“Chuột chũi” Liên Xô ở NATO

Thứ Hai, 22/04/2024, 12:06

Năm 1962, Tổng thống Pháp Charles de Gaull được thông báo một tin chấn động. Trong nhiều năm, một “chuột chũi” Liên Xô đã hoạt động trong Bộ Tổng tham mưu Pháp và sau đó tại trụ sở NATO ở Paris. Điệp viên KGB này có quyền truy cập vào các tài liệu tuyệt mật của khối và nội dung của chúng đã được Liên Xô biết từ lâu.

Người Pháp đã phải dày công tìm hiểu để phát hiện ra: điệp viên KGB chính là tùy viên viên báo chí NATO Georges Paques. Ông là cựu chiến binh kháng chiến, từng đảm nhiệm nhiều chức vụ và tỏ ra là một người cực kỳ đúng mực. Về nguyên tắc, Paques không làm việc trái với lợi ích của nước Pháp và hoàn toàn không nhận thù lao từ việc hợp tác.

Tại sao việc chống đối người Mỹ lại trở thành vấn đề danh dự đối với Paques? Sự kiện nào đã ảnh hưởng đến điệp viên người Pháp này và đã khiến ông làm việc cho tình báo Liên Xô? Ông ta đã tiết lộ những tài liệu bí mật nào của NATO cho Liên Xô và ông đã ngăn chặn Thế chiến 3 thế nào? Và điều thú vị nhất là tại sao “đặc vụ Kremlin” dày dạn kinh nghiệm này lại được ân xá ngay tại nước Pháp quê hương ông?

 “Chuột chũi” Liên Xô ở NATO  -0
Tổng thống Pháp Georges Pompidou.

Là người Pháp yêu nước

Georges Paques sinh năm 1914 tại thị trấn Chalon-sur-Saone yên tĩnh của nước Pháp, nằm gần biên giới Thụy Sĩ. Gia đình ông có điều kiện và đảm bảo cho con trai họ có nền học vấn tốt. Năm 1935 Georges đến Paris học tại trường Ecole Normale, nơi được coi là cơ sở giáo dục uy tín nhất của Pháp và có nhiều người tốt nghiệp đã trở thành bộ trưởng và chính trị gia cấp cao. Trong những năm sinh viên, Paques đã may mắn được làm bạn với tổng thống tương lai của nước Pháp Georges Pompidou, người sau này sẽ đóng một vai trò quan trọng trong cuộc đời ông.

Năm 1939 Paques tốt nghiệp xuất sắc trường học danh tiếng trên và trở thành chuyên gia về ngữ văn Italy. Cuộc sống yên bình bị xáo trộn bởi Thế chiến 2. Paques gia nhập quân đội Pháp nhưng không phải chiến đấu lâu, bởi chỉ trong vài ngày Đức Quốc xã đã đánh bại Pháp, thành lập nên chính phủ bù nhìn.

Phần lớn nước Pháp có bờ biển Đại Tây Dương đã bị Đức chiếm đóng, để lại “chính phủ Vichy” do Berlin kiểm soát ở phía Nam. Nguyên soái Petain từng là người hùng dân tộc đã phản bội, trở thành người đứng đầu chế độ bù nhìn. Và tướng De Gaull trước đó chưa được ai biết đến đã kêu gọi tất cả người Pháp trên thế giới kháng chiến.

Georges Paques đã dạy tiếng Italy một thời gian ngắn ở Nicce đang bị chiếm đóng. Là một người yêu nước nhiệt thành, năm 1941 ông noi gương De Gaull và tiếp tục đấu tranh cho Pháp từ nước ngoài. Ông cùng với vợ chuyển đến Maroc, vừa giảng dạy vừa thử sức ở lĩnh vực báo chí. Ban đầu, Georges coi việc quân Mỹ đổ bộ vào Bắc Phi năm 1942 là những người giải phóng, nhưng trên thực tế ông nhanh chóng nhận ra thái độ ngạo mạn, khinh thường của người Mỹ đối với người Pháp.

 “Chuột chũi” Liên Xô ở NATO  -0
Bức tường Berlin khi đang được xây dựng, năm 1961.

Hoạt động tình báo vì công lý

Sự ngạo mạn của quân Đồng minh trong mắt Georges có liên quan tới tin tức từ đất nước Liên Xô xa xôi. Nước Pháp vốn hứng chịu đòn tấn công của bộ máy quân sự phát xít, vào năm 1943 đã gây ra một số tổn thất nặng nề cho quân Đức. Georges thậm chí còn chán ghét đồng minh hơn bởi những câu chuyện của người Mỹ rằng cần phải ra tay với Liên Xô.

Georges đã nghĩ gì vào thời điểm đó? Trên các trang tiểu thuyết tự truyện “Sẽ không thể đoán trước ngày phán xét”, người Pháp này bày tỏ một cách rõ ràng những suy nghĩ của mình: “Người dân của họ khinh thường chúng ta vì chúng ta bại trận và nghèo khó. Và tôi càng căm ghét họ hơn sau khi nghe các tướng Mỹ tuyên bố với vẻ giễu cợt. “Sau quân Đức, chúng ta cần phải ra tay với người Nga”.

Những gì Paques chứng kiến ở Algeria đã đánh thức cảm tình của ông đối với nước Nga. Năm 1943, ông kết bạn với nhà ngoại giao - nhà tình báo Liên Xô Nicolai Mikhailovich Gorshkov. Mối quan hệ của họ phát triển thành tình bạn bền chặt, được thử thách qua nhiều năm. Và chính Gorshkov đã thuyết phục được con người chống cộng sản của “nước Pháp đang chiến đấu” giúp tình báo Liên Xô.

Paques có một điều kiện nghiêm ngặt mà ông đã duy trì trong suốt 20 năm hợp tác với Moscow. Ông khẳng định sẽ không giao cho Liên Xô một tài liệu nào liên quan đến lợi ích của nước Pháp. Moscow đã đồng ý với yêu cầu này. Paques trung thành với lương tâm, hơn thế ông làm việc miễn phí theo niềm tin của mình.

Ngày 26/8/1944, quân đội Pháp đã long trọng diễu hành trên các đường phố Paris giải phóng. Có mặt trong hàng ngũ trên lễ đài, đứng sau Tướng De Gaull là nhà hoạt động kháng chiến Georges Paques. Kể từ đó, ông luôn kề cận với giới cầm quyền cấp cao, đã trải qua một số chức vụ trong giới lãnh đạo các Bộ của Pháp.

Năng lực của Paques tăng lên đáng kể khi vào năm 1958 Bộ Tổng tham mưu Pháp bổ nhiệm ông làm đại diện cho một trong các cơ quan của NATO. Trụ sở chính của khối khi đó được đặt tại Paris và vô số các tài liệu về kế hoạch của khối quân sự này chảy vào khối. Vị thế của Paques càng được củng cố khi ông được bổ nhiệm làm phó giám đốc cơ quan báo chí của NATO. Đây là đỉnh cao trong hoạt động tình báo của ông.

Cuộc khủng hoảng ở Caribe năm 1962 được coi là thời điểm thế giới tiến gần đến bờ vực hủy diệt. Nhưng những sự kiện ở Berlin một năm trước đó cũng gay gắt không kém. Thế chiến 3 đã có thể bắt đầu vào mùa hè năm 1961 và nguyên nhân của nó dường như là vấn đề Berlin chưa được giải quyết. Như đã biết, sau ngày chiến thắng, Berlin được chia thành 4 khu vực bị chiếm đóng. Moscow đã chuyển giao khu vực Liên Xô cho CHDC Đức, và Khrushchev thể hiện quyết tâm sát nhập các khu vực phía Tây của Đông Đức. Người Mỹ thì không rút lui khỏi vị trí của mình và nếu có chuyện gì xảy ra, họ sẽ đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân ở châu Âu.

Georges Paques không chỉ được gọi là “Philby người Pháp” mà còn là người giúp ngăn chặn Thế chiến 3. Khi quân đội Liên Xô và Mỹ sẵn sàng bước vào trận chiến sát nách nhau tại Berlin, Paques đã bàn giao cho Liên Xô kế hoạch bí mật của NATO về việc bảo vệ Berlin và các tài liệu về việc sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân. Nguồn thông tin đáng tin cậy này từ trụ sở NATO đã thuyết phục Moscow đưa ra quyết định: thà chia cắt người dân Berlin bằng một bức tường còn hơn là để thế giới rơi vào vòng nguy hiểm.

Như vậy, bức tường Berlin xuất hiện ở Berlin sau vài ngày và đã dập tắt cuộc khủng hoảng. Nhờ có “Phibly người Pháp” mà Lubyanka đã biết được các kế hoạch phòng thủ chi tiết của NATO ở châu Âu và các mục tiêu của việc tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân vào Liên Xô.

Paques đã xác nhận thông tin về sự hiện diện của tên lửa và radar hạng nặng của Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ mà sau đó Liên Xô đã sử dụng trong quá trình cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba. Điều thú vị là Paques đã sao chép cả mớ giấy tờ bằng tay theo cách cổ điển hoặc mang chúng đến “phòng thí nghiệm ảnh trên bánh xe”. Người ta đã cố gắng dạy Georges cách chụp tài liệu bằng một chiếc máy ảnh điệp vụ tiện dụng, nhưng ông không thấy thoải mái với công nghệ đó. Có lẽ đây là nhược điểm duy nhất của siêu điệp viên này.

 “Chuột chũi” Liên Xô ở NATO  -0
Điệp viên Georges Paques.

Bị phản bội

Thường vẫn xảy ra trường hợp khi ngay cả các điệp viên hoàn hảo nhất cũng không tránh khỏi những kẻ phản bội. Vào năm 1961, kẻ đào tẩu Anatoly Golitsyn đã cung cấp cho CIA tất cả những gì hắn biết được: tên, tài liệu, các dấu hiệu đặc điểm, những cuộc trò chuyện nghe lén được từ các đồng nghiệp, những dòng chữ được nhìn thấy thoáng qua trong tài liệu. Toàn bộ mạng lưới KGB ở châu Âu đã phải hứng chịu sự phản bội của tên này.

Cơ quan phản gián của Pháp còn phải mất một thời gian dài vắt óc để cố gắng tìm ra “chuột chũi”. Việc khoanh vùng các đối tượng nghi vấn ngày càng thu hẹp và Golitsyn thậm chí còn chỉ đích danh Paques có thể là đặc vụ. Nhưng ngay cả những nhà điều tra giàu kinh nghiệm cũng không thể tin rằng một người Công giáo sùng đạo, người chủ mẫu mực của gia đình, một người kiên quyết chống cộng sản và giàu có là Georges Paques lại làm việc cho Moscow.

Tuy nhiên, các cơ quan tình báo phương Tây vẫn tận dụng sự phản bội của Golitsyn và đưa sự vụ đến tận cùng. Paques đã bị bắt vào ngày 12/8/1963. Trong các cuộc thẩm vấn, Georges tỏ ra lo lắng rõ rệt, mặc dù ông đã trả lời theo cách đã được hướng dẫn. Nhưng ngay khi viên chỉ huy đưa ra tài liệu bí mật mà Paques chuyển cho Moscow thì Georges đã tự thú nhận mọi chuyện.

 “Chuột chũi” Liên Xô ở NATO  -0
Sự đối đầu Nga - Mỹ trên đường phố Berlin, năm 1961.

Kết án

Vụ án của Paques đã gây chấn động khắp nước Pháp. Paques yêu cầu tòa án công khai các tài liệu được ông chuyển giao và khẳng định hành động của mình không phản bội lợi ích của Cộng hòa Pháp. Công tố viên đã đề nghị án tử hình đối với Georges Paques - tùy viên báo chí của NATO, công tố viên yêu cầu mức án chung thân, sau đó được đổi bằng án 20 năm tù.

Điều đáng kinh ngạc là, trong bối cảnh các điệp vụ đang lan rộng ở phương Tây, câu chuyện về Georges Paques lại nhận được sự ủng hộ bất thường của người dân Pháp. Vivian, vợ của Paques đã phát động một chiến dịch xã hội rộng rãi để ủng hộ chồng mình. Việc bà yêu cầu ân xá cho chồng đã được 120 sinh viên tốt nghiệp trường Ecole Normale, ngôi trường cũ danh tiếng của Paques ký tên.

Paques đã thụ án 6 năm và được ân xá (có điều kiện) vào năm 1970 bởi người bạn thời trẻ, là bạn học của ông Tổng thống Pháp Georges Pompidou. Ông Pompidou đã cứu Paques khỏi sự cô đơn suốt đời trong bốn bức tường của nhà tù ẩm ướt. Năm 1970, vị Tổng thống mới được bổ nhiệm đã ân xá cho người bạn cũ của mình.

Sau khi được trả tự do, Georges thậm chí còn quay trở lại công vụ. Ông đã đến Liên Xô, ông còn học tiếng Nga và bắt tay viết một cuốn sách-xưng tội. Trong cuốn sách có những dòng đáng chú ý: “Chính logic của các sự kiện đã đưa tôi và tất cả những người trung thực vào cùng phe với người Nga. Chỉ có họ mới có thể đứng lên chống lại, trước tiên là chủ nghĩa phát xít Đức và sau đó là chủ nghĩa đế quốc Mỹ”.

Georges Paques qua đời thanh thản vào năm 1993 trên giường bệnh và được chôn cất tại Paris. Ông thích được gọi là “bố đẻ” của Bức tường Berlin. Suy cho cùng, có lẽ chính ông là người đã giúp cứu thế giới khỏi một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Hải Yến (Tổng hợp)
.
.
.