Kênh Pharaon - Điều bí ẩn chưa thể giải đáp

Thứ Sáu, 26/06/2009, 19:30
Nhà nghiên cứu Đức đã phát hiện một đường hầm dài nhất của thời cổ xưa trong vùng núi Jordani . Hàng triệu tấn nước sạch đã chảy theo đường ống bằng đá đến những thành phố sang trọng ở vùng tiền phương Đông do người La Mã chiếm giữ. Công trình trông qua rất thô sơ, nhưng lại là một điều bí ẩn thực sự mà đến nay khoa học vẫn chưa thể giải đáp.

Vào thời cổ xưa, vùng Palestine khô hạn mà người La Mã chinh phục được không có đủ nước. Nhưng các nhà thiết kế thông minh đã tạo ra các cầu máng và giải quyết được vấn đề này. Ở tỉnh Siria của La Mã trước đây (hiện là Jordani), họ đã xây dựng hệ thống các kênh ngầm, có chiều dài 106km. Gần đây các nhà khoa học đã bắt tay vào việc nghiên cứu đường hầm, mà người dân địa phương đặt cho tên gọi là Qanat Firaun - "kênh của các Pharaon".

Những người xây dựng công trình lấy từ dưới đất lên hơn 600.000 mét khối đá, tương ứng với một phần tư thể tích kim tự tháp Cheop nổi tiếng. Nhờ công trình này, nước mạch thiên nhiên được dùng để cung cấp cho 10 thành phố  mà điểm cuối cùng là thành phố Gadara với 50 ngàn dân sinh sống.

Do không thể tạo ra tuyến đường trên mặt đất trong vùng toàn các hẻm núi chắn ngang đường, một phần của tuyến hoàn toàn đi ngầm dưới mặt đất, xuyên qua núi đá.

Vào thời đó người ta còn chưa biết đến địa bàn, vậy làm thế nào để định hướng khi đào đường hầm trong núi? Làm thế nào để thông gió trong đường hầm? Khi đi vài mét dưới mặt đất, công nhân đã bắt đầu thấy khó thở. Cả những người thời hiện đại khi nghiên cứu đường hầm cổ cũng phải đối mặt với vấn đề tương tự.

Theo ông Matias Dering - lãnh đạo dự án, đôi khi họ phải ngừng công việc vì tình trạng thiếu ôxy. Nếu tính chiều cao trung bình của đường hầm là 2.5m, còn chiều rộng 1,5m, chỉ có thể không quá 4 người đồng thời làm việc dưới mặt đất. Họ chỉ có thể đào không quá 10cm đá mỗi ngày. Với tốc độ như thế làm sao họ có thể đào kênh với độ dài như vậy?

Có vẻ ông Dering đã phát hiện được bí quyết của những người thợ thời cổ xưa. Nhiều dấu hiệu cho thấy các kỹ sư đã tạo thành đường trên mặt đất, sau đó đào sâu xuống 20 hay 200m vào đá. Không khí sạch luồn vào qua các lỗ này, do vậy vài trăm công nhân có thể làm việc đồng thời. Vào năm 129 khi Hoàng đế Adrian đến thăm công trình, công việc tiến triển rất mạnh.

Việc xây dựng hoàn thành sau 120 năm, nhưng có nhiều điều cho đến nay vẫn chưa thể giải đáp là người ta đã tiến hành việc đó như thế nào. Ví dụ, đến nay vẫn chưa thể giải đáp được làm thế nào người ta thả được thước đo thẳng đứng xuống đường hầm đào nghiêng.

Hoặc những nhà nghiên cứu thời hiện đại hình dung kém về thành tựu khoa học và kỹ thuật thời cổ đại, hoặc những người thợ cổ xưa có những bí quyết nào đó. Bằng cách nào những thiên tài thời La Mã đã biến vùng Cận Đông thành vườn Địa đàng?

H.T. (theo Pravda.ru - Nga)
.
.
.