Honduras, thiên trường ca của đất và máu
Đất nước Honduras được thiên nhiên ban tặng nhiều ưu đãi để phát triển nông nghiệp. Vậy nhưng tiềm năng nông nghiệp của quốc gia này lại bị bóp nghẹt bởi những tranh chấp đất đai đẫm máu. Tại các vùng nông thôn Honduras không còn cảnh “tấc đất tấc vàng” nữa, mà đất đang bị nhuốm màu máu từ chính những con người mà đáng lẽ ra phải được làm chủ nó.
Hận thù dai dẳng
Cũng như các nước Trung Mỹ láng giềng, lịch sử Honduras đầy những vụ giết người để tranh giành đất đai. Quân đội thực dân Tây Ban Nha đã gây ra không dưới ba vụ thảm sát người dân tộc bản địa trong cuộc xâm lược hồi đầu thế kỷ XVI. Sau thất bại của tộc trưởng Lempira trong trận pháo đài Penol de Cerquín, các bộ lạc thổ dân đành phải chịu sự thống trị của người Tây Ban Nha. Nhưng nỗi khổ của họ vẫn chưa chấm dứt.
Nhà sử học El Cortés từng phản ánh: “Nhu cầu về cà phê và mía khiến nhiều ông chủ đồn điền tìm mọi cách để mở rộng cơ ngơi của mình. Họ sẵn sàng sử dụng vũ lực nhằm buộc người thổ dân phải rời bỏ mảnh đất của họ. Những hành vi mang tính khủng bố như lột da đầu phơi sọ đàn ông da đỏ không phải là hiếm. Chính quyền luôn tỏ thái độ khuyến khích và dung túng việc người da trắng xâm chiếm đất đai của các bộ lạc”.
Sau cuộc chiến đẫm máu với El Salvador (1969) và những xung đột nhỏ lẻ với những nhóm đối lập, Honduras lại còn phải đối mặt với trận siêu bão lịch sử có tên là Mitch xảy ra vào hồi năm1998. Hơn 7.000 người Honduras đã thiệt mạng trong bão. Và 1,5 triệu người mất nhà cửa. Người dân mất nhà, mất đất sản xuất và đứng trước nguy cơ chết đói. Đây là “ngòi nổ” châm ngòi cho một làn sóng bạo lực đất đai mới.
Nhiều năm nội chiến và sự xuất hiện của các tổ chức tội phạm ma túy đã khiến súng ống lan tràn trên thị trường chợ đen Honduras. Bất kỳ người nông dân nào cũng có thể mua súng và đạn. Hoặc là họ tự chế ra súng. Một viên cảnh sát điều tra giấu tên tại tỉnh Choluteca cho biết: “Chúng tôi thường xuyên thu giữ được những khẩu súng tự chế của người dân. Họ thường làm những khẩu súng săn vì nòng súng không cần khoan rãnh mà đạn dược lại không thiếu. Hoặc là họ đục lỗ, gắn nòng vào những cái dập ghim để biến thành súng lục”.
Việc dùng bạo lực để tranh chấp đất đai có thể kéo dài qua nhiều thế hệ. Không hiếm những gia đình mất cả ông, cha, chú, bác, con, v.v… vì súng đạn nổ trong những cuộc cãi vã. Viên cảnh sát trên kể tiếp: “Trên núi Apazurula có một cái ao trũng mà người dân hay cho bò dừng lại uống nước. Mùa hè nước nông có người đang cho bò uống nước thì phát hiện ra một cái xác dưới ao. Chúng tôi huy động máy móc tát cái ao và tìm được ba thi thể nữa. Xác chết đã thối rữa nhưng vẫn đủ để xác minh danh tính. Cả bốn nạn nhân đều là những người đã bị báo là mất tích tại địa phương. Sau một cuộc điều tra dài ba tháng thì cảnh sát mới biết là một số người dân vì tranh chấp đất đã dẫn đến ngộ sát, rồi ném xác xuống ao để phi tang”.
Câu hỏi đặt ra là tại sao người dân Honduras lại phải sử dụng đến súng đạn để xử lý tranh chấp? Trả lời câu hỏi này, luật sư Klein Rodríguez cho hay: “Hệ thống tư pháp cấp cơ sở tại Honduras còn mỏng và liên tục trong tình trạng quá tải. Bản thân một vụ tranh chấp đất đai lại còn cần thêm nhiều thời gian để các bên tiến hành đo đạc, xác định địa giới. Vì vậy mà nhiều người nông dân nảy sinh tâm lý “ngại” không muốn đưa tranh chấp ra toà. Họ cũng sợ rằng phía bên kia sẽ đút lót cho quan tòa để được thắng”. Tình trạng hối lộ trong tòa án Honduras nghiêm trọng đến mức một trong những sắc lệnh đầu tiên được nữ Tổng thống Xiorama Castro ký quyết định là mở cuộc điều tra một loạt các vị quan tòa bị tình nghi đã nhận đút lót.
Cuộc chiến của các băng đảng
Dưới thời chồng bà Xiorama Castro là nguyên Tổng thống Manuel Zelaya, Chính phủ có nhiều chính sách khuyến khích việc thành lập hợp tác xã nông nghiệp, lâm nghiệp. Ông Zelaya mong rằng qua việc này sẽ giúp giảm bớt các tranh chấp đất đai. Đồng thời “mở đường” cho một loạt các chính sách cải cách nông - lâm nghiệp. Kế hoạch mới chỉ triển khai được một phần thì quân đội Honduras tiến hành đảo chính lật đổ ông Zelaya.
Những hợp tác xã may mắn được thành lập đã phần nào tỏ rõ tính hiệu quả của mình. Tuy vậy đứng bên kia “chiến tuyến” với họ là các ông chủ đồn điền, chủ doanh nghiệp, và trùm tổ chức doanh nghiệp. Nông nghiệp lại đang trở thành một ngành kinh doanh kiếm lời “bạc tỷ”. Và ai cũng muốn “dây máu ăn phần” theo đúng nghĩa đen của từ đó.
Juan Moncada là trưởng một hợp tác xã ở gần thành phố Tocoa, tỉnh Colón. Trong nhiều năm liền hợp tác xã đứng trên nguy cơ biến mất vì mất đất sản xuất. Vùng thung lũng Aguán nơi đặt hợp tác xã là địa điểm lý tưởng để trồng cây cọ đỏ lấy dầu. Tuy tiềm năng lợi nhuận mà cọ đỏ đem lại khá cao, nhưng loại cây này cũng khiến đất đai bị bạc hóa, từ đó gây ra nguy hiểm cho những loài cây khác. Nhiều gia đình nông dân tại thung lũng sau nhiều mùa vụ thất bát đã phải bỏ xứ đi nơi khác, còn đất ruộng của họ rơi vào tay của các ông chủ đồn điền.
Chưa hết, hợp tác xã còn bị kiện bởi một địa chủ địa phương vì tội “chiếm dụng đất đai trái phép”. Một số sai sót trong việc phân giới địa chính đã tạo cơ hội để bên nguyên đem đi kiện với mục đích “thâu tóm” đất đai của bên bị. Bà Esmilda Rodas vợ của Juan Moncada kể lại: “Cứ đến chiều tối thì bên đó họ lại cho một đám bảo vệ cầm súng ngồi lên xe tải rồi qua lại trước cửa nhà tôi… Họ buộc các thương lái hoặc là không mua nông sản của chúng tôi, hoặc là nếu có mua cũng chỉ được ra giá thật thấp. Không ai dám làm trái lời họ vì cái ông đấy vừa có tiền, vừa có quan hệ!”.
Vào ngày 6 tháng 7 năm ngoái, ông Moncada bị bắn chết khi vừa mới bước chân khỏi cửa ngân hàng. Trước đó ba ngày ông có nói với vợ rằng mình liên tục bị người lạ mặt bám theo. Camera giao thông ghi lại hình ảnh kẻ bịt mặt thò đầu ra cửa sổ chiếc ô tô bắn chết ông Moncada rồi chạy đi. Cảnh sát mới chỉ xác minh được kẻ trực tiếp cầm súng là một tên côn đồ từng có tiền án sống tại địa phương. Họ chưa xác định được đồng bọn lái xe chở hắn là ai.
Đối với bà Esmilda và gia đình của nạn nhân, như thế là chưa đủ. Họ cho rằng không ai khác ngoài chính ông chủ đất từng đi kiện họ là kẻ chủ mưu vụ án. Những người dân tại Aguán đã chứng kiến quá nhiều vụ việc như thế rồi. Kể từ năm 2008 đến nay đã có tổng cộng 157 người dân nơi đây thiệt mạng vì bị bắn chết. Trong số 25 trường hợp đã đem ra xét xử thành công, phần nhiều các đối tượng gây án khai rằng mình được các địa chủ thuê để thực hiện hành vi giết người.
Đáng lo ngại hơn là sự tham gia “cuộc chiến ngầm” này của những tập đoàn quốc gia, quốc tế. Corporación Dinant SA de CV là một trong những nhà sản xuất dầu cọ đỏ lớn nhất Honduras. Ngoài mặt thì Dinant là một ví dụ thành công cho mô hình liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp. Thực tế tồi tệ hơn nhiều. Một người nông dân có bốn héc-ta trồng cọ đỏ cho Dinant cho biết: “Quần quật tối ngày với cây cọ mà một năm Dinant trả cho chúng tôi cũng chỉ được 3.000 USD. Mà đất còn là do tôi sở hữu. Có những người phải đi làm thuê cho họ một ngày nhận được chưa đến 25 USD. Số tiền đấy một người tiêu hằng ngày còn chưa đủ, nói chi là nuôi cả gia đình ba bốn miệng ăn.”
Tuy khổ thế nhưng không ai dám làm gì Dinant. Vẫn là người nông dân nói trên cung cấp thêm: “Cách đây gần 10 năm xảy ra tranh chấp hợp đồng giữa Dinant và một gia đình trong vùng. Gia đình họ tự phá vỡ hợp đồng để bán dầu cọ cho thương lái trả giá cao hơn. Qua một đêm mà toàn bộ gia đình đấy bị bắn chết. Tôi còn nhớ có lần đi qua đó nhìn thấy căn nhà lỗ chỗ vết đạn như tổ mối. Bên cảnh sát họ nói là đã bắt được năm tên bảo vệ của Dinant, nhưng không biết vì sao phía tòa lại xử trắng án cho đám này.”
Nói là bảo vệ nhưng thực chất Dinant và nhiều tập đoàn khác đang thuê hẳn những tên lính đánh thuê. Luật sư Klein Rodríguez giải thích: “Đa số các công ty bảo vệ - an ninh tại Honduras thuê lính đã giải ngũ làm nhân viên. Họ được huấn luyện bài bản và trang bị vũ khí hiện đại. Chưa hết, trong nhiều trường hợp nhân viên bảo vệ bị phát hiện đã giết người, những tập đoàn thuê họ sẵn sàng vung tiền ra để thuê luật sư giỏi với mục đích xoá án hay ít ra là “cầm chân” nó lại”.
Không chỉ nông dân mới bị các đối tượng vũ trang nhắm đến. Trong tháng 3-2016, đã có liên tiếp hai nhà hoạt động xã hội bị ám sát. Một người trong số đó là bà Berta Cáceres, nhà hoạt động, lãnh đạo bộ tộc và đồng sáng lập viên tổ chức hoạt động vì quyền người dân tộc thiểu số Honduras. Cả hai nạn nhân đều đang tổ chức các hoạt động phản đối việc xây dựng đập thủy điện Agua Zarca. Đây là một dự án có nguồn lực kinh tế trị giá tỷ đô nhưng cũng sẽ làm mất sinh kế, nhà cửa của khoảng 10.000 người dân tộc thiểu số trong địa bàn. Cuộc điều tra những kẻ sát nhân vẫn còn đang tiếp tục và đã xác định được 3 trong số 8 đối tượng gây án. Cả ba đều là cựu lính đặc nhiệm từng được huấn luyện tại Mỹ.
Nỗ lực của tân Tổng thống
Người dân Honduras đã quá chán ngán sự tắc trách, bất lực và tham nhũng của chính quyền. Bắt đầu từ hồi đầu năm ngoái xuất hiện một làn sóng biểu tình của nông dân trên khắp đất nước Honduras. Những người nông dân không chỉ biểu tình trên đường phố mà còn xông vào chiếm trang trại của địa chủ hay nhà máy chế biến nông sản yêu cầu chính quyền phải làm rõ những vụ giết người. Phong trào này sau đó đã trở thành “lực lượng nòng cốt” giúp bà Xiomara Castro chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống.
Tổng thống Xiomara Castro đã có nhiều hành động tỏ rõ quyết tâm kết thúc vấn đề sát hại nhau vì đất đai. Một mặt bà đưa trở lại các chính sách cải cách nông nghiệp của chồng bà. Mặt khác các cuộc điều tra được mở ra để giải quyết những vụ ám sát còn tồn đọng từ nhiều năm nay. Người dân Honduras có quyền phấn khởi sau những thông tin như bắt giam David Castillo, cựu Giám đốc tập đoàn thủy điện DESA. Và là kẻ được cho là chủ mưu vụ ám sát bà Berta Cáceres. Rất có thể nhờ vào những biện pháp “mạnh tay” của vị tân tổng thống, đất đai Honduras sẽ không còn cảnh bị ngập trong máu.