Phu nhân cố Tổng thống Venezuela Marita Pérez Jiménez:

Tiết lộ âm mưu ám sát Fidel Castro

Thứ Năm, 27/03/2014, 15:45

Theo chỉ đạo của Sturgis, nếu gặp cơ hội thuận tiện, Lorenz sẽ thả viên thuốc vào ly nước của Chủ tịch Fidel rồi khi biết chắc là Fidel đã uống, cô tìm cách đi ra bờ biển, trong vai khách du lịch, thuê một chiếc thuyền và khi thuyền đã ra khỏi bờ, cô phát tín hiệu là sẽ có một xuồng cao tốc đến đón cô ngay.

Sự sắp đặt của số phận sau 54 năm

Câu chuyện bắt đầu vào ngày 28/2/1959, khi chiếc tàu du lịch MS Berlin, quốc tịch Mỹ thả neo ở cảng Havana, Cuba. Lúc ấy, cuộc cách mạng do Fidel Castro lãnh đạo, lật đổ nhà độc tài Fulgencio Batista mới thành công được vài tuần và giữa Cuba với Mỹ - bề ngoài vẫn còn giữ được mối quan hệ khá thân thiện, người dân hai nước vẫn có thể qua lại dễ dàng.

Trên tàu MS Berlin, ngoài số hành khách và thủy thủ đoàn, còn có một thiếu nữ 19 tuổi, tên Marita Lorenz - là con gái của thuyền trưởng Heinrich, người Đức. Sinh ngày 18/8/1939 tại Bremen, Đức, Marita Lorenz có mẹ là một diễn viên người Mỹ.

Trong giai đoạn Đức Quốc xã nắm quyền cai trị nước Đức, mẹ cô bị Cơ quan Mật vụ Gestapo cáo buộc là đã giúp đỡ người Do Thái trốn thoát khỏi trại lao động khổ sai Bermen. Hậu quả là Lorenz và mẹ cô bị đưa đến trại tập trung Bergen-Belsen. May mắn thay, khi quân Đồng minh tiến vào giải phóng trại này, họ đã cứu cả hai mẹ con thoát khỏi cái chết trong phòng hơi ngạt.

Chỉ một vài ngày sau khi tàu MS Berlin cập cảng Havana, đã có khách đến thăm. Lorenz nhớ lại: "Hầu như tất cả đều mặc quân phục. Trong số những nhân vật ấy, tôi đặc biệt chú ý đến một người đàn ông cao lớn hơn hẳn với bộ râu quai nón rất nam tính. Tôi hỏi: "Anh là ai vậy?". Ông ta trả lời bằng tiếng Tây Ban Nha: "Yo soy Cuba. Commandante Fidel Castro".

Cái tên Fidel Castro lúc ấy đang gây chấn động trên toàn thế giới. Lorenz kể: "Khi đó Fidel mới 33 tuổi, mắt sáng long lanh và điếu xì gà hầu như lúc nào cũng ở trên môi. Mến phục trước thái độ lịch thiệp của ông, cộng với chiến thắng vang dội do ông lãnh đạo, tôi nhanh chóng bị ông thu hút và tôi đã cho ông số điện thoại nhà tôi ở New York. Khi tôi cùng cha tôi quay về Mỹ, Fidel đã gọi cho tôi vài lần. Ông nói về chủ nghĩa xã hội, về sự bình đẳng, về những người dân nghèo là nạn nhân của chủ nghĩa đế quốc. Nghe ông nói, tôi háo hức muốn trở lại Cuba ngay tức thì".

Tất nhiên, những cuộc điện thoại của Fidel gọi Lorenz đều bị Cơ quan tình báo Mỹ CIA nghe lén và ghi lại. Khoảng một tháng sau, vào một buổi tối, lúc Lorenz đi ăn tại khách sạn Riviera thì một gã đàn ông trong bộ quân phục không quân đến sát bên cô, miệng thì thầm bằng tiếng Anh: "Tôi biết rõ về cô".

Giật mình, Lorenz ngước lên nhìn gã đàn ông. Cô kể: "Anh ta khá đẹp trai với mái tóc dợn sóng. Cố lấy vẻ điềm tĩnh, tôi hỏi anh ta nói vậy là có ý gì. Anh tra trả lời bằng cách liệt kê tất cả mọi người trong gia đình tôi, địa chỉ nhà tôi và cho biết nếu tôi không nhận lời làm việc cho anh ta, thì cả nhà tôi sẽ khó sống".

Nhân vật đến gặp Lorenz là Frank Fiorini Sturgis - nhân viên tình báo CIA. Trong cuộc gặp này, Sturgis giới thiệu rằng mình là người thuộc "Mặt trận Cuba tự do" và đề nghị Lorenz cộng tác (thật ra, Mặt trận Cuba tự do là tên gọi khác của "Operation 40" - một nhóm bí mật gồm 40 người - hầu hết là người Cuba lưu vong do CIA lập ra để thực hiện kế hoạch vũ trang đổ bộ lên "Vịnh con lợn", lật đổ Fidel).

Lorenz kể tiếp: "Thoạt đầu, tôi từ chối nhưng khi anh ta đưa ra những chứng cứ, chứng minh tôi đã vào Cuba mà không được phép của Chính phủ Mỹ, cũng như tôi có mối liên hệ với Fidel ngay cả khi tôi đã về Mỹ, rồi cho biết cả tôi lẫn cha mẹ tôi rất có thể sẽ bị tù nhiều năm thì tôi hoảng sợ. Những ngày sau đó, anh ta liên tục bắt tôi phải viết lại tất cả những gì tôi biết về Fidel".

Dưới chế độ độc tài Batista, Sturgis là nhân viên tình báo quân đội, phi công lái máy bay trinh sát. Khi Fidel lãnh đạo cuộc khởi nghĩa, Sturgis nhanh chóng tham gia rồi trở thành một trong những người lính đầu tiên thuộc đơn vị của Che Guevara. Tham vọng của Sturgis là được nằm trong nhóm những nhân vật cầm đầu cuộc khởi nghĩa.

Tuy nhiên, lúc cách mạng thành công, và khi biết mình chẳng có chức tước gì, Sturgis đào thoát sang Mỹ, làm chủ một quán bar và một câu lạc bộ đêm (night club) ở bang Virginia rồi được CIA tuyển mộ để thực hiện kế hoạch đổ bộ lên Vịnh con lợn.

"Nếu cô muốn giết tôi thì bắn đi!"

Trước sự đe dọa của Sturgis, Lorenz buộc phải nhận lời rồi được CIA đưa đến căn cứ Everglades, bang Florida để tiến hành huấn luyện các kỹ thuật ám sát. Kế hoạch do CIA đặt ra là Lorenz sẽ quay lại Cuba và khi tiếp cận với nhà lãnh đạo Fidel Castro, cô sẽ tìm cơ hội thuận tiện để giết Fidel bằng một điếu xì gà chứa thuốc nổ TNT, hoặc một loại thuốc độc cực mạnh.

Tuy nhiên, sau khi cân nhắc, CIA biết rằng phương án ám sát bằng xì gà chứa thuốc nổ không khả thi bởi lẽ mời Fidel hút xì gà không phải là của ông đã khó, mà đánh tráo điếu xì gà chứa TNT vào hộp đựng xì gà của ông lại càng khó hơn nữa. Cuối cùng, CIA quyết định chọn phương pháp thuốc độc.

Tháng 1/1960, nghĩa là một năm sau ngày Lorenz đến Cuba lần đầu tiên, cô trở lại Havana nhưng không mang theo thuốc độc vì CIA muốn cô có thời gian để tìm hiểu nếp sinh hoạt và những thói quen của Fidel, cũng như không để Fidel có chút nghi ngờ nào. Được sắp xếp cho ở tại một căn hộ trên tầng 74 của khách sạn Havana Hilton, nhiệm vụ hằng ngày của Lorenz là học tiếng Tây Ban Nha, nghiên cứu phong tục, truyền thống và các sinh hoạt của người dân để có thể hòa mình với xã hội Cuba khi được bố trí việc làm chính thức.

Cô nói: "Thỉnh thoảng Fidel vẫn ghé thăm tôi, hỏi tôi về những tiến bộ trong việc học ngôn ngữ Tây Ban Nha và những gì mà tôi đã thu thập, giải đáp những thắc mắc của tôi, trò chuyện với tôi về cuộc cách mạng. Rất nhiều lần tôi tự hỏi làm sao tôi có thể đầu độc một con người giản dị, đầy nhiệt huyết, hết lòng yêu mến đất nước mình như Fidel được. Đêm đêm, tôi bị dằn vặt bởi những lời nói của Sturgis, rằng Cuba không chỉ là mối đe dọa cho nước Mỹ, mà cho cả châu Mỹ trong lúc tôi thấy ông ấy chỉ quan tâm làm thế nào để người dân Cuba ai cũng có nhà ở, ai cũng được đi học, ốm đau được chữa bệnh - tất cả đều không mất tiền...".

Hai tháng sau ngày đến Havana, do không hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, Lorenz bị bệnh nên cô phải quay về New York để điều trị. Tiến hành thẩm tra và khi nghe tất cả những lời khai của Lorenz về mối quan hệ với Chủ tịch Fidel, CIA quyết định ra tay.

Chủ tịch Fidel và Lorenz lần đầu gặp nhau trên tàu MS Berlin.

Chữa bệnh xong, Lorenz được lệnh quay lại Cuba, lần này với một viên thuốc độc không màu sắc, mùi vị, tan nhanh trong nước chỉ một vài giây. Sợ bị phát hiện, cô gói viên thuốc trong một mảnh nylon rồi vùi nó vào giữa hộp kem dưỡng da. Lorenz kể: "Thủ tục hải quan ở sân bay Havana diễn ra nhanh gọn. Người ta hỏi tôi sẽ ở lại Cuba bao lâu? Tôi trả lời có thể là vài năm vì tôi tình nguyện đến để góp phần mình vào việc xây dựng đất nước".

Theo chỉ đạo của Sturgis, nếu gặp cơ hội thuận tiện, Lorenz sẽ thả viên thuốc vào ly nước của Chủ tịch Fidel rồi khi biết chắc là Fidel đã uống, cô tìm cách đi ra bờ biển, trong vai khách du lịch, thuê một chiếc thuyền và khi thuyền đã ra khỏi bờ, cô phát tín hiệu là sẽ có một xuồng cao tốc đến đón cô ngay. Tuy nhiên, tháng 2 năm nay, khi CIA cho phép giải mật hồ sơ vụ âm mưu ám sát Fidel thì mới hay, kế hoạch đón Lorenz bằng xuồng cao tốc là kế hoạch không bao giờ có thật.

Trở lại Cuba, Lorenz vẫn được bố trí cho ở tại căn hộ trên tầng 74 của khách sạn Havana Hilton. Cô nói: "Vài ngày sau, Fidel báo là sẽ đến thăm tôi. Lập tức, tôi bày ra bàn những lọ nước hoa, mấy thỏi son, bút kẻ lông mày cùng vài hộp phấn, kem dưỡng da - trong đó có hộp kem đựng viên thuốc độc - ra vẻ như tôi vừa mới trang điểm xong để chuẩn bị đón ông".

Khi Fidel đến, Lorenz rót nước mời ông. Nói chuyện thăm hỏi một lát, Fidel quay lưng bước về phía cửa sổ và mở rộng một cánh như muốn để cho khói thuốc xì gà thoát ra ngoài. Chớp ngay thời cơ, Lorenz vội vã lấy viên thuốc độc trong hộp kem, lột bỏ lớp nylon bao ngoài rồi thả nó vào ly nước. Nhưng "thiên bất dung gian", một mẩu kem bôi mặt dính vào ngón tay của Lorenz tạo thành một vệt trắng đục trên miệng ly lúc cô thả viên thuốc vào. Chưa kịp đổ đi thì Fidel quay lại và lúc nhìn vào chiếc ly, ông hỏi rất điềm tĩnh: "Cô muốn giết tôi à?".

Lorenz tê dại toàn thân, người lạnh cóng như nước đá, cô nhìn trừng trừng vào khẩu súng lục đeo bên hông Fidel. Cô kể: "Tôi nghĩ ông ấy sẽ bắn tôi ngay lập tức nhưng không ngờ Fidel rút súng ra khỏi bao, quay báng súng về phía tôi, nói: "Nếu cô muốn giết tôi thì bắn đi!".

Rồi Fidel bình thản ngồi xuống ghế, rút ra một điếu xì gà khác, châm lửa và nhắm mắt lại trong lúc Lorenz vẫn bất động. Một lát sau, ông đứng dậy nói: "Tôi không bao giờ muốn làm hại phụ nữ. Ngay lúc này, cô có thể đi".

Hôm sau, Lorenz thuê một chiếc thuyền sang Miami, bang Folrida, Mỹ. Một thời gian ngắn sau đó, số phận run rủi cho cô gặp gỡ Marcos Pérez Jiménez, là cựu Tổng thống Venezuela, lúc ấy đang sống lưu vong tại Mỹ. Kết hôn với Jiménez, Lorenz sinh được một đứa con gái. Để sử dụng con bài Jiménez, CIA làm lơ cho sự thất bại của Lorenz trong âm mưu ám sát Fidel Castro, đồng thời cho phép cô được tự do về Mỹ bất cứ lúc nào cô muốn.

Kẻ ám sát Kennedy là thành viên nhóm người Cuba lưu vong

Bây giờ Lorenz đã 87 tuổi, hiện sống ở New York, Lorenz cho biết năm 1981 bà đã sang Cuba với tư cách là phu nhân của cựu Tổng thống Venezuela Marcos Pérez Jiménez, và đã gặp lại Fidel. Theo bà, đó cũng là lần cuối cùng: "Chúng tôi chào hỏi nhau như những người bạn lâu ngày gặp lại. Tôi rất muốn có một lời xin lỗi ông nhưng nhìn ánh mắt của ông, tôi biết ông không để tâm đến chuyện ấy".

Tháng 2/2014, sau 54 năm im lặng, CIA đã cho phép giải mật âm mưu  ám sát Fidel Castro. Lúc trả lời phỏng vấn của Kênh truyền hình History Channel về vụ ám sát này, Lorenz còn tiết lộ một tin động trời khác: Theo bà, Lee Harvey Oswald, người đã ám sát Tổng thống Kennedy là thành viên trong nhóm Operation 40: "Khi tôi ở căn cứ huấn luyện Everglades, bang Florida thì tôi thấy Oswald đến thăm".

Cùng đi với Oswald còn có nhân viên CIA Sturgis, Orlando Bosch - là người đã đánh bom một chiếc máy bay chở khách của Cuba, giết chết 73 người và Diaz Lanz, cựu Tư lệnh Không quân Cuba dưới thời Batista. Lorenz kể tiếp: "Khoảng một tháng trước ngày Tổng thống Kennedy bị ám sát, tôi được mời tham gia một cuộc họp với Strugis, Lee Harvey Oswald, Orlando Bosch và hai người Cuba nữa mà tôi không biết tên vì họ cho rằng tôi vẫn là thành viên của Operation 40. Cuộc họp được tổ chức rất bí mật ở nhà Bosch. Họ trải lên bàn tấm bản đồ thành phố Dallas khổ lớn. Nội dung mà họ thảo luận là một con đường nào đó ở Dallas, một khẩu súng trường rất mạnh cùng những thuật ngữ như "xây dựng", "im lặng", "liên lạc"… Khi đó, tôi hoàn toàn không biết rằng họ đang bàn tính việc ám sát Tổng thống Kennedy".

Ngày 22/11/1963, Tổng thống Kennedy bị Lee Harvey Oswald bắn chết khi ông đến thành phố Dallas, bang Texas. Theo Lorenz, nguyên nhân dẫn đến vụ việc này là do Kennedy đã thất bại trong chiến dịch đổ bộ lên Vịnh con lợn mặc dù vụ này hoàn toàn do CIA dàn dựng và chỉ huy thực hiện. Tuy nhiên, với tư cách là Tổng thống Mỹ, Kennedy vẫn phải chịu trách nhiệm.

Riêng nhân viên tình báo Sturgis, khi được mời ra điều trần trước Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ, anh ta nói anh ta chưa từng nghe đến cái tên Lorenz bao giờ…

Hòa Cao (tổng hợp)
.
.
.