Chiến dịch Giraffe: Đánh cắp bí mật vũ khí của Liên Xô

Thứ Ba, 08/11/2005, 09:27

Ngay sau khi Moskva về việc rút toàn bộ quân đội khỏi CHDC Đức, Mỹ đã bí mật ký kết với Cơ quan Tình báo Tây Đức (BND) một thỏa thuận hợp tác vào ngày 7/5/1991: Một chiến dịch tình báo có mật danh "Giraffe" (Hươu cao cổ) đánh cắp các phương tiện và bí mật kỹ thuật quân sự của Liên Xô.

Ngay sau khi chiến dịch Giraffe được triển khai, căn nhà số 19/21 trên con phố nhỏ Forenveg (Berlin) bắt đầu tập trung những chủ nhân mới. Tòa nhà có biển đề ngoài mang tên “Cục đảm bảo kỹ thuật quân sự liên bang” này bắt đầu là nơi tập trung của các nhân viên tình báo hàng đầu của phương Tây với nòng cốt là các chuyên gia từ phòng Đông Đức của BND và phái đoàn quân sự Mỹ tại Berlin.

Các đại diện tình báo quân sự Mỹ (tại BND gọi là nhóm “Hortensis-2”) làm việc tại tầng ngầm và tầng thứ nhất của tòa nhà. Tầng hai và gác sát mái là nơi bố trí của 30 nhân viên BND. Một thời gian sau, tham gia vào âm mưu đánh cắp bí mật quân sự của quân đội Xôviết còn có thêm các đại diện của tình báo Pháp và Anh, được gọi tắt bằng cái tên như “Vike” và “Farn”.

Nhóm tình báo Tây Đức với mật danh “12 YA” tại tòa nhà này nằm dưới quyền chỉ huy của Trung úy Ernst Assinger. Còn tại trụ sở BND ở Pullach, tham gia điều hành hoạt động của nhóm “12 YA” còn có đại tá Karl Gigle (Chỉ huy Phòng Xôviết của BND) cùng hai viên chỉ huy khác từ Phòng Tác chiến là Volbert Schmidt và Felker Fertch.

Công việc của các cơ quan mật vụ phương Tây trong khuôn khổ chiến dịch Giraffe được phân công rất rõ ràng. Người Đức chịu trách nhiệm về mặt kỹ thuật và xử lý các tài liệu. Phía Mỹ đảm bảo biên dịch các thông tin nhận được và phân tích dữ liệu thông qua một đội ngũ hùng hậu các sĩ quan có trình độ tiếng Nga tốt.

Trụ sở của BND tại Pullach.

Ngoài ra, phương Tây còn huy động những ngân hàng dữ liệu trên máy tính lớn nhất tham gia phục vụ cho chiến dịch này. Về mặt tài chính, phía Mỹ đảm nhiệm việc trang trải cho phần lớn các chi phí. Còn nhóm “12 YA” chịu trách nhiệm chính về hoạt động tình báo trực tiếp, cụ thể là mua chuộc và tuyển mộ các binh lính và sĩ quan Xôviết xung quanh nơi họ đóng quân. Trong công việc này, phía tình báo đã nhận được thông tin chi tiết về việc rút quân của quân đội Xôviết, nhờ đó họ có thể biết chính xác về vị trí và thời điểm của các quân nhân mà họ đang “quan tâm”.

Với tình hình thuận lợi như trên, tình báo phương Tây đã thu được những “mẻ lưới lớn”, trong khi số tiền đầu tư lại không đáng kể. Cụ thể như họ đã có được hệ thống máy tính lắp trên khoang của loại máy bay tiêm kích MiG-29, hệ thống nhận dạng “địch - ta” trên trực thăng, các mẫu nhiên liệu hiện đại dùng trong quân sự, những mẫu đạn pháo binh và trang bị tên lửa đời mới nhất.

Các điệp viên của NATO còn thu được cả máy ngắm laser và máy đo độ xa lắp trên xe tăng, thiết bị nhìn ban đêm hay thậm chí danh sách các quân nhân trong đơn vị (kể cả địa chỉ và số điện thoại). Loại xe tăng T-80 (được coi là niềm tự hào của ngành chế tạo xe tăng Xôviết lúc bấy giờ) đã bị nhiều sĩ quan biến chất gỡ ra thành từng chi tiết nhỏ để bán cho tình báo Tây Đức, kể cả nguyên phần động cơ cũng như hệ thống dẫn hướng. Phương Tây còn thu được rất nhiều mã số bí mật, các sách mật mã cũng như nhiều kế hoạch chiến lược của Bộ Tổng tham mưu quân đội Xôviết.

Các chuyên gia của họ sau đó đã rất hào hứng nghiên cứu các mẫu trang bị thu được với mật danh 9K116 và 9M117 đang sử dụng các hệ thống dẫn hướng bằng laser hiện đại nhất. Mỹ cũng đặc biệt quan tâm đến các hệ thống tên lửa Xôviết với mật danh “Tochka-U” được bố trí tại Đông Đức, có khả năng chỉ sau một loạt đạn có thể tiêu diệt một nửa lãnh thổ nước Đức.

Không biết bằng cách nào, các phóng viên của tờ “Spiegel” đã có được trong tay một số tài liệu tuyệt mật, trong đó kể lại chi tiết các cơ quan mật vụ phương Tây đã tuyển mộ các sĩ quan Xôviết tại Đức. Tờ báo này khẳng định, một số quân nhân trong số này vẫn tại ngũ và vẫn đang hoạt động cho phương Tây.

Dù sao, Cơ quan Phản gián Nga sau đó cũng đã có một số nỗ lực nhằm ngăn chặn nguy cơ rò rỉ thông tin mật và trừng phạt những kẻ vì tiền đã bán rẻ bí mật quốc gia. Tháng 9/1995, Nga cho bắt giữ một sĩ quan của Lữ đoàn Thông tin số 40 đóng quân tại Samara. Tên gián điệp có mặt trong danh sách điệp viên của BND với cái tên “Nguồn tin V-77848” đã bị lộ là do trình độ nghiệp vụ kém của một số nhân viên BND.

Vụ việc đã khiến Giám đốc Conrad Porsner của BND khi đó đã phải từ chức. Nhưng đó không phải là vụ bê bối cuối cùng trong nội bộ BND. Viện Công tố Đức mới đây còn có được thông tin cho biết, 3 nhân viên BND từng làm việc với các nguồn tin từ quân đội Xôviết đã bán các thông tin và phương tiện kỹ thuật thu thập được cho Cơ quan Tình báo MI-6 của Anh. Trong vụ này còn có sự tham gia của Rosalin Sharp, Phó chỉ huy bộ phận tình báo MI-6 tại Berlin

Thái Quân (theo Bình luận quân sự độc lập)
.
.
.