Kia
Mobifone

Mạng lưới tình báo Liên Xô từ năm 1920 - 1945

Thứ Bảy, 02/06/2007, 14:30
Từ những năm 20 của thế kỷ XX, nhiều điệp viên người Nga hoặc người nước ngoài, đã được “đánh” vào Mỹ. Họ xâm nhập vào bộ máy hành chính của chính phủ Liên bang cũng như các ngành khoa học kỹ thuật.

Cầu nối giữa mạng lưới điệp viên tại Mỹ và Moskva là điệp viên Boris Bazarov và sau này NKVD (Cục An ninh Quốc gia) còn cử thêm Iskhak Akhmerov đến trợ lực cho Boris. Họ đã hoạt động liên tục đến tận năm 1939. Trong thời gian chiến tranh, rất nhiều người Mỹ có cảm tình và muốn giúp đỡ nhân dân Liên Xô đánh bại bọn phát xít. Đích thân Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Mỹ (CPUSA) Earl Browder đã đứng ra tuyển mộ điệp viên thay các cơ quan tình báo Xôviết.

Đối tượng là những đảng viên Đảng Cộng sản, các nhà khoa học Mỹ có cảm tình với Liên Xô, những người cánh tả... Mạng lưới điệp viên của Liên Xô tại Mỹ có tới 34 người là những quan chức bậc trung làm việc trong các cơ quan chính phủ. Họ là nguồn cung cấp tin tức, giúp đỡ những điệp viên khác thâm nhập vào bộ máy chính quyền, gây tác động đến những chính sách của Mỹ theo chiều hướng có lợi cho Liên Xô.

Lãnh đạo mạng lưới điệp viên ở Mỹ là Jacob Golos (1890-1943). ông sinh ở Ukraina, là một “cựu nhân viên Treka” (Cơ quan An ninh Liên Xô hoạt động trong những năm đầu cách mạng) và lúc đó là điệp viên của NKVD. Golos đã trở thành công dân Mỹ từ năm 1915 và là một trong những nhân vật quan trọng nhất của mạng lưới tình báo Xôviết tại Hoa Kỳ.

Ông đã tiếp nhận đội ngũ điệp viên và nguồn cung cấp tin từ Earl Browder, chỉ huy họ và chuyển tin tức về Moskva thông qua Boris Bazarov và Iskhak Akhmerov.

Để tạo thuận lợi cho công việc, Golos kinh doanh ngành du lịch. Ông lập ra một hãng du lịch có tên World Tourist để lo việc đi lại cho các điệp viên, làm hộ chiếu giả, xác minh lý lịch của người sắp được tuyển mộ... Chính Tổng Bí thư Earl Browder đã dùng hộ chiếu của hãng để bí mật sang Liên Xô năm 1936.

Bí mật các loại vũ khí mới

Kế hoạch sản xuất xe tăng sử dụng loại nhíp mới có tính đột phá về mặt kỹ thuật do J.Walter Christine phát minh đã bị chuyển về Liên Xô và đưa vào sản xuất dưới mác BT. Sau đó các nhà khoa học Xôviết đã phát triển nó thành loại xe tăng nổi tiếng T34.

Trong chiến tranh, những điệp viên Xôviết đã lấy được những báo cáo bí mật về tiến bộ trong việc chế tạo đầu đạn pháo được định vị bằng sóng vô tuyến do Tập đoàn Emerson Radio đang thực hiện. Sau này, một thiết kế tương tự đã được ứng dụng vào loại tên lửa chống máy bay của Liên Xô. Hàng nghìn trang tài liệu của Hội đồng Tư vấn Quốc gia về Hàng không (NACA) đã bị sao chép và đánh cắp, trong đó có cả bản vẽ thiết kế và chế tạo loại máy bay chiến đấu mới P-80 của Hãng Lockheed.

Chiến công của mạng lưới điệp viên Silvermaster

Khoảng gần một tá điệp viên Xôviết đã xâm nhập thành công vào Bộ Tài chính Mỹ. Chỉ huy của họ là Nathan Gegory Silvermaster, một người Mỹ sinh ra ở Nga có bằng Tiến sĩ của Đại học California.

Cuối tháng 5/1941, Vitaly Pavlov, một sĩ quan 25 tuổi của NKVD, đã tiếp cận được với Harry Dexter White, một nhà kinh tế học hàng đầu có cảm tình với Đảng Cộng sản và là nhân vật có ảnh hưởng lớn thứ hai trong Bộ. Khi các cơ quan an ninh của Mỹ nghi ngờ Greg Silvermaster, White đã tìm cách chuyển ông đến một vị trí “nhạy cảm” tại Ban Kinh tế thời chiến để bảo vệ điệp viên này.

Rất nhiều thông tin mà nhóm Silvermaster thu thập được đã được dùng trong cuộc chiến tranh chống phát xít Đức, bao gồm những đánh giá về tiềm lực quân sự của Đức, số liệu về ngành sản xuất đạn dược của Mỹ rồi lịch trình mở mặt trận thứ hai của Đồng minh ở châu Âu.

Bí mật bom nguyên tử

Mùa thu năm 1942, một chi bộ gồm những kỹ sư là đảng viên Đảng Cộng sản Mỹ tìm đến Jacos Golos. Người liên lạc giữa nhóm này và Golos là Julius Rosenberg (nhà khoa học sau này bị kết án tử hình). Những kỹ sư này đã tìm cách thâm nhập vào Dự án Manhattan nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử, đánh cắp được kế hoạch và chi tiết kỹ thuật của loại bom này. Tin tức do họ chuyển về Moskva đã đóng vai trò quan trọng trong quyết định của Stalin cho phong tỏa Berlin từ năm 1948 đến 1949.

Sự đổ vỡ của mạng lưới tình báo Liên Xô tại Mỹ bắt đầu từ cái chết đột ngột do đau tim của Jacos Golos vào tháng 11/1943.

Người tình của ông là Magarethe Bentley, một người Mỹ, đã tiếp tục điều hành mạng lưới tình báo này. Đến năm 1945, do mâu thuẫn với người liên lạc phía Moskva và một vài lý do khác, bà ta đã ra đầu thú trước Cơ quan FBI. Sếp của FBI thời bấy giờ là Jonh Edgar Hoover đã giữ kín chyện này, định cất một mẻ lưới lớn. May mắn là ông ta lại thông báo về Bentley cho William Stephenson, Giám đốc Cơ quan Tình báo Anh.

Nhờ đó, tin này đã đến tai Kim Philby, điệp viên nổi tiếng của Liên bang Xôviết làm việc ở Cơ quan MI-6 của Anh. Người Nga đã tạm ngưng các hoạt động của mạng lưới tình báo kịp thời để bảo vệ các điệp viên. Ngoài vợ chồng Julius Rosenberg bị kết án, những người khác trong tổ chức cũng bị gọi đến thẩm vấn nhưng không đủ bằng chứng để kết tội

Vũ Thương Huyền (Tổng hợp)

.
.