Vạch mặt lừa đảo trên không gian mạng
Lừa đảo trên không gian mạng trong kỷ nguyên số giờ đây như tấm mạng nhện giăng khắp đó đây, thử sức sự nhẹ dạ và lòng tham, lòng tin của con người. Kẻ thắng thì hả hê, vui sướng; người thua thì tiếc nuối, đắng cay. Thế nhưng, sau những được - mất, hơn - thua đó, người vất vả nhất để tìm ra chân tướng của sự việc lại chính là lực lượng Công an.
Một vụ án lừa đảo xuyên quốc gia vừa được Công an tỉnh Lai Châu dày công truy tìm, bóc gỡ chưa có tiền lệ trong những tháng cuối năm 2024 đang đặt ra nhiều vấn đề về sự hợp tác, chung tay ứng phó với hệ lụy từ thời đại công nghệ số.
Bài 1: Thế giới ảo - hậu quả thật
Những chiêu trò quảng cáo, mời chào kích thích nhu cầu tiêu dùng, hưởng thụ được hàng tỷ người trên thế giới xem mỗi ngày trên các nền tảng mạng xã hội vẫn biết là ảo, nhưng hậu quả lại thật hơn cả “sự thật”. Đó là những tình tiết sinh động, hấp dẫn, chưa có tiền lệ được phơi bày trong chuyên án do Công an tỉnh Lai Châu phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an Việt Nam và Cục Cảnh sát hình sự Bộ Nội vụ Campuchia vừa triệt phá.
Từ “giết khách” đến hối tiếc muộn màng
“Giết khách” là thuật ngữ mà những đối tượng lừa đảo sử dụng để lôi kéo khách sa vào bẫy mà chúng đã giăng ra trên không gian mạng xã hội. Khi khách chuyển tiền thành công đồng nghĩa với việc đối tượng “giết khách” thành công. Thông tin này vừa được các bị can bị bắt giữ trong chuyên án khai với cơ quan điều tra.
Đối tượng Dương Văn Thạnh (sinh năm 1986, trú tại xóm Tân Mỹ 1, xã Tân Quang, TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên) là bị can đầu tiên do Công an huyện Tân Uyên (tỉnh Lai Châu) bắt giữ sau khi đối tượng về Việt Nam xác thực sinh trắc học tài khoản ngân hàng. Làm tốt vai trò “giết khách”, Thạnh được ông chủ giao vai trò trưởng nhóm (tổ trưởng) phụ trách nhóm đối tượng người Việt Nam hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức bán xe ô tô thanh lý hải quan trên mạng theo sự quản lý, điều hành của nhóm đối tượng người nước ngoài tại Campuchia. Dưới trướng của Thạnh là 32 đối tượng người Việt Nam đến từ nhiều tỉnh, thành khác nhau, thông qua mạng internet, mạng viễn thông, chúng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Sau khi bị bắt giữ, không còn sự tự tin, dũng khí trước “con mồi”, khai tại cơ quan điều tra, vẻ mặt Thạnh chùng xuống, ngập ngừng kể lại: Do làm ăn thua lỗ, gia đình tan vỡ, tôi theo bạn bè rủ rê sang Campuchia làm ăn. Lúc đầu vào làm việc, tôi được thử ở nhiều vai: đầu tư chứng khoán, xuất nhập khẩu, cho vay tín dụng nhưng đều không thu hút được khách. Cuối cùng, tôi được giao cho vai “nhử khách” để bán ô tô giá rẻ qua mạng. Mang được nhiều tiền về cho chủ, tôi được đề bạt trưởng nhóm. Để bán được thì phải “thuộc bài” theo kịch bản, đó là “bày binh bố trận”, phân vai như một bộ máy điều hành công ty bán xe ô tô ngoài thực tế để khách hàng tin, chốt sản phẩm và chuyển khoản. Do giá ô tô rao bán chỉ rẻ bằng 30-35% giá thị trường nên nhiều khách nghe xong “say liền, vào tiền ngay”. Ngoài tròn vai quản lý, sắp xếp, bố trí nhân sự thực hiện lừa đảo trên mạng theo kịch bản dựng sẵn và chấm công, tôi cũng thường xuyên tư vấn cho khách”.
Phương châm đặt ra là “giết” được càng nhiều khách (càng nhiều khách chuyển khoản) càng tốt. Trong tòa nhà tập trung các băng nhóm lừa đảo, khi khách chuyển khoản số liền lớn sẽ có động thái ăn mừng. Ví như khách chuyển 3 tỷ đồng, các nhóm rung chuông réo vang cả tòa nhà; khách chuyển 5 tỷ đồng, một rừng trời pháo hoa được tung lên dưới những tiếng hò reo khả ố. Vì thế, khu vực dành riêng cho tội phạm lừa đảo này được xem như “máy in tiền” của thế giới bởi cứ mỗi ngày trôi qua không biết bao nhiêu người dân trên toàn thế giới sập bẫy. Với vai trò này, thu nhập của Thạnh trung bình khoảng 1.500 USD/tháng, ngoài ra còn được thưởng thêm 1/3 giá trị tháng lương (tương đương thu nhập khoảng 300 triệu đồng/tháng). Thế nhưng, “số tiền tôi nhận được chả thấm là bao vì còn hàng chục nghìn người Việt Nam như tôi và không biết bao người trên thế giới hội tụ về đây vẫn đang ngày đêm mang tiền về cho chủ” - Thạnh nói.
Tiền nhiều nhưng mọi quyền tự do khi bước vào các biệt khu lừa đảo này gần như chấm dứt. Làm không có doanh thu sẽ phải tự bỏ tiền ra để trả cho chủ; không đủ thì gọi điện về cầu cứu gia đình, vì thế những đối tượng ở đây không có đường lui, chỉ còn cách duy nhất là tiến về phía trước và như thế sẽ càng ngày càng lấn sâu vào tội lỗi. “Khi khách “vào tiền”, biết mình bị lừa, tôi thấy lương tâm cắn rứt, muốn quay đầu. Nhưng, không làm sẽ bị đánh đập, hành hạ dã man, thậm chí bị kích điện cho đến ngất đi. Thế nên không ai dám dừng lại, phải nhắm mắt bước qua. Giờ đây, tôi đã thấm thía được lỗi lầm, xin gửi lời xin lỗi sâu sắc đến nạn nhân và mong muốn sẽ được khắc phục một phần hậu quả” - những lời hối tiếc muộn màng của Thạnh.
Còn với Huỳnh Văn Sơn (sinh năm 1996, cùng quê tỉnh Thái Nguyên) và giữ vai trò phó nhóm cho Thạnh cũng trong tình cảnh tiến thoái lưỡng nan. Sơn cũng nhiều lần muốn rút khỏi cuộc chơi lừa đảo nhưng tay đã nhúng chàm không thể dừng lại. Khi biết người nào có ý định bỏ cuộc, ông chủ sẽ cho người xích, giam cầm hoặc gí điện, thế nên Sơn đã tìm cách yêu Trần Minh Hiếu (sinh năm 1993, trú tại tổ 27, phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội), đồng phạm và quyết định có thai để có cơ hội trốn thoát (hiện Hiếu đang có thai 6 tháng). Giống như Thạnh, cả Sơn và Hiếu khi đã sa bẫy đều ân hận, đổ cho hoàn cảnh đẩy đưa, nhưng đều “sự đã rồi”, quá muộn màng cho những lời xin lỗi.
Ham của rẻ và mê muội trong thế giới ảo
Ngày 11/6/2024, anh N.V.P. (sinh năm 1974, trú tại tổ dân phố 32, thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên) trình báo cơ quan cảnh sát điều tra, đầu tháng 6, anh đã đặt mua một chiếc xe ô tô nhãn hiệu Ford Everest titanium 2.0AT (thuộc xe thanh lý hải quan) với giá 266,7 triệu đồng của Công ty TNHH VN Nam Miền Trung - Ninh Thuận thông qua website https://autonammientrung.net và fanpage “Nam Miền Trung 666”. Qua trang này, anh đã xem một đoạn video tại “chương trình thời sự VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam” có thông tin: “Công ty Nam Miền Trung Ninh Thuận trúng đấu giá lô xe ô tô nhập lậu do Cục Hải quan bắt giữ, thanh lý để bán ra thị trường với giá rẻ”. Đồng thời, anh xem các thông tin, hình ảnh các mẫu xe ô tô của các thương hiệu nổi tiếng với giá bán chỉ bằng 1/4 giá thị trường. Tin những nội dung đó là thật, anh đã đặt mua và chuyển khoản cho đối tượng 4 lần với tổng tiền hơn 200 triệu đồng.
Chiêu bài như trên đã làm rất nhiều người nhẹ dạ cả tin trúng bẫy trên không gian mạng. Nếu tinh ý, người xem sẽ nhận ra ngay điều bất thường trong video giả giọng phát thanh viên VTV không khớp khẩu hình, nội dung phát vào những phút đầu tiên của chương trình thời sự là không hợp lý. Đúng như công văn phúc đáp Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lai Châu của Ban Thời sự (VTV1) khẳng định: Ban không sản xuất đoạn video clip đưa tin về việc trúng đấu giá xe ô tô nhập lậu. Nội dung hình ảnh là sản phẩm cắt ghép, lời nói không phải của người dẫn chương trình Ban Thời sự, không khớp với khẩu hình; hình ảnh minh họa cũng không phải do Ban Thời sự sản xuất.
Quá trình xác minh ban đầu của cơ quan điều tra xác định đây là một loại tội phạm mới, hoạt động phi truyền thống, sử dụng công nghệ cao và được tổ chức, dàn dụng kịch bản kỹ lưỡng. Các nhóm đối tượng có phân công vai trò cụ thể, hoạt động với thủ đoạn rất tinh vi, chuyên nghiệp với phương thức: thuê người lập công ty ma (Công ty TNHH VN Nam Miền Trung - Ninh Thuận), mở tài khoản doanh nghiệp tại các ngân hàng theo tên công ty, lập trang web https://autonammientrung.net.
Để tiếp cận khách hàng, đối tượng lập các fanpage như “Nam Miền Trung 66”, “Nam Miền Trung 666”, “Nam Miền Trung 6666”, “Tổng kho Auto Nam Miền Trung” chạy quảng cáo trên nền tảng Facebook, khi bị hại nhẹ dạ cả tin, ham mua hàng giá rẻ sẽ click vào xem. Qua tin nhắn Messenger, Zalo, đối tượng gửi hình ảnh giấy phép đăng ký kinh doanh; quyết định bán đấu giá tài sản; hợp đồng mua tài sản đấu giá... (đều là giả) cho khách hàng xem; đồng thời, sử dụng phần mềm công nghệ AI gọi video call giới thiệu về showroom bán hàng, hình ảnh các dòng xe đang được bày bán để bị hại tin là thật. Sau khi bị hại tin tưởng, các đối tượng trong vai từng phòng, ban theo nhiệm vụ phân công sẽ gọi điện thoại hướng dẫn khách gửi thông tin để lên hợp đồng mua bán xe và dụ dỗ để khách tin tưởng, chuyển khoản. Với thủ đoạn lừa bán xe ô tô thanh lý hải quan, các đối tượng đã chiếm đoạt tài sản của hàng trăm bị hại trong nước. Hiện tại, cơ quan điều tra đã xác minh được 52 người là nạn nhân tại 29 tỉnh, thành phố bị lừa chiếm đoạt số tiền 3,935 tỷ đồng.
Thực tế cho thấy, không có tài sản nào bán qua hình thức trực tuyến lại có giá rẻ. Đặc biệt, đây là những mặt hàng có giá trị lên tới hàng trăm triệu đồng thì việc trao đổi, mua bán qua mạng lại càng khó tin. Vậy nhưng vẫn có nhiều người chưa thức tỉnh.
Trong thế giới lừa đảo đó, đâu chỉ có lừa tiền, mà lừa tình mới là những cú lừa đem lại những cay đắng ê chề, mất hết danh dự và tài sản đối với bị hại. Chiêu trò đầu tiên là những cô gái có hình dáng mặn mà, quyến rũ thông qua mạng xã hội tìm kiếm đàn ông để chat sex. Luôn đem đến sự tươi mới, hấp dẫn sự tò mò khám phá của đấng mày râu, các cô gái ban đầu chỉ là những lời chào hỏi, gợi tình, sau đó là mời gọi đầu tư, đặc biệt là chúng lợi dụng lúc nạn nhân đang buồn, cô đơn hoặc say xỉn để chat... Khi đã có được hình ảnh nhạy cảm của nạn nhân, đối tượng tìm cách moi tiền và khi không đủ tiền đáp ứng, sợ bị lộ diện hình ảnh, danh tính, bị hại mới ra trình báo cơ quan chức năng. Nhiều cánh mày râu vì những “cơn say”, “cơn mê” đã rơi vào cạm bẫy của lừa tình, lừa tiền mà đánh mất tất cả.
Theo lời khai của bị can Trần Minh Hiếu (người tình của Huỳnh Văn Sơn), trước khi “nhập vai” trong app tình yêu để lừa đảo, các đối tượng được cấp danh sách, số điện thoại, ngành nghề của những người có chức vụ để tiện cho việc tiếp cận. Các cô gái “tung” ra “ngón nghề” để đối tượng “bén duyên”, khi “con mồi” đã say, đối tượng mới mời đầu tư chung kinh doanh bất động sản, mở phòng vé máy bay và nhiều hình thức đầu tư khác. Lúc đầu đối tượng chuyển tiền lãi đầu tư cho nạn nhân vì đưa ra chiêu bài làm ăn có lãi, cứ như thế, số tiền nạn nhân đầu tư ngày càng lớn, lần “cất lưới” cuối cùng của đối tượng chính là lúc màn kịch kết thúc.
Cứ ngỡ mạng là ảo, nhưng nhiều người ôm hận cay đắng vì những cú lừa trắng tay chỉ trong giây phút là có thật. Nhưng, dù đối tượng có sử dụng công nghệ cao, thủ đoạn tinh vi, siêu đẳng đến đâu cũng không thể qua mắt lực lượng chức năng. Với lực lượng Công an Lai Châu: Không có gì là không thể.
(Còn nữa)