Lãng phí đất công ở nơi “tấc đất tấc vàng”
Nhiều nhà đất, công sản thuộc quản lý của UBND TP Hà Nội được chính quyền giao cho các đơn vị của thành phố thuê lại đầu tư, kinh doanh và thu lợi cho ngân sách. Nhưng trên thực tế nhiều hạng mục của các công trình này đã và đang bị sử dụng không đúng mục đích, kém hiệu quả, gây lãng phí tài sản công. Trong đó, hầu hết các quỹ nhà chuyên dùng nằm trên “đất vàng”, các vị trí thuận tiện cho việc kinh doanh.
Đất công sử dụng sai mục đích
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, thành phố hiện có 840 cơ sở nhà, đất chuyên dùng thuộc sở hữu Nhà nước đang được cho thuê trái phép hoặc bỏ trống, chưa được khai thác hiệu quả, tổng cộng là hơn 178.000 m2 nhà và 155.000 m2 đất. Quỹ nhà chuyên dùng này tập trung chủ yếu ở 4 quận nội đô là: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng.
Trong đó, Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội đang quản lý 803 cơ sở, Công ty TNHH MTV Kinh doanh và dịch vụ nhà Hà Nội quản lý 20 cơ sở, UBND quận Hà Đông quản lý 16 cơ sở và UBND thị xã Sơn Tây quản lý 1 cơ sở.
Tại quận Ba Đình, khu nhà chuyên dùng 281 Đội Cấn cho Công ty Cổ phần Du lịch và Xúc tiến đầu tư thuê rộng hơn 9.000 m2 “biến tướng” thành khu hỗn hợp nhà xưởng cấp 4, gara ô tô, cửa hàng ăn uống... Theo quan sát của phóng viên, mặt tiền của tòa nhà được cho thuê để làm nhà hàng ăn uống. Đặc biệt phía trong khu đất 9.000 m2 này Công ty Cổ phần Du lịch và Xúc tiến đầu tư chia làm nhiều khu vực khác nhau có hàng chục đơn vị, cá nhân thuê lại như: Siêu thị Winmart, nhà kho chứa hàng của Viet Nam post, gara ôtô, quán bia, nhà hàng ăn uống.
Một trong những đơn vị tốn nhiều giấy mực nhất trong việc quản lý, sử dụng đất công sản là Công ty TNHH MTV Điện ảnh Hà Nội. Đơn vị này được thành phố cho thuê lại 3 điểm và 2 cơ sở nhà đất, đều nằm ở vị trí mặt đường các tuyến phố lớn như: 88 Lò Đúc; 221 Khâm Thiên; 45 Hàng Bài, 57 Cửa Nam, 437 phố Bạch Mai. Mặc dù đây là những địa điểm được coi là “đất vàng”, có giá trị kinh tế cao nhưng do công ty hoạt động không hiệu quả dẫn đến nợ thành phố tiền thuê nhà, đất.
Trong vai một người có nhu cầu thuê mặt bằng, phóng viên đã có mặt tại địa chỉ 88 Lò Đúc. Tại đây, phóng viên hỏi một người đàn ông đang ngồi tầng 1 về chuyện thuê trụ sở thì người này trả lời: “Ở đây chỉ có tầng 1, tầng 2 trống thôi còn tầng 3 có quán bar rồi”. Khi được hỏi, nếu muốn thuê tầng 1 và 2 thì giá cả như nào, người đàn ông này đáp: “Họ không cho thuê nữa đâu”.
Tương tự, cũng trong vai người đi thuê mặt bằng, phóng viên hỏi dò những người bán nước đối diện 221 Khâm Thiên về giá thuê thì một người nhanh nhảu đáp: “Nghe nói chỗ này họ cho thuê là 120 triệu/tháng có thương lượng. Nhưng mà cô nói thật nhé nếu thuê chỉ để buôn bán quần áo thì đừng có dại mà thuê, lãi không đủ mà trả tiền thuê nhà đâu, đến Điện máy xanh còn chạy kia kìa”.
Được biết, số nhà 221 Khâm Thiên gần đây nhất là cho Công ty TNHH Đầu tư phát triển Điện máy xanh thuê. Tuy nhiên, khoảng hơn 1 năm nay công ty này đã chấm dứt hợp đồng và trả lại mặt bằng. Cho tới thời điểm hiện tại, 221 Khâm Thiên vẫn chưa có người thuê mới.
Cũng là trụ sở của Công ty TNHH MTV Điện ảnh Hà Nội, rạp Tháng 8 (số 45 Hàng Bài) hoạt động bết bát. Thời điểm hiện tại, rạp tạm thời đóng cửa để sửa chữa nâng cấp. Nếu như trước đó Công ty TNHH MTV Điện ảnh Hà Nội cắt ra một phần nhỏ cho Công ty Cổ phần Hải Hoàng Anh thuê lại. Công ty này đã dành một phòng chiếu không dùng đến cho thuê mở quán bar. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên thì hiện tại quán bar cũng đã chuyển đi nơi khác.
Cơ sở 57 Cửa Nam cũng thuộc sự quản lý của Công ty TNHH MTV Điện ảnh Hà Nội. Tuy nhiên, cơ sở này sau đó đã cho Công ty Cổ phần dịch vụ thương mại Thịnh Vượng Phát thuê lại và mở quán bar Heyo Clup. Điều đáng nói, Heyo Clup đã bị xử phạt hành chính tới 23 lần trong suốt quá trình hoạt động với các vi phạm với số tiền phạt đã lên tới 600 triệu đồng.
Ngoài ra, có tới 66 điểm trong quỹ nhà chuyên dùng của Hà Nội đang để trống, chưa được khai thác, sử dụng, gây lãng phí nguồn lực. Đơn cử, nhà số 37 phố Hàng Khay, ngay trung tâm quận Hoàn Kiếm bỏ trống từ lâu nhưng chưa được đấu giá. Biệt thự số 17 phố Điện Biên Phủ (quận Ba Đình) có diện tích 451 m2, vị trí đắc địa cũng bị bỏ không từ năm 2019 nay đã xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn nguồn tài sản của Nhà nước...
Nhà chuyên dùng 22 Lương Ngọc Quyến biển hiệu nhỏ bên trên ghi Công ty CP xuất nhập khẩu lương thực - thực phẩm Hà Nội tầng 1 được thuê lại kinh doanh hàng ăn. Tại số nhà 36 Bà Triệu (quận Hoàn Kiếm), biển tên Công ty Xuất nhập khẩu tạp phẩm vẫn còn nhưng xung quanh thì đã bị cải tạo, kinh doanh trái phép. Hiện cửa hàng kinh doanh điện thoại di động vẫn hoạt động trên mặt tiền của đơn vị, phía sau là nhà của các hộ dân sinh sống.
Chống lãng phí và vi phạm trong sử dụng đất công
Nhiều địa điểm nhà đất có vị trí, lợi thế thương mại giá trị cao lại không được đưa vào khai thác sử dụng, không kinh doanh khai thác (trong đó có nhiều địa điểm nhà riêng lẻ và nhiều địa điểm thuộc diện tích kinh doanh dịch vụ tầng 1 tại các tòa nhà chung cư tái định cư), gây lãng phí tài nguyên và nguồn lực xã hội. Các địa điểm nhà chuyên dùng, nhà ở thuộc sở hữu nhà nước bị bỏ trống trong thời gian dài dẫn đến nhiều công trình nhà xuống cấp, hư hỏng, nguy hiểm. Điều này cho thấy việc điều tiết, trách nhiệm quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước và việc khai thác, kinh doanh của Công ty Quản lý nhà chưa hiệu quả, gây lãng phí tài sản nhà nước.
Đáng chú ý, số nợ tiền thuê nhà phải thu về ngân sách nhà nước lớn và có chiều hướng tăng nhanh. Nhiều địa điểm, diện tích không thu được tiền cho thuê nhà, đất. HĐND thành phố Hà Nội dẫn báo cáo của Sở Xây dựng cho biết, đối với quỹ nhà chuyên dùng, số nợ phải thu đến thời điểm hiện tại là hơn 415 tỷ đồng. Với diện tích kinh doanh tầng 1 tòa chung cư tái định cư, số nợ còn phải thu là hơn 70 tỷ đồng, trong đó nợ khó đòi hơn 39 tỷ đồng…
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, quỹ nhà chuyên dùng đang được quản lý theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017, Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017... và Quyết định số 32/2012/QĐ-UBND ngày 12/11/2012 của UBND Thành phố (quy định về quản lý, sử dụng quỹ nhà thuộc sở hữu Nhà nước sử dụng vào mục đích kinh doanh dịch vụ trên địa bàn thành phố Hà Nội). Tuy nhiên, Chính phủ chưa có quy định cụ thể về việc quản lý sử dụng, khai thác đối với quỹ nhà này.
Theo Luật Đất đai hiện hành, đất chuyên dùng có thể được hiểu như là một loại đất phi nông nghiệp được sử dụng vào nhiều mục đích đặc biệt khác nhau. Đất chuyên dùng không được sử dụng vào việc kinh doanh, mua bán bất động sản hoặc để ở khi chưa thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng theo đúng quy định của pháp luật.
Nhiều chuyên gia quy hoạch - kiến trúc cho biết các địa điểm nhà chuyên dùng, nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước bị bỏ trống trong thời gian dài dẫn đến nhiều công trình nhà xuống cấp, hư hỏng, nguy hiểm. Trong đó, nhiều ngôi nhà có vị trí nằm trên “đất vàng” đang bị nhiều tổ chức, cá nhân thuê sửa chữa, làm công trình bị biến dạng kiến trúc, không phù hợp cảnh quan. Điều này cho thấy việc điều tiết, trách nhiệm quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước và việc khai thác, kinh doanh của Công ty quản lý nhà còn chưa hiệu quả, gây lãng phí tài sản Nhà nước của thành phố Hà Nội.
Hiện tại, Sở Xây dựng Hà Nội đã báo cáo UBND Thành phố phê duyệt Đề án “Khắc phục tồn tại, hạn chế và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng quỹ nhà chuyên dùng thuộc sở hữu Nhà nước của Thành phố giao các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh nhà quản lý, khai thác giai đoạn 2023 - 2025, định hướng giai đoạn 2026 - 2030”. Mục tiêu của Đề án là thu hồi để quản lý, xử lý theo quy định các diện tích nhà, đất phải bàn giao về thành phố, sử dụng không đúng quy định, sử dụng kém hiệu quả, nợ nghĩa vụ tài chính về nhà, đất kéo dài.
Theo PGS. TS Đỗ Tú Lan - nguyên Phó cục trưởng Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây Dựng thì: “Nhà nước phải có biện pháp xử lý thích đáng để chấm dứt ngay tình trạng này. Điều cấp thiết bây giờ là phải nhanh chóng có một cuộc tổng rà soát toàn bộ tài sản công trên cả nước, thống kê theo nhóm loại đất công để quản lý, đặc biệt là đất đai và trụ sở cơ quan đang giao cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn. Đất công nào chưa được sử dụng, hoặc sử dụng không đúng mục đích phải kiên quyết thu hồi ngay. Trong trường hợp đất công, trụ sở cơ quan được tạm thời khai thác cho mục đích thương mại thì phải theo đúng quy định của pháp luật, có đấu thầu công khai, chặt chẽ... để đem lại nguồn thu cho ngân sách”.
Cũng theo bà Lan, bên cạnh việc kiểm tra kiểm soát sử dụng đất công và các công trình công, phải cập nhật thường xuyên và có các hình thức xử lý kịp thời các vi phạm. Đồng thời, cần phải xử lý nghiêm minh đối với các cá nhân tổ chức lấn chiếm và sử dụng đất công trái phép. Cần có kế hoạch chi tiết sử dụng đất công ở các cấp theo phân cấp, đặc biệt là cấp cơ sở xã, phường. Điều quan trọng hơn nữa, là cần phải có hệ thống số hóa đất công theo các nhóm loại để quản lý một cách bền vững, hiệu quả hơn.
Mới đây, vào ngày 23/8, Hội Luật gia Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo “Nâng cao hiệu quả thi hành Luật Đất đai: Chống lãng phí và vi phạm trong sử dụng đất công”.
Theo đó, Hội thảo tập trung nghiên cứu, làm rõ chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất công trong Luật Đất đai 2024 và các văn bản pháp luật liên quan; đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả chống lãng phí và vi phạm trong sử dụng đất công; làm rõ những vướng mắc, bất cập và đề xuất các giải pháp tháo gỡ góp phần giúp các
Qua đó có thể thấy, Luật Đất đai 2024 là đạo luật quan trọng, giữ vai trò trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai, với nhiều sửa đổi, bổ sung mới trong đó có việc sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý, sử dụng đất công của các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước nói riêng chắc chắn sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, chống lãng phí và vi phạm trong sử dụng đất khu vực này. Bên cạnh đó việc triển khai thực thi Luật Đất đai 2024 hiệu quả sẽ góp phần kịp thời khắc phục các tồn tại, hạn chế trong quản lý, khai thác, sử dụng đất, bảo đảm khai thác tiết kiệm, hiệu quả, bền vững, giảm thiểu thất thoát, lãng phí nguồn tài nguyên và nguồn lực nhà nước.