Jordan: Tình tiết loạt đánh bom năm 1960

Thứ Hai, 09/09/2024, 12:51

Vụ đánh bom năm 1960 khiến Thủ tướng Hazzaa al-Majali và 10 người khác bị thiệt mạng đã báo hiệu một bước ngoặt lớn hơn trên khắp thế giới Arab. Ngoài ngài thủ tướng, các nạn nhân khác bao gồm thứ trưởng, nhà ngoại giao và cả một đứa trẻ tị nạn người Palestine. Ngay cả Quốc vương suýt chút nữa cũng nằm trong số đó.

3 vụ đánh bom rung chuyển Amman

Sáng ngày 29/8/1960 bắt đầu như mọi thứ Hai làm việc đối với Thủ tướng Jordan Hazzaa al-Majali. Trong văn phòng trên tầng hai ở giữa thành phố Amman, cựu luật sư 42 tuổi này đã tổ chức một phiên tòa công khai, nơi mà bất kỳ ai từ quan chức cao cấp đến thành phần bình dân trong công chúng đều có thể đến để nghe kiến nghị của họ, ngài thủ tướng sẽ lắng nghe những thỉnh cầu của họ và cố gắng giải quyết ngọn ngành.

Một thời gian ngắn trước buổi trưa, ông Al-Majali yêu cầu một phụ tá trẻ tên là Zaid al-Rifai (người sẽ trở thành Thủ tướng trong những năm tới) đi lấy một tập hồ sơ từ nơi khác trong tòa nhà. Al-Rifai hỏi ngài thủ tướng liệu có muốn uống cà phê không? Anh ta khăng khăng để lại tách cà phê cho tới khi mang hồ sơ đến. Như số phận đã sắp đặt, yêu cầu của anh ta đã cứu mạng chàng trai trẻ.

Jordan: Tình tiết loạt đánh bom năm 1960 -0
Tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser (phải) đón tiếp Abd al-Hamid al-Sarraj tại thủ đô Cairo, ngày 13/5/1962, sau khi người này trốn thoát khỏi nhà tù ở Damascus.

Vài phút sau khi Al-Rifai rời đi, ông Al-Majali mở một ngăn kéo dưới bàn làm việc của mình và kích hoạt một thiết bị nổ giấu sẵn phát nổ, khiến ông  chết ngay lập tức. Vài giây sau một quả bom khác phát nổ ở phía bên kia phòng giết chết toàn bộ những người có mặt trừ một người sống sót duy nhất là Abd al-Hamid al-Majali đang đứng tại thời điểm đầu tiên bom phát nổ bên cửa sổ, anh ta bị văng ra bởi lực đẩy. Vào thời điểm quả bom thứ 2 phát nổ, anh ta đã ở bên ngoài tòa nhà, lao xuống đất bên dưới. Hai vụ nổ liên tiếp đã xé toạc các bức tường văn phòng, sập mái nhà.

Phải mất 3 tiếng đồng hồ người ta mới đào được xác ngài thủ tướng ra khỏi đống đổ nát. Song vụ đồ sát vẫn chưa chấm dứt. Khi tin tức truyền về, nhà vua trẻ Jordan khi đó là Hussein mới tròn 24 tuổi đã tức tốc đến hiện trường, nơi nhà vua bị tổng tư lệnh quân đội ngăn cản không cho tiếp cận tòa nhà, người này khẳng định rủi ro an ninh cho nhà vua là không thể dự đoán được.

Nhà vua bực bội nói rằng không ai đủ thẩm quyền để cản ngài. Khi hai người đang tranh cãi, một vụ nổ thứ 3 đã phát nổ ngay lối vào tòa nhà làm chết nhiều người hơn nữa. Tổng cộng 11 người đã thiệt mạng trong 3 vụ nổ và 85 người khác bị thương.

Vương quốc Hashemite của Jordan không xa lạ gì với các vụ ám sát. Không ai khác chính là vị quốc vương đầu tiên của Jordan, vua Abdallah I, người đã bị bắn vào đầu ở cự ly gần vào năm 1951 ngay lối vào thánh đường Al-Aqsa ở Jerusalem, với người cháu trai 15 tuổi và người kế vương vị tương lai Hussein đứng bên cạnh nhà vua. Mặc dầu vậy, vụ ám sát Thủ tướng Al-Majali được xem là chưa hề có về cả lối thực hiện và quy mô. Đây là lần đầu tiên người Jordan chứng kiến loạt vụ đánh bom gây thương vong hàng loạt, cướp đi sinh mạng của thường dân vô tội và các chính khách cấp cao.

Jordan: Tình tiết loạt đánh bom năm 1960 -0
Cố Thủ tướng Jordan Hazzaa al-Majali.

Nguồn cơn của hành động bạo lực

Nhà vua Hussein gọi loạt vụ đánh bom là “sự phẫn nộ tồi tệ nhất trong lịch sử Jordan”. Ngài vô cùng thảng thốt trước sự ra đi của một trong những người Jordan ái quốc nhất và cũng là một trong những “bạn bè thân thiết nhất của trẫm”, ngài cũng ngay lập tức hạ lệnh cho 3 lữ đoàn quân đội lên biên giới phía Bắc để chuẩn bị tấn công vào những nghi phạm chính: các láng giềng ở Syria. Phải mất rất nhiều nỗ lực của Anh và Mỹ nhằm cố gắng thuyết phục khiến vị vua đang nổi cơn thịnh nộ dần hạ nhiệt. Các vụ nổ được xác định là hành động của Cộng hòa Arab thống nhất (UAR), một nhà nước non trẻ mới được thành lập vào năm 1958 bằng cách hợp nhất Ai Cập và Syria. Việc thành lập nhà nước này đã tạo ra một vòng xoáy đi xuống trong bang giao quan hệ giữa Nasser và Hussein.

Vua Jordan coi UAR là kẻ bắt nạt hung hăng và bành trướng, quyết tâm phá hoại sự cai trị của ông và cuối cùng là lật đổ ngai vàng nhà vua nhằm sáp nhập Jordan thành một tỉnh của siêu quốc gia UAR. Vào năm 1958 sau khi chứng kiến UAR tài trợ cho một nhóm nổi loạn vũ trang chống chính phủ ở Lebanon, sau đó họ ăn mừng một cuộc đảo chính đẫm máu ở Baghdad vào tháng 7/1958, trong đó hoàng gia Iraq, gồm người anh họ kiêm bạn thời thơ ấu của vua Hussein là vua Paysad II, đã bị bắn gục một cách lạnh lùng, xác của họ bị kéo lê và cắt xẻo trên phố.. vua Hussein càng bị thuyết phục bởi dự cảm của mình. Việc một cảnh tượng tương tự sẽ diễn ra ở thủ đô Jordan rõ ràng là nỗi sợ của vua Hussein. 

Tại thời điểm ông Al-Majali được bổ nhiệm làm Thủ tướng trong tháng 5/1959, thì căng thẳng giữa Cairo và Amman đã lên tới đỉnh điểm. Hai tháng trước đó, vua Hussein lên tiếng cáo buộc Tổng tham mưu trưởng quân đội của mình là Thiếu tướng Sadiq al-Sharaa đang âm mưu dàn dựng đảo chính quân sự chống lại ông (dưới sự hậu thuẫn của UAR). Ngay trước đó, vua Hussein cáo buộc các phi công chiến đấu của UAR đã cố gắng ám toán ông bằng cách lao vào máy bay chở ông trên bầu trời Damascus trong lúc nhà vua đang trên đường đến Cyprus. Còn cố âm mưu đổ acid vào thuốc nhỏ mũi của vua Hussein cùng một âm mưu bỏ thuốc độc vào thức ăn của nhà vua nhưng bất thành. Vua Hussein viết trong hồi ký của mình: “Vô số thủ đoạn ngày càng xảo quyệt và tinh vi nhằm chống lại trẫm, đôi khi trẫm cảm thấy mình hệt như nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết trinh thám nào đó”.

Jordan: Tình tiết loạt đánh bom năm 1960 -0
Khói bốc lên từ văn phòng Thủ tướng Jordan Hazzaa al-Majali ở thủ đô Amman, sau vụ ám sát ông vào ngày 29//8/1960.

Đằng sau các thế lực

Chính vì thời thế quá căng thẳng nên nhà vua phải gọi Al-Majali (con trai của một bộ tộc hàng đầu ở Karak - lãnh địa nằm ở phía Đông Biển Chết theo chế độ quân chủ) bởi lòng trung thành không cần bàn cãi của người này với vương miện Hashemite (một người thuộc tộc Majali nổi tiếng khác là anh rể của Thủ tướng, Thống chế Habis al-Majali, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang và là trụ cột của quân đội kể từ khi sáng lập vương quốc Jordan vào năm 1946).

Theo hồi ký của vua Hussein thì “Al-Majali là người dũng cảm, không nề hà gánh vác trách nhiệm”. Chắc chắn Al-Majali không quá nhiều ảo tưởng đối với công việc mà mình dấn thân. Tháng 3/1960, các lực lượng an ninh Jordan đã bắt giữ 2 người vượt biên bất hợp pháp từ ngả Syria với ý đồ ám sát Thủ tướng Majali.

Khi một nỗ lực ám sát khác nhắm vào Thủ tướng Al-Majali vào tháng 7/1960, ông được khuyên nên gia tăng an ninh chặt chẽ hơn cũng như giới hạn số lượng khách đến Phủ thủ tướng. Theo vua Hussein thì có vẻ Thủ tướng không mấy để tâm và rồi chỉ 1 tháng sau là ông qua đời. Ngay đêm cuối cùng của cuộc đời Al-Majali (28/8/1960) có 2 gã đàn ông lần lượt tên là Shaker al-Dabbas và Kamal Shamut đã lén lút vào văn phòng thủ tướng để đặt thuốc nổ. Rồi những kẻ này chạy đến biên giới Bắc Jordan để vượt biên.

Vào thời điểm các quả bom phát nổ, thủ phạm đã ở trên đất của UAR. Thủ phạm không hành động một mình. Họ được giao nhiệm vụ bởi cục tình báo quân sự khét tiếng ở Damascus đứng đầu là “Sa hoàng an ninh” Syria của chính quyền Nasser, Đại tá Abd Al-Hamid al-Sarraj. Xây dựng danh tiếng kể từ giữa thập niên 1950 về các thủ đoạn tàn nhẫn (cũng như cực kỳ bạo lực), Sarraj được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Nội vụ của tỉnh Syria lúc mới thành lập nhà nước UAR vào năm 1958.

Với cương vị này, Sarraj đã chỉ đạo thực hiện nhiều vụ can thiệp đẫm máu nhất của UAR trong khu vực, từ cuộc nổi loạn và chiến dịch đánh bom ở Lebanon cho đến can thiệp đảo chính đẫm máu ở Mosul (Iraq) năm 1959. Sami Jumaa, người dồng nghiệp với Sarraj, còn khẳng định con người này đã đứng sau vụ ám sát al-Majali. Sami Jumaa khẳng định cánh tay dài của cục tình báo quân sự Syria đã vươn khắp nơi. Theo ông Salah Nasr (khi đó là giám đốc tình báo tại Cairo) thì Tổng thống Nasser đã có mặt tại ngôi nhà nghỉ mát ven biển thuộc ngoại ô Alexandria để gặp Sarraj khi tin tức về vụ ám sát al-Majali lan tới.

Phản ứng của ông Nasser là ngay lập tức thăng chức cho Sarraj biến ông ta trở thành người quyền lực nhất ở Syria chỉ sau mình. Tháng 12/1960, Tòa án an ninh nhà nước Jordan đã tuyên án tử hình 11 người, trong số họ vắng mặt 2 kẻ đánh bom al-Dabbas và Shamut cùng một đồng nghiệp khác của Sarraj ở Damascus là Đại tá Burhan Adham.

Trong số 11 án tử chỉ có 4 bị hành quyết. Họ bị treo cổ ngay lập tức và công khai tại sân của Đại thánh đường Husseini ngay giữa thủ đô Amman. 7 bị cáo còn lại vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, một số người bao gồm 2 kẻ đánh bom đã được cấp quy chế tị nạn ở Ai Cập trong suốt phần đời còn lại. Al-Dabbas được cho là đã qua đời ở Cairo trong năm 2021, thọ 84 tuổi. Sarraj cũng sống hàng thập kỷ ở Cairo. Năm 1961, khi UAR sụp đổ và Syria trở thành một nước cộng hòa độc lập thì chính quyền mới ở Damascus đã quẳng ông ta (Sarraj) vào tù.

Trong một cuộc vượt ngục táo bạo vào năm 1962 với sự giúp đỡ từ những người bạn quyền lực của ông Nasser ở Lebanon (gồm Tổng thống Fouad Chehab và lãnh chúa Kamal Jumblatt), Sarraj đã lén ra khỏi nhà tù. Sau khi vượt biên giới Syria-Lebanon trên lưng lạc đà và qua đêm tại một dinh thự trên núi của Kamal Jumblatt, Sarraj được một sĩ quan tình báo quân đội Lebanon (sau này là bộ trưởng nội vụ) tên là Sami al-Khatib đưa đến sân bay và lên chuyến bay đang chờ tới Cairo.

Khi đến Cairo, Sarraj được ông Nasser tiếp đón công khai. Những năm đó Sarraj được cho là ra tay đoạt mạng nhà báo người Lebanon Kamel Mrowa, năm 1966. Năm 2013, Sarraj qua đời ở Cairo, ông ta gần như không trả lời phỏng vấn báo chí trong suốt 51 năm lưu vong, trung thành mang toàn bộ bí mật của mình xuống mồ. Vậy ý nghĩa lịch sử của vụ ám sát Thủ tướng Al-Majali là gì? Nếu nó nhằm mục đích củng cố UAR bằng cách gây tổn hại cho nền quân chủ Jordan thì rõ ràng nó đã thất bại: Liên minh UAR tan rã vào năm sau, trong khi ngày nay, 6 thập kỷ sau, vương quốc Hashemite Jordan vẫn còn tồn tại. Bản thân nhà vua Hussein ngự trên ngai vàng suốt 46 năm và băng hà năm 1999 vì lý do tự nhiên, truyền ngai báu cho con trai.

Từ cuộc xâm lược Ai Cập năm 1956 của Anh, Pháp và Israel, cho đến nhiều vụ đảo chính ở Iraq và Syria cho đến cuộc chiến tranh do Ai Cập phát động vào Yemen từ năm 1962 đến năm 1967 và xa hơn, đây là thời kỳ gia tăng bạo lực liên tục trong chính trường Arab. Di sản nặng nề của những hành động này vẫn còn được cảm nhận cho đến tận ngày nay. Những phương thức tra tấn do Sarraj phát triển trong các ngục tối thời thập niên 1950 vẫn được áp dụng lên các tù nhân chính trị Syria ngày nay. Các sĩ quan quân đội tiếp tục gieo rắc kinh hoàng lên người Ai Cập, Sudan và Lybia, trong khi đó lực lượng dân quân giết người là tai họa cho Iraq, Syria, Lebanon, Yemen.

Văn Chương (Tổng hợp)
.
.
.