Afghanistan và sự sụp đổ của nền y tế

Thứ Bảy, 25/12/2021, 10:34

Ngày 15-12-2021, các chuyên gia thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã lên tiếng cảnh báo về sự sụp đổ của nền y tế Afghanistan bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây với chế độ Taliban trong bối cảnh quốc gia này phải đối mặt với những làn sóng dịch bệnh đang bùng phát và khủng hoảng suy dinh dưỡng kéo dài…

Những đứa trẻ chờ chết ở bệnh viện

Sáng 9-11, bác sĩ Abdullah thuộc phòng cấp cứu của Bệnh viện huyện Shah Wali Kot, tỉnh Kandahar đón bệnh nhân đầu tiên trong ngày. Đó là một đứa bé 4 tuổi nhưng nhìn nó như mới lên 2 với cái đầu to quá khổ so với thân hình còm cõi, chỉ còn da bọc xương. Sau khi thăm khám, bác sĩ Abdullah cho mẹ nó là bà Shahis biết con bà bị viêm phổi.

Lúc được một điều dưỡng đặt cái ống hút đờm rãi vào miệng, đứa bé hầu như không hề có một phản ứng gì vì nó đã quá yếu. Bác sĩ Abdullah nói: “Nếu có đủ kháng sinh và dịch truyền thì chắc chắn bệnh nhi này sẽ sống nhưng tiếc thay, chúng tôi chẳng còn thứ gì cả”.

Bệnh viện huyện Shah Wali Kot không phải là cơ sở y tế duy nhất ở tỉnh Kandahar, Afghanistan rơi vào tình trạng cạn kiệt thuốc men, vật tư y tế. Bác sĩ Sifatullah Sifat,  trưởng phòng khám Shamsul Haq ở ngoại ô thành phố Kandahar chỉ vào hàng dài những phụ nữ, trên tay mỗi người đều có một đứa bé, ngồi dọc hành lang.

Ông nói: “Mọi chuyện chưa bao giờ tồi tệ đến thế này”. Zarmina, 20 tuổi, đang mang thai tháng thứ 6 và bị thiếu máu trầm trọng, cho biết gần 3 tháng nay, thức ăn duy nhất của gia đình cô gồm chồng và 2 đứa con chỉ có cháo lúa mì nấu với muối.

Theo bác sĩ Sifatullah Sifat, con trai Zarmina đang trong tình trạng suy kiệt vì bệnh tiêu chảy nhưng ngoài mấy gói dung dịch điện giải ORS ra, phòng khám của ông không còn gì để điều trị. Và trong khi bác sĩ Sifat đang giải thích cho Zarmina thì một người mẹ khác xông vào phòng rồi ngồi gục xuống sàn. Vừa khóc cô vừa cầu xin bác sĩ Sifat cứu con gái.

Bác sĩ Sifat nói: “Con cô ấy có một lỗ rò hậu môn.Vật tư thiếu thốn đến nỗi khi chúng tôi đặt ống thông vào đại tràng thì không có túi chuyên dùng đựng chất thải. Vì thế, y tá phải sử dụng bất cứ thứ gì họ tìm thấy như vải lấy ra từ quần áo, thậm chí là cả giấy báo…”.

Afghanistan và sự sụp đổ của nền y tế -0
Bệnh nhân COVID-19 được cho thở oxy ngay trên lối đi ở phòng khám Shamsul Haq.

Bên ngoài phòng khám Shamsul Haq, cảnh tượng cũng thê thảm không kém. Một bệnh nhân đang được truyền dịch nằm co quắp trên lối đi trong lúc người nhà đứng bên cạnh, tay cầm chai dịch truyền vì y tá không tìm ra chỗ nào để treo. Cạnh đó, một nữ bệnh nhân khác ngồi dựa lưng vào tường với bình ôxy có sợi dây đặt vào mũi. Bác sĩ Sifat nói: “Họ là những người may mắn vì chúng tôi vẫn còn có thứ dành cho họ”. Đưa tay chỉ vào đám đông ngồi ở phía xa, Sifat nói tiếp: “Còn những người đó, chúng tôi chẳng biết phải giải quyết như thế nào”.

Kể từ khi Taliban lên nắm quyền vào giữa tháng 8-2021, Afghanistan trải qua cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng nặng nề, nhất là trong lĩnh vực y tế. Nhiều bác sĩ, y tá không những đã không được trả lương mà các bệnh viện nơi họ công tác cũng thiếu thốn những vật dụng cơ bản nhất.

Tiến sĩ Paul Spiegel, Giám đốc Trung tâm y tế nhân đạo thuộc Đại học Johns Hopkins, Mỹ, và đồng thời cũng là Giám đốc y tế công cộng tại Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn cho biết trong chuyến đi 5 tuần gần đây đến Afghanistan, ông đã thấy các bệnh viện công, nơi phục vụ cho những người dễ bị tổn thương nhất, hầu như cạn kiệt thuốc men và các loại vật tư đơn giản như bơm tiêm, kim khâu, chỉ khâu, thuốc sát trùng, thậm chí những loại bình thường như cuộn băng dính, xà phòng rửa tay cũng không có.

Tiến sĩ Paul Spiegel nói: “Hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu của Afghanistan được thế giới tài trợ suốt hai thập kỷ nhưng đã dừng lại từ khi Taliban kiểm soát quốc gia này. Đến bây giờ, chúng tôi vẫn không biết số bệnh nhân COVID-19 ở Afghanistan là bao nhiêu và được chữa trị ra sao. Bên cạnh đó, từ tháng 9 đến nay đã có 6 đợt bùng phát dịch bệnh gồm bệnh tả, bệnh sởi, bại liệt, sốt rét và sốt xuất huyết. Nó thực sự tồi tệ và sẽ sớm trở nên tồi tệ hơn rất nhiều”.

Những nhận định của Tiến sĩ Paul Spiegel đã phản ánh sự sụp đổ của hệ thống y tế trên khắp Afghanistan, một đất nước với 40,2 triệu dân đang trong tình trạng thiếu thốn lương thực trầm trọng.

Bà Alice Akunga, đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Afghanistan nói: “Tình hình nhân đạo hiện nay ở Afghanistan rất thảm khốc, đặc biệt là đối với trẻ em. Mùa đông đã bắt đầu và nếu không có thêm kinh phí, UNICEF và các đối tác sẽ không thể tiếp cận những đối tượng đang cần sự giúp đỡ khẩn cấp. Hàng triệu trẻ em Afghanistan có nguy cơ chết đói và hàng triệu trẻ khác sẽ chết vì bệnh tật do không đủ thuốc men. Các nước phương Tây phải nhanh chóng tìm ra cách khác trong việc áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Taliban chứ không phải như hiện nay, lệnh trừng phạt đang đánh trực tiếp vào tầng lớp cùng khổ”.

Afghanistan và sự sụp đổ của nền y tế -0
Ngồi chờ đến lượt khám bệnh ở bệnh viện huyện Shah Wali Kot.

Thảm họa trước mặt

Trước ngày Taliban kiểm soát Afghanistan, nền kinh tế của quốc gia này phụ thuộc vào viện trợ quốc tế. Nó chiếm 43% GDP và 75% chi tiêu công. Đến cuối tháng 8, Ngân hàng Thế giới (WB) còn giữ 1,5 tỷ USD ủy thác cho Afghanistan, trong đó 1,2 tỷ USD dành cho các dự án đã được chính phủ của Tổng thống Ghani phê duyệt trước khi Taliban tiến vào Kabul nhưng số tiền ấy khó có thể trao lại cho Taliban trước khi tài khóa đầu tiên của năm 2022 bắt đầu bởi các lệnh cấm vận.

Bên cạnh đó, WB còn giữ 280 triệu USD trong Quỹ ủy thác tái thiết Afganistan và họ dự kiến sẽ chuyển cho Chương trình lương thực thế giới (WFP) và UNICEF để sử dụng khi thấy phù hợp. Một phát ngôn viên của WB cho biết mục tiêu trước mắt của số tiền 280 triệu USD là trả lương cho những người Afghanistan làm việc ở lĩnh vực y tế trong 6 tháng sắp tới, thông qua một dự án có tên Sehatmandi, được thành lập bởi các nhà tài trợ đã có từ thời Tổng thống Ghani còn đang cầm quyền nhằm hỗ trợ dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản trên khắp đất nước.

Với các lĩnh vực khác, chẳng hạn như giáo dục sẽ khó giải quyết hơn, hầu hết giáo viên là nhân viên chính phủ do Bộ Giáo dục trả lương nên tiền phải chuyển qua tay Taliban, nhưng điều này chỉ có thể xảy ra khi Taliban chứng minh rằng trẻ em gái được quyền bình đẳng trong học hành thay vì họ chỉ nói mà không làm như hiện tại.

Afghanistan và sự sụp đổ của nền y tế -0
Bệnh nhi viêm phổi này có thể sẽ chết vì không có thuốc kháng sinh.

Một khoản tiền gần 10 tỉ USD dự trữ của Ngân hàng Trung ương Afghanistan, phần lớn được giữ ở Mỹ cũng đã bị đóng băng từ ngày 15- 8. Taliban coi đó là tài sản quốc gia và yêu cầu Chính phủ Mỹ phải trả lại nhưng theo lệnh cấm vận, điều này không thể thực hiện được. Chưa hết, khi Taliban nắm quyền kiểm soát Afghanistan, các ngân hàng tư nhân lập tức ngưng hoạt động, các chủ sở hữu rời khỏi đất nước vì lo sợ bị trả thù nên khách hàng cả trong lẫn ngoài nước không thể truy cập vào tài khoản cá nhân của họ, dẫn đến cuộc khủng hoảng tiền mặt trầm trọng trong bối cảnh từ giữa tháng 8, đồng tiền Afghanistan đã mất một nửa giá trị.

Theo các chuyên gia tài chính quốc tế, vấn đề giải ngân cho Taliban rất khó, cả về mặt đạo đức và pháp lý bởi lẽ một số nhân vật trong bộ máy cầm quyền tối cao của Taliban lại là những người bị Liên Hiệp Quốc liệt vào danh sách khủng bố. Hơn nữa, các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã khiến nhiều doanh nghiệp, ngân hàng ở các quốc gia phương Tây trở thành bất hợp pháp nếu họ giao dịch thương mại với Taliban.

Đó cũng là lý do mà đầu tuần này, 4 nhà lãnh đạo hàng đầu của các tổ chức phi chính phủ (NGO) đã kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) xem xét một cách tổng quan về cơ chế trừng phạt Taliban nhằm giảm bớt những thống khổ cho người dân trong lĩnh vực y tế, lương thực. Một quan chức của Ủy ban Thụy Điển về Afghanistan phát biểu: “Không ai muốn tài trợ cho chế độ Taliban nhưng người dân quốc gia này có quyền được hưởng những điều kiện an sinh tốt thiểu”.

Người phát ngôn của nhóm các cơ quan Anh, Ireland và Na Uy ở Afghanistan tuyên bố: “Việc các ngân hàng tuân thủ quá mức các lệnh trừng phạt sẽ giết hại dân thường Afghanistan với tỷ lệ cao hơn nhiều so với Taliban, Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), các lãnh chúa, chính quyền Kabul và các lực lượng liên quân do Mỹ dẫn đầu, đã thực hiện trong 20 năm qua”.

Afghanistan và sự sụp đổ của nền y tế -0
Chiến binh thánh chiến Ahmadi, Giám đốc Bệnh viện Mibacha Kot duyệt đơn thuốc của bác sĩ Elaha Ibrahimi.

Trở lại với sự sụp đổ của nền y tế Afghanistan, cho đến nay số người nhiễm SARS-COV-2 ở quốc gia này vẫn còn là bí ẩn. Trong tổng số 40,2 triệu người Afghanistan, cũng chỉ có 3,75 triệu người được tiêm đủ 2 liều vaccine. Cả Afghanistan có 39 bệnh viện chuyên điều trị COVID-19 nhưng chỉ 3 bệnh viện có đủ trang thiết bị như hệ thống oxy dòng cao, thiết bị tim phổi can thiệp (ECMO), hầu hết từ nguồn viện trợ của Nhật Bản.

Tại Bệnh viện Mibacha Kot thuộc ngoại ô Kabul, ngay cả loại thuốc hạ sốt đơn giản, rẻ tiền là Paracetamol cũng được coi là “hàng hiếm”. Cũng tại đây, “chiến binh thánh chiến” Mohammed Javid Ahmadi, 22 tuổi, được Taliban bổ nhiệm làm giám đốc. Rất nghiêm khắc, Ahmadi buộc tất cả nhân viên phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Taliban: Bệnh nhân nam, nữ phải ở trong những khu riêng biệt. Nữ bác sĩ phải đội khăn burqua trùm đầu và không được vào phòng cấp cứu cũng như phòng bệnh nam.

Bác sĩ Elaha Ibrahimi, người của chế độ cũ nói: “Chúng tôi bị cấm đến phòng bệnh nữ. Giám đốc Ahmadi không phải là bác sĩ. Chúng tôi không biết tại sao anh ấy lại giữ trách nhiệm này và có quyền duyệt cấp thuốc men cho bệnh nhân”. Nhưng theo giám đốc Ahmadi: “Những người từng làm việc cho chế độ cũ đều tham nhũng. Tôi đã phát hiện một nhà kho chứa đầy đồ ăn cắp gồm thiết bị y tế, thực phẩm đóng hộp, đang chờ bán ra thị trường chợ đen”.

Theo Bác sĩ Elaha Ibrahimi, sự sụp đổ của Bệnh viện Mibacha Kot đang được tính từng ngày và đó cũng là tình hình chung của rất nhiều các bệnh viện khác ở Afghanistan: “Thứ nhất, đội ngũ nhân viên y tế không thể uống nước lã để làm việc vì hơn 4 tháng nay, chẳng ai có lương. Thứ hai, điều trị cho bệnh nhân cũng không thể bằng nước lã và những lời an ủi. Nếu không có thuốc men và vật tư y tế ngay bây giờ, rất nhiều người sẽ chết trong khi lẽ ra, họ không phải chết…”.

Vũ Cao (Theo Inside Politics)
.
.
.