Từ đảng viên Cộng sản đến điệp viên ngầm FBI

Thứ Năm, 22/06/2023, 07:54

Là con trai của một thợ giày ở Kiev, Ukraina, Moris Childs trở thành một trong những người cộng sản nổi bật nhất ở Mỹ. Đảng Cộng sản Liên Xô đánh giá cao điều đó, và không nhận ra Morris Childs đã phản bội các đồng chí Liên Xô của mình, khi quay sang làm việc cho Cục Điều tra liên bang Mỹ FBI.

Mùa hè năm 1975, Morris Childs, đảng viên Đảng Cộng sản Mỹ, đến thăm và làm việc ở Moscow. Chuyến công tác sắp kết thúc, Childs đang thu dọn hành lý thì đột nhiên chuông điện thoại reo lên trong căn hộ của ông. Ở đầu dây bên kia, người ta thông báo rằng buổi tối hôm đó, Leonid Brezhnev, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, sẽ gặp ông. Childs hơi ngạc nhiên: ông vừa gặp Brezhnev vài ngày trước, lúc bấy giờ không ai nói gì về một cuộc gặp mới. Nhưng đến giờ hẹn, Childs vẫn xuống cửa chính.

Từ đảng viên Cộng sản đến điệp viên ngầm FBI -0
Morris Childs.

Ở đấy, một chiếc limousine ZIL của Liên Xô đang đợi sẵn. Tuy nhiên, người đầu tiên bước ra khỏi xe không phải là tài xế, mà là Chủ tịch Ủy ban An ninh quốc gia Liên Xô (KGB) Yury Andropov. Đi sau ông ta là hai người đàn ông cao lớn với bộ mặt nghiêm nghị và căng thẳng. Childs có lý do để lo lắng: 20 năm gần đây, ông ta làm việc cho FBI. Lượng thông tin về các đảng cộng sản Liên Xô, Trung Quốc và một số nước Đông Âu mà ông ta đã chuyển đi trong thời gian này không cho Childs bất kỳ cơ hội nào để thoát khỏi bốn bức tường của nhà tù Lubyanka.

 Moishe, tên khai sinh của chính trị gia Mỹ và nhân viên FBI tương lai, sinh năm 1902 ở Kiev trong gia đình thợ giày người Do Thái Joseph Chalovsky. Hồi nhỏ, ông và em trai Yankel đã chứng kiến bố ông làm giày và đấu tranh tuyệt vọng với chế độ sa hoàng như thế nào. Năm 1910, ông Joseph bị bắt và đày tới Siberia, nhưng ông đã chạy trốn khỏi nơi lưu đày và ngay lập tức đến Mỹ. Ở Mỹ, Joseph vẫn tiếp tục làm nghề đóng giày, và một năm, ông đã tiết kiệm đủ tiền để đưa cả gia đình sang Mỹ. Sau khi định cư ở Chicago, Chalovsky đổi tên thành Childs, Moishe thành Morris, và em trai Yankel thành Jack.

Tốt nghiệp tiểu học, Morris Childs phụ việc cho bố trong một xưởng nhỏ và tham gia các khóa học tại Viện Nghệ thuật Chicago. Hân hoan trước thông tin về chế độ sa hoàng sụp đổ và thắng lợi của những người Bolshevik ở Nga, Morris Childs ngày càng tích cực tham gia các nhóm cánh tả cấp tiến. Và sau khi Đảng Cộng sản Mỹ được thành lập, ông là một trong những người đầu tiên gia nhập hàng ngũ của tổ chức này. Từ năm 1929 đến năm 1931, Childs học Trường Quốc tế Cộng sản ở Moscow. Từ năm 1934, ông là ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Mỹ. Các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Mỹ nhận xét tích cực về Childs: lập trường chính trị vững vàng, trung thành với sự nghiệp của đảng. Là cán bộ tổ chức đảng và quần chúng tốt. Có khả năng lãnh đạo độc lập.

Từ đảng viên Cộng sản đến điệp viên ngầm FBI -0
Morris Childs phát biểu ở bang Illinois, năm 1938.

Trong thời gian học tập tại Trường Quốc tế Cộng sản ở Moscow, thầy của Childs là những nhà lãnh đạo nổi tiếng của Liên Xô  như Mikhail Suslov và Otto Kuusinen. Trở về Mỹ, Childs được đề nghị giữ chức Bí thư Đảng Cộng sản ở Chicago và bang Illinois - ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình cho đến năm 1944, sau đó, ông bị nhồi máu cơ tim, buộc phải từ chức. Sau khi bình phục,  Childs được cử làm Tổng biên tập tờ “The Daily Yorker”, cơ quan ngôn luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Từ đó, ông chuyển đến New York.

Năm 1947, với tư cách là phóng viên của báo, Morris Childs lại có mặt ở Moscow để đưa tin về cuộc họp của Hội đồng Bộ trưởng các nước liên bang. Đến thời gian này, ông đã tích lũy được rất nhiều câu hỏi về Đảng Cộng sản Liên Xô. Những nghi ngờ của ông về đường lối của đảng đã xuất hiện từ cuối những năm 1930, khi Lev Kamenev, Grigory Zinovyev và Nikolay Bukharin đột nhiên trở thành kẻ thù và gián điệp. Vốn là người tích cực tuyên truyền chống phát xít ở Mỹ, Childs không thể hiểu nổi thỏa thuận giữa Stalin và Hitler về việc chia đôi Ba Lan, được ký kết trước Thế chiến II. Việc giải thể Quốc tế Cộng sản cũng là một câu hỏi cần được giải đáp. Nhưng trên hết, ông không thể tin được những thông tin về chiến dịch bài Do Thái ở Liên Xô, và đang định chứng minh cho mọi người thấy rằng đây chẳng qua là tuyên truyền chống Liên Xô. Nhưng đó lại là sự thật cay đắng.  Childs rời Moscow trong tâm trạng vô cùng hoang mang.

Rất táo bạo và thẳng thắn, Childs đã trình bày tất cả những nghi ngờ của mình với các ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Mỹ, kết quả là ông bị mất chức Tổng biên tập tờ “The Daily Yorker”. Mọi người sợ rằng ông có thể vô tình trút bỏ sự phẫn nộ của mình từ những gì mắt thấy tai nghe ở Liên Xô lên mặt báo. Tóm lại, Childs không chỉ mất chức Tổng biên tập, ông ta còn bị loại khỏi mọi công việc của đảng.

Từ đảng viên Cộng sản đến điệp viên ngầm FBI -0
 Morris Childs (giữa) với M. Suslov (trái) và L. Brezhnev (phải)

Bị bỏ rơi, không kế sinh nhai (những năm sau này, Morris Childs hoàn toàn dành cho công tác đảng), bệnh nhồi máu cơ tim tái phát, ông phải nằm liệt giường một thời gian dài. Nhưng trong cái rủi có cái may. Đúng lúc đó, chính phủ Truman đặt Đảng Cộng sản Mỹ ngoài vòng pháp luật vì "có âm mưu lật đổ chính phủ Mỹ". Tiếp theo là làn sóng bắt bớ tràn lan khiến gần như toàn bộ ban lãnh đạo của Đảng Cộng sản Mỹ phải vào tù. Các tổ chức của Đảng đã bị giải thể, các văn kiện của đảng bị các nhân viên FBI tịch thu.

Tất nhiên, trước đây hai anh em nhà Childs đã được FBI chú ý. Nhưng sau khi nghiên cứu kỹ các tài liệu về quá trình học tập của họ ở Liên Xô, họ thực sự được FBI quan tâm. Jack Childs đã hoàn thành một khóa chuyên đề về hoạt động bí mật tại Trường Quốc tế Cộng sản. Tuy nhiên, khi nghe anh trai kể về tình hình của Đảng Cộng sản Liên Xô, Jack bắt đầu xa rời công tác đảng. Những năm tiếp theo, ông hoạt động kinh doanh và tìm mọi cách giúp anh thoát khỏi bệnh tật.

Sức khỏe của Morris Childs quả thật rất tệ, vì vậy đầu tiên các nhân viên FBI tìm đến Jack. Không một chút đắn đo, ông ta nói về nỗi thất vọng của mình, nhưng từ chối hợp tác, viện cớ rằng luôn luôn đi theo anh trai mình. Lúc bấy giờ, FBI đến gặp Morris Childs - và không phải tay không. Họ tìm những bác sĩ giỏi nhất và chi trả cho một đợt điều trị tốn kém, giúp Morris Childs hoàn toàn bình phục. Năm 1954, hai anh em nhà Childs trở thành nhân vật chính của chiến dịch bí mật "Solo" mà ngay cả trong nội bộ FBI, cũng chỉ có một vài người biết.

Chiến dịch bắt đầu hoạt động tích cực vào năm 1956 lúc bấy giờ ở Mỹ, lệnh cấm Đảng Cộng sản hoạt động đã được bãi bỏ. Vừa mới ra tù, Tổng Bí thư Eugene Dennis bổ nhiệm Morris Childs làm phó của mình, chịu trách nhiệm về quan hệ với Đảng Cộng sản Liên Xô. Tháng 4/1958, Morris Childs đến Moscow gặp Vladimir Ponomaryev, Trưởng ban Đối ngoại của Đảng Cộng sản Liên Xô, và thầy cũ của mình Mikhail Suslov. Tiếp theo là chuyến đi đến Bắc Kinh gặp Mao Trạch Đông. Từ chuyến đi này, Morris Childs đã mang về rất nhiều thông tin chưa ai biết trước đây - chẳng hạn như về những bất hòa trong quan hệ Xô-Trung.

Từ đảng viên Cộng sản đến điệp viên ngầm FBI -0
Các lãnh đạo Liên Xô không biết Morris Childs là điệp viên FBI.

Các chuyến đi của hai anh em Childs đến Liên Xô trở nên thường xuyên, ở Moscow, họ chia sẻ những thông tin mới nhất về hoạt động của Đảng Cộng sản Mỹ và nhận tiền tài trợ phát triển Đảng. Sau đó, họ mang về hàng tấn thông tin chính trị cực kỳ giá trị. Từ năm 1958 đến năm 1975, Morris Childs được đảng cử đi công tác nước ngoài 59 lần. Ông đã tham dự các đại hội và hội nghị kín của các đảng cộng sản không chỉ ở Moscow mà còn ở Praha, Warsaw, Budapest, Đông Berlin, Havana, Bắc Kinh, Mexico và Toronto. Cho đến nay, tất cả các tài liệu lưu trữ của FBI liên quan đến hoạt động của anh em Childs chưa được giải mật hết, nhưng những tài liệu được phép sử dụng tự do cũng đủ để đánh giá tầm quan trọng công việc của họ.

Tất nhiên, ở Liên Xô, người ta biết rõ hoạt động gián điệp của FBI, nhưng không thể xác định được danh tính của những người cung cấp thông tin. Nhưng ta hãy trở lại với cuộc gặp gỡ vào mùa hè năm 1975. Khi lên xe, nhìn thấy Andropov im lặng suốt cả quãng đường, Morris Childs chắc chắn rằng ông ta đã bị lộ. Tuy nhiên, thay vì đến Lubyanka, xe đưa họ đến Điện Kremlin. Andropov dẫn Morris Childs vào một căn phòng rộng, cửa mở, ông nhìn thấy một chiếc bàn được bày biện lộng lẫy, ngồi bên bàn là Tổng Bí thư Leonid Brezhnev cùng với toàn thể ủy viên Bộ Chính trị. Ngay khi Morris Childs bước vào, mọi người đều đứng dậy và đồng thanh  hát bài “Happy birthday to you”... Ngày hôm đó, Morris Childs bước sang tuổi 73. Sau khi đọc bài diễn văn ca ngợi công lao của Morris Childs đối với sự nghiệp của đảng, Leonid Brezhnev đã gắn huân chương Cờ đỏ lên áo Morris Childs và tất nhiên, ôm hôn ông thắm thiết!

Chiến dịch bí mật “Solo” tiếp tục cho đến tháng 8/1980. Lúc bấy giờ, Jack Childs đã qua đời, Morris tròn 78 tuổi. Sau khi tuyên bố kết thúc sự nghiệp chính trị, ông nhận được điện cảm ơn của chính phủ Liên Xô. Còn năm 1987, Morris Childs nhận huân chương Tự do của Tổng thống Ronald Reagan vì hoạt động chống cộng. Bốn năm sau, vào thời điểm Liên Xô sụp đổ, Morris Childs qua đời.

Kim Thanh Hằng (Tổng hợp)
.
.
.