Cấu trúc phức tạp của bộ máy phản gián Iran

Thứ Năm, 31/03/2022, 12:36

Về bản chất, bộ môn phản gián luôn khó hiểu hơn so với các chuyên ngành phân tích khác. Chỉ một số rất ít chuyên gia có thể thành công trong việc xây dựng các tài liệu mở với trọng tâm chính là hoạt động phản gián. Cho đến nay hoạt động phản gián của Iran (Counterintelligence, viết tắt là CI) hầu như không được ai đề cập tới, để lại một khoảng trống đáng kể trong tập hợp dữ liệu về hoạt động phản gián của các nước trên thế giới.

Trái ngược với hầu hết các quốc gia khác, nơi mà các hoạt động tình báo được tổ chức chủ yếu nhằm cung cấp thông tin hỗ trợ cho các nhà lãnh đạo chính trị hoạch định chính sách và ra những quyết định quan trọng, các tổ chức tình báo vùng Trung Cận Đông thường theo đuổi các mục đích khác nhau.

Ở nhiều quốc gia Arab, các cơ quan tình báo (Mukh-abar-at) thường được cấu trúc với mục đích kép là trấn áp những bất đồng chính kiến và ngăn chặn bất kỳ cuộc đảo chính nào. Như vậy, mục đích căn bản của nhiều Mukh-abar-ats là bảo tồn chế độ nhiều hơn là hỗ trợ những người ra quyết định chính trị. Các cơ quan phản gián và tình báo của Iran cũng có những điểm tương đồng về mục đích với những Mukh-abar-ats của người Arab  nhưng đồng thời cũng có những điều chỉnh đặc biệt để phù hợp với đặc điểm của xã hội Ba Tư và lịch sử của Iran.

Kiến trúc của hệ thống tình báo Iran

Lịch sử tình báo hiện đại của Iran bắt đầu với việc Vua Mohammad Reza Pahlavi tạo ra SAVAK vào năm 1957. Sau cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979, Jihaz al-Razd,  Cơ quan tình báo của Tổ chức Giải phóng Palestine (Fatah) đã hỗ trợ Iran để thành lập SAVAMA, được xem như là một đơn vị tình báo đầu tiên thành lập sau cuộc cách mạng Hồi giáo. Vào năm 1984  SAVAMA đã nhanh chóng chuyển đổi thành Bộ Tình báo và An ninh (MOIS).

Quan điểm của Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khomeini về Cách mạng Hồi giáo đã đưa đến các tiêu chuẩn mới, trong đó chức vụ Bộ trưởng Bộ Tình báo là một chức trách tôn giáo nhiều hơn là một chuyên gia tình báo. Đồng thời, một số cơ sở giáo dục cũng được điều chỉnh cho phù hợp với khuynh hướng này, chẳng hạn như trường thần học Madrase-ye Haqqani ở Qom và Đại học Imam Mohammed Bagher ở Tehran, là những cơ sở giáo dục liên kết chặt chẽ với MOIS.

Việc Ali Fallahian được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tình báo Iran vào năm 1989 đã tăng thêm sức sống cho các tổ chức tình báo của Iran, ông này đã đạt được các thỏa thuận về đào tạo với Bonn, Moscow và CHDCND Triều Tiên và lắp đặt các thiết bị liên lạc hiện đại của Nhật Bản để cho Bộ Tình báo sử dụng. MOIS, vào những năm 1990, thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với Cơ quan Tình báo Đối ngoại của Nga (SVR), để thế chỗ cho CIA và MOSSAD của Israel, những người đã tham gia  đào tạo SAVAK trong những thập niên 1960 và 1970.

Kỹ năng tình báo kiểu Nga (bao gồm cả phản gián) được cải biên trong môi trường văn hóa Ba Tư đã trở thành nền tảng của tình báo Iran. Các nhân viên của MOIS đã được học hỏi về những nghiệp vụ truyền thống của KGB thời Liên Xô. Trung tâm Nghiên cứu về Tình báo của Pháp ước tính rằng một thập niên trước, MOIS đã sử dụng khoảng 15.000 người, trong đó một quân số đáng kể được triển khai ở nước ngoài cả theo cách chính thức và không chính thức. MOIS dưới thời Mahmoud Alavi đã phát triển vận hành theo hướng gần giống một cơ quan hành pháp trực thuộc Tổng thống và những báo cáo của MOIS được gửi trực tiếp cho lãnh tụ tối cao của Cộng hòa Hồi giáo.

h1.jpg -0
Đám tang của Ruhollah Musavi Khomeini (24-9-1902/3-6-1989), nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị gia người Iran, người lãnh đạo cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979 và trở thành Lãnh đạo Tối cao của Iran.

Trong suốt cuộc chiến tranh khốc liệt Iran-Iraq những năm 1980, Lãnh tụ Ayatollah Khomeini luôn cảnh giác với nguy cơ phản cách mạng mà ông nhìn thấy trong các lực lượng vũ trang Artesh (quân đội do chính quyền cũ để lại). Nhà lãnh đạo liên tục nâng cao quyền lực của Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) để làm đối trọng với Artesh.

Để trấn áp những kẻ phản cách mạng, đại diện của Lãnh tụ tối cao trong Lực lượng vũ trang đã thiết lập một "hệ thống chính ủy" gồm các giáo sĩ ở mọi cấp của lực lượng vũ trang với nhiệm vụ xác định danh tính của những người có khuynh hướng làm hoen ố những gì mà những người ủng hộ Cách mạng Hồi Giáo coi đó là những viên ngọc quý.

Mọi hiểu biết của các nhà nghiên cứu về cơ cấu tổ chức chính thức của Iran chỉ mang tính mô tả và có tác dụng khá hạn chế khi muốn giải thích một số sự kiện thực tế diễn ra ở Iran. Các hệ thống chỉ đạo và ra mệnh lệnh ở đây không nhất thiết chỉ phải chạy theo cấu trúc chiều dọc và có thể mở rộng theo chiều ngang của hệ thống tình báo Iran. Một đặc điểm khác dễ nhận ra là việc người Iran khá giỏi trong việc thu thập thông tin tình báo, nhưng lại thiếu khả năng phân tích những thứ đã được thu thập được ở cấp độ quốc gia.

Các kết quả phân tích thông tin tình báo trước được chuyển đến các nhà lãnh đạo chính trị sẽ phải chuyển qua cho các nhà lãnh đạo tôn giáo, vì thế nó thường được cố tình tô đậm bằng những quan điểm của Hồi giáo Shia để làm vừa lòng giới chức tôn giáo, chẳng hạn như sẽ nhấn mạnh đến các âm mưu phức tạp liên quan đến người Do Thái và các quốc gia Hồi giáo Sunni hơn là đưa ra các đánh giá thực tiễn và then chốt về những nguy cơ thật sự có thể đưa tới sự tồn vong của Iran.

Cơ quan chính thức nằm trên đỉnh chóp của hệ thống an ninh quốc gia của Iran là Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao (SNSC), nơi quy tụ các nhà hoạch định chính sách và những người đứng đầu bộ máy an ninh và lực lượng vũ trang vào trong một cơ quan thống nhất. Tuy nhiên, SNSC trên thực tế lại không đóng vai trò là một cơ quan thích hợp để tiếp nhận thông tin tình báo và ra quyết định hành động dựa trên thông tin tiếp nhận được, SNSC hầu như chỉ đóng vai trò một đấu trường cho các cuộc tranh cử và đàm phán chính trị.

Đó là một nhóm các phe phái với quyền lực đan xen lẫn nhau. Chúng bao gồm nhiều trung tâm quyền lực Shia, các tổ chức tôn giáo tự chủ về tài chính. Hoạt động phản gián của Iran vì thế dường như bị chia cắt vụn ra thành các mảnh gắn với nhiều tổ chức và cơ quan khác nhau và không có sự phối hợp ở cấp quốc gia.

h3.jpg -0
Chuẩn tướng Ali Reza Askari, hay Ali Reza Asghari là một vị tướng của Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo, thứ trưởng Quốc phòng Iran, người đã đào tẩu ngoạn mục sang Phương Tây và mang theo nhiều bí mật quan trọng của Iran. Vụ đào tẩu của Askari là thất bại lớn nhất của bộ máy phản gián Iran .

Vệ binh cách mạng

Trong vài thập niên qua, lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) đã trở thành cột trụ chính trị và an ninh của Cộng hòa Hồi giáo. Trong hành trình củng cố quyền lực, lực lượng này đã được giao trọng trách bảo đảm và thúc đẩy sự phát triển của các chương trình hạt nhân của Iran và khi Iran càng tiến gần tới vị thế của một quốc gia sở hữu hạt nhân, chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của họ càng trở thành mục tiêu do thám của các quốc gia đối địch.

Năm 2005, Oghab 2 (Đại bàng 2) tổ chức, do Ahmad Wahidi đứng đầu, là một cơ quan đặc biệt có nhiệm vụ bảo vệ các tài sản hạt nhân của Iran, bao gồm bảo vệ các nhà khoa học và kỹ sư cấp cao, thiết bị công nghiệp trong chương trình hạt nhân và cơ sở hạ tầng thông tin hỗ trợ nó. Nhân lực của Oghab 2 dường như đã tăng gấp đôi trong năm 2008 sau một số vụ ám sát thành công làm gián đoạn chương trình hạt nhân của Tehran cùng với các vụ phá hoại lớn tại Khavarshahar và Kavir Lut.

Năm 2009, Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad giao nhiệm vụ cho Tướng Abdulreza Chahili tái cơ cấu và tổ chức lại Oghab-2, giờ đây Oghab-2 bao gồm thêm một bộ phận phụ trách chiến tranh tâm lý và tung tin giả nhằm che giấu các yếu tố của chương trình hạt nhân. Về danh nghĩa là thuộc Lực lượng Vệ binh Cộng hòa, nhưng với đội ngũ vài nghìn nhân viên, Oghab-2  cũng nằm trong sự chỉ đạo của Ban Giám đốc Phản gián của MOIS.

Cả MOIS và IRGC đều điều hành một mạng lưới các cơ sở giam giữ và nhà tù, cả chính thức và không chính thức, nhằm phục vụ lợi ích và nhiệm vụ tình báo và phản gián riêng của họ. Ví dụ, tại Nhà tù Evin nổi tiếng gần Tehran, IRGC kiểm soát  khu 2A và phân bộ 32530 cùng với Trung tâm giam giữ Tawhid. Còn  Evins Ward 209 là trung tâm giam giữ chính các tù nhân của MOIS. Nhà tù 59 (Eshratabad) ở Tehran, được  giao cho Tổ chức Tình báo IRGC sử dụng.

Ngoài ra, các nhà tù bán  công khai như Trại giam 36 là do Artesh Intelligence điều hành, còn Tổ chức Tình báo Bộ Quốc phòng duy trì nhà tù riêng của mình, được gọi là Jay. Đây là những nhà tù tách biệt với các nhà tù truyền thống do Bộ Tư pháp điều hành, chẳng hạn như như Trung tâm giam giữ Kahrizak của Tehran, nơi giam giữ các tù nhân chính trị. Tổ chức Trại giam Nhà nước của Iran, hiện do Asgar Jahangir, cựu Giám đốc Tổ chức Phản gián của Bộ Tư pháp, đứng đầu, không có thẩm quyền pháp lý đối với các hoạt động do MOIS và IRGC tiến hành trong hệ thống giam giữ riêng của mình.

Bộ máy phản gián

Thuật ngữ “phản gián”, dù được áp dụng trong bối cảnh của Iran hay ở những nơi khác, luôn khá là mù mờ và ngữ nghĩa của nó thay đổi theo thời gian và các nền văn hóa. Nhưng nhìn chung thì phản gián thường được xem như một lĩnh vực chuyên về phân tích mà mục tiêu hàng đầu là chống lại các hoạt động của các cơ quan tình báo nước ngoài. Mục tiêu đó có thể đạt được thông qua nhiều phương pháp khác nhau bao gồm các kỹ thuật đánh lừa, thâm nhập vào hàng ngũ đối phương, phát hiện các mối đe dọa trong các tổ chức của chính mình và tìm kiếm các nỗ lực rộng lớn hơn để lật đổ xã hội dân sự của đất nước thù địch.

h2.jpg -0
Một đơn vị Vệ binh Cách Mạng Hồi giáo Iran.

Giống như tất cả các chính phủ khác, Iran có những phương tiện riêng biệt để kết hợp chức năng phản gián vào quá trình tuyển chọn các ứng cử viên cho các cơ quan an ninh của mình. Trong bộ máy hiện nay, quá trình kiểm tra phản gián bắt đầu ngay sau khi các ứng viên được tuyển dụng vào các cơ quan tình báo của Iran.

Việc lựa chọn các ứng viên cho Bộ Tình báo và An ninh (MOIS), Lực lượng Vệ binh Cách mạng (IRGC) đòi hỏi những cách tiếp cận phản gián cụ thể liên quan đến sự khác biệt về cấu trúc và chức năng giữa các cơ quan tình báo khác nhau. Quy trình chọn lọc chặt chẽ nhất, nhìn từ quan điểm phản gián, là quy trình của MOIS.

Nó bắt đầu bằng việc tuyển dụng các cá nhân có chuyên ngành cụ thể, với những bài kiểm tra được tiến hành ở Hamedan thuộc miền Tây Iran, tiếp theo là các cuộc điều tra về nhân thân kéo dài từ 9 đến 24 tháng, sau đó là những khóa đào tạo chuyên môn sâu hơn về tình báo tại Đại học Imam Bagher của Tehran và cuối cùng là những nhiệm vụ ban đầu mang tính chất tập sự cho những người được tuyển chọn, thường là ở tại các văn phòng tình báo của các địa phương.

Ngược lại, việc được gia nhập IRGC cũng đơn giản như lựa chọn nhập ngũ để hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Tuy nhiên việc thăng tiến trong hàng ngũ Vệ binh Cách mạng này lại luôn đòi hỏi phải có những cuộc kiểm tra ngày càng nghiêm ngặt hơn về quan điểm tôn giáo và chính trị của các ứng viên và thành viên gia đình của họ.

Lịch sử, văn hóa và yếu tố con người của Iran có những ảnh hưởng nhất định trong cách tiếp cận của họ đối với những tổ chức tình báo của mình. Một câu chuyện cổ của Iran đã minh họa các chuẩn mực văn hóa của đất nước này: “Ở Iran vừa có các cơ quan phản gián, lại vừa không có cơ quan phản gián”, câu nói này truyền đạt ý tưởng của nền văn hóa Ba Tư rằng thực sự không có gì khác ngoài thánh Allah, trong ngữ cảnh cụ thể này, nó nhấn mạnh quan điểm của Iran rằng phản gián, giống như tất cả mọi thứ, cuối cùng phải nằm trong tay của Allah.

Về mặt cấu trúc, các cơ quan phản gián Iran không chỉ giới hạn ở các tổ chức rời rạc theo những cấu trúc hành chính như của các nước phương Tây mà là sự kết hợp chặt chẽ của các tổ chức độc lập và vì thế các chức năng phản gián lan tỏa khắp ma trận an ninh của Iran. Ma trận bảo mật đó đủ rộng và sâu, nhưng đồng thời nó cũng là vô hình, với mật độ đậm nhạt khác nhau trong các tổ chức riêng biệt.

Dương Thắng
.
.
.