Kia
Mobifone

“Vụ cướp tàu vĩ đại” - từ phim đến đời

Chủ Nhật, 17/09/2023, 13:16

“Anh phải có ước mơ lớn… Chúng ta ở đây để làm gì nếu không tạo được dấu ấn? Mọi thứ không đơn giản chỉ là tiền, mà còn là tiếng vang. Tập hợp một nhóm, có mục đích, lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch. Đó còn là tình bằng hữu. Tin tưởng những người đàn ông khác, vận dụng tất cả những gì anh biết. Đó mới là sống!”.

Câu thoại nổi tiếng của nhân vật Bruce Reynolds trong bộ phim “The great train robbery” (Vụ cướp tàu vĩ đại) ra mắt năm 2013 của đạo diễn Chris Chibnall, tác phẩm đã gây tiếng vang lớn với kết cấu gồm 2 phần, phản ánh 2 góc nhìn - của những tên trộm và của những người truy bắt chúng.

Bộ phim lấy bối cảnh một ngày tháng 8/1963, chuyến tàu khởi hành từ trung tâm Glasgow tới London, Anh bất ngờ dừng sau một tín hiệu khẩn cấp. Chỉ 30 phút sau, số tiền mặt trị giá tới gần 3 triệu bảng đã bị cướp đi một cách chóng vánh, và sau đó là chuỗi ngày rượt bắt giữa cơ quan chức năng và những kẻ tội phạm ranh ma.

“Vụ cướp tàu vĩ đại” - từ phim đến đời -0
Từ trái sang: Buster Edwards, Tommy Wisbey, Jim White, Bruce Reynolds, Roger Cordrey, Charles Wilson và Jim Hussey, 7 trong số những tên cướp năm xưa, trong buổi ra mắt một cuốn sách.

Sau cuộc tấn công vào một chiếc xe tải chở tiền tại sân bay Heathrow tháng 11/1962, những kẻ cướp thất vọng vì số tiền thu được ít hơn dự kiến và kẻ cầm đầu Bruce Reynolds muốn thực hiện một phi vụ hoành tráng hơn. Cơ hội đến khi một nhân vật bí mật tiết lộ về chuyến tàu chở thư từ Glasgow đến Euston, với số tiền khổng lồ thời điểm đó khoảng 1 triệu bảng Anh. Chiêu mộ thêm những kẻ phản diện, Reynolds bắt đầu kế hoạch tỉ mỉ nhằm giả tín hiệu để dừng tàu tại ngã tư Buckinghamshire. Sau phi vụ, toán cướp tản mác cho đến khi Reynolds đọc được dòng tin truy nã chính hắn.

Ở phần 2, bối cảnh bắt đầu 4 ngày sau vụ cướp, Bộ trưởng Nội vụ Brooke giao Tommy Butler phụ trách vụ án. Là một người cô độc, khắc nghiệt, kém thân thiện, Butler vẫn tập hợp một đội phá án hiệu quả gồm Thanh tra Frank Williams - người biết Reynolds từ lâu và đã đưa hắn vào danh sách nghi phạm, và Trung sĩ Jack Slipper. Một chiếc vali chứa những tờ tiền bị đánh cắp đã giúp nhóm lần ra manh mối để bắt giữ kẻ đầu tiên trong băng cướp, trong khi một tin báo đưa Butler đến trang trại nơi toán cướp ẩn náu và tìm thấy hàng loạt bằng chứng. Thông báo truy nã cũng đem về nhiều rắc rối khi tin giả làm phiền cảnh sát và “đánh rắn động rừng” khiến những kẻ liên quan càng tìm cách lẩn trốn. Butler không sớm ăn mừng khi gần như cả toán cướp đã ngồi tù. Ngay cả sau khi nghỉ hưu, ông vẫn kiên trì lần dấu vết cho tới 3 năm sau, thành viên cuối cùng, Bruce Reynolds, sa lưới.

Bộ phim, càng thú vị hơn, không phải là một câu chuyện hư cấu.

Vụ cướp lúc rạng sáng

Ngày 7/8/1963, chuyến tàu của công ty dịch vụ bưu kiện Royal Mail khởi hành từ trung tâm Glasgow với đoàn tàu gồm 12 toa và chở 72 nhân viên, dự kiến tới ga Euston ở London, Anh vào 4h sáng hôm sau, không hề hay biết họ sẽ trở thành trung tâm của “vụ cướp tàu vĩ đại”.

Đoàn tàu bất ngờ dừng lại lúc 3h sáng khi đi qua một ngôi làng nhỏ gần Cheddington, Buckinghamshire, Anh. Lái tàu Jack Mills, một người dày dặn kinh nghiệm, 58 tuổi, đã cho dừng tàu theo tín hiệu ở Ledburn, hạt Buckinghamshire. David Whitby, lái phụ 26 tuổi, bước xuống tàu và nhìn thấy một chiếc găng tay da cùng một cục pin 6 volt giả làm tín hiệu khẩn cấp. Whitby tới bốt điện thoại khẩn cấp bên cạnh đường ray để gọi điện cho nhân viên phát tín hiệu nhưng phát hiện đường dây điện thoại đã bị cắt. Bối rối, Whitby chưa kịp trở lại tàu thì nhanh chóng bị một bàn tay kẹp chặt và tiếng thì thầm: “Nếu dám hét lên, mày sẽ chết”.

Cùng lúc, những kẻ bịt mặt khác xông vào toa điều khiển, đánh ngất Mills. Chúng dự định lái tàu tới cầu Bridego (cầu Mentmore ngày nay) cách đó khoảng 800m, để cướp tiền và tẩu tán.

Toa HVP, toa phía sau đầu máy thường được dùng làm nơi cất giữ những gói hàng có giá trị cao và có người bảo vệ. Trong chuyến tàu ngày 7/8/1963, toa tàu này chở tới 2,6 triệu bảng tiền mặt (gần 78 triệu USD hiện hành). Sau khi chiếm quyền điều khiển đầu máy, các đối tượng đã tách rời đầu tàu và hai toa liền kề khỏi phần còn lại của đoàn tàu 12 toa. Mills bị chúng khống chế trong tình trạng nửa mê nửa tỉnh và buộc phải lái tàu khi đầu vẫn đang chảy máu vì kẻ được thuê trước đó không biết cách vận hành đầu máy hiện đại. Những kẻ cướp khác đã chờ sẵn ở cầu Bridego, Ledburn.

Khi đến cầu, nhóm cướp tấn công toa HVP. Bốn nhân viên phụ trách và một người giám sát đoàn tàu bị khống chế và phải nằm úp mặt xuống sàn. Mills và Whitby cũng bị trói tay và dồn vào một góc với các nhân viên trong toa. Nhóm cướp chuyển 120 bao tiền lên chiếc xe tải chờ sẵn ở cầu. Khoảng 30 phút, chúng rời đi cùng chiếc xe tải và 2 chiếc Land Rovers chung biển kiểm soát BMG 757A.

Nhóm cướp đến điểm tập kết ở Leatherslade, một trang trại đổ nát cách hiện trường gần 1h lái xe, nơi chúng đã mua từ 2 tháng trước làm nơi ẩn náu. Số tiền cướp được chia thành những phần đều nhau, cùng một số khoản nhỏ hơn dành cho những kẻ đồng lõa. Mỗi tên cướp khi đó được nhận khoảng 150.000 bảng Anh (khoảng 3,8 triệu USD ngày nay).

Chúng nhanh chóng rời nơi ẩn nấp vào ngày 9/8/1963, sớm hơn dự định 3 ngày khi biết tin cảnh sát đang lùng sục khu vực có bán kính 50km từ hiện trường.

“Vụ cướp tàu vĩ đại” - từ phim đến đời -0
Cảnh sát thu giữ tiền mặt sau vụ cướp.

Đuổi bắt

Đối với cảnh sát London, ban đầu vụ cướp tàu dường như là bất khả thi bởi những kẻ cướp đều đeo mặt nạ và rất ít nhân chứng có mặt. Tuy nhiên, mọi kế hoạch dù hoàn hảo tới đâu ít nhiều đều cũng có kẽ hở.

Theo Cảnh sát Giao thông Vận tải Anh, khi rời tàu, một người đàn ông đeo mặt nạ nói với các nhân viên ở toa thứ hai đừng gọi cảnh sát cho đến 30 phút sau khi chúng rời đi. Thông tin này khiến các nhà chức trách tin rằng những tên cướp có thể chỉ ẩn náu ở vùng lân cận. Chính quyền bắt đầu rà soát các khu dân cư địa phương, thu thập hồ sơ về những kẻ phạm tội và có tiền án, khoanh vùng một số ngôi nhà tình nghi song không đạt kết quả.

Dựa trên lời khai của các nhân chứng, cảnh sát cho rằng những kẻ cướp đã có một kế hoạch bài bản, và do đó, có thể có tay trong. Những người biết khi nào tàu sẽ đến, toa nào chứa tiền mặt, bố trí an ninh trên tàu và nơi thích hợp để dừng tàu được đưa vào diện tình nghi.

Vụ cướp rõ ràng không phải ngẫu nhiên. Cuối tuần trước khi vụ trộm xảy ra là ngày nghỉ lễ của các ngân hàng, do đó những kẻ cướp biết rằng số lượng thư và phong bì chứa đầy tiền mặt sẽ rất lớn, và nếu chọn đúng thời điểm, chúng sẽ kiếm được món hời.

Bruce Reynolds - kẻ cầm đầu, đã tập hợp Gordon Goody, Buster Edwards, và Charlie Wilson nghiên cứu kế hoạch chặn và cướp đoàn tàu Royal Mail suốt nhiều tháng sau khi biết về số tiền mà con tàu sẽ chở qua một nhân viên an ninh cấp cao của Royal Mail. Reynolds kết nối người này qua một trợ lý luật sư tên là Brian Field ở London. Để đảm bảo phi vụ thành công, chúng quyết định hợp tác với một băng đảng khác ở London, South Coast Raiders, mà trong đó có Roger Cordrey, một kẻ cướp khét tiếng và biết cách làm giả tín hiệu dừng tàu.

 Nhóm cướp đã dành nhiều tháng lân la làm quen và dò hỏi một nhân viên đường sắt và tìm hiểu cách bố trí, vận hành tàu hỏa. Chúng cũng thuê một lái tàu nghỉ hưu tham gia phi vụ, người suýt khiến mọi chuyện đổ bể vì không thể điều khiển toa đầu máy hiện đại của Royal Mail.

Trong khi cảnh sát tích cực điều tra theo hướng này, một manh mối quan trọng đã xuất hiện. Vài ngày sau vụ án, một người chăn cừu sống cách hiện trường khoảng 30km đã gọi điện cho cảnh sát sau khi thấy dấu hiệu khả nghi ở Trang trại Leatherslade gần đó. Anh ta đã nhìn thấy những người đàn ông đáng ngờ ra vào ngôi nhà vào những khung giờ kỳ lạ sau khi vụ cướp xảy ra.

Trước đó, ngày 8/8/1963, Brian Field đến trang trại nhận số tiền được chia và đưa một kẻ khác cùng đi đến London tìm thêm xe để đưa cả nhóm đi trốn. Field đã thuê một kẻ tên Mark xóa dấu vết và phóng hỏa trang trại sau khi chúng rời đi, với tiền công 10.000 bảng Anh. Ngày 12/8, Charlie Wilson chất vấn Field về việc xóa dấu vết nhưng không tin tưởng lời nói của Field. Chúng dự định tập hợp lại vào ngày 13/8, sau khi Field thừa nhận hắn chưa phóng hỏa trang trại như kế hoạch.

Điều chúng không biết là cảnh sát đã lần theo manh mối và ập tới ngay ngày hôm sau khi nhận được tin báo. Cảnh sát đã tìm thấy khoảng 20 chiếc bao rỗng trên mặt đất, những chiếc xe gây án được che chắn trong sân. Bên trong ngôi nhà, cảnh sát còn tìm thấy túi ngủ, đồ ăn và trò chơi. Dù những kẻ tội phạm có vẻ như đã cố xóa dấu vân tay, cảnh sát đã thu được vài mẫu trên bộ đồ chơi và một chai nước sốt cà chua.

“Vụ cướp tàu vĩ đại” - từ phim đến đời -0
Toa tàu bị dừng ở Ledburn.

Sa lưới

Kẻ đầu tiên bị bắt là Roger Cordrey, một người bán hoa ở Bournemouth. Chủ nhà của hắn đã báo cảnh sát sau khi Cordrey bất ngờ trả trước tiền thuê nhà cho cô ba tháng. Từ Cordrey, cảnh sát lần lượt tóm thêm 12 tên cướp gồm Gordon Goody, Charlie Wilson, Roy James, John Daly, Brian Field, Leonard Field, John Wheater, Ronnie Biggs, Tommy Wisbey, Jim Hussey, William Boal, và Bob Welch.

Cả nhóm phải hầu tòa vào năm 1964, đa số nhận án 30 năm tù, trong khi John Daly được tuyên trắng không đủ bằng chứng. Charles Wilson và Ronny Biggs sau đó đã vượt ngục. Wilson trốn sang Canada nhờ sự giúp đỡ của những mối quen cũ trước khi bị chính quyền phát hiện và dẫn độ về Anh.

Ronny Biggs trốn thoát khỏi nhà tù năm 1965 bằng cách trèo tường và trốn trong một chiếc xe tải chở đồ. Biggs sau đó phẫu thuật thẩm mỹ, trốn sang Pháp, rồi Australia và cuối cùng là Brazil. Biggs lẩn trốn mãi cho tới năm 2001 trở về Anh một cách tự nguyện vì bệnh tật. Biggs vào tù nhưng được ân xá năm 2009.

Charles Wilson bị bắn chết ở Tây Ban Nha năm 1990, Ronald “Buster” Edwards tự sát vào năm 1994, còn Brian Field chết trong một vụ tai nạn ôtô.

Tuy nhiên, vẫn còn một số kẻ trốn thoát, và danh tính người đã tiết lộ các thông tin về đoàn tàu cho những kẻ cướp này vẫn là ẩn số.

Mãi 5 năm sau vụ cướp, cảnh sát mới tóm được kẻ cầm đầu. Reynold từng trốn sang Mexico bằng hộ chiếu giả, cưới vợ và sinh một đứa con, Nick. Gia đình Reynold chuyển đến Canada nhưng khi tiền cướp được cạn, hắn trở về Anh. 5 năm sau vụ cướp, Reynold bị bắt và bị kết án 25 năm tù. Reynold được ân xá năm 1978, sau 10 năm, và sống tại một căn hộ nhỏ ở London. Reynold thậm chí còn được mời làm cố vấn cho bộ phim về vụ cướp tàu và xuất bản tự truyện, trước khi lặng lẽ qua đời tháng 2/2013.

Những nạn nhân như Jack Mills và David Whitby gặp nhiều di chứng. Mills không bao giờ bình phục hoàn toàn vết thương ở đầu, liên tục bị các cơn đau hành hạ cho tới khi qua đời vào năm 1970. David Whitby đã chết vì một cơn đau tim vào năm 1972 ở tuổi 34.

Thái Hân (Tổng hợp)

.