Những bức tường biên giới nổi tiếng

Thứ Sáu, 28/01/2011, 14:55
Từ bán đảo Triều Tiên tới thủ phủ Belfast của Bắc Ireland, từ hoang mạc Mexico đến Dải Gaza ở Trung Đông... đâu đâu cũng thấy hiện diện những hàng rào ranh giới cấp quốc gia dài dằng dặc. Một thực tế phi lý trong thời đại toàn cầu hóa: dòng vốn đầu tư vô hình thì tha hồ tự do luân chuyển; riêng thân xác con người hữu hình lại tuyệt nhiên... không thể!

Tường biên giới được dựng lên nhằm ngăn chặn sự di cư phi pháp, họa khủng bố thâm nhập, cũng như vận chuyển hàng quốc cấm... Các công trình rào chắn đường biên khổng lồ từng manh nha trên họa đồ thiết kế hay đang gấp rút xây dựng, một khi được hoàn tất ắt sẽ cô lập nhiều khoảng diện tích rộng lớn trên địa cầu.

Arập Xêút đã sẵn sàng với bức tường "an ninh công nghệ cao" dài 900km, hòng chặn đứng dòng người Iraq nhập cư chạy nạn chiến tranh. Còn Thái Lan lên kế hoạch xây một "rào chắn" dài 75km tiếp giáp với Malaysia, cốt ngăn chặn những phần tử cuồng tín quá khích...

Điều trớ trêu của lịch sử rằng chính những ai từng cổ vũ nồng nhiệt cho sự sụp đổ của bức tường Berlin - bức tường biên giới nổi tiếng nhất, lại rắp tâm dựng những tường rào phân chia dài hơn gấp bội. Tiêu biểu là những "biểu tượng ngăn cách" giữa các quốc gia sau đây:

1. Ấn Độ - Pakitstan (ảnh 1)

Tại khu vực tranh chấp Kashmir giữa hai quốc gia lân bang ở Nam Á này hiện diện hàng rào phân cách dài 2.800 km. Cả bên trong lẫn bên ngoài cặp hàng rào kẽm gai cao 3m đều được rải mìn, cũng như dẫn điện cao thế.

Ngoài ra, New Delhi đang xúc tiến dựng tường rào biên giới dài 3.300km tiếp giáp với Bangladesh. Trong khi đó Islamabad sắp hoàn tất bức tường xây bằng gạch pha lẫn đá núi dài 1.500km thuộc phần biên giới với Afghanistan.

2. Morocco - Tây Sahara (ảnh 2)

Xuất hiện từ thập niên 80 của thế kỷ trước, bức tường cấu thành từ gỗ, đá và cát cao 3m, dài 2.700km chia cắt xứ Morocco với vùng Tây Sahara ở châu Phi, nhằm ngăn chặn sự tấn công của Phong trào Polisario đòi quyền tự trị cho Tây Sahara.

Được biết có gần nửa triệu quả mìn đã được rải dọc theo bức tường phân ranh giữa chốn sa mạc này.

3. Nam - Bắc Triều Tiên (ảnh 3)

Binh sĩ biên phòng Bắc Triều Tiên đi tuần tra dọc hàng rào biên giới men theo khu phi quân sự phân chia hai miền Nam - Bắc. Bức tường kẽm gai đồ sộ này do phía Đại Hàn Dân Quốc xây cất trong hai năm (từ 1977-1979) hòng cô lập CHDCND Triều Tiên.

Kế chân tường rào là bãi trống mênh mông rộng 4km gài đủ các loại mìn có sức công phá khác nhau. Đây chính là bãi mìn lớn nhất thế giới.

4. Dải Gaza - Israel (ảnh 4)

Khởi công từ năm 2002, bức tường bê tông dài 60 cây số và cao tới 8m, do Tel-Aviv thiết kế và thi công trên phần đất Bờ Tây đang chiếm đóng của người Palestine, ngõ hầu bao bọc toàn bộ Dải Gaza nhằm ngăn chặn những người Palestine đánh bom cảm tử.

5. Bắc ireland (ảnh 5)

Từ đầu những năm 70 thế kỷ XX, giữa thủ phủ Belfast tồn tại đường ranh giới cùng cái tên mỹ miều "Làn ranh hòa bình". Mục đích cốt phân chia địa bàn cư trú giữa hai nhóm dân theo đạo Tin Lành và Cơ Đốc giáo vốn "kình địch truyền kiếp".

Với chiều cao phổ biến hơn 5m, có chỗ tới 7m cùng loạt tranh tường dày đặc đôi khi biến khu vực phân chia thành điểm tham quan cho du khách hiếu kỳ.

6. Đảo Síp (ảnh 6)

Trong năm 1974, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tràn lên đảo quốc thơ mộng giữa Địa Trung Hải rồi thâu tóm phần phía bắc hòn đảo. Riêng thủ đô Nicosia bị phân đôi căn cứ theo hai sắc dân gốc Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, với đường ranh giới nhỏ hẹp dài 183km xuyên suốt thành phố. Các trạm kiểm soát dã chiến hiện diện nhan nhản dọc theo tuyến đường phân chia chưa bao giờ được quốc tế công nhận.

Sau những cuộc bầu cử gần đây, chính thể mới của Cộng hòa Síp đã chính thức xóa sổ đoạn đường biên đáng hổ thẹn này

Quang Phú (tổng hợp)
.
.
.