Kia
Mobifone

Đạo quân bí mật của CIA ở Afghanistan

Thứ Năm, 27/10/2022, 14:37

Các lực lượng bán quân sự Afghanistan từ lâu đã làm việc với Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA), trở thành lực lượng chủ lực trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố của Mỹ tại Afghanistan và khu vực biên giới với Pakistan. Các đơn vị hiện tại đã có từ năm 2001, khi các lực lượng quân sự Mỹ và CIA đã tổ chức dân quân Afghanistan chống lại các tay súng Hồi giáo.

Gần 2 thập kỷ sau đó, CIA vẫn đang điều khiển các lực lượng dân quân địa phương trong nhiều hoạt động chống lại Taliban và các tay súng Hồi giáo khác. CIA chi tiền cho dân quân nhằm đảm bảo rằng các hoạt động của họ phải được giữ bí mật. Hầu như không có sự giám sát công khai nào đối với các hoạt động của CIA hoặc trách nhiệm giải trình đối với những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Tài liệu này đưa ra thông tin công khai về “đạo quân Afghanistan của CIA” với nhiều tình tiết chưa từng được công bố.

Đạo quân của CIA

Trong suốt cuộc chiến tranh Liên Xô – Afghanistan hồi thập niên 1980, CIA đã đóng một vai trò quan trọng trong các nỗ lực của Mỹ nhằm hỗ trợ cho các tổ chức phiến quân khác nhau ở Afghanistan, họ đã viện dẫn ra cái gọi là “bổn phận của các Thánh chiến (Mujahedin) nhằm chống lại các lực lượng Liên Xô và chính phủ cộng sản Afghanistan. Sự đổ sụp nhanh chóng của các lực lượng chính phủ Afghanistan sau khi Liên Xô rút quân khỏi đất nước này vào năm 1989 đã đưa Mujahedin lên cầm quyền trong năm 1992.

Đạo quân bí mật của CIA ở Afghanistan -0
Cảnh sát địa phương Afghanistan (ALP), một đơn vị chiến đấu do CIA thành lập và tài trợ tiền hoạt động ở Afghanistan.  Ảnh nguồn: HRW.

Tuy nhiên, chẳng mấy chốc Mujahedin bắt đầu quay sang chống lại chính họ, dẫn đến sự trỗi dậy cho phe tự xưng Taliban (phong trào sinh viên). Tại thời điểm này CIA (vốn đã thu nhỏ sự hiện diện của mình tại Afghanistan khi Mujahedin lên nắm quyền) đã quyết định lập lại kỷ cương. Với tuyên bố rằng Taliban trong thập niên 1990 đang hỗ trợ chủ nghĩa khủng bố quốc tế bằng cách cho phép phong trào Hồi giáo al-Qaeda hoạt động ở Afghanistan, CIA đã bí mật hỗ trợ các phe phái Mujahedin đối lập ở Afghanistan chống lại Taliban.

Khi al-Qaeda tấn công vào lục địa Mỹ trong năm 2001, CIA đã nhanh chóng chớp lấy thời cơ để tái thiết cơ sở hạ tầng Afghanistan. Các điệp vụ CIA với những bọc tiền lớn đã vào Aghanistan nhằm tài trợ cho các lực lượng dân quân trong nước. Theo một số tài khoản của các sử gia quân sự Mỹ thì việc dùng dân quân Afghanistan trong năm 2001 nhằm nhanh chóng đánh bại chế độ Taliban và phân tán các chiến binh al-Qaeda của Osama bin Laden được xem là một thành công to lớn. Mặc dù Osama bin Laden trốn tránh bị bắt, các đặc nhiệm Mỹ và điệp viên CIA đã trả tiền cho dân chúng để hình thành nên các lực lượng dân quân làm việc chung với liên minh do Mỹ dẫn đầu. Những mạng lưới dân quân này đã hỗ trợ đắc lực cho người Mỹ ở miền Đông và Đông Nam Afghanistan trong các năm 2002-2003 với chỉ vài người Mỹ trên thực địa.

Tuy vậy trong giai đoạn kế tiếp của hoạt động quốc tế do Mỹ dẫn đầu (tái thiết đất nước Afghanistan) các lực lượng dân quân được trả lương cao và trang bị khí giới đầy đủ đã hình thành những cấu trúc quyền lực quân sự phức tạp và từ đây nảy sinh những vấn đề nghiêm trọng. Khoảng năm 2003, các dân quân dự kiến sẽ xuất ngũ như là một phần của cái gọi là chuyển đổi sang xây dựng đất nước, các thành viên được giải giáp và quay lại đời sống dân sự, hoặc được đứng vào hàng ngũ quân đội quốc gia Afghanistan. Tuy nhiên chương trình lớn của Liên hợp quốc (UN) được triển khai cho mục đích này vẫn còn khá hạn chế. Một trong những lý do là cấu trúc khó sử dụng của hoạt động quốc tế. Ban lãnh đạo được phân chia giữa phái bộ UN tại Afghanistan (UNAMA), NATO, Bộ chỉ huy quân sự Mỹ (CentCom) và nhiều chính phủ đại diện ở Kabul tham gia vào hoạt động quốc tế.

Sau năm 2006, khi Taliban rõ ràng là đang hồi sinh và phong trào đấu tranh chống lại sự hiện diện của quân đội nước ngoài đang gia tăng, chính phủ Mỹ đã chính thức đảo ngược chính sách đối với lực lượng dân quân: thay vì giải tán dân quân thì hỗ trợ họ như là một bộ phận then chốt trong chiến lược chống nổi dậy mới. Đặc nhiệm Mỹ buổi ban đầu đã tổ chức dân quân ở cấp độ địa phương với hóa thân thành những đơn vị bảo vệ làng xã. Một số nhân vật chính phủ trung ương bao gồm Tổng thống Hamid Karzai lúc đầu tỏ ra miễn cưỡng xác nhận thực tiễn (chính sách) này bởi e ngại nó sẽ làm xói mòn quyền kiểm soát tập trung và chủ quyền của chính phủ Afghanistan. Tuy nhiên vì kinh tế và quân sự của chính phủ Afghanistan lại phụ thuộc quá lớn vào Mỹ nên dần dần ít chống đối các sáng kiến Mỹ, mà cụ thể là bộ chỉ huy quân sự Mỹ ở Afghanistan. Nhiều người Afghanistan cũng phát tài nhờ sự ra đời những đơn vị quân đội mới này.

Đạo quân bí mật của CIA ở Afghanistan -0
Các thành viên của Đội truy đuổi chống khủng bố (CPT), là một phần của đạo quân bí mật gồm 3.000 người do CIA bí mật thành lập ở Afghanistan. Ảnh nguồn: Reddit.

Việc đặt các đơn vị này trong Bộ Nội vụ đã nhận được sự ủng hộ của các quan chức trong bộ này. Xuất hiện dưới nhiều tên gọi khác nhau, cuối cùng chương trình được gọi là Cảnh sát địa phương Afghanistan (ALP) với các đơn vị đặt tại nhiều vùng trên khắp đất nước. Tuy vậy, một số dân quân lại không chịu sự quản lý của Bộ Nội vụ Afghanistan mà họ chịu sự điều động của Đặc nhiệm Mỹ và đặc vụ CIA. Trong khi Bộ chỉ huy Đặc nhiệm (sau này đổi tên là Bộ chỉ huy các chiến dịch đặc biệt liên hiệp, JSOC) và CIA rõ ràng là đã hình thành sự cạnh tranh nhau trong việc kiểm soát dân quân Afghanistan, cuộc cạnh tranh này chỉ kết thúc khi Lầu Năm Góc cho mượn các thành viên hoạt động của Đặc nhiệm cho CIA thông qua cái gọi là Chương trình Omega. Bản thân CIA cũng có ít sĩ quan bán quân sự. Bộ phận hoạt động đặc biệt của CIA trong một báo cáo năm 2017 cho thấy số sĩ quan bán quân sự của cơ quan này chỉ vài trăm người thực hiện các sứ mệnh toàn cầu.

Việc tăng cường Đặc nhiệm của quân đội cho phép CIA mở rộng đáng kể những hoạt động mật của mình. Năm 2010, tác giả Bob Woodward hé lộ trong cuốn sách của mình về chính quyền Obama thì CIA có một đội quân 3.000 người bản địa Afghanistan, được gọi bằng cái tên Đội truy đuổi chống khủng bố (CPT). CPT được CIA và Đặc nhiệm Mỹ trả tiền để đào tạo, đồng thời được bảo vệ bởi các đặc vụ mật. Nhiệm vụ chính của CPT là săn lùng và tiêu diệt “các phần tử khủng bố”. Thực tế này đã trở nên rõ ràng hơn sau sự rút lui của Mỹ và Liên quân trong năm 2014. Người ta suy đoán ban đầu rằng việc rút quân sẽ làm giảm sự hậu thuẫn cho lực lượng dân quân Afghanistan. Thực tế thì trái ngược. CIA và quân đội Afghanistan vẫn đeo đuổi chiến tranh mật với việc ra mặt ít nhất.

Năm 2015, CIA giúp Tổng cục An ninh quốc gia Afghanistan (NDS) thành lập các lực lượng bán quân sự Afghanistan để chống lại những dân quân có dính líu tới Nhà nước Hồi giáo được cho là đang hoạt động tại vùng Đông Bắc của nước này. Đơn vị NDS non trẻ đã bổ sung quân số không thường trực do CIA hậu thuẫn. Hai năm sau đó, năm 2017, Giám đốc CIA  khi đó là ông Mike Pompeo đã công khai thông báo về việc thay đổi chính sách dùng lực lượng dân quân, theo đó CIA sẽ mở rộng hoạt động ở Afghanistan, nhắm vào cả Taliban lẫn al-Qaeda. Các nhóm nhỏ sĩ quan do CIA điều động sẽ trải rộng khắp các đơn vị ở Afghanistan.

Đạo quân CIA: Họ là ai, hoạt động ra sao?

Công chúng biết rất ít thông tin về đạo quân Afghanistan của CIA. Tuy nhiên, các nhà báo điều tra cũng như các nhà phân tích đã cùng phác thảo ra những đường nét của chương trình quân sự tuyệt mật này. Theo đó, đạo quân này có 2 thành phần:

Thứ nhất, các đơn vị cũ từng có quan hệ với  CIA trong và ngay sau cuộc xâm lược của Mỹ năm 2001. Họ làm việc chặt chẽ với CIA. Nổi tiếng và quyền lực nhất trong số này là Lực lượng bảo vệ Khost (KPF) với địa bàn hoạt động là Trại Chapman của CIA ở tỉnh Khost (Đông Bắc Afghanistan). KPF là nhóm vũ trang bất hợp pháp, không có cơ sở theo luật nước sở tại, không có vị trí chính thức trong bộ máy an ninh nhà nước hoặc nguồn ngân sách như UN từng nhấn mạnh.

Thứ hai, một loạt đơn vị được chỉ định chính thức bởi Đặc nhiệm của cơ quan tình báo Afghanistan: Tổng cục An ninh quốc gia (NDS) với 4 đơn vị chính được đánh số từ 1, và mỗi đơn vị lại có một khu vực hoạt động riêng: NDS-01 hoạt động ở miền Trung, NDS-02 hoạt động ở miền Đông, NDS-03 hoạt động ở miền Nam, và NDS-04 hoạt động ở miền Bắc.

Đạo quân bí mật của CIA ở Afghanistan -0
Điệp viên có bí danh “SAD” của CIA trong một bài huấn luyện chống khủng bố ở Afghanistan.  Ảnh nguồn: OneSixthWarriors.

NDS được CIA tài trợ hào phóng, các đặc nhiệm của cơ quan này có mối quan hệ làm việc cạnh các đặc vụ CIA, được CIA đào tạo và trả lương. Do vậy mà thông tin về quy mô, hoạt động, ngân sách và cấu trúc chỉ huy của NDS đã không được tiết lộ công khai. Theo ngôn ngữ gần gũi của phái bộ UN ở Afghanistan (UNAMA) thì các hoạt động của Đặc nhiệm NDS (giống như Lực lượng bảo vệ Khost) “nằm bên ngoài chuỗi chỉ huy bình thường của chính phủ”.  Năm 2018, phái bộ UN tại Afghanistan đã kết luận rằng: “Những lực lượng này đã hoạt động bên ngoài chuỗi chỉ huy thường xuyên của NDS, kết quả là thiếu giám sát và trách nhiệm giải trình rõ ràng”. Không có thông tin công khai về quy mô các đơn vị do CIA hậu thuẫn, nhưng chắc chắn quân số của chúng đã tăng gấp đôi so với con số 3.000 người do tác giả Bob Woodward trưng ra hồi năm 2010. Năm 2017, một nhà phân tích có nhiều thông tin giá trị đã tuyên bố rằng chỉ riêng đơn vị NDS-02 đã có 1.200 thành viên.

Trong các đơn vị cũ hơn như Lực lượng bảo vệ Khost (KPF) có khoảng 4.000 thành viên trong năm 2015. Đến năm 2018 ước tính quy mô của KPF đã tăng hơn 10.000 thành viên. Một tài liệu mật rò rỉ cho rằng các lực lượng do CIA hậu thuẫn đều mặc quân phục và trang bị tận răng, đôi khi giao tiếp giọng Mỹ trong các cuộc đột kích, sử dụng các cụm từ tiếng Anh và cũng có thể gọi điện trong các cuộc không kích, có khả năng là quân đội Mỹ thực hiện toàn bộ các cuộc tấn công này. Các lực lượng bán quân sự được trả lương rất cao, đó có thể là lý do chính để nhiều người Aghanistan có học thức và kỹ năng cao rất muốn nộp đơn gia nhập các đơn vị. Những đơn vị bán quân sự này chủ yếu hoạt động ban đêm, xâm nhập vào các khu dân cư bị nghi ngờ có dân quân đáng ngờ thông qua cái gọi là “hoạt động truy soát”. Những hoạt động này khiến nhiều dân thường bị vạ lây.

Kể từ năm 2009, phái bộ UN ở Afghanistan (UNAMA) đã báo cáo đều đặn hàng năm về các thương vong dân sự ở Afghanistan. Báo cáo của UNAMA năm 2019 đã trích dẫn “những báo cáo liên tục về KPF thực hiện những vi phạm nhân quyền như cố ý sát hại thường dân, giam giữ người bất hợp pháp, cố ý làm hư hỏng và đốt cháy tài sản dân sự trong các “hoạt động truy soát” và đột kích về đêm”. UNAMA cũng sử dụng ngôn ngữ này trong việc mô tả hành vi của Đặc nhiệm NDS (cơ quan tình báo Afghanistan) trong các năm 2017, 2018. Phần lớn các hoạt động truy soát đều do các lực lượng dân quân và bán quân sự do CIA hậu thuẫn. Theo các số liệu của UN trong năm 2018, Đặc nhiệm NDS và KPF là căn nguyên khiến nhiều dân thường bị chết bằng tổng số các vụ chết người gây ra bởi ALP, Cảnh sát quốc gia Afghanistan (ANP), quân đội và không quân. Báo cáo của UN nhấn mạnh kết luận tỷ lệ người chết cao hơn số người bị thương cho thấy một mô hình giết người có chủ đích và lạm dụng vũ lực quá mức.

Nguyễn Thanh Hải (Tổng hợp)

.