An ninh mạng - chuyện lớn của thế giới

Thứ Hai, 10/09/2018, 10:45
Theo chuyên gia độc lập Nicolas Reys, đến năm 2021 sẽ có khoảng 28 tỷ thiết bị kết nối Internet trên toàn cầu. Các cuộc tấn công mạng trong lĩnh vực kinh tế cũng gây ra những thiệt hại rất lớn.

Theo nghiên cứu của các chuyên gia Singapore, nền kinh tế số của ASEAN có thể sẽ tăng trưởng lên mức 200 tỷ USD trong vòng 10 năm tới, trong đó thương mại điện tử có thể sẽ đạt gần 90 tỷ USD.

Còn cựu Giám đốc Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ Keith Alexander, ước tính thiệt hại kinh tế của Mỹ trong năm 2012 do tin tặc gây ra vào khoảng 338 tỷ USD, trong khi đó, con số này ở châu Âu cũng là hàng trăm tỷ USD. Nhìn vào những con số riêng trong lĩnh vực kinh tế để thấy tầm quan trọng của an ninh mạng.

Cuộc chiến trị giá hàng nghìn tỷ USD

Hiện nay, việc sử dụng Internet và các hệ thống máy tính kết nối ngày càng lớn đã dẫn đến sự gia tăng mạnh về số lượng các cuộc tấn công trên không gian mạng. Hầu hết các cuộc xung đột chính trị, kinh tế hay quân sự đều có sự tham gia của yếu tố công nghệ cao.

Chính vì vậy, thuật ngữ “chiến tranh mạng” ra đời để ám chỉ hình thức cao nhất trong các loại hình xung đột mạng, khốc liệt hơn tội phạm mạng, chủ nghĩa khủng bố trên mạng và đi theo đó là các biện pháp bảo vệ an toàn cho cá nhân, tổ chức hay lớn hơn là một quốc gia, khu vực và lớn nhất toàn thế giới được người ta gọi chung là các biện pháp an ninh mạng.

Thế giới đã và đang đứng trước không ít thách thức, nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống cá nhân, nhà nước, xã hội, thậm chí có thể đe dọa nghiêm trọng tới hòa bình và an ninh thế giới từ chính internet. Internet đang dần trở thành phương tiện hữu hiệu của tội phạm sử dụng công nghệ cao và là công cụ được sử dụng để can thiệp vào an ninh, ổn định của các quốc gia, các tổ chức.

Các quốc gia đều tìm cách ngăn chặn thông tin giả đang gây rối loạn xã hội. Ảnh: pinterest.ch.

Trong thời gian vừa qua, trên thế giới đã có không ít cuộc xâm nhập, tấn công trái phép được cho là có tổ chức vào cơ sở hạ tầng thông tin của các quốc gia và tổ chức trên môi trường mạng. Xu thế này ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp, khó lường.

Theo ước tính mới đây của Cơ quan An ninh thông tin và Mạng của Liên minh châu Âu (ENISA), chỉ tính riêng năm 2016, các chi phí an ninh mạng đã lên tới 560 tỷ euro. ENISA cũng cảnh báo nguy cơ đối với an ninh mạng sẽ tiếp tục gia tăng trong bối cảnh ngày càng nhiều trang thiết bị kết nối với internet.

Theo số liệu thống kê đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế thế giới mới diễn ra tại Thụy Sỹ, thiệt hại kinh tế do các cuộc tấn công an ninh mạng tại Mỹ Latinh lên tới hơn 87,9 tỷ USD năm 2017. Trong đó Brazil là quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất với hơn 22,4 tỷ USD, tiếp đến là Mexico hơn 14,3 tỷ USD, Venezuela 10,5 tỷ USD và Argentina 8,65 tỷ USD.

Một nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng, về mặt kinh tế, thị trường an ninh mạng được đánh giá là đang phát triển với tốc độ cao. Theo một số cơ quan thẩm định, thị trường an ninh mạng có trị giá ước tính hàng nghìn tỷ USD/năm, với mức tăng trưởng 10%/năm, có nghĩa là nhanh hơn gấp 2 lần so với tốc độ của các ngành công nghệ tin học.

Các cuộc tấn công mạng trong lĩnh vực kinh tế cũng gây ra những thiệt hại rất lớn, điển hình như việc phần mềm tống tiền Golden Eye tấn công, làm gián đoạn hoạt động của rất nhiều doanh nghiệp trên thế giới. Do đó, Bộ trưởng Ibrahim nhấn mạnh ASEAN cần hợp tác, giải quyết các thách thức, tạo ra một nền tảng an ninh mạng an toàn để cùng được hưởng lợi từ nền kinh tế số trong tương lai.

Theo nghiên cứu của các chuyên gia Singapore, nền kinh tế số của ASEAN có thể sẽ tăng trưởng lên mức 200 tỷ USD trong vòng 10 năm tới, trong đó thương mại điện tử có thể sẽ đạt gần 90 tỷ USD. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng cùng các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn không gian mạng cho các hoạt động kinh tế kể trên của các quốc gia thành viên ASEAN còn tương đối nghèo nàn, khiến nền kinh tế số phải đối mặt với nhiều nguy cơ và thách thức lớn.

Chuyên gia chính trị, kinh tế, quốc phòng và an ninh Goran Samuel Pesic, Phó Giám đốc David Pratt & Associates (DP & A), một công ty tư vấn chiến lược có trụ sở tại Ottawa, trong nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng, hiện nay tội phạm mạng đang phát triển theo cấp số nhân và nhiều chính phủ ở mọi cấp độ chưa bắt kịp tốc độ của mối đe dọa này.

Nhiều doanh nghiệp vẫn không thay đổi tư duy về internet và không có biện pháp bảo vệ thích đáng. Thương mại điện tử là lĩnh vực phải đối mặt với nhiều mối đe dọa nhất, chẳng hạn như ảnh hưởng đến tính riêng tư, chủ quyền dữ liệu, vị trí của các trung tâm dữ liệu, an ninh dữ liệu và luật pháp. Ba mươi năm trước, chỉ có 32% giá trị thị trường của 500 công ty dựa trên các tài sản vô hình, chủ yếu là sở hữu trí tuệ. Ngày nay, con số này là 80%, đặt ra vấn đề quan trọng là phải bảo vệ những tài sản này khỏi tội phạm mạng.

Theo chuyên gia độc lập Nicolas Reys, đến năm 2021 sẽ có khoảng 28 tỷ thiết bị kết nối internet trên toàn cầu. Tuy nhiên đến nay, các thành phố thông minh vẫn chưa thực sự chú trọng tới vấn đề bảo mật trên mạng. Mỗi thiết bị kết nối internet mới xuất hiện trên mạng đều có mối đe dọa về an ninh song cũng đem đến cơ hội cho các chính phủ và doanh nghiệp. Những mối đe dọa và cơ hội này được quản lý như thế nào sẽ là yếu tố quyết định đối với sự phát triển và sự ổn định xã hội.

Không chỉ là một cuộc chiến “đắt giá” trong lĩnh vực kinh tế, an ninh mạng còn liên quan mật thiết tới an ninh - quốc phòng. Thế giới mạng bành trướng với một tốc độ khủng khiếp: Nếu như năm 2008, mới chỉ có 2 tỷ địa chỉ IP, thì con số này hiện nay là 30 tỷ IP, có nghĩa là gấp 4 lần dân số thế giới.

Trong thời đại phát triển như vũ bão của công nghệ, trí tuệ nhân tạo, toàn thế giới đang hướng tới kỷ nguyên cách mạng khoa học công nghệ 4.0, an ninh mạng trở thành mối quan ngại chung khi chỉ một sơ suất nhỏ cũng khiến một cá nhân, tổ chức hay một quốc gia phải trả giá đắt. 

An ninh mạng đã trở thành vấn đề “nóng” của thế giới. Mọi nỗ lực, giải pháp cần được chia sẻ giữa các quốc gia. Để xây dựng năng lực tác chiến, phản công mạng hiệu quả, cần phải hiểu rõ “kẻ thù”; phải đầu tư lớn và triển khai một chiến lược rõ ràng và có lộ trình.

An ninh mạng hiện không còn là câu chuyện về mất an toàn đối với những thông tin riêng tư cá nhân, dữ liệu kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp mà nó tác động nghiêm trọng đến chủ quyền, an ninh quốc gia, nhà nước, xã hội, thậm chí có thể đe dọa nghiêm trọng tới hòa bình và an ninh thế giới. Internet đang dần trở thành phương tiện hữu hiệu của tội phạm sử dụng công nghệ cao và là công cụ được sử dụng để can thiệp vào an ninh, ổn định của các quốc gia, các tổ chức. Chính vì vậy, an ninh mạng đang là vấn đề nóng bỏng và cấp thiết.

“Chiến tranh mạng” phản ánh tình trạng gia tăng công nghệ hóa của chiến tranh trong thời đại thông tin dựa trên máy tính và các mạng kết nối trong hầu như tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Loại hình chiến tranh này thường rẻ hơn, sạch hơn các hình thức xung đột vũ trang khác nhưng vẫn gây ra sự phá hủy lớn, đặc biệt đối với nền kinh tế của mỗi quốc gia.

Mọi lĩnh vực của đời sống đều liên quan tới Internet. Ảnh: The National.

Một cuộc tấn công mạng trên quy mô lớn có thể dẫn tới thiệt hại về người và của. “Chiến tranh mạng” không hề có giới hạn về địa lý, thời gian và hoàn toàn có thể thực hiện trên diện rộng, hoàn toàn không đổ máu nhưng lại có thể gây hậu quả chết người.

Các cuộc tấn công làm tê liệt hệ thống thông tin các quốc gia với động cơ chính trị xuất hiện ngày càng nhiều. Tháng 4/-2012, đã xảy ra hàng loạt cuộc tấn công mạng giữa các nhóm tin tặc ở châu Á khiến hàng loạt trang web bị tê liệt và ngừng hoạt động. Một số nhóm tin tặc như Anonymous, Luzlsec hay CyberWarrios Team... liên tục thực hiện các cuộc tấn công từ chối dịch vụ gây tê liệt, ngưng trệ hoạt động nhằm vào hệ thống thông tin của nhiều quốc gia, tổ chức trên thế giới như Mỹ, EU và NATO.

Ngoài ra, các cuộc tấn công và thu thập thông tin tình báo cũng liên tục diễn ra. Điển hình như, Lầu Năm Góc đã bị tấn công mạng với quy mô lớn khiến 24.000 tài liệu mật của chính phủ bị đánh cắp hồi tháng 7-2011.

Thiệt hại thật trên “không gian ảo”

Trang mạng của Viện Nghiên cứu Chính trị quốc tế Italy (ISPI) chỉ rõ, người ta không thể tưởng tượng được mạng internet sẽ phát triển như thế nào trong tương lai. Người ta chỉ có thể dự đoán phần nào tác động của các công nghệ mới đối với cuộc sống mỗi người cũng như toàn xã hội, nhưng chắc chắn việc phân biệt giữa một “thế giới thực” và một “không gian ảo” sẽ ngày càng khó khăn.

Mạng internet trong tương lai sẽ phụ thuộc vào sự tự do cũng như sự an toàn của các trang mạng trong tương lai. Môi trường internet, với ưu thế vượt qua mọi rào cản địa lý, dường như đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tấn công, phá hoại cơ sở trọng điểm của đối phương, bên cạnh việc đánh cắp, thay đổi cũng như công bố một lượng lớn những thông tin nhạy cảm.

Đứng đằng sau các hoạt động này là các chính phủ, nhà nước, các tập đoàn lớn nhưng cũng có thể là các tổ chức xâm nhập mạng trái phép, băng đảng tội phạm xuyên quốc gia mà trong tương lai có khả năng trở thành tổ chức khủng bố... Điều đó có thể gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng. Không gian mạng là một phương tiện hiệu quả để truyền bá một mối đe dọa âm thầm. Tất cả những điều này đều có ảnh hưởng đến “thế giới thực” và đến những mối quan hệ quốc tế, đồng thời thay đổi một cách đáng kể bức tranh an ninh toàn cảnh.

Thực tế cho thấy có rất nhiều trường hợp mà những căng thẳng mang tính quốc tế được bắt nguồn từ các cuộc tấn công trên mạng. Ví dụ, hồi tháng 5/2017, virus “Wanna Cry” đã làm ảnh hưởng tới hàng trăm nghìn máy tính thương mại trên toàn thế giới. Ngoài ra, một số cuộc tấn công mạng khác được thực hiện nhằm mục đích chính trị đáp trả các tình huống khủng hoảng quốc tế, ví dụ như vụ tấn công hồi tháng 5-2017 nhằm vào hãng thông tấn Qatar để đáp trả việc đăng tải bài diễn văn thể hiện tư tưởng ủng hộ Iran nhưng trên thực tế văn bản này chưa bao giờ tồn tại.        

Các quốc gia luôn phát triển khả năng tấn công cũng như sử dụng công nghệ số nhằm theo đuổi các toan tính lợi ích chính trị thông qua việc chuẩn bị những phương tiện phòng thủ, tấn công hiệu quả. Vũ khí mạng của các quốc gia, một khi được sử dụng, có thể bị các phần tử cực đoan thao túng với động cơ phát tán, thậm chí là đánh sập hệ thống mạng. Do vậy, nhiều khả năng năm 2018 sẽ là năm khẳng định sự phát triển quân sự hóa trên không gian mạng với nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng (có thể là một chiến dịch tấn công mạng với nhiều mục đích). Bên cạnh đó, nguy cơ tấn công mạng do các lực lượng khủng bố tiến hành ngày càng trở nên rõ nét.

Lý do thứ hai khiến người ta lo ngại về các mối đe dọa được phát tán trên mạng lại liên quan tới việc sử dụng mạng internet với mục đích gây bất ổn xã hội hoặc những ảnh hưởng xã hội nhằm phục vụ lợi ích bên ngoài. Các hoạt động gây ảnh hưởng nếu được thực hiện qua không gian mạng lại đặc biệt hiệu quả. Đây chính là ưu thế đặc trưng của không gian mạng. Đó là một công cụ toàn cầu, không bị giới hạn bởi các yếu tố địa lý, không hạn chế trong việc sử dụng, khả năng cho phép ẩn danh (tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng tấn công), khả năng sao chép không giới hạn các thông điệp tuyên truyền, tốc độ phát tán tức thì, không cần sự trung gian.

Các thông tin càng gây tranh cãi, phản hồi trực tuyến trên các trang điện tử cá nhân và các mạng xã hội lại càng dễ dàng lan tỏa, đánh lạc hướng dư luận, gây nghi ngờ. Mục đích cuối cùng chính là làm suy yếu sự đoàn kết nội bộ các tổ chức, từ đó làm suy giảm sức mạnh khiến tình hình nội bộ của một tổ chức, thể chế trở nên thuận lợi hơn với những mục đích muốn đạt được. 

An ninh mạng sẽ ngày càng trở nên quan trọng hơn khi mạng xã hội ngày càng gắn bó hơn trong cuộc sống hằng ngày của mỗi cá nhân. Với các công nghệ như các thiết bị tự hành, an ninh mạng ngày càng khó kiểm soát.

Hoa Huyền
.
.
.