Marie Curie từng vướng vào bê bối tình ái

Thứ Bảy, 08/10/2016, 08:35
Marie Curie là nhà bác học lỗi lạc, điều này ai cũng biết. Nhưng ít người biết rằng, bà từng là nguyên nhân của 2 cuộc thách đấu tay đôi của 4 người đàn ông khi sự việc bà quan hệ với một người đàn ông có vợ sau khi chồng chết bị vỡ lở.

Người đàn ông có vợ

Maria Curie và chồng là nhà bác học Pierre không còn lạ lẫm gì với báo chí. Năm 1903, hai vợ chồng họ giành giải Nobel Vật lý nhờ nghiên cứu chung về hiện tượng phóng xạ do giáo sư Henri Becquerel phát hiện ra. Mối quan hệ vợ chồng hạnh phúc và họ tương xứng với nhau về mặt trí tuệ. Họ ăn mừng giải Nobel chung và tiếp tục công việc nghiên cứu. Tuy nhiên, sau vài năm, bi kịch ập đến.

Năm 1906, người chồng yêu dấu của Curie đã chết trong một tai nạn. Chiều ngày 19/4, ông Pierre đang băng qua đường trong cơn mưa lớn thì bị một cỗ xe ngựa chở 6 tấn đồng phục quân đội lao vào. Ông chết ngay tại chỗ. Mặc dù rất đau lòng nhưng Curie đã từ chối khoản trợ cấp mà Chính phủ Pháp đề nghị, nói rằng bà có thể tự nuôi bản thân và con cái. Bà đã sớm đi làm trở lại sau khi chồng chết, thậm chí còn đảm nhận luôn vị trí hàn lâm của chồng.

Bà Curie từng viết: “Bị nghiền nát bởi tai họa này, tôi cảm thấy không thể đối mặt với tương lai. Tuy nhiên, tôi không thể quên chồng tôi thỉnh thoảng từng nói rằng ngay cả khi không có anh ấy, tôi cũng nên tiếp tục công việc”.

Vợ chồng Curie và con gái Irene.

Cuối cùng, bà Curie cũng có thể sống tiếp. Khi trở thành góa phụ, bà mới 38 tuổi. Chẳng bao lâu sau, bà đã để mắt tới một nhà khoa học tên là Paul Langevin kém bà 5 tuổi, học trò cũ của chồng. Một người đàn ông sáng láng, yêu khoa học y như ông Pierre, người đàn ông này sẽ có thể lấp đầy khoảng trống mà chồng Curie để lại. Ngoài ra, Paul còn đẹp trai và có ria mép rất nam tính. Điều duy nhất về Langevin khiến Curie không thích là Langevin đã có vợ.

Dù vậy, Curie và Langevin đã âm thầm bắt đầu một mối quan hệ yêu đương ướt át. Langevin không xa lạ gì với quan hệ ngoài hôn nhân. Cuộc hôn nhân của người đàn ông này không hạnh phúc. Ông từng bị vợ đập chai vào đầu. Dù biết chồng lăng nhăng với những phụ nữ khác trước đó, nhưng chính quan hệ của Langevin với Curie đã khiến vợ Langevin giận dữ.

Khi phát hiện ra chồng và tình nhân thuê một căn hộ riêng ở Sorbonne để gặp gỡ riêng tư, vợ Langevin đã thuê người đột nhập vào căn hộ. Tên trộm lấy đi một số thư từ tình cảm và đưa cho vợ Langevin. Cô này dọa vạch trần quan hệ của hai người cho báo chí nếu họ không chấm dứt.

3 ngày trước khi Marie Curie giành giải Nobel thứ hai, vợ của Langevin đã tung các bức thư cho báo chí, tuyên bố rằng cô ta muốn tiền và quyền nuôi con. Báo chí như phát điên với vụ việc. Họ tô vẽ Curie thành một người đàn bà quyến rũ đàn ông, lừa một người ra khỏi gia đình với vợ đẹp con ngoan. Báo chí làm vụ bê bối này rất dễ dàng khi mà thời điểm đó phụ nữ chịu đựng nhiều thứ định kiến. Curie lại là một người nước ngoài, quê ở Ba Lan.

Trong khi bà Curie nghĩ tới chuyện kết hôn, từng viết thư cho người tình giục ông này ly dị vợ và lấy mình nhưng Langevin rõ ràng không từ bỏ cuộc hôn nhân. Vợ ông ta mang thai đứa con thứ tư trước khi ông ta dấn thân vào mối quan hệ với bà Curie. Báo chí bắt đầu đồn thổi rằng quan hệ của Curie và Langevin đã nhen nhóm từ khi ông Pierre vẫn còn sống.

Marie Curie và chồng Pierre.

Những cáo buộc này không đúng nhưng đã làm ảnh hưởng đến tên tuổi của Curie, tới mức Ủy ban Nobel đã đề nghị bà ở lại Pháp thay vì tới Thụy Điển để nhận giải thưởng. Họ cho rằng chẳng hay ho gì khi một người ngoại tình gặp Vua Thụy Điển.

Trái lại, nhà bác học Albert Einstein lại bảo vệ Curie, nói rằng bà nên tới Thụy Điển bất chấp các cáo buộc. Ông nói: “Tôi tin rằng chị cần tiếp tục coi thường những chuyện bỏ đi này. Nếu lũ người thấp hèn này tiếp tục làm chị phiền lòng, chị hãy đơn giản là ngừng đọc mấy chuyện ngớ ngẩn đó nữa. Hãy để nó cho lũ ác hiểm”.

Hai cuộc đấu tay đôi

Trong khi đó, không chỉ có một, mà có hai trận đấu tay đôi quanh vụ việc của Marie Curie. Một là trận đấu kiếm giữa hai biên tập viên của hai tờ báo đối địch: M. Chervet của tờ Gil Blas và Leon Daudet của tờ Laction Francaise. Cuộc đấu kiếm tay đôi đã khiến Daudet bị thương và sau đó hai người giảng hòa.

Một cuộc đấu tay đôi nữa diễn ra, giữa Paul Langevin và Gustave Tery - một nhà báo phanh phui vụ việc và gọi Langevin là “kẻ thô lỗ, hèn nhát”. Lavengin không chấp nhận bị xúc phạm và đã thách đấu súng tay đôi. Hai bên đã chuẩn bị kỹ càng cho vụ đấu súng nhưng lại không có điều gì xảy ra. Tery từ chối bắn Lavengin vì không muốn tước bỏ của nước Pháp một trong những bộ óc vĩ đại nhất. Langevin thì tuyên bố không phải là kẻ sát nhân và cũng hạ súng.

Dư luận rồi cũng quên vụ việc. Langevin và vợ có thể hàn gắn bất hòa ngoài tòa án và về sau làm lành. Dẫu vậy, Langevin tiếp tục tằng tịu với cô thư ký để rồi có một đứa con ngoài giá thú. Mặc dù bà Curie và Langevin không bao giờ quay lại với nhau nhưng đó chưa phải là dấu chấm hết. Cháu gái của bà Curie là Helene Joliot-Curie đã kết hôn với cháu trai Michel của Langevin.

Marie Curie là người phụ nữ duy nhất giành hai giải Nobel.

Về phần Maria Curie, bà vẫn tới Thụy Điển bất chấp lời khuyên của Ủy ban Nobel và nhận giải Nobel thứ hai. Bà nói: “Giải thưởng được trao cho việc phát hiện ra radi và poloni. Tôi cho rằng không có liên hệ giữa công việc khoa học của tôi và cuộc sống riêng tư. Tôi không thể chấp nhận rằng sự đánh giá giá trị công việc khoa học lại bị ảnh hưởng bởi những lời phỉ báng và xúc phạm liên quan tới đời tư”.

Sau khi nhận giải Nobel, bà đã ngồi ăn bữa tối với Vua Thụy Điển. Mọi chuyện diễn ra suôn sẻ. Tới nay, bà là người phụ nữ duy nhất giành giải Nobel hai lần. Các thành viên trong gia đình Curie đã ẵm tới 5 giải Nobel, gồm hai giải của bà, một giải của chồng, một giải Nobel Hóa học năm 1935 của con gái Irene Joliot-Curie giành được cùng chồng và một giải Nobel Hòa bình của con gái thứ hai giành được năm 1965

Không may, Marie Curie đã phải trả giá cho thành tựu bằng mạng sống của mình. Năm 1934, bà đã mắc bệnh bạch cầu sau khi trải qua một thời gian dài phơi nhiễm phóng xạ ion hóa. Ngày nay, công việc mà bà từng làm vẫn khiến người ta bị phơi nhiễm quá nhiều phóng xạ nếu không có bảo hộ đầy đủ.

Nhật Minh
.
.
.