Nga lên kế hoạch khôi phục KGB

Thứ Tư, 25/01/2017, 08:45
Theo báo Kommersant của Nga, Điện Kremli đang có kế hoạch cải tổ các cơ quan an ninh theo hướng khôi phục lại các chức năng, nhiệm vụ của Bộ An ninh nhà nước (MGB) và Ủy ban An ninh nhà nước (KGB) trước đây. Việc khôi phục các chức năng, nhiệm vụ này được cho là nhằm đáp ứng các yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia Nga trong tình hình thế giới mới.

Kommersant dẫn nguồn tin mang mật danh “b” trong ngành an ninh Nga cho biết, việc cải cách các cơ quan an ninh đang được triển khai theo hướng khôi phục lại các chức năng của KGB thời Liên Xô. Kommersant cho biết, kế hoạch cải tổ ngành an ninh đã bắt đầu thai nghén từ sau cuộc bầu cử Quốc hội Nga vừa qua.

Với kết quả thắng lợi từ cuộc bầu cử, Tổng thống Vladimir Putin đã có các chỉ thị yêu cầu Bộ Nội vụ và các bộ có liên quan tăng cường công tác chống ma túy và người nhập cư bất hợp pháp, đồng thời sắp xếp, bố trí lại hệ thống các cơ quan an ninh Nga. Theo đó, ngành an ninh Nga sẽ được tổ chức lại theo cơ cấu giống như KGB thời Xôviết, với việc thành lập lại Bộ An ninh nhà nước (MGB).

Tổng thống Nga Vladimir Putin, một cựu sĩ quan tình báo KGB, vừa có chỉ thị tái lập cơ quan tình báo này.

Các cơ quan như Cục Bảo vệ an ninh Tổng thống (FSO), SVR (Tình báo đối ngoại), cơ quan tình báo đối nội FSB sẽ được hợp nhất về chung một cơ quan mới. Bộ Tình trạng khẩn cấp hiện nay sẽ bị giải tán, các chức năng, nhiệm vụ của bộ này sẽ được phân bổ cho các Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ. FSO sẽ tiếp tục duy trì các chức năng như hiện tại và bao gồm thêm các chức năng kiểm soát vận tải và truyền thông.

Theo Kommersant, bên cạnh những thay đổi về cơ cấu là sự tăng cường về chức năng, nhiệm vụ cho MGB. Chẳng hạn, nhân sự MGB không chỉ đảm trách việc điều tra tội phạm theo yêu cầu của các cơ quan chuyên môn về chống ma túy và nhập cư bất hợp pháp như TFR và MIA, mà còn thực hiện chức năng giám sát đối với hoạt động của các cơ quan này.

Để thực hiện các chức năng mới này, MGB sẽ bổ sung chức năng bảo đảm an ninh cho tất cả các đơn vị trực thuộc. Cơ quan điều tra của MGB sẽ có chức năng như một cục điều tra trung ương, sẽ đóng vai trò chủ yếu trong quy trình tố tụng trong các vụ án hình sự được quy định trong Luật Tố tụng hình sự áp dụng cho TFR và MIA.

Tổng Bí thư Yuri Andropov từng là vị Chủ tịch thứ 4 của KGB.

Với việc tái lập KGB, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tiến thêm một bước khôi phục lại các tổ chức, định chế vang bóng một thời của Liên Xô trước đây. Thời Liên Xô, cái tên MGB đã từng tồn tại trong một giai đoạn sau Chiến tranh thế giới lần thứ II, và đó là tiền thân của KGB. MGB ra đời vào năm 1946 trên cơ sở kế thừa các chức năng, nhiệm vụ của một cơ quan tiền thân khác là Ủy ban An ninh nhân dân (NKVD), một cơ quan tình báo tồn tại trong thời Chiến tranh thế giới lần thứ II.

Trước NKVD, Ủy ban Đặc biệt toàn Nga (Vcheka, hay Cheka) ra đời vào năm 1918, ngay sau Cách mạng Tháng 10. Cheka là cơ quan an ninh (mật vụ) nổi tiếng thời kỳ trước Chiến tranh thế giới lần II, cùng với Hồng quân đảm đương trọng trách bảo vệ cách mạng, bảo vệ nhà nước Nga non trẻ chống lại các thế lực thù trong, giặc ngoài. Ủy ban này giải thể vào năm 1934, được thay thế bởi NKVD, bổ sung thêm các chức năng, nhiệm vụ tình báo và phản gián trong thời kỳ chiến tranh.

MGB thực thi các nhiệm vụ tình báo, phản gián và bảo vệ nhà nước. Trong giai đoạn tồn tại từ năm 1946 đến 1953, MGB đã chứng tỏ là một cơ quan tình báo hiệu quả, nhưng hoạt động của cơ quan này còn mang tính chất như một cơ quan quân sự hơn là tình báo chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, MGB cũng hoạt động quá độc lập, được xem như một “nhà nước bên trong một nhà nước”, đôi khi vượt ngoài tầm kiểm soát của nhà nước Xôviết. Chính vì thế, năm 1953, MGB bị giải thể, và 1 năm sau, 1954, KGB được thành lập nhằm đáp ứng yêu cầu về an ninh, tình báo trong thời kỳ Chiến tranh lạnh bắt đầu “tăng nhiệt”.

KGB có tất cả các chức năng của một cơ quan an ninh thực thụ, bao gồm tình báo, phản gián, chống bạo động, bảo vệ chính quyền, bảo vệ nhà nước. Kể từ đó, cái tên KGB luôn đi liền với những sự kiện an ninh nổi bật, luôn khiến cho phương Tây khiếp sợ. Những vụ việc gián điệp nổi tiếng thời đó cho đến nay vẫn còn được nhắc đến trong làng tình báo thế giới, như nhóm gián điệp Cambridge với điệp viên Anh nổi tiếng Kim Philby làm việc cho cả NKVD và KGB, rồi Aldrich Ames của Mỹ. Kể cả sau này, khi KGB không còn nữa, thay thế bởi FSB và SVR, các hoạt động tình báo của các cơ quan này vẫn luôn duy trì phong cách như thời KGB.

KGB bị giải thể cùng với sự kiện Liên Xô tan rã năm 1991. Giám đốc KGB khi đó, tướng Vladimir Kryuchkov bị bắt vì tham gia cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Mikhail Gorbachev. Chức năng của các ban trong KGB sau đó được phân bổ cho các cơ quan mới thành lập, trong đó có Cục Tình báo đối ngoại (SVR) và Cơ quan An ninh nhà nước (FSB) phụ trách các chức năng an ninh đối nội, chống khủng bố và phản gián.

Bên cạnh hai cơ quan này là một loạt các cơ quan chức năng khác như Cục Thông tin và Truyền thông Chính phủ liên bang (FAPSI), FSO và các cơ quan khác phụ trách các chức năng tình báo tín hiệu, biên phòng, bảo vệ chính trị. Sau 25 năm tồn tại các cơ quan riêng rẽ, ngành an ninh Nga đang hướng tới một sự tái hợp nhất, khôi phục lại mô hình hoạt động của KGB.

KGB trước đây là một cơ quan an ninh đồ sộ, hoạt động độc lập, bao gồm 9 ban bao phủ toàn bộ các chức năng nhiệm vụ về bảo vệ an ninh, kể cả chức năng của cảnh sát. Sau khi KGB tan rã, các chức năng của từng ban đã được phân bổ cho từng cơ quan riêng rẽ, khi hợp nhất lại, các cơ quan này vẫn sẽ duy trì các chức năng như hiện nay.

Tòa nhà Lubyanka, trụ sở của KGB.

Theo các chuyên gia Nga, việc khôi phục cơ quan tình báo KGB có thể sẽ diễn ra kéo dài về thời gian. Nhân sự là một trong những trở ngại lớn nhất của việc thực hiện kế hoạch. Sau 25 năm hoạt động riêng rẽ, thế hệ các sĩ quan tình báo Nga hậu Xôviết đã trưởng thành, quen với lối làm việc riêng rẽ; các hệ thống hành chính, cơ cấu, quy mô tổ chức của các cơ quan cũng phát triển một cách độc lập. Vì thế khi hợp nhất lại, các cơ quan này sẽ gặp một số khó khăn về mặt tổ chức, một số chức năng sẽ thay đổi, cơ cấu nhân sự cũng thay đổi.

Tuy nhiên, những vấn đề trở ngại đó có vẻ không quá nghiêm trọng như lo lắng của giới chuyên gia. Bởi việc hợp nhất các đơn vị tình báo riêng rẽ hiện nay không gây xáo trộn nhiều về nhân sự cũng như chức năng hoạt động. Các đơn vị sẽ trở lại chức năng như các ban của KGB trước đây. Hầu hết các sĩ quan lãnh đạo KGB trước đây hiện nay nắm giữ các vị trí lãnh đạo trong hệ thống chính quyền và sẵn sàng quay trở lại nếu được yêu cầu.

Theo dự kiến, kế hoạch khôi phục KGB sẽ bắt đầu được xúc tiến kể từ tháng 1-2017, với việc khôi phục lại đơn vị điều tra của Văn phòng Công tố nhằm mở rộng quyền hạn điều tra trong các vụ án kinh tế lớn. Việc phân bổ chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tình trạng khẩn cấp cho các Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng cũng bắt đầu đuợc tiến hành.

Trong tình hình thế giới mới hiện nay, học thuyết an ninh mới của Nga đã xác định nhiều mối đe dọa mới đối với an ninh quốc gia Nga, trong đó nổi bật là an ninh trên mạng Internet. Nhiều yêu cầu mới cũng từ đó phát sinh, đòi hỏi các cơ quan an ninh, tình báo phải hiện đại hóa, hoạt động tích cực hơn, bổ sung thêm các chức năng mới để hoạt động hiệu quả hơn nữa.

Trước đòi hỏi đó, MGB mới chắc chắn sẽ là một tập hợp các cơ quan tình báo hiện đại, phát triển vượt bậc so với MGB và KGB trước đây. Chỉ có điều, đối với phương Tây, cái tên MGB hay KGB ít nhiều gợi lại dấu ấn tình báo thời Xôviết, vốn đã mang đến cho họ những nỗi ám ảnh không nguôi.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.
.