UAE bí mật gửi lính đánh thuê sang Yemen

Thứ Sáu, 04/12/2015, 11:15
Hàng trăm lính đánh thuê đến từ các quốc gia Mỹ Latinh vừa được bí mật đưa đến Yemen để tham gia chiến đấu trong hàng ngũ quân đội Chính phủ Yemen chống phiến quân Houthi. Động thái này đã làm gia tăng độ phức tạp của cuộc nội chiến mang tính “chiến tranh ủy nhiệm” giữa các cường quốc trong khu vực.

Theo tờ New York Times, khoảng 450 binh sĩ thuộc biên chế quân đội UAE (Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất) đã bí mật đến Yemen vào tháng 10 vừa qua. Việc đưa những lính đánh thuê này sang Yemen được giữ bí mật, cho nên họ phải dậy từ nửa đêm để lên đường. Theo các chuyên gia, lính đánh thuê Mỹ Latinh sẽ tham gia chiến đấu bên cạnh các lực lượng quân đội Chính phủ Yemen, quân đội một số nước liên quân như Jordan, Bahrain, và lính đánh thuê người Sudan do Arập Xêút huấn luyện và đưa sang.

Lính đánh thuê Colombia được huấn luyện tại UAE và đưa sang chiến đấu ở Yemen.

Các lính đánh thuê Mỹ Latinh được tuyển lựa trong số 1.800 binh sĩ người Mỹ Latinh cùng với người nước khác được tuyển mộ và huấn luyện trong một căn cứ quân sự của UAE có tên gọi là Zayed Military City. Họ được cho là tham gia một dự án xây dựng quân đội của UAE. Lực lượng này bao gồm chủ yếu là người Colombia, cộng thêm một số người Panama, El Salvador và Chile. Họ đến UAE khi dự án quân đội lính thuê bắt đầu vào năm 2010. Họ đến UAE thông qua môi giới của Công ty Global Enterprises do Oscar Garcia Batte điều hành. Ông Batte đồng thời cũng là chỉ huy lữ đoàn lính đánh thuê người Colombia ở UAE.

Thoạt đầu, lực lượng đánh thuê Mỹ Latinh này chủ yếu thực hiện các nhiệm vụ trong nước, như canh gác, bảo vệ các đường ống dẫn dầu và các công trình hạ tầng nhạy cảm khác và có thể là thêm một số nhiệm vụ khác như đàn áp biểu tình, dập tắt bạo loạn, thậm chí là đi bảo vệ các chuyến tàu chở hàng hóa chống hải tặc trên các vùng biển khu vực Trung Đông và Bắc Phi. Họ được lĩnh lương khoảng 3.000 USD mỗi tháng. Những người được tuyển chọn đi sang Yemen chiến đấu sẽ được lãnh thêm 1.000 USD/tháng, tổng cộng 4.000 USD/tháng, cao gấp 10 lần lương ở quê nhà. Phần lớn số tiền lương này được các lính đánh thuê gửi về cho gia đình ở quê nhà Colombia.

Theo Sean McFate, một chuyên gia cao cấp tại Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council), tác giả quyển sách nổi tiếng "Lính đánh thuê hiện đại" (The Modern Mercenary), việc UAE gửi lính đánh thuê sang Yemen đã phản ánh một xu hướng chiến tranh mới trong tương lai. Xu hướng này đã được khởi xướng trong những năm sau làn sóng "Mùa xuân Arập".

Các quốc gia Arập giàu dầu mỏ vốn xem Al-Qaeda, hải tặc và các cuộc biểu tình, bạo loạn trong nước là những mối đe dọa cần phải tăng cường quân đội để bảo vệ. Tuy nhiên, gần đây, khi các quốc gia Arập, nhất là Arập Xêút, Qatar và UAE theo đuổi chính sách hiếu chiến trong toàn khu vực Trung Đông, có tham vọng can thiệp vào các điểm nóng xung đột, lính đánh thuê là lựa chọn ưa thích của các quốc gia này, bởi công dân nước họ không muốn tham gia chiến đấu, cho nên họ phải thuê người nước ngoài.

Lính đánh thuê Colombia được ưa chuộng bởi họ được xem là có nhiều kinh nghiệm chinh chiến chống lại quân du kích cánh tả FARC, do đó rất thích hợp với cuộc chiến chống lại phiến quân Houthi ở Yemen.

Ngược lại, việc được trả lương cao hơn nhiều lần so với lương trong nước nên dự án của UAE cũng thu hút mạnh lính Colombia. Từ đó, làn sóng tuyển mộ ồ ạt lính đánh thuê người Colombia đã tạo nên hiện tượng "chảy máu quân sự" ở khu vực Mỹ Latinh, khiến cho quân đội Colombia gặp nhiều khó khăn về nhân sự trong việc bảo đảm an ninh quốc phòng, nhất là cuộc chiến chống du kích quân trong nước mình. Vì vậy, Chính phủ Colombia đã phải đề xuất một thỏa thuận với chính quyền UAE nhằm hạn chế tình trạng "chảy máu quân sự" sang Vùng Vịnh, nhưng sau nhiều lần họp, thảo luận, các quan chức Colombia và UAE vẫn chưa ký kết được thỏa thuận.

Việc UAE và Arập Xêút đưa lính đánh thuê người nước ngoài sang Yemen hợp cùng quân đội các nước Jordan, Bahrain hỗ trợ quân đội Chính phủ Yemen chiến đấu chống phiến quân Houthi đang cho thấy cuộc nội chiến Yemen cũng phức tạp không thua gì cuộc nội chiến tại Syria, thậm chí còn phức tạp hơn.

“Chiến tranh ủy nhiệm” khiến Yemen chìm trong khói lửa tương tự như Syria.

Sự phức tạp đó đã được nâng lên thành cuộc "chiến tranh ủy nhiệm" giữa hai thế lực hùng mạnh trong khu vực Trung Đông, chủ yếu đó là cuộc đối đầu giữa Arập Xêút (dòng Sunni) và Iran (dòng Shiite), gần đây còn lôi kéo thêm Mỹ tham gia với tư cách là hỗ trợ hậu cần, tiếp tế nhiên liệu, hỗ trợ tình báo chỉ điểm mục tiêu. Cuộc chiến này khởi đầu là cuộc nội chiến giữa phiến quân Houthi theo dòng Hồi giáo Shiite chống lại Chính phủ Yemen theo dòng hồi giáo Sunni, và phiến Houthi đã đánh bại quân chính phủ tại phần lớn các thành phố lớn của Yemen.

Đầu năm 2015, Arập Xêút dẫn đầu một liên minh bao gồm một số nước trong khu vực như UAE, Qatar, Jordan, Bahrain tiến hành chiến dịch không kích nhằm chặn đà tiến quân của phiến quân Houthi, hỗ trợ cho quân Chính phủ Yemen. Sau vài tháng không kích không mang lại kết quả như mong muốn, liên quân bắt đầu triển khai bộ binh, với thành phần không chỉ có khoảng 400 lính đánh thuê nước ngoài tuyển chọn từ Eritrea, tiếp đến là lực lượng người Sudan do Arập Xêút thuê, mà cả binh sĩ nội địa người Jordan, Arập Xêút và Bahrain cũng được đưa sang Yemen với số lượng nhỏ.

Ở phía đối địch với liên quân do Arập Xêút dẫn đầu là sự hỗ trợ của Iran dành cho lực lượng Houthi vốn cùng dòng Shiite như Iran để đối đầu sự áp đảo quân sự của liên quân Sunni. Nhưng cuộc chiến không chỉ có thế. Tại miền Nam Yemen, các lực lượng đánh thuê của UAE còn chiến đấu chống lại một "lực lượng thứ ba", đó là thành phần khủng bố Al-Qaeda trên bán đảo Arập (AQAP), vốn cũng thuộc dòng Hồi giáo Sunni. Al-Qaeda từ lâu đã là "khối u" nhức nhối của Yemen. Chưa bao giờ quân đội của chính phủ nước này giành được thắng lợi nào đáng kể trước Al-Qaeda, và có nguy cơ mất kiểm soát hẳn khu vực miền Nam vào tay khủng bố.

Trong "cuộc chiến ủy nhiệm" mang màu sắc giáo phái này, Mỹ có lẽ là kẻ hưởng lợi nhiều nhất. Mỹ đã ký thỏa thuận bán vũ khí trị giá hàng chục tỉ USD cho các quốc gia đồng minh trong khu vực như Arập Xêút, Jordan, Qatar và UAE. Và số vũ khí đó nay đang được mang ra sử dụng vào "cuộc chiến đại diện" tại Yemen.

Một phần không nhỏ số vũ khí đó cũng được Arập Xêút, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ tuồn vào Syria không chỉ để hỗ trợ phiến quân Syria đối lập chống Tổng thống Bashar al-Assad, mà còn cho cả tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), nhằm mục tiêu duy nhất là lật đổ Tổng thống Assad. Vì vậy, việc một số quốc gia, một số nhà nghiên cứu và dư luận công tâm tố cáo chính sách của Mỹ gây bất ổn khu vực Trung Đông cũng không phải là không có cơ sở.

Quốc Vương (tổng hợp)
.
.
.