Nga đang thắng thế trong cuộc đua Bắc Cực

Thứ Ba, 23/07/2024, 08:59

Tàu phá băng chiến đấu lớp Project 23550 đầu tiên của Hải quân Nga mang tên Ivan Papanin có một điểm lạ so với những con tàu phá băng khác: nó được trang bị vũ khí và được thiết kế để có thể tăng cường hỏa lực trong tương lai. Khi cần, tàu lớp Project 23550 có thể được trang bị tên lửa hành trình.

Giới quan sát cho rằng việc này phản ánh sự chuẩn bị của Nga cho các cuộc đối đầu tiềm tàng trong tương lai ở khu vực Bắc Cực ngày càng có tính chiến lược.

Tàu phá băng chiến đấu

Hãng thông tấn TASS hôm 28/6 dẫn tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga nói tàu phá băng chiến đấu Ivan Papanin đã bắt đầu chạy thử nghiệm trên biển. Một đoạn video đi kèm cho thấy tàu phá băng được một cặp tàu kéo ra khỏi xưởng đóng tàu đến vùng biển rộng.

Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga cho biết: “Trong giai đoạn thử nghiệm, chức năng của hệ thống động lực và thiết bị trên tàu sẽ được kiểm tra”. TASS cũng nói, thủy thủ đoàn đã hoàn thành “khóa huấn luyện toàn diện” với Hải quân Nga. Khóa học được cho là bao gồm “các chương trình đặc biệt về cách vận hành thiết bị và vũ khí của các tàu thuộc dự án này trong điều kiện Bắc Cực”.

Nga đang thắng thế trong cuộc đua Bắc Cực -0
Tàu Ivan Papanin.

Tàu phá băng được thiết kế với vỏ dày, kết cấu chắc chắn và lượng giãn nước lớn. Khi di chuyển, trọng lượng của tàu sẽ ép vỡ lớp băng, tạo ra một con đường cho tàu đi qua. Mũi tàu phá băng được thiết kế dạng lưỡi dao hoặc mũi nhọn. Khi di chuyển, mũi tàu sẽ cắt vào lớp băng, tạo ra các rãnh và giúp tàu di chuyển dễ dàng hơn. Một số tàu phá băng được trang bị hệ thống phun nước tại mũi tàu. Nước được phun ra với áp lực cao làm mềm lớp băng, giúp tàu dễ dàng phá vỡ và đi qua.

Theo TASS, Ivan Papanin sẽ gia nhập Hạm đội phương Bắc của Hải quân Nga, mặc dù các bản tin mới nhất không đề cập thời điểm cụ thể. Việc vận hành chính thức đã được lên kế hoạch vào năm 2023, nhưng tiến độ chậm có thể do tác động của cuộc chiến ở Ukraine.

Theo tạp chí quân sự TWZ, điểm đặc biệt đáng chú ý ở lớp tàu Project 23550 là khả năng thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu với nhiều loại vũ khí. Đồng thời, số lượng vũ khí có thể được điều chỉnh theo yêu cầu nhiệm vụ.

Cùng thời điểm tàu Ivan Papanin được hạ thủy, Valery Polykov, cố vấn Trung tâm Nghiên cứu tàu biển Krylov của chính phủ Nga đã đưa ra tầm nhìn của ông về kế hoạch phát triển tàu phá băng có vũ trang của nước này.

“Sẽ có tàu phá băng và tàu đi qua băng, nói cách khác là những tàu có khả năng di chuyển với tốc độ vừa đủ qua những lớp băng có độ dày nhất định. Trên thực tế, chúng là những tàu phá băng được trang bị vũ khí”, ông Polykov nói. “Ở đâu băng mỏng thì mang theo nhiều vũ khí hơn và ngược lại”.

Có vẻ ông Polyakov ám chỉ đến lớp tàu Dự án 23350 và khả năng mang thêm vũ khí của chúng khi điều kiện môi trường cho phép.

Trong cấu hình theo thiết kế ban đầu, tàu Ivan Papanin có pháo chính AK-176MA 76 mm ở mũi tàu. Dựa trên các tuyên bố của ông Polykov, TASS đưa tin rằng tàu Ivan Papanin và các tàu khác sẽ được trang bị pháo lớn hơn, loại AK-190 cỡ nòng 100 mm.

Ngoài ra tàu còn có thể được lắp đặt các bệ phóng container chứa tên lửa hành trình chống hạm và tấn công mặt đất Klub và Kalibr. Theo một số nhà quan sát quân sự, không gian ở phía sau tàu được thiết kế rõ ràng để bố trí các bệ phóng tên lửa này, giúp tàu có khả năng tấn công một loạt mục tiêu trong bán kính từ 1.500-2.500 km, trong trường hợp sử dụng tên lửa Kalibr. TASS nói tàu có thể được trang bị tùy chọn 8 tên lửa hành trình Kalibr và/hoặc tên lửa chống hạm Uran trong hai bệ phóng container. Uran là loại tên lửa chống hạm nhỏ hơn Kalibr, tầm bắn thấp hơn, tốc độ cận âm, tương tự loại Harpoon của Mỹ.

Trước đây chính giới Mỹ cũng đã có các cuộc thảo luận về việc trang bị tên lửa hành trình cho các tàu phá băng hạng nặng trong tương lai của lực lượng tuần duyên. Hải quân Mỹ cũng có hệ thống tên lửa dạng container, được gọi là Bệ phóng viễn chinh Mk 70, đã thử nghiệm trên các tàu thông thường và tàu không người lái, hoặc trên đất liền. Là phiên bản phái sinh từ Hệ thống phóng thẳng đứng Mk 41, Mk 70 có thể khai hỏa tên lửa đa nhiệm SM-6 và tên lửa hành trình Tomahawk. Quân đội Mỹ đang trong quá trình trang bị một bệ phóng container gắn trên xe kéo có tên Typhoon. Tính linh hoạt là ưu điểm nổi trội của bệ phóng container: Chúng có thể dễ dàng được vận chuyển bằng đường bộ, đường sắt hoặc đường biển và có thể được tích hợp nhanh chóng trên nhiều loại tàu chiến, xe tải hoặc nền tảng cố định.

Những tàu lớp Project 23550 của Nga còn có một sân bay trực thăng và một nhà chứa máy bay ở phía sau, đủ để chứa một chiếc trực thăng tấn công - săn ngầm K-27. Tàu cũng có thể được trang bị trực thăng tấn công hải quân Ka-29 hiện đại hơn.

Bất kể tàu Ivan Papanin hoặc các tàu thuộc Dự án 23550 khác có được bổ sung vũ khí hay không, thiết kế này thể hiện một bước đột phá lớn so với các tàu phá băng truyền thống vốn không được lên kế hoạch cho các nhiệm vụ chiến đấu thực sự.

Rõ ràng, Nga kỳ vọng những tàu này có khả năng thực hiện nhiệm vụ chiến đấu nếu được yêu cầu. Đồng thời, Project 23550 vẫn là một tàu có khả năng phá băng.

Nga đang thắng thế trong cuộc đua Bắc Cực -0
Tàu phá băng năng lượng hạt nhân lớp Project 22220 đầu tiên của Nga, cũng là tàu phá băng lớn nhất thế giới, mang tên Arktika.

Với lượng giãn nước 9.000 tấn, các tàu Project 23550 dự kiến có thể xuyên qua lớp băng dày tới 1,7 m. Mặc dù thấp hơn đáng kể so với lớp băng 3,3 m mà một tàu phá băng hạng nặng có thể xử lý, nhưng Project 23550 là loại tàu tương đối nhỏ nếu so với tàu phá băng hạng nặng (lượng giãn nước 20.000 - 50.000 tấn) trong khi có thể thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu.

Ngoài tàu Ivan Papanin, ít nhất ba chiếc nữa cùng lớp đang được đóng hoặc lên kế hoạch và những con tàu này chỉ là một phần trong lực lượng tàu phá băng và tàu có khả năng hoạt động trên băng ngày càng lớn của Nga, hiện có 40 chiếc đang hoạt động. Trong số 4 chiếc Project 23550 đã được lên kế hoạch, hai chiếc dành cho Lực lượng Biên phòng Nga và có thể có cấu hình khác nhau.

Nga hiện sở hữu các lớp tàu phá băng Project 22600 thông thường và tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân hạng nặng Project 22220, tàu chở dầu đa năng Project 03182 có khả năng hoạt động trên băng. Trong những năm gần đây, các tàu hỗ trợ có khả năng phá băng khác cũng đã được bàn giao, cụ thể là lớp Project 20180. Một số tàu này cũng có thể được trang bị vũ khí trong tương lai để tạo ra một hạm đội có khả năng chiến đấu lớn hơn.

Những diễn biến nói trên cho thấy rất rõ ràng tầm quan trọng ngày càng tăng của khu vực Bắc Cực đối với Nga và dự báo đây có thể là một chiến trường trong tương lai.

Cuộc chạy đua ở cực Bắc

Không chỉ Nga, Mỹ, Canada và ở mức độ thấp hơn là Trung Quốc đang tìm cách mở rộng sự hiện diện quân sự ở Bắc Cực - hoặc ít nhất là xây dựng khả năng để lực lượng vũ trang của họ tác chiến hiệu quả ở đó.

Đầu tháng 7 này,  hai tàu phá băng do Trung Quốc sản xuất mang tên Tuyết Long 2 và Cực Địa neo đậu tại cảng ở thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, phía đông Trung Quốc cho công chúng tham quan.

Cực Địa là tàu phá băng nghiên cứu thế hệ mới được thiết kế và sản xuất trong nước, được bàn giao vào ngày 24/6. Với chiều dài 89,95 m và chiều rộng 17,8 m, tàu có tổng trọng tải 4.600 tấn và có thể xuyên qua lớp băng dày 1m.

Trang bị nhiều loại thiết bị khảo sát biển, tàu phá băng Cực Địa được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ quan sát toàn diện, phân tích băng biển, tiến hành nghiên cứu 3D để khám phá, mô phỏng các hiện tượng và hệ thống trong vùng nước, thực hiện khảo sát địa vật lý và giám sát khí quyển. Hiện Trung Quốc có ba tàu phá băng, gồm Tuyết Long 1, Tuyết Long 2, Địa Cực và tàu thứ tư Thám Tác Tam Hiệu đang được đóng.

Tân Hoa Xã cho hay Tuyết Long là tàu phá băng nghiên cứu vùng cực đầu tiên do Trung Quốc tự phát triển. Đây cũng là con tàu đầu tiên trên thế giới sử dụng công nghệ phá băng hai chiều, cho phép nó xuyên qua băng trong khi di chuyển tiến và lùi. Con tàu này tham gia chuyến thám hiểm vùng cực của Trung Quốc lần đầu tiên vào năm 2019 và hoàn thành chuyến thám hiểm Nam Cực lần thứ 40 của nước này vào tháng 4 năm nay.

Theo Viện Các vấn đề quốc tế (IAI) có trụ sở ở Roma, Ý, kể từ đầu những năm 2000, sự quan tâm của Bắc Kinh đối với Bắc Cực đã tăng lên. Năm 2013, Trung Quốc được thừa nhận là một trong những quan sát viên thường trực của Hội đồng Bắc Cực, diễn đàn khu vực chính. Tuy nhiên, bước ngoặt thực sự là vào năm 2018 khi Trung Quốc công bố Sách Trắng liên quan đến chính sách và mục tiêu của nước này đối với Bắc Cực. Trong tài liệu, Trung Quốc tự xác định là một “quốc gia gần Bắc Cực” và đặt ra tham vọng khởi động Con đường tơ lụa Vùng cực. Theo Sách Trắng, mục tiêu chính trị của Trung Quốc ở Bắc Cực là bảo vệ, phát triển và tham gia quản lý khu vực. Vì Bắc Kinh được biết đến là một quốc gia bên ngoài Bắc Cực nên nước này đã tự đặt mình vào một vị trí nổi bật về mặt chiến lược trong quản lý khu vực thông qua các hiệp định quốc tế mà nước này tham gia. Chiến lược này đã trở thành một công cụ hữu hiệu để xác nhận sự hiện diện của Trung Quốc ở Bắc Cực.

Nga trong những năm gần đây đã phát triển mạnh hệ thống cơ sở hạ tầng ở Bắc Cực nhằm hỗ trợ tốt hơn cho việc triển khai tàu, máy bay và lực lượng mặt đất. Các tàu thuộc Dự án 23550 đóng vai trò tiên phong trong những nỗ lực này, nhưng chúng cũng làm nổi bật khoảng cách ngày càng tăng về năng lực của Nga khi so sánh với Mỹ.

Nga đang thắng thế trong cuộc đua Bắc Cực -0
USCGC Polar Star - tàu phá băng hạng nặng duy nhất của Mỹ đang hoạt động.

Mỹ đang tụt lại phía sau

Người Mỹ cũng đã có những bước đi nhằm thu hẹp khoảng cách với người Nga cho dù bị đánh giá là chậm trễ. Đầu năm nay, tuần duyên Mỹ cho biết đang có kế hoạch mua một tàu phá băng thương mại hiện có để hỗ trợ các hoạt động ở Bắc Cực, một khả năng đã được thảo luận ít nhất từ năm 2015.

Việc chế tạo ba tàu phá băng hạng nặng Polar Security Cutter mới cho lực lượng tuần duyên Mỹ chậm tiến độ đáng kể, có nghĩa là chiếc đầu tiên có thể phải đến năm 2028 mới được bàn giao cho dù ban đầu dự kiến được đưa vào sử dụng từ năm 2024.

Trong khi đó, tuần duyên Mỹ chỉ còn lại một tàu phá băng hạng nặng đang hoạt động là USCGC Polar Star. Mặc dù vậy, việc vận hành và bảo trì con tàu này đang gặp nhiều rắc rối. Ngoài ra, tuần duyên Mỹ có tàu phá băng hạng trung USCGC Healy nhưng khả năng hạn chế hơn. Trước đây, tuần duyên Mỹ đã có kế hoạch mua ba tàu phá băng hạng trung mới, thời điểm cụ thể vẫn chưa được xác định.

Trong khi đó, phía Mỹ, theo tạp chí TWZ, nhận thức sâu sắc về các vấn đề mà họ gặp phải ở Bắc Cực. Giới chức Mỹ nói họ cần có sự kết hợp của ít nhất 8 đến 9 tàu phá băng hạng nặng và hạng trung để đáp ứng những yêu cầu cơ bản về nhiệm vụ phá băng ở vùng cực. Mặc dù Mỹ đang thực hiện chiến lược “xoay trục” sang Thái Bình Dương và chú mục vào các hoạt động của Nga ở châu Âu mà đặc biệt là cuộc chiến ở Ukraine,  chính giới ở Mỹ đều đồng ý rằng tầm quan trọng chiến lược của khu vực Bắc Cực sẽ ngày càng tăng lên. Yếu tố này khiến lực lượng tuần duyên Mỹ lo ngại về những hạn chế của đội tàu phá băng của họ.

Hiện tại, Nga sở hữu đội tàu phá băng và tàu có khả năng hoạt động trên băng lớn hơn nhiều so với bất kỳ đối thủ nào. Hơn nữa, đội tàu đó đang lớn mạnh và mặc dù tàu Ivan Papanin có thể chậm bàn giao nhưng hạm đội phục vụ chiến lược Bắc Cực của Nga không vì vậy mà giảm tốc độ phát triển.

Nguyễn Xuân Thủy
.
.
.