Tại sao điệp vụ HABRINK của CIA phá sản?

Thứ Hai, 06/07/2009, 19:30
HABRINK là mật danh của một điệp vụ được Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) triển khai tại Indonesia vào thập niên 60 thế kỷ XX, nhằm thu thập thông tin liên quan đến các khí tài quân sự hiện đại mà Liên Xô trang bị cho quân đội Indonesia. Tuy nhiên, đến năm 1967, điệp vụ này đã bị phá sản khi một sĩ quan CIA chỉ huy điệp vụ bị giết hại và một sĩ quan CIA khác bị bắt giữ về tội làm điệp viên nội gián cho tình báo Liên Xô.

Ngày 30/11/1957, một âm mưu ám sát nhắm vào Tổng thống Indonesia Ahmed Sukarno khi ông đến thăm một trường học ở quận Cikini, thủ đô Jakarta, đã gặp thất bại. Cho rằng một số quốc gia phương Tây là Mỹ, Anh, Hà Lan có liên quan đến vụ việc nên Tổng thống Sukarno quyết định hạn chế các quan hệ với phương Tây đồng thời tăng cường quan hệ với các quốc gia XHCN, trong đó đặc biệt là Liên Xô và Trung Quốc.

Từ năm 1958, trong khi Trung Quốc mở rộng các hoạt động về kinh tế và văn hóa với Indonesia thì Liên Xô lại tăng cường viện trợ kỹ thuật và quân sự cho Indonesia bằng nhiều vũ khí khí tài hiện đại. Ngoài viện trợ về hiện vật, Liên Xô còn gửi chuyên gia và cố vấn quân sự đến Indonesia để hỗ trợ và phát triển quân đội, trong số đó có không ít nhân viên tình báo.

Trong tình hình như vậy, CIA quyết định triển khai một điệp vụ bí mật tại Indonesia để thu thập các thông tin liên quan đến viện trợ kỹ thuật quân sự của Liên Xô cho Indonesia nhất là các thông tin, tài liệu liên quan đến các khí tài như tên lửa SA-2, tàu ngầm thế hệ Whiskey, máy bay chiến đấu MiG 2... Điệp vụ này có mật danh là HABRINK và do Albert Schaufelberger, một sĩ quan CIA kỳ cựu từng lăn lộn nhiều năm tại một số quốc gia châu Á như Philippines, Việt NamIndonesia chỉ huy. Cùng tham gia điệp vụ HABRINK còn có một sĩ quan CIA khác tên David Barnett.

David Barnett sinh ngày 10/3/1932 tại thành phố Bethesda, bang Maryland. Từ năm 1957 đến năm 1960, Barnett là chuyên viên phân tích tình hình tại các chi nhánh CIA ở Hàn Quốc và thủ đô Washington. Năm 1963, khi CIA quyết định triển khai điệp vụ HABRINK, Barnett được lệnh đến Indonesia để phối hợp với Schaufelberger điều hành điệp vụ này.

Để tạo điều kiện cho việc triển khai điệp vụ HABRINK được thuận lợi, CIA đã bố trí cho cả Schaufelberger và Barnett làm việc tại Sứ quán Mỹ ở thủ đô Jakarta. Trong khi Schaufelberger là tùy viên quân sự thì Barnett lại làm tùy viên thương mại và kinh tế. Nhiệm vụ của Barnett là tiếp cận với các chuyên gia Liên Xô làm việc trong các chương trình viện trợ rồi tuyển dụng một hay nhiều người trong số họ làm điệp viên nội gián. Các chuyên viên, nhân viên người Indonesia làm việc trong các chương trình tiếp nhận viện trợ quân sự và kỹ thuật của Liên Xô cũng thuộc đối tượng tiếp cận và tuyển dụng của Barnett.

Đến năm 1964, Barnett thôi mang vỏ bọc tùy viên thương mại và kinh tế của Sứ quán Mỹ để điều hành một công ty xuất nhập khẩu đồ cổ từ Indonesia đến Mỹ. Với vỏ bọc mới này, Barnett có điều kiện thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến hoạt động viện trợ kỹ thuật và khí tài quân sự của Liên Xô cho Indonesia.  

Vào lúc 14h ngày 25/5/1967, khi đang trên đường từ nhà riêng đến Sứ quán Mỹ, chiếc Ford Maverick của Schaufelberger bị chặn lại bởi một chiếc xe thùng hiệu Volkswagen màu trắng. Từ trên xe, những kẻ lạ mặt đã bắn nhiều loạt đạn vào xe của Schaufelberger khiến điệp viên CIA này chết ngay tại chỗ. Nhóm hung thủ sau khi ra tay đã rời ngay khỏi hiện trường mà không để lại bất cứ dấu vết nào.

Để điều tra về vụ giết hại Schaufelberger, CIA và Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã cử một đơn vị hỗn hợp đến thủ đô Jakarta. Sau một thời gian tích cực làm việc, nhóm điều tra hỗn hợp đã phát hiện ra một sự việc động trời:  Barnett có liên quan đến vụ giết hại Schaufelberger.

Hơn thế nữa, Barnett còn được tình báo Liên Xô tuyển dụng ngược để làm nội gián. Đến ngày 10/9/1967, Barnett được triệu tập về lại Langley với lý do để báo cáo về tình hình hoạt động của điệp vụ HABRINK và cái chết của Schaufelberger. Tuy nhiên, vừa đặt chân xuống sân bay Baltimore, Barnett liền bị bắt giữ.

Bị thẩm vấn, Barnett thú nhận bắt đầu cộng tác với tình báo Liên Xô vào năm 1965, một năm sau khi được CIA cho phép thôi làm việc tại Sứ quán Mỹ để điều hành công ty xuất nhập khẩu đồ cổ trá hình ở thủ đô Jakarta. Do muốn có tiền để trả nợ và mua sắm nhà cửa cho gia đình ở Mỹ lên đến hàng trăm ngàn USD nên Barnett chấp thuận làm nội gián cho tình báo Liên Xô.

Barnett không chỉ tiết lộ diễn biến của điệp vụ HABRINK mà còn chuyển giao cho tình báo Liên Xô danh tính 30 điệp viên CIA, điệp viên Liên Xô được Barnett và Schaufelberger tuyển dụng và cả nhiều cộng tác viên người Indonesia làm việc cho CIA trong điệp vụ HABRINK. Đổi lại, Barnettt được tình báo Liên Xô trả công một số tiền lớn lên đến 311.000 USD.

Đến năm 1967, do Schaufelberger tỏ ý nghi ngờ về các chi tiêu hào phóng của Barnett và bí mật điều tra nên Barnett đã bỏ tiền thuê một nhóm tội phạm người Indonesia trừ khử cấp trên trực tiếp của mình. Với việc bắt giữ Barnett, CIA quyết định chấm dứt hoạt động của điệp vụ HABRINK. Đây được xem là một thất bại của CIA tại châu Á.

Ngày 17/11/1970, một tòa án đặc biệt tại thành phố Baltimore đã tuyên phạt Barnett 42 năm tù giam về tội hoạt động nội gián, phản bội tổ quốc và cố sát. Năm 2000, sau 30 năm thụ án tại nhà tù liên bang ở thành phố Besthada, Barnett mới được trả tự do

Văn Hòa (theo CiCentre spy cases)
.
.
.