Philippines sẽ tung ra “tuyệt chiêu” gì trong vụ kiện Trung Quốc?
Những bằng chứng mới
Trả lời phỏng vấn báo giới, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose cho biết, nước này đã chuẩn bị kỹ càng và đầy đủ cho phiên điều trần đầu tiên về vụ kiện ở Biển Đông. Ông Charles Jose nói: "Chúng tôi có đầy đủ các luận cứ để đưa ra tranh luận tại tòa án ở The Hague. Nhóm của chúng tôi từ Manila và Mỹ sẽ bay tới Hà Lan". Đồng thời, ông Charles Jose cũng khẳng định rằng, vì đây là lần đầu tiên tòa án trọng tài đưa ra xem xét vụ kiện với sự có mặt của đại diện Chính phủ Philippines và nhóm pháp lý nên phiên điều trần này có ý nghĩa rất quan trọng.
Và dù Trung Quốc từ chối tham gia cuộc điều trần nhưng thông qua nó, 5 thẩm phán của tòa án trọng tài vẫn sẽ xác định xem liệu đơn kiện của Manila có giá trị pháp lý hay không và liệu tòa án có thẩm quyền xử vụ việc này hay không. Philippines hiện rất kỳ vọng vào việc tòa án sẽ ra phán quyết ủng hộ nước này trong vụ kiện "đường chín đoạn" trên Biển Đông của Trung Quốc.
Phiên tranh tụng trong vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc bắt đầu từ ngày 7 đến 13/7. |
Cho đến nay, Trung Quốc vẫn tuyên bố tòa án trọng tài không có quyền xét xử vụ kiện của chính quyền Manila và không tham gia vào vụ kiện. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến của vụ kiện. Hãng Reuters đưa tin, Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Lan còn thiết lập hẳn một đường dây liên lạc chính thức với tòa án trọng tài.
Nguồn tin từ tờ Manila Bullentin cho hay, Chủ tịch Thượng viện Philippines Franklin Drilon, Người phát ngôn Hạ viện Feliciano Belmonte Jr., Ngoại trưởng Albert del Rosario, Bộ trưởng Quốc phòng Voltaire Gazmin và Bộ trưởng Tư pháp Leila De Lima cùng các quan chức Philippines và các luật sư người Mỹ tới The Hague (Hà Lan) từ hôm 6/7.
Nhóm chuyên gia pháp lý quốc tế của Philippines đã chuẩn bị đầy đủ các văn kiện cần thiết. Theo tiết lộ của luật sư người Mỹ Paul Reichler, người từng nhiều lần đại diện cho các quốc gia nhỏ bé như Nicaragua, Georgia và Mauritius khởi kiện và chiến thắng những nước lớn như Mỹ, Nga, Anh…, ông sẽ đại diện chính quyền Manila chống lại những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc với hầu hết vùng lãnh hải trên Biển Đông theo bản đồ "đường chín đoạn", khu vực nằm sát vùng bờ biển với những nước trong ASEAN như Philippines, Brunei, Malaysia và Việt Nam.
Các lập luận sẽ xoay quanh những vấn đề tranh chấp và trả lời câu hỏi của tòa án trọng tài dựa trên bằng chứng mà chính quyền Manila đã đệ trình từ tháng 3 năm 2014 cùng các tài liệu của Trung Quốc được công bố sau đó 9 tháng. Luật sư Paul Reichler khẳng định, nội dung chính của cuộc điều trần lần này chủ yếu tập trung vào vấn đề thẩm quyền và khả năng chấp nhận vấn đề sơ bộ.
Các luật sư cũng sẽ đưa ra những luận điểm trong đó có việc Trung Quốc đã ký kết tham gia các hệ thống luật pháp quốc tế và Công ước quốc tế của LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) nhưng lại chưa thực hiện đầy đủ và đúng. Thẩm phán Antonio T. Carpio thuộc Tòa án Tối cao Philippines nói: "UNCLOS là căn cứ xét xử và tòa án trọng tài quốc tế là diễn đàn duy nhất nơi chúng tôi có thể thắng Trung Quốc. Ở đây, chiến hạm, máy bay chiến đấu, máy bay ném bom không được tính đến. Họ chỉ ra quyết định dựa trên Luật Biển. Đây là nơi mà chúng tôi ở thế cân bằng sức mạnh với Trung Quốc".
Được biết, gần một tháng trước khi phiên tranh tụng diễn ra, Chính phủ Philippines đã trình lên Tòa án Trọng tài tấm bản đồ 300 năm tuổi chỉ rõ bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham mà hai nước đang tranh chấp chủ quyền, thuộc lãnh thổ của nước này từ 3 thế kỷ trước. Dựa vào bản đồ, chính quyền Manila cũng đã lập luận rằng cái gọi là "đường chín đoạn" phi lý mà Trung Quốc dùng phân định ranh giới khu vực chủ quyền tại Biển Đông rõ ràng là bất hợp pháp.
Theo đó, bãi cạn Scarborough được người Philippines gọi là "Panacot" hay "Panatag" nằm ngoài khơi đảo Luzon thuộc chủ quyền của Philippines. Hãng tin BBC của Anh trích dẫn lời của thẩm phán Antonio T.Carpio gọi tấm bản đồ được linh mục dòng Tên Pedro Murillo Velarde ấn hành vào năm 1734 tại Manila này là "mẹ của các tấm bản đồ Philippines" và là bằng chứng thuyết phục nhất mô tả "lãnh thổ thực sự" của nước này. Tấm bản đồ này xuất hiện vào năm 2012 trong số các tài sản của một quý tộc Anh và được một doanh nhân Philippines mua lại trong phiên đấu giá của Sotheby ở thủ đô London.
Ngày 12/6 vừa qua, nhân kỷ niệm Ngày Quốc khánh Philippines, vị doanh nhân này đã trao bản thực của tấm bản đồ cho Tổng thống Philippines Benigno Aquino vì nghĩ rằng nó có thể được sử dụng như bằng chứng quan trọng trong vụ kiện Trung Quốc. Hiện Philippines đã có hơn 60 tấm bản đồ chứng minh bãi cạn này được coi là thuộc lãnh thổ Philippines từ năm 1636 và Trung Quốc không có chủ quyền ở Scarborough/Hoàng Nham trong khi Bắc Kinh vẫn chưa đưa ra được một tấm bản đồ cổ nào của nước này. Ngoài tấm bản đồ nói trên, Manila còn đệ trình tài liệu bổ sung gồm 3.000 trang lên tòa án trọng tài để củng cố hồ sơ của mình.
Sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế
Phải nói rằng, phiên tranh tụng tại tòa án trọng tài về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc xung quanh vấn đề chủ quyền ở Biển Đông đang thu hút sự quan tâm, chú ý của đông đảo dư luận quốc tế. Trong những năm gần đây, Trung Quốc liên tiếp có những hành động quyết liệt, lấn tới nhằm thực hiện tham vọng bá chủ Biển Đông của mình. Do đó, vụ kiện của Philippines đã gây hiệu ứng mạnh đối với khu vực và là một đòn thách thức chưa từng có nhằm vào Trung Quốc ở Biển Đông.
Người dân Philippines biểu tình phản đối những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông, đặc biệt là khu vực bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham, nơi đang xảy ra tranh chấp giữa hai nước. |
Thẩm phán Antonio T. Carpio thuộc Tòa án Tối cao Philippines nói: "Một khi tòa trọng tài tuyên bố có quyền xử vụ kiện, chúng tôi biết chắc là tòa sẽ bác tuyên bố "đường chín đoạn" của Trung Quốc. 99,9% chuyên gia pháp lý bên ngoài Trung Quốc có suy nghĩ tương tự". Ông Renato De Castro, chuyên gia đến từ Đại học De La Salle của Philippines nói, việc kiện Trung Quốc là phản ứng tự nhiên của một nước luôn bị Bắc Kinh dồn vào thế bị động.
Chuyên gia về Biển Đông tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore Ian Storey thì cho rằng, dù có tính ràng buộc về mặt pháp lý nhưng bất kỳ một phán quyết nào của tòa có lợi cho Philippines cũng sẽ khó có thể được thực thi bởi LHQ không có cơ quan nào đứng ra đảm trách việc này. Theo quan điểm của ông Ian Storey, việc tranh tụng này có thể khiến vụ việc kéo dài từ 6-12 tháng trước khi đi vào phần xét xử song điều này không có nghĩa là Trung Quốc sẽ có lợi thế.
Ông Ian Storey nói: "Các thẩm phán đang thể hiện sự công tâm ở mức cao nhất. Họ nhận thấy rằng, Trung Quốc sẽ phủ nhận mọi lời lẽ trong phán quyết cuối cùng của mình nhưng họ vẫn sẽ thực hiện từng bước trong quá trình của một vụ kiện một cách thỏa đáng, hơp lý và đúng luật".
Còn giáo sư (GS) Yamagata Hideo thuộc Đại học Nagoya, thành viên tổ chức xã hội Nhật Bản và Mỹ về Luật Quốc tế lại nhấn mạnh: "Việc vắng mặt tố tụng sẽ ảnh hưởng bất lợi đến bên không tham gia, họ không được lựa chọn trọng tài viên, không thể bảo vệ vụ việc trước tòa hoặc chống lại yêu sách của bên nguyên đơn. Không xuất hiện nhưng Trung Quốc lại sử dụng báo chí, các diễn đàn quốc tế để chống lại lập luận của Philippines và phủ nhận cả tòa trọng tài. Ở Biển Đông, Trung Quốc cũng đang tìm cách thay đổi hiện trạng, biến đảo chìm thành đảo nổi, xây dựng căn cứ quân sự... Mục tiêu của họ là tìm cách có thêm bằng chứng mới khẳng định chủ quyền trước phán quyết của tòa án cũng như trước khi ASEAN và nước này đạt được thỏa thuận về Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC). Đó hẳn nhiên là những hành động tiêu cực và không thể chấp nhận được".
Vì thế, GS Yamagata Hideo cho rằng, Philippines nói riêng và các nước trong khu vực nói chung cần phải thận trọng hơn đối với chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trong khi đó, GS Marvin C.Otto thuộc Đại học Hopkins (Mỹ) khẳng định: "Quyết tâm của Trung Quốc nhằm kiểm soát các vùng đất và nước tại Biển Đông là rất rõ ràng trong suốt một thời gian dài. Những gì xảy ra trong vài năm gần đây cho thấy, Trung Quốc đã tăng cường năng lực hải quân, không quân nhằm mở rộng quyền lực và kiểm soát tại Biển Đông.
"Đường chín đoạn" mà Trung Quốc đưa ra không có giá trị trong luật pháp quốc tế nên theo tôi cách mà Philippines thách thức đường lưỡi bò của Trung Quốc tại tòa án trọng tài là hành động rất có ý nghĩa. Hầu như tất cả các luật sư quốc tế đều tin Philippines sẽ thắng, vụ kiện sẽ triển khai mất vài năm nhưng chắc chắn Philippines sẽ thắng. Điều này sẽ tạo cơ sở pháp lý khẳng định, "đường chín đoạn" của Trung Quốc ở Biển Đông là bất hợp pháp. Việc Philippines kiện Trung Quốc có khả năng tạo ra lợi ích rất lớn cho các nước trong khu vực".
Philippines bắt đầu ra đòn pháp lý với Trung Quốc ở Biển Đông bằng cách đệ đơn lên tòa án trọng tài hồi tháng 1/2013, sau khi hai nước xảy ra một cuộc tranh chấp nóng bỏng ở bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham. Tháng 3/2014, Manila trình tập hồ sơ pháp lý dày 4.000 trang để củng cố thêm cho vụ kiện. Đồng thời, nước này đã thuê một đội ngũ gồm toàn các luật sư nổi tiếng hàng đầu thế giới đến từ Mỹ, Pháp, Anh để giúp chống lại tuyên bố "đường chín đoạn" ở Biển Đông của Trung Quốc.
Viện dẫn UNCLOS, Philippines đã tiến hành khởi kiện Trung Quốc - một trong những thành viên tham gia công ước này với điểm mấu chốt theo công ước là các quốc gia ven biển nằm sát với vùng lãnh hải trải dài 12 hải lý cũng như vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, được phép đánh cá và khai thác các nguồn tài nguyên dưới lòng biển.
Luật sư Paul Reichler cho biết, các nội dung chính trong đơn kiện của Philippines bao gồm: Bản đồ "Đường chín đoạn" không phù hợp với luật pháp quốc tế cụ thể là UNCLOS, và không thể đại diện cho quyền lợi của Trung Quốc đối với Biển Đông; Hai là, Philippines, cũng giống như Trung Quốc (và các quốc gia khác quanh Biển Đông, có quyền lợi ở lãnh hải rộng 12 hải lý và vùng đặc quyền kinh tế kiêm thềm lục địa rộng 200 hải lý; Ba là, bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham là một "mỏm đá" theo định nghĩa trong Điều 121(3) của UNCLOS, nên quyền lợi của quốc gia sở hữu bãi cạn này sẽ chỉ giới hạn ở vùng lãnh hải rộng 12 hải lý chứ không phải vùng đặc quyền kinh tế kiêm thềm lục địa rộng 200 hải lý. Vì vậy, toàn bộ vùng biển tính từ điểm cách bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham 12 hải lý tới điểm cách đảo Luzon của Philippines 200 hải lý sẽ là vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, chứ không phải của Trung Quốc; Bốn là, trong số 8 điểm Trung Quốc chiếm giữ tại Trường Sa (chủ quyền của Việt Nam) thì có tới 5 điểm là mỏm đá hoặc đá ngầm và bãi cát nổi sau khi nước triều rút (mà Trung Quốc đã xây dựng cơ sở hạ tầng).
Về các mỏm đá, quốc gia sở hữu sẽ chỉ có quyền lợi ở vùng biển quanh mỏm đá 12 hải lý còn các đá ngầm hoặc bãi cát nổi sau khi nước triều rút sẽ không giúp đem lại quyền lợi hàng hải gì. Kết luận rút ra là quyền lợi về hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông là rất hạn chế, ngoài 200 hải lý tính từ bờ biển của nước này.