Nở rộ bẫy lừa đầu tư chứng khoán
Sau khi "tạo đáy" vào cuối năm 2022, hiện chỉ số đại diện cho thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam VNINDEX đã hồi phục khoảng 30%. Cùng với đó có rất nhiều mã chứng khoán đã phục hồi 50-100%, thậm chí có những mã đã nhân đôi, nhân ba từ đáy.
Lợi dụng thời điểm thị trường sôi động trở lại, nhiều đối tượng dùng nhiều thủ đoạn để rủ rê người dân thiếu hiểu biết tham gia đầu tư. Đã có những nạn nhân sập bẫy với số tiền bị chiếm đoạt lên đến hàng chục tỷ đồng...
Một người đầu tư, cả họ... trả nợ
Nếu như đã gặp Hoàng Nam khoảng 1-2 năm về trước, có lẽ người ta không thể tưởng tượng được rằng cậu tài xế Grab đang ngồi trước mặt họ từng là một “đại gia” bất động sản, chứng khoán. Nam bảo chính bản thân anh cũng không nghĩ được rằng mình có ngày lại phải đi bòn mót từng đồng để trả khoản nợ khổng lồ do chính mình gây ra chỉ vì một phút sa cơ vào cái gọi là “chứng khoán quốc tế”.
Nhớ lại thời điểm năm 2020, sau nhiều năm làm việc và tích lũy được chút vốn, Nam bắt đầu nhảy vào đầu tư bất động sản. Vào đúng con sóng, chỉ sau vài lần mua đi bán lại, Nam đã thu được số tiền lời lên đến nhiều tỷ đồng. Số tiền này sạu đó được Nam rót vào nhiều mã cổ phiếu theo lời “phím” từ một số người bạn.
Vận may đã giúp cho cuối năm 2021 Nam có cảm giác mình đầu tư không thua gì huyền thoại Warren Buffet tại Mỹ. Tuy nhiên, hai con “sóng thần” năm 2022 đã cuốn đi mọi thành quả Nam đạt được. Từ tháng 4 đến tháng 6/2022 tài khoản của Nam đã bị giảm đến 80%. Chỉ vừa gượng được một thời gian ngắn thì cú sập kinh hoàng vào tháng 9 đến 11/2022 đã khiến Nam chính thức trắng tay.
Đang trong lúc suy sụp, Nam được một nữ môi giới của sàn chứng khoán quốc tế rủ tham gia đầu tư cùng. Ngay lần đầu tiên nói chuyện, Nam đã cười nhạt rồi gạt phăng khi cô gái khoe rằng tỷ suất lợi nhuận của cô ta lên đến 600% một năm. Tuy nhiên, rất kiên trì, mỗi ngày cô gái đều đặn gửi cho Nam nhiều tài liệu về phân tích kỹ thuật, phân tích cơ bản thị trường chứng khoán. Những phân tích này đều rất đúng khiến Nam dần dần tin tưởng.
Nữ môi giới cho biết chỉ cần đăng ký tài khoản của sàn chứng khoán thì sẽ nhận được số tiền khuyến mãi ban đầu là 1 triệu đồng. Nhà đầu tư có thể dùng số tiền này để mua cổ phiếu hoặc rút ra tùy ý. Đây là sàn chứng khoán quốc tế nên sẽ giao dịch T+0 (nghĩa là có thể mua bán ngay trong ngày) chứ không như của Việt Nam đang là T+2,5. Nghe cô gái nói như vậy, Nam lập tài khoản và thử rút số tiền khuyến mại thì thấy được. Vậy là Nam nạp vào tài khoản 10 triệu đồng để chơi thử. Mấy hôm sau, có lãi, Nam rút ra và thấy vẫn rút được. Đến lúc này Nam gần như đã bị hoàn toàn chinh phục.
Tiếp đó, Nam được cô gái thêm vào một room trên mạng xã hội Telegram, trong đó đã có khoảng 50 nhà đầu tư như cậu. Hằng ngày trưởng nhóm sẽ ra các khuyến nghị mua bán chứng khoán để các thành viên làm theo. Ngày nào cũng có người khoe số lãi 5%, 7%, 10%. Nhẩm tính mỗi ngày đều lãi 5% thì một năm lời 600% hoàn toàn có thể. Vậy là Nam nạp thêm hàng trăm triệu đồng rồi đến nhiều tỷ đồng để mong có thể gỡ được số tiền đã mất trước đó.
Mờ mắt trước khoản lãi quá lớn, Nam tiếp tục vay mượn bạn bè, đồng nghiệp, vay nóng "tín dụng đen"... số tiền lên đến mười mấy tỷ đồng để cho “trận chiến cuối cùng”. Nam nghĩ thắng quả này sẽ trả hết nợ và dư ra được khoảng chục tỷ, có thể ung dung mà sống. Khi số tiền trong tài khoản của cậu lên đến gần 20 tỷ đồng (cả gốc và lãi) Nam đặt lệnh bán hết cổ phiếu để rút tiền về thì không được. Hỏi mấy tư vấn viên, họ đều bảo mạng đang lỗi chờ một vài ngày sau thử lại.
Ruột gan nóng như lửa đốt, Nam nhắn tin, gọi điện cho trưởng nhóm, các thành viên trong nhóm chat Telegram, song tất cả đều im lặng. Cuối cùng, có một tư vấn viên đáp lời thì yêu cầu Nam phải nộp thêm 20% phí giao dịch thì mới rút được tiền, chuyển khoản trước. Đến đây thì cậu mới chắc chắn rằng mình bị lừa.
Không còn cách nào khác, Nam đành thú nhận với gia đình và mong cả nhà tha thứ, cho cơ hội làm lại cuộc đời. Bố mẹ Nam vì thương con mà phải muối mặt nhờ họ hàng cắm sổ đỏ lấy tiền cho Nam vay trả nợ... Những khoản vay nóng của “tín dụng đen” Nam phải trả ngay, vì mỗi ngày riêng tiền lãi đã lên tới cả chục triệu đồng. Còn số tiền vay ngân hàng, mỗi tháng Nam phải trả lãi khoảng 50 triệu đồng. Một ngày Nam chỉ dám ngủ 4 tiếng, thời gian còn lại thì hết chạy Grab, ship hàng, bán hàng online... Nói chung, ai thuê gì Nam cũng làm, chỉ mong có đủ tiền trả nợ.
Chị Mai Phương, nhân viên văn phòng tại Hà Nội chia sẻ. Một lần lướt mạng, chị thấy các quảng cáo về khóa học chứng khoán online miễn phí. Do thi thoảng được bạn bè rủ rê "chơi chứng" song không biết đầu cua tai nheo thế nào nên chị quyết tâm học một lớp xem sao. Sau khi nhập thông tin cá nhân vào form để đăng ký học, chị được thêm vào nhóm Zalo. Đều đặn trong khung 20-21h hằng ngày, chị và nhiều người khác truy cập vào đường link được các trợ lý gửi cho, rồi cùng nhau học tập về các trường phái "đánh trứng", phân tích biểu đồ nến...
"Vừa vào lớp học, tôi đã bị ấn tượng mạnh, vì "thầy" rất giỏi, chuyên môn cao lắm, phân tích và dự báo thị trường rất chuẩn", chị Phương kể. Sau một thời gian học tập, một người xưng là trợ lý của "thầy" hướng dẫn chị mở tài khoản chứng khoán nội bộ, khuyến nghị mua cổ phiếu với hứa hẹn lợi nhuận cao, được mua bán trong ngày (giao dịch T+0), giao dịch trên ứng dụng S.
"Ngày nào trên nhóm Zalo cũng có người khoe lãi lớn nhờ mua theo cổ phiếu được "thầy" khuyến nghị. Nhiều người còn chụp hình tiền lãi nhận tài khoản ngân hàng. Bỏ ra 50 triệu đồng để "thử" mua cổ phiếu theo khuyến nghị, tài khoản của chị Phương được cộng thêm khoản lãi từ 2-7% ngay trong ngày. Đặt lệnh rút tiền, chị nhận được cả gốc lẫn lời nên càng tin tưởng. Sau đó, chị được tư vấn nâng vốn lên để "thầy" cho hưởng đặc quyền nhận mã cổ phiếu chủ lực với mức lãi từ 10-20% trở lên ngay trong ngày. Nghe bùi tai, chị Phương đã nâng vốn đầu tư lên 200 triệu đồng và sau đó là lên 1 tỉ đồng.
Chỉ trong 1 tuần, với vốn gốc 1 tỉ đồng, ứng dụng đầu tư chứng khoán đã báo chị có khoản lãi lên tới 800 triệu đồng. "Mừng quá, tôi đặt lệnh rút tiền nhưng rút mãi không được. Họ đưa ra đủ lý do, rồi nói muốn rút tiền thì phải thoát khỏi nhóm Zalo. Ra khỏi nhóm Zalo cũng không rút được tiền, lúc đó mới biết mình bị lừa. Sau đó mới biết nhóm có 100 người thì có đến 90 người là chim mồi, chỉ vài người là nạn nhân như mình".
Một trường hợp khác là anh Long, chủ một nhà hàng hải sản - cho biết trước đó đã được một người gọi điện xưng là nhân viên của quỹ đầu tư tư nhân B., giới thiệu vào nhóm học tập kiến thức chứng khoán do một "thầy" đứng lớp. "Trong quá trình giảng dạy, nhóm có khuyến nghị nhiều mã chứng khoán trên sàn, tôi theo dõi thì các mã này đều tăng. Kết hợp với việc giảng dạy của "thầy" rất nhiệt tình nên tôi tin tưởng dần", anh Long chia sẻ.
Từng bị thua lỗ khi đầu tư trên sàn chứng khoán Hose anh Long mới tham gia nhóm Zalo này để tham gia đầu tư cùng "thầy" trên ứng dụng tên V-Gate. Sau khi nộp tiền vào chơi thử theo hướng dẫn của "thầy", tài khoản của anh đã có lãi. Rút thử tiền thấy được, do đó, anh quyết định bán toàn bộ chứng khoán ở sàn chính thống để chuyển sang giao dịch trên V-Gate.
"Trong vòng hơn 1 tuần, tôi đã nộp tổng cộng 425 triệu đồng vào số tài khoản ngân hàng được người của "thầy" cung cấp. Chỉ sau khi rút tiền không được, tôi mới phát hiện mình bị lừa", anh Long kể.
Không có kiến thức, đừng đánh cược!
Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã triệt phá một đường dây chuyên lừa đảo bằng thủ đoạn rủ đầu tư vào các sàn chứng khoán online.
Trước đó, bị hại Nguyễn Thị A. (thường trú tại Hà Nội) có đơn tố cáo nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng bằng hình thức đầu tư chứng khoán trên sàn Z. Các đối tượng đã thành lập công ty TNHH làm bình phong và dù không đăng ký kinh doanh hoạt động tư vấn chứng khoán song bọn chúng vẫn hoạt động trên một số sàn chứng khoán quốc tế.
Nhóm đối tượng phân công nhiệm vụ lôi kéo người dân tham gia đầu tư. Sau đó chuyển tiền cho các nhân viên khác để mua cổ phiếu trên sàn. Bọn chúng cũng "chém gió" rằng sẽ cùng góp vốn để đầu tư với bà A., lời lãi chia đôi. Tuy nhiên, sau khi đầu tư thua lỗ, đối tượng nhắn cho bà A. yêu cần nộp thêm tiền, nếu không sẽ bị khóa tài khoản.
Theo Cơ quan công an, thời gian qua một trong những thủ đoạn phổ biến của các đối tượng là mời nhà đầu tư mới vào các hội nhóm, chia sẻ tài liệu, chia sẻ một số mã chứng khoán. Trong hội nhóm sẽ có hàng loạt “chân gỗ” liên tục tung hô một cá nhân trong việc đầu tư (“thầy”), khoe lãi khi đầu tư theo “thầy”, nhờ “thầy” đánh hộ... Qua đó, các đối tượng sẽ dụ dỗ các nhà đầu tư non trẻ đưa tiền cho chúng đầu tư. Khi đã lừa được nhiều người, chúng sẽ xóa nhóm, cắt liên lạc…
Ngoài ra, nhiều đối tượng khác mời vào các nhóm chat để khuyến nghị đầu tư, đọc lệnh (trên thực tế là “đội lái”) để thu phí, bán khóa học...
Anh Trần Đình Long - nhà đầu tư kỳ cựu với gần 20 năm kinh nghiệm chia sẻ. Thời gian gần đây anh thấy nhiều người tham gia các trò gọi là mua bán hay đầu tư giao dịch trên không gian mạng. Họ hoàn toàn không hiểu về cái mình đang làm và cũng không biết hay quan tâm mình đang giao dịch với ai, đối tác nào, công ty nào, tên là gì, địa chỉ ở đâu, có giấy phép hoạt động hay không...
Họ chỉ được một cá nhân vô danh, năng lực tài chính không bằng họ, lôi kéo, hứa hẹn và chém gió, nhưng họ lại bị mờ mắt bởi lợi nhuận không tưởng - vài chục phần trăm một tháng để đánh cược với số tiền của mình, của gia đình mình.
Thậm chí, họ ngoan ngoãn nghe theo lời nói ngọt ngào của một người lạ không biết ở tận đâu qua điện thoại mà nghe giọng nói chỉ cỡ tuổi con cháu, rồi làm theo đúng hướng dẫn, bắt đầu từ từ "đi vào chỗ chết". Họ nộp tiền vào nơi mà họ không biết ai đã tạo ra. Họ không biết rằng chỉ cần người ta tắt máy, tắt mạng, xóa trang web là họ sẽ bất lực và không biết kêu ai, kêu như thế nào.
"Đến khi mất tiền vì bị lừa họ vẫn nghĩ mình là những nhà đầu tư đáng thương. Chẳng lẽ cứ bỏ tiền ra giao dịch mua bán như đánh bạc thì được gọi là nhà đầu tư? Ở đây tôi thấy còn không bằng đi đánh bạc, vì không biết đang đánh bạc với ai!" - anh Long khẳng định.