Giải mã Chiến dịch Kẹp giấy trong Thế chiến II

Thứ Ba, 30/10/2018, 20:47
Sau khi Đức đầu hàng, Mỹ dẫn đầu một chiến dịch tìm kiếm tại các vùng lãnh thổ Đức nhằm thu thập các nghiên cứu phát triển công nghệ, khoa học và quân sự có giá trị. Một số tổ chức như Tiểu ban mục tiêu tình báo hỗn hợp (CIOS) đã bắt đầu tịch thu các loại tài liệu và vật liệu có liên quan đến cuộc chiến, thẩm vấn các nhà khoa học tại những cơ sở nghiên cứu của Đức mà quân đồng minh chiếm được.

Trong số đó, người ta đã tìm ra một tài liệu cực kỳ quan trọng, được cất giấu tại một nhà vệ sinh ở Đại học Bonn: Danh sách Osenberg, một bản danh sách ghi lại tên những nhà khoa học và kỹ sư đã làm việc cho Đế chế thứ ba.

Trong cuốn sách “Operation Paperclip: The Secret Intelligence Program that brought Nazi scientists to America”, tác giả Annie Jacobsen bình luận: “Họ không hề biết Hitler đã tạo ra cả một kho chất độc thần kinh… Họ cũng không hề biết Hitler đã tìm cách nghiên cứu loại vũ khí sinh học nhằm phát tán bệnh dịch hạch. Chiến dịch Kẹp giấy ra đời khi Lầu Năm Góc nhận ra rằng họ cần phải sở hữu những vũ khí này”.

Một loại vũ khí bí mật do Đức Quốc xã phát triển. Ảnh: Izismile.

Chiến dịch bí mật được tiến hành với tên gọi ban đầu là Operation Overcast (Chiến dịch Sương mù) sau được đổi thành Operation Paperclip (Chiến dịch Kẹp giấy). Theo chương trình này, khoảng 1.600 nhà khoa học Đức trong Danh sách Osenberg cùng gia đình đã được đưa sang Mỹ để làm việc cho nước này trong Chiến tranh Lạnh.

Chiến dịch Kẹp giấy do Cơ quan Mục tiêu tình báo chung (JIOA), một đơn vị mới thành lập có mục tiêu thu thập nguồn lực tri thức Đức để giúp phát triển kho vũ khí hóa học, sinh học và tên lửa cho Mỹ, và để đảm bảo những thông tin mật đó không rơi vào tay Liên Xô, chủ trì.

Tổng thống Harry S. Truman phê chuẩn Chiến dịch Kẹp giấy kèm yêu cầu cấm JIOA tuyển thành viên của đảng Quốc xã hay những ai tích cực ủng hộ đảng này. Tuy nhiên, các quan chức JIOA và Văn phòng Dịch vụ Chiến lược (OSS – tiền thân của Cơ quan Tình báo Trung ương CIA) đã lờ đi chỉ thị này và tiêu hủy hoặc thanh tẩy mọi bằng chứng về tội ác chiến tranh nếu có trong hồ sơ của các nhà khoa học, vì cho rằng thông tin của họ có ý nghĩa sống còn với những công tác hậu chiến của Mỹ.

Một trong những nhà khoa học nổi tiếng nhất được tuyển chọn là Werner von Braun, Giám đốc kỹ thuật tại Trung tâm nghiên cứu quân sự Peenemünde, và là người có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển loại tên lửa nguy hiểm V-2 vốn đã tàn phá nước Anh trong thời chiến.

Von Braun và các nhà khoa học tên lửa khác đã được đưa đến Fort Bliss, Texas và Bãi thử Tên lửa White Sands, New Mexico với tư cách “chuyên viên Bộ Chiến tranh” để giúp Quân đội Mỹ thử nghiệm tên lửa. Von Braun sau đó đã trở thành Giám đốc Trung tâm Phi hành vũ trụ Marshall thuộc NASA và là người thiết kế chính của tên lửa đẩy Saturn V, loại tên lửa sau này đã giúp đưa hơn 20 phi hành gia Mỹ lên mặt trăng.

Hubertus Strughold, được mệnh danh là “cha đẻ của dược phẩm vũ trụ”, đã giúp Không quân Mỹ và NASA phát triển nhiều nguyên tắc chăm sóc y tế trong không gian và vẫn có tính ứng dụng tới tận ngày nay. Ông từng nhiều lần phủ nhận tội ác chiến tranh tuy nhiên ông bị cáo buộc liên quan tới vụ diệt chủng tại Dachau. Nhiều bằng chứng cho thấy những kiến thức sâu rộng của ông về việc duy trì và đảm bảo khả năng sống sót của con người trong không gian phần nào đã được tích lũy từ những thử nghiệm liên quan tới con người dưới thời phát xít.

Reinhard Gehlen, từng là người đứng đầu các chiến dịch tình báo của Đức Quốc xã, được quân đội Mỹ và sau đó là CIA thu nạp để triển khai 600 mật vụ từng làm việc cho Đức Quốc xã tại các khu vực ở Đức mà Xôviết kiểm soát.

Tiến sỹ Kurt Blome từng là Giám đốc phụ trách chương trình nghiên cứu ung thư của Hitler, nhưng thực tế ông là người chịu trách nhiệm về việc phát triển chiến tranh sinh học của Đức. Blome đã bị đưa ra xét xử tại Tòa án quốc tế về tội phạm chiến tranh Nuremberg vì đã thử nghiệm trên cơ thể người sống. Tuy nhiên, Blome sau đó được tha bổng do sự can thiệp của quân đội Mỹ. Mỹ muốn tận dụng những kiến thức của Blome về sinh học con người để tạo ra các chất độc thần kinh.

Arthur Rudolph tới Mỹ vào năm 1947 trong Chiến dịch Kẹp giấy. Năm 1961, ông cùng Werner von Braun làm việc tại NASA để thiết kế tên lửa Saturn V. Nhiều người cho rằng chính kiến thức uyên bác và kinh nghiệm của Rudolph đã góp phần làm nên sự thành công của dự án Apollo. Năm 1984, Bộ Tư pháp Mỹ kết án Rudolph vì có liên quan đến việc khiến hàng ngàn tù nhân phải làm việc tới kiệt sức và chết trong quá trình phát triển tên lửa V-2 thời Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Để tránh bị truy tố, Rudolph đã chấp nhận từ bỏ quyền công dân Mỹ và rời khỏi quốc gia này.

Chiến dịch Kẹp giấy được xem là một hồ sơ tuyệt mật vào thời điểm đó bởi xét cho cùng, những loại vũ khí mà các nhà khoa học có tên trong bản danh sách kể trên đã khiến rất nhiều người trên khắp châu Âu thiệt mạng, nếu chưa muốn nói đến những thiệt hại trên chiến trường hay các cuộc thảm sát tại các trại tập trung. Thậm chí trong suốt nhiều thập kỷ, các đặc vụ thuộc Văn phòng Bộ Tư pháp phụ trách điều tra đặc biệt, những người được giao nhiệm vụ truy đuổi các quan chức Đức Quốc xã hàng đầu đào tẩu sau chiến tranh, cũng không hề hay biết về kế hoạch này bởi cuộc tẩy trắng hoàn hảo của JIOA.

Mặc dù có nhiều người ủng hộ cho hoạt động mờ ám này và cho rằng cán cân quyền lực đã có thể dễ dàng nghiêng về phía Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh nếu Mỹ không đưa những nhà khoa học Đức Quốc xã này sang Mỹ, và thực tế là nhiều nhà khoa học trong Chiến dịch Kẹp giấy thực sự đã có công lớn trong việc thúc đẩy các chương trình khoa học như chương trình tàu vũ trụ Apollo, song cũng có nhiều người phản đối chiến dịch này vì vấn đề đạo đức khi những nhà khoa học này không phải chịu trách nhiệm vì những tội ác chiến tranh ghê tởm của họ.

Thái Hân (tổng hợp)
.
.
.