Hugo Boss và lao động cưỡng bức của Đức Quốc xã

Thứ Năm, 02/05/2019, 11:45
Trong nhiều năm, đã có những tin đồn xung quanh mối liên hệ giữa người sáng lập Công ty Hugo Boss và Đảng Quốc xã. Hugo Boss chào đời vào năm 1885 tại thị trấn nhỏ Metzingen nước Đức cách Stuttgart khoảng 20 dặm về phía nam.

Hugo Boss phục vụ quân đội trong Chiến tranh Thế giới lần 1 và năm 1924, ông bắt đầu xây dựng một nhà máy nhỏ của riêng mình với hai đối tác. Doanh nghiệp non trẻ sản xuất một số dòng quần áo bao gồm trang phục công sở, áo sơ mi, áo mưa và đồ thể thao.

Đối diện với quá khứ đen tối

Một trong những khách hàng của công ty là Rudolf Sinh, người yêu cầu Boss sản xuất áo nâu cho tổ chức chính trị mới được gọi là Đảng Xã hội Quốc gia, sau này trở thành Đảng Quốc xã. Boss cũng làm đồng phục cho các tổ chức khác như dịch vụ bưu chính và cảnh sát. Vào cuối những năm 1920 và đầu những năm 1930, các nền kinh tế thế giới và Đức đang gặp khó khăn và Boss, giống như mọi doanh nhân khác, nỗ lực hết mình để tồn tại.

Bộ sưu tập năm 1934 của Hugo Boss.

Công việc kinh doanh ban đầu của Boss bị xáo trộn, và tất cả những gì Boss gìn giữ được là 6 máy may được sử dụng để bắt đầu doanh nghiệp. Ngày 1-4-1931, Boss trở thành thành viên Đảng Quốc xã. Dường như lý do gia nhập Đảng của Boss là để thu hút các hợp đồng của chính phủ vốn được hoan nghênh trong thời điểm hoạt động kinh tế yếu kém đồng thời ông tin rằng Hitler có thể giúp nước Đức thoát khỏi tình trạng trì trệ kinh tế.

Có lẽ, lúc đó Boss không phải là người ủng hộ đảng điên cuồng mà chỉ đơn thuần là doanh nhân thực tế cần công việc có thể có được trong thời điểm khó khăn. Công ty quần áo nhỏ phát triển mạnh mẽ với các hợp đồng của chính phủ và đến năm 1933, Boss sản xuất đồng phục cho binh lính SS, đoàn thanh niên Hitler và áo sơ mi màu nâu được mặc bởi cánh bán quân sự của Đảng Quốc xã.

Ngay trước Chiến tranh Thế chiến lần 2, khi Hitler đang tăng cường quân đội Đức, các hợp đồng được trao cho Boss tăng vọt; và vào năm 1940, công ty đạt doanh thu hơn một triệu Reichsmark (đơn vị tiền tệ Đức trong các năm 1923-1948) so với chỉ 200.000 năm 1936. Hugo Boss thuê khoảng 250 công nhân, nhưng khi Chiến tranh Thế giới lần 2 bùng nổ, ông đã mất nhiều công nhân cho quân đội và thấy rằng gần như không thể thuê nhân viên mới.

Trong khi đó, việc cung cấp đồng phục là rất cần thiết cho Wehrmacht (quân đội Đức Quốc xã) và thế là Boss được cung cấp 140 lao động cưỡng bức đến từ các quốc gia bị chiếm đóng và đến cuối năm 1940 được cấp thêm 40 lao động từ Pháp. Những lao động này không phải là tù nhân chiến tranh và không đến từ một trại tập trung, nhưng điều kiện mà họ sống là khủng khiếp.

Jan Kondak, một người lao động Ba Lan, làm việc với Boss từ năm 1942 đến năm 1945 nói rằng điều kiện sống trong trại lao động rất khủng khiếp; với chấy và bọ chét là vấn đề phổ biến. Kondak nói thêm rằng thực phẩm là tầm thường và khi các cuộc không kích xuất hiện, những người lao động không được phép vào nhà chờ không kích mà bắt buộc phải ở lại trong nhà máy.

Một lao động cưỡng bức khác tên là Elzbieta Kubala-Bem bị buộc rời khỏi quê hương Ba Lan vào tháng 4-1940 cho biết không có điều kiện đặc biệt cho phụ nữ và trẻ em cũng như không có quyền lợi trong các cơ sở y tế.

Tháng 10-1941, một nữ lao động Ba Lan khác tên là Josefa Gisterek được gửi đến làm việc cho Boss. Đến tháng 12, Gisterek cố trốn trở về Ba Lan nhưng đã bị Gestapo bắt giữ và bị đánh đập nặng nề ở Auschwitz và Buchenwald. Boss sử dụng mối quen biết cá nhân để đưa Gisterek trở lại Metzingen, nhưng cuối cùng đã tự tử vào tháng 7-1943. Boss đã thực hiện một bước chưa từng có là trả tiền cho đám tang Gisterek và cho gia đình đến Đức để dự tang lễ.

Hugo Boss không đối xử hà khắc với những người lao động cưỡng bức của mình như nhiều chủ nhà máy khác, nhưng một thực tế không thể phủ nhận là nhà máy của ông đã sử dụng lao động cưỡng bức từ các quốc gia bị chiếm đóng.

Sau chiến tranh, Boss bị xét xử do là người ủng hộ tích cực của Đảng Quốc xã và bị tước quyền điều hành doanh nghiệp hoặc bỏ phiếu và bị phạt 100.000 mark Đức. Boss đã kháng án thành công và được phân loại chỉ là “người đi theo” Đảng Quốc xã.

Sau chiến tranh, Hugo Boss chuyển sang sản xuất những trang phục dẫn đến việc công ty của ông trở thành ngôi sao thời trang như ngày nay. Hugo Boss mất năm 1948, nhưng vết bẩn của sự liên kết của ông với Đảng Quốc xã vẫn còn.

Lao động nữ bị buộc phải đeo phù hiệu “OST” (Ostarbeiter).

Năm 1999, công ty đã đồng ý đóng góp tài chính vào một quỹ được thiết kế để bù đắp cho lao động cưỡng bức của Đức Quốc xã trong chiến tranh. Sau khi chiến tranh kết thúc, Hugo thường ngụy biện rằng ông phục vụ cho Hitler chỉ để duy trì công ty chứ không vì bất kì tư tưởng chủ nghĩa xã hội quốc gia nào.

Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng, trên thực tế, Hugo là một người rất trung thành với Đế chế thứ ba. Trong cuốn sách “Hugo Boss 1924-1945”, tác giả Romna Koester – nhà lịch sử kinh tế Đại học Bundeswehr (Munich, Đức) nêu rõ: “Rõ ràng Hugo Boss ủng hộ Đức Quốc xã không chỉ vì điều này giúp ông có được các hợp đồng sản xuất đồng phục mà còn bởi vì ông là một người theo chủ nghĩa Xã hội Quốc gia”.

Đối phó với quá khứ là một vấn đề phức tạp đối với nhiều công ty trên toàn thế giới. Các công ty ở Đức kinh doanh trong thời kỳ phát xít đã phải chấp nhận một số vấn đề thách thức. Deutsche Bank của Đức đã tiến hành một cuộc điều tra vào năm 1999 về các hoạt động của ngân hàng trong Chiến tranh Thế giới lần 2 và rất kinh hoàng khi phát hiện ra rằng ngân hàng đã cho vay số tiền được sử dụng để xây dựng Trại tập trung Auschwitz.

Hãng ôtô BMW của Mỹ cũng thực hiện một cuộc điều tra tương tự và thừa nhận hàng ngàn lao động cưỡng bức làm việc tại các nhà máy của họ và họ hợp tác kinh doanh với chế độ Đức Quốc xã. Thật dễ dàng để thấy rằng các hoạt động được thực hiện trong quá khứ vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến ngày nay, và từ đó mà nhiều công ty đã phải đối mặt với thực tế nghiệt ngã này.

Sự thật về lực lượng lao động cưỡng bức “Ostarbeiter”

Khi Đức Quốc xã chiếm đóng Liên Xô vào đầu những năm 1940; chúng đã sử dụng hàng triệu người Ukraine, Belarus và Nga làm lao động cưỡng bức gọi là “Osterbeiter”. Yevgenia Mechtaeva được 22 tuổi khi Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của Liên Xô bắt đầu. Mechtaeve vừa mới cùng chồng, một người lính Hồng quân, chuyển đến Brest - thành phố nằm ngay trên ranh giới phân định Xô - Đức.

Brest là một trong những thành phố đầu tiên đối mặt với cuộc tấn công dữ dội của Đức vào ngày 22-6-1941. Chồng Mechtaeva bị giết chết khi người Đức chiếm đóng Brest. Cùng với nhiều phụ nữ và thanh thiếu niên khác, Mechtaeve bị chở đến Đức, nơi bà làm việc trong trại lao động một năm và sau đó may mắn được gửi đến một trang trại gia đình Đức. Ở đó, Mechtaeve bị buộc phải làm việc mà không được trả lương và đôi khi bị đánh đập cho đến khi Liên Xô giải phóng nước Đức.

Cho đến khi qua đời vào năm 2013, Mechtaeva hầu như không đề cập đến thời gian sống ở Đức. Câu chuyện của Yevgenia Mechtaeva không có gì độc đáo: theo các nhà sử học, khoảng 4,9 triệu dân thường Liên Xô bị buộc phải đưa sang Đức làm lao động nô lệ. Trong những năm 1941-1942, Đức Quốc xã rất cần lực lượng lao động do nền kinh tế gặp khó khăn khi hầu hết công nhân phải phục vụ cho Wehrmacht.

Giải pháp mà Đức quốc xã lựa chọn là cưỡng bức người dân từ các vùng bị chiếm đóng làm việc trong ngành công nghiệp và nông nghiệp Đức. Những người đến từ Liên Xô được gọi là “Ostarbeiter” - tức “những lao động đến từ phía đông” - và vị thế của họ trong hệ thống dân tộc Đức thuộc hàng thấp nhất nên thường bị đối xử vô nhân đạo.

Lúc đầu, Đức Quốc xã nói chuyện ngọt ngào, kêu gọi người dân địa phương ở vùng đất bị chiếm đóng làm việc cho Đức. Ví dụ lời kêu gọi phát đi vào tháng 1-1942:  “Đàn ông và phụ nữ người Ukraine! Nước Đức mang đến cho bạn cơ hội làm việc có ích và được trả lương cao, bạn sẽ được cung cấp mọi thứ bạn cần, bao gồm cả nhà ở tốt”.

Hugo Boss ngày nay.

Sau đó, Đức Quốc xã dùng đến vũ lực thay vì tuyên truyền. Hàng loạt người Ukraine, Belarus và người Nga – trong đó chủ yếu là trẻ em và thanh thiếu niên ở các làng và thị trấn – bị buộc lên tàu đến nước Đức.

Antonina Serdyukova, người bị bắt ở Ukraine, nhớ lại: “Bọn chúng nhồi nhét chúng tôi vào những chiếc xe ngựa, càng nhiều càng tốt, đến nỗi chúng tôi không thể cử động đôi chân của mình. Trong suốt 1 tháng, chúng tôi di chuyển theo kiểu đó. Còn với các Ostarbeiter thì họ buộc phải sống cách nhà hàng ngàn kilômet và số phận phó mặc vào may rủi. Các nhà máy luyện kim, mỏ và trang trại rất cần nhân công.

Còn Fedor Panchenko, một lao động cưỡng bức từ Ukraine, nhấn mạnh: “Khi chúng tôi đến, có một điểm trung chuyển. Tôi gọi đó là một thị trường nô lệ. Trong một giờ, toàn bộ số người lao động bị bán cho các chủ thuê lao động khác nhau”.

Những người làm việc tại các nhà máy luyện kim phải đối mặt với số phận đặc biệt khắc nghiệt: ngủ ít, lao động vất vả và cuộc sống đói khát. Antonina Serdyukova mô tả cuộc sống của mình tại một nhà máy gần thành phố Dresden nước Đức: “Chúng tôi chỉ được ăn 1 lần trong ngày với một bát súp, cà rốt và củ cải rutabaga”.

Rutabaga (loại củ cải Thụy Điển) là ký ức chung cho tất cả những người sống trong cảnh giam cầm của Đức – đó loại củ rẻ tiền nhất, không hề được rửa, gốc và ngọn còn để nguyên mà ném cho người lao động ăn.

Trong điều kiện như vậy, bệnh sốt phát ban và sốt rét là phổ biến. Một số công nhân nhà máy được trả tiền nhưng chỉ là một ít để cho họ cơ hội để mua một tấm bưu thiếp hoặc một số quần áo trong cửa hàng trại lao động. Người lao động cần một số tiền gấp 3 lần như thế để mua cho mình một chiếc áo len, có thể được lấy từ một người Do Thái bị xử tử - Serdyukova giải thích.

Nhiều thanh niên dũng cảm, đặc biệt là các cậu bé, cố trốn thoát khỏi các trại lao động và Fedor Panchenko cũng vậy. Panchenko bỏ trốn hai lần, đi lang thang ở Đức và lẩn trốn trong một tháng, nhưng sau đó bị bắt lại, bị đánh đập nặng nề và gửi đến Auschwitz và sau đó là trại tập trung gần Magdeburg.

Panchenko kể: “Cuộc sống ở Đức hoàn toàn khủng khiếp đối với tất cả các tù nhân Liên Xô. Một số người trong chúng tôi làm việc cho chủ nhà. Nhưng có một sự thật mà tôi không dám nói dối với bạn – đó là chuyện một số người thậm chí cầu xin Chúa cho cuộc chiến kéo dài thêm… 4 năm nữa. Đối với những người lao động làm việc cho một gia đình, tất cả phụ thuộc vào người chủ. Mỗi quốc gia đều có những người tốt và những kẻ xấu xa”.

Một số người Đức đối xử rất tốt với những người giúp việc Liên Xô, thậm chí còn coi họ là thành viên gia đình. Trong khi những người chủ khác thì lạnh lùng và bạo lực - đó là sự may rủi.

Đến cuối thập niên 1980 và sau khi Liên Xô tan rã, số phận của lực lượng lao động cưỡng bức “Ostarbeiter” mới được công chúng chú ý. Tổ chức lịch sử và dân quyền MEMORIAL cùng với Quỹ Đức gọi là “Tưởng nhớ, Trách nhiệm và Tương lai” (EVZ) tạo ra một dự án web đặt tên “Phía khác của cuộc chiến”, nơi mà hàng chục cuộc phỏng vấn được thực hiện với những “Ostarbeiter” còn sống sót.  

Diên San (tổng hợp)
.
.
.