phải chia 1,7 tỷ tấn khí hiệu ứng nhà kính ước tính sinh ra từ hoạt động sản xuất và vận hành công nghệ kỹ thật số cho người dùng Internet toàn thế giới, thì điều này có nghĩa là mỗi chúng ta phải chịu trách nhiệm cho 400g khí thải CO2 mỗi năm.

Nhưng mọi việc không đơn giản như vậy - con số này có thể biến động tùy thuộc vào vị trí bạn đang sống ở đâu trên thế giới. Người dùng Internet ở một số nơi trên thế giới có thể có dấu vết carbon cao hơn một cách bất thường. Ví dụ theo một nghiên cứu, một người ở Australia dùng Internet với mức độ trung bình xả 81kg khí thải CO2 vào bầu khí quyển.

Dấu vết carbon

Dấu vết carbon thải ra từ các thiết bị ta sử dụng, Internet và hệ thống hỗ trợ chúng chiếm đến 3,7% khí thải hiệu ứng nhà kính toàn cầu, theo một số ước tính. Khối lượng này cũng tương tự như lượng khí thải toàn cầu của ngành công nghiệp hàng không - Mike Hazas, nhà nghiên cứu Đại học Lancaster giải thích.

Và những khí thải này được dự đoán sẽ tăng gấp đôi đến năm 2025. Lợi ích kinh tế nhờ quy mô và sử dụng năng lượng tái tạo chắc chắn sẽ giúp làm giảm con số này, nhưng rõ ràng là những người sống ở các nước phát triển vẫn chịu trách nhiệm về phần lớn dấu vết carbon vì sử dụng Internet.

Có lẽ bạn đã vừa trả lời vài email hôm nay, gửi đi vài tin nhắn trò chuyện và có thể vừa tìm kiếm nhanh thông tin gì đó trên Internet.

Ở Mỹ, các trung tâm dữ liệu tiêu thụ 2% điện năng quốc gia, trong khi tính trên toàn cầu, các trung tâm dữ liệu tiêu thụ hết gần 200 terawatt giờ (TWh).

Tuy nhiên, theo Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) của Liên Hiệp Quốc (LHQ), con số này đã vẫn giữ nguyên trong vài năm qua dù lưu lượng truy cập Internet và khối lượng công việc tăng. Điều này phần lớn là vì các cải tiến hiệu dụng điện năng và việc chuyển các trung tâm dữ liệu tập trung vào những cơ sở vật chất khổng lồ. Nhưng dù nhiều công ty cho biết họ sử dụng năng lượng tái tạo để vận hành trung tâm dữ liệu, thì ở một số nơi trên thế giới, phần lớn các trung tâm này vẫn chủ yếu là vận hành bằng việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Tuy nhiên, các nhà cung cấp đám mây lưu trữ lớn đã cam kết cắt giảm lượng khí thải carbon của họ, vì vậy việc lưu trữ hình ảnh, tài liệu và vận hành dịch vụ ngay trên máy chủ ở các nơi nào có thể là một cách tiếp cận được sử dụng. Là một cá nhân, có một cách đơn giản để ta cắt giảm dấu vết carbon mình để lại, đó là hãy giảm việc liên tục nâng cấp thiết bị. Khí nhà kính thải ra khi sản xuất và vận chuyển những thiết bị này có thể tạo ra một phần đáng kể khối lượng tổng thể khí thải từ một sản phẩm thiết bị.

Một nghiên cứu từ Đại học Edinburgh nhận thấy rằng nếu chúng ta tăng thời gian sử dụng máy tính và màn hình máy tính từ mức thông thường là 4 năm lên thành 6 năm, thì ta có thể giúp giảm thải ra khối lượng carbon tương đương 190kg. Ta cũng có thể thay đổi cách sử dụng thiết bị để cắt giảm dấu vết carbon kỹ thuật số. Một trong những cách dễ dàng nhất là thay đổi cách bạn gửi tin nhắn.

Những video nổi tiếng như Despacito có thể để lại dấu vết carbon lớn nếu được phát đi phát lại hàng tỷ lần.

Có lẽ không ngạc nhiên gì, dấu vết carbon với một email có thể khác nhau cực kỳ nhiều, từ 0,3g CO2e cho một thư rác đến 4g CO2e cho một email thông thường, và 50g CO2e cho một email gửi kèm ảnh hay tập tin đính kèm nặng - theo Mike Berners-Lee, nhà nghiên cứu Đại học Lancaster, người theo dõi dấu vết carbon.

CO2e là đơn vị được dùng để thể hiện dấu vết carbon của tất cả các loại khí gây hiệu ứng nhà kính, với giả định tất cả khí thải ra đều là CO2. Dựa trên các số liệu cũ hơn, một số người đã ước tính email của họ thải ra 1,6kg CO2e trong một ngày. Bản thân Berners-Lee cũng tính rằng một người làm việc thông thường sẽ tạo ra 135kg CO2e từ việc gửi email mỗi năm, con số này tương đương với lái một chiếc ôtô gia đình đi 321,87 km đường.

Nhưng để cắt giảm khối lượng này cũng dễ. Chỉ đơn giản là cắt giảm những chi tiết vụn vặt không cần thiết như email "cảm ơn", chúng ta đã có thể giảm rất nhiều khí thải    carbon. Nếu mỗi người lớn ở Anh gửi ít hơn một thư "cảm ơn", điều này có thể giúp giảm 16.433 tấn carbon mỗi năm - tương đương với cắt giảm 3.334 ô tô chạy bằng dầu diesel - theo Công ty năng lượng OVO.

"Dù dấu vết carbon trong một email không lớn, nhưng đây là minh họa tuyệt vời cho nguyên tắc chung, đó là cắt giảm khí thải khỏi cuộc sống của ta thì tốt cho sự lành mạnh của ta và tốt cho môi trường" -  Berners-Lee cho biết. Chuyển tập tin đính kèm thành đường dẫn tới văn bản và không gửi tin nhắn cho nhiều người là cách dễ dàng khác để làm giảm dấu vết carbon kỹ thuật số, cũng như hủy đăng ký các danh sách email mà người dùng không còn đọc.

Theo ước tính từ dịch vụ chống thư rác Cleanfox, một người dùng trung bình nhận được 2.850 email không mong muốn mỗi năm vì dịch vụ đăng ký nhận thư, và số thư đó thải ra khoảng 28,5kg CO2e. Lựa chọn gửi tin nhắn SMS có lẽ là cách thay thế thân thiện nhất với môi trường để giữ liên lạc, vì mỗi tin nhắn SMS chỉ thải ra 0,014g CO2e.

Mike Berners-Lee, nhà nghiên cứu Đại học Lancaster và người theo dõi dấu vết carbon.

Một dòng trạng thái trên Twitter ước tính có dấu vết carbon là 0,2g CO2e (mặc dù Twitter không phản hồi trước thư yêu cầu xác nhận con số này), trong khi gửi tin nhắn qua ứng dụng nhắn tin riêng tư như WhatsApp hay Facebook Messenger được Freitag ước tính cũng chỉ ít xả thải carbon hơn một chút so với gửi email. Một lần nữa, điều này cũng phụ thuộc vào việc bạn gửi gì - ảnh động gif, emoji và hình ảnh có dấu vết carbon nhiều hơn tin nhắn dạng chữ thông thường.

Dấu vết carbon từ cuộc gọi kéo dài 1 phút trên smartphone chỉ cao hơn một chút so với gửi tin nhắn, theo Freitag, nhưng gọi điện thoại video qua Internet thì có lượng xả thải cao hơn nhiều.

Một nghiên cứu ước tính rằng một cuộc họp kéo dài 5 giờ qua công cụ gọi điện họp bằng video với nhiều người tham gia từ nhiều quốc gia khác nhau sẽ thải ra khoảng từ 4kg CO2e đến 215kg CO2e. Điều quan trọng ta cần nhớ là họp bằng gọi điện qua video được dùng để thay thế cho việc đi lại để đến nơi cần họp, và do đó, cách này thực ra tốt hơn cho môi trường rất nhiều.

Cùng nghiên cứu này cũng phát hiện ra họp bằng gọi điện qua video có thể thải ra chỉ 7% khí thải so với họp hành bằng cách gặp trực tiếp. Một nghiên cứu khác cũng cho thấy "tác động từ việc lái ô tô ảnh hưởng nhiều hơn so với việc một cuộc họp bằng video, vốn chỉ có tác động ở mức tương đương với chưa đến 20km".

Sử dụng công cụ tìm kiếm "sạch"

Tìm kiếm trên Internet lại là lĩnh vực khá phức tạp. Một thập niên trước đây, mỗi lần tìm kiếm trên Internet sinh ra dấu vết carbon là 0,2g CO2e, theo một số thông tin do Google công bố.

Ngày nay, Google sử dụng kết hợp giữa năng lượng tái tạo cùng với chi trả carbon để làm giảm thiểu dấu vết carbon trong hoạt động của công ty, trong khi đó Microsoft, sở hữu bộ máy tìm kiếm Bing, hứa hẹn sẽ trở nên âm tính carbon vào năm 2030, và những nỗ lực tìm hiểu xem liệu dấu vết carbon này hiện nay là cao hơn hay thấp hơn vẫn đang được tiến hành.

Thư rác có thể có dấu vết carbon khá nhỏ, nhưng việc gửi ảnh và tập tin lớn đính kèm email có thể gây ra tác động lớn hơn nhiều.

Tuy nhiên, theo các con số do chính Google cung cấp, thì một người dùng trung bình sử dụng dịch vụ của công ty này - sẽ tìm kiếm khoảng 25 lần mỗi ngày, xem khoảng 60 phút video trên Youtube, có một hộp thư điện tử Gmail và sử dụng vài dịch vụ khác của công ty này - sẽ thải ra chưa đến 8g CO2e mỗi ngày.

Tuy nhiên, những bộ máy tìm kiếm mới hơn đang nỗ lực trở thành một phần trong nỗ lực giúp môi trường xanh hơn ngay từ ban đầu, chẳng hạn như Ecosia cho biết cứ 45 lượt tìm kiếm mà họ thực hiện, họ sẽ trồng một cây xanh. Cách chi trả đền bù carbon này có thể giúp loại bỏ carbon khỏi bầu khí quyển, nhưng sự thành công của những dự án như thế lại phụ thuộc vào thời gian mà cây cần để lớn lên, và điều gì sẽ xảy ra với cây cối khi chúng bị chặt đi?

Nghe nhạc trực tuyến và tải nhạc về cũng gây tác động

Xem video trên mạng chiếm phần lớn nhất trong lưu lượng Internet toàn thế giới, khoảng 60%, và tạo ra khoảng 300 triệu tấn khí thải CO2 mỗi năm, tức là gần 1% tổng khí thải toàn cầu - theo một nhóm chuyên gia cố vấn ở Pháp tên là The Shift Project ước tính. Điều này là vì cũng tương tự như năng lượng thiết bị cần sử dụng, máy chủ và mạng cũng cần năng lượng để phân phối nội dung.

"Nếu chuyển qua TV để xem Netflix, khoảng một nửa phần năng lượng sẽ tiêu hao để vận hành chiếc TV và một nửa năng lượng là dùng để cho Netflix hoạt động", Mike Hazas, Giáo sư Đại học Lancaster, cho biết. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng năng lượng cần để lưu trữ và phát video có cường độ thấp hơn so với các hoạt động máy tính mà trung tâm dữ liệu vận hành.

Ít dành thời gian hơn cho những thứ vụn vặt như những tin nhắn "cảm ơn" ngắn ngủi không cần thiết có thể làm giảm dấu vết carbon trong việc sử dụng email.

Một số hình thức ô nhiễm khí hậu do hậu quả của việc sử dụng Internet cũng đến từ một số việc xem web bẩn. Xem phim khiêu dâm chiếm 1/3 lượng tải video, thải ra khối lượng CO2 ngang với Bỉ trong một năm. Những dịch vụ xem video theo yêu cầu như Amazon Prime và Netflix chiếm khoảng 1/3 lượng tải tiếp theo, và 1/3 cuối cùng dấu vết carbon từ việc tải xem video từ YouTube và những đoạn video ngắn trên mạng xã hội.

Netflix cho biết tổng lượng tiêu thụ năng lượng toàn cầu của công ty này lên đến 451.000 megawatt giờ mỗi năm, số năng lượng này đủ để cung cấp cho 37 ngàn ngôi nhà, nhưng công ty này cho biết họ có mua chứng chỉ năng lượng tái tạo và phần bù carbon để bù lại cho bất cứ phần năng lượng nào đến từ nguồn nguyên liệu hóa thạch.

Rabih Bashroush, nhà nghiên cứu Đại học Đông London và là nhà khoa học đứng đầu tại Dự án Eureca do Ủy ban Châu Âu (EC) tài trợ kinh phí, tính toán rằng 5 tỷ lượt nghe với duy nhất một video âm nhạc, bài hát đứng đầu bảng xếp hạng năm 2017 tên Despacito - đã tiêu thụ lượng điện tương đương với Chad, Guinea-Bissau, Somalia, Sierra Leone và Cộng hòa Trung Phi cộng lại trong cả năm. "Tổng lượng khí phát thải từ việc nghe bài hát đó có thể vượt quá 250.000 tấn CO2", Bashroush nhận định.

Việc xả thải ra khí gây hiệu ứng nhà kính trong ngành công nghiệp công nghệ thông tin được dự đoán sẽ chiếm đến 14% khí thải toàn cầu vào năm 2040.

Duy Ân (tổng hợp)
.
.
.