Cuộc chiến bào ngư ở Nam Phi

Thứ Tư, 08/02/2023, 21:17

Bào ngư, hay còn có tên ốc Cửu Khổng là loại thực phẩm cao cấp được tiêu thụ với số lượng lớn ở châu Á. Phần lớn bào ngư có nguồn gốc từ Nam Phi với khoảng 5.000 tấn/năm, nhưng 2/3 trong số này xuất xứ từ thị trường chợ đen thông qua việc săn bắt bất hợp pháp…

1. 11 giờ trưa, Mkupo và Pinta lên chiếc thuyền nhỏ động cơ 10 mã lực hướng đến vịnh Pringle, một trong những nơi sinh sống của quần thể bào ngư lớn nhất Nam Phi. Sau khoảng 15 phút, họ cho thuyền dừng lại rồi lúc Mkupo đeo kính lặn, anh đưa cái ống thở vào miệng còn Pinta khoác lên lưng anh chiếc bình khí nén. Kiểm tra lại túi lưới buộc ngang hông cùng chiếc đai chứa 15kg chì giúp người lặn chìm nhanh, Mkupo buông mình xuống nước. Ở độ sâu 6m, ánh nắng mặt trời soi rõ những rạn san hô, những bẹ tảo biển. Bên dưới đám tảo, Mpuko thấy vài con bào ngư mà theo anh cùng những ngư dân chuyên nghề săn trộm thì đó là “vàng trắng”.

Cuộc chiến bào ngư ở Nam Phi -0
Một kẻ săn trộm với con bào ngư có thể bán được 20 USD.

Nằm dọc bờ biển Nam Phi, những cái tên như Danger Point, Pringle Bay, Betty's Bay và Hermanus từ lâu đã trở thành bãi săn trộm mà kẻ trộm hiếm khi bị bắt bởi lẽ với bờ biển dài 2.850 km, trách nhiệm của Hải quân Nam Phi chỉ là chống hải tặc và các mối đe đọa an ninh từ bên ngoài. Markus Burgener, sĩ quan cao cấp thuộc lực lượng cảnh sát Nam Phi nói: “Việc bảo vệ bờ biển được giao cho chúng tôi. Hiện tại chúng tôi có 82 tàu và 136 thợ lặn, làm nhiệm vụ tìm kiếm nạn nhân trong những tai nạn đồng thời ngăn ngừa một số hoạt động tội phạm, trong đó có việc săn trộm bào ngư”.

Vẫn theo ông Markus, từ 2019 đến nay, trung bình mỗi năm cảnh sát Nam Phi bắt giữ 350- 400 vụ săn trộm bào ngư, giá trị vượt quá 1,6 triệu USD nhưng đó chỉ là một phần nhỏ. Một cuộc điều tra của trang tin “Châu Phi ngày nay - Africa Today” cho thấy 2 ngư dân Mkupo và Pinta chẳng hạn, chỉ sau 3 giờ lặn bắt họ kiếm được 2.400 USD, góp phần vào sự tăng trưởng xuất khẩu lên đến 8%/ năm, biến nghề săn trộm trở thành trụ cột của nền kinh tế ven biển nên việc triệt phá những đường dây khai thác, chế biến, xuất khẩu bao ngư bất hợp pháp khó hơn bao giờ hết. Ông Markus nói tiếp: “Nam Phi hiện đang cung cấp một nền tảng cho các tập đoàn tội phạm quốc tế phát triển.Thất nghiệp tràn lan, đặc biệt là trong giới trẻ. Năm ngoái, tỷ lệ thất nghiệp vượt quá 32% nhưng với những người từ 16- 24 tuổi, tỷ lệ này là 59%. Những kẻ điều hành thị trường đen đã nhìn thấy ở đây nguồn cung cấp nhân lực vô tận, sẵn sàng phạm pháp mà chẳng cần để ý bao nhiêu người sẽ phải ở tù…”.

2. Với giới săn trộm bào ngư, ngoài việc tranh giành bãi săn diễn ra ngày càng khốc liệt giữa các băng nhóm, thợ săn còn phải đối đầu với vô vàn nguy hiểm chực chờ mà ngay cả những người giàu kinh nghiệm, nguy cơ mất mạng hoặc tàn tật luôn hiện hữu. Shuhood chẳng hạn, lần đầu tiên sử dụng thiết bị lặn, do không được đào tạo bài bản, chỉ học theo lối truyền khẩu, anh suýt chết đuối bởi lúc ngoi lên, cái túi đựng bào ngư vướng vào một tảng san hô. Lần ấy anh phải vứt cả túi lẫn đai chì mới thoát được.

Cuộc chiến bào ngư ở Nam Phi -0
Bờ biển Western Cape, bãi “vàng trắng” của dân săn trộm.

Một lần khác, ống dẫn khí của Shuhood bị vỡ lúc anh đang ở độ sâu 25 m. Khi trồi lên mặt nước, anh bất tỉnh rồi lúc được vớt lên thuyền, đưa vào bờ, Shuhood nằm liệt gần 2 tháng vì chứng giảm áp. Bi thảm nhất là hồi đầu năm, người điều khiển chiếc thuyền chở Shuhood đi săn trộm đã trườn qua người anh để bỏ chạy khỏi sự truy đuổi của cảnh sát. Hậu quả là chân vịt động cơ đã làm anh tổn thương cả 2 chân! Shuhood nói: “Xem ra tôi vẫn còn may mắn hơn Tchebe, anh ấy bị chân vịt cắt lìa đầu”.

Ngoài những sự cố chết người gây ra bởi trang thiết bị, thợ săn bào ngư còn phải đối đầu với cá mập trắng. Tại vịnh Sai, đối diện bán đảo phía Nam Cape Town là nơi tập trung nhiều cá mập trắng nhất thế giới. Ít nhất 6 cuộc tấn công của cá mập với những người săn trộm được ghi nhận từ đầu năm đến nay, trong đó 3 người chết, 3 người còn lại mang thương tật vĩnh viễn. Tại ven biển Fish Hoek, 2 người khác thiệt mạng khi mới ra khỏi bờ 30m. Để tiết kiệm tiền, họ không thuê thuyền mà tự bơi ra bãi săn. Ougadou, thợ săn trộm nói: “Tôi luôn nhận thức được mối nguy hiểm nhưng mỗi lần xuống nước, nếu tôi cứ nghĩ về cá mập thì gia đình tôi sẽ chết đói. Vì vậy phải liều thôi”.

Với Adam, làm nghề bán giày trước khi trở thành người vận chuyển bào ngư cho những đại lý thu mua ở vịnh Hout thì lối sống của họ làm anh chóng mặt. Ăn mặc bảnh bao, hút xì gà, lái những chiếc xe hơi đắt tiền, họ thường nói với Adam rằng “bào ngư là ngân hàng của chúng tôi”. Cứ mỗi kg bào ngư còn nguyên vỏ giao cho họ, anh nhận lại 30 USD. Adam cho biết thợ săn trả cho anh mỗi ký 1 USD tiền công nên trung bình mỗi tháng, anh kiếm được khoảng 1.200 USD, cao hơn gấp 3 lần khi còn bán giày tại một cửa hàng bách hóa. 

Bào ngư sau khi đưa về sẽ được các nhà chế biến tách vỏ lấy thịt rồi sấy khô. Bào ngư khô xuất khẩu thường có kích thước bề ngang từ 6 cm trở lên còn nếu dưới quy chuẩn ấy, nó sẽ được đóng hộp nhưng khẩu vị người ăn không mặn mà lắm với loại bào ngư đóng hộp vì theo họ, nó đã mất phần lớn chất ngọt và chất béo! Cứ mỗi kg bào ngư khô gồm 80 con, đại lý thu mua giao cho những nhà xuất khẩu với giá 1.800 USD rồi khi lên bàn ăn, một đĩa bào ngư 4 con tiềm nước cốt gà hầm giá từ 200 đến 400 USD tùy từng nơi bán.

Lau Chun, đầu bếp tại Kin's Kitchen, một nhà hàng cao cấp ở Hong Kong, nơi chuyên phục vụ các món ăn làm từ bào ngư giải thích: “Nếu bào ngư Australia là chiếc Mercedes thì bào ngư Nam Phi là xe Lexus”. Điều đó nói lên chất lượng của loại “vàng trắng” xuất xứ từ Nam Phi. Sức mạnh của “chiếc Lexus” thể hiện rất rõ ở Hong Kong, đầu mối của thị trường hải sản cao cấp Trung Quốc.Tại đây, bào ngư Nam Phi được bán ở hầu hết các cửa hàng hải sản khô. Trang tin Africa Today cho biết các nhà xuất khẩu thường dùng xe tải để vận chuyển bào ngư khô từ Nam Phi qua Namibia hoặc Zimbabwe hoặc Mozambique, là những quốc gia không có luật cấm mặt hàng này rồi cập cảng nào đó. Tại đó, những tàu buôn đã chờ sẵn để chuyển nó đến Hong Kong. Vẫn theo đầu bếp Lau Chun, một dĩa bào ngư có đủ 4 thành phần gồm vi cá mập, bong bóng cá đường, hải sâm và bào ngư có giá 900 USD cho 4 người ăn. 

Theo Tổ chức bảo vệ động vật hoang dã Liên hợp quốc, trong 5 năm qua chỉ riêng Nam Phi đã xuất khẩu khoảng 130 triệu con bào ngư, bình quân 8 tấn/ ngày; 2/3 số này là săn trộm, phần còn lại có nguồn gốc từ những trại nuôi hợp pháp mặc dù các cơ quan như Cảnh sát, Thủy sản và Công viên biển quốc gia đều có tránh nhiệm bảo vệ nguồn lợi này.  Ông Markus Burgener nói: “Tất cả đều thiếu hụt nhân sự, chưa kể nhiều người còn nhận tiền đút lót để nhắm mắt làm ngơ. Với những kẻ săn trộm bị bắt, án tù hiếm khi dài hơn một năm và cũng hiếm khi bị kết án còn những ông trùm kiểm soát ngành săn bắt, chế biến, xuất khẩu bào ngư bất hợp pháp, hầu như chưa có ông nào ra trước vành mòng ngựa”.

3. Mới chỉ chục năm trước đây, loài nhuyễn thể này đã từng bao phủ các rạn san hô ở độ sâu không quá 30 m dọc theo bờ biển phía Nam và phía Tây Nam Phi thì bây giờ, nó chỉ còn rải rác ở những nơi quá nguy hiểm để thợ săn có thể tiếp cận.  Để ngăn chặn việc săn trộm bào ngư, Chính phủ Nam Phi đã khuyến khích phát triển ngành nuôi bào ngư và một trong số đó là trang trại HIK, trụ sở tại Hermanus, sản xuất 400 tấn mỗi năm.Tuy nhiên, vì bị “cướp mất miếng ăn”, một số ông trùm bào ngư chợ đen và ngay cả dân săn trộm đã phản ứng. Ông Matthew Naylor, quản lý HIK cho biết xe tải chở bào ngư của công ty phải đối mặt với các vụ cướp vũ trang: “Đó là chỉ dấu cho thấy bào ngư hoang dã ngày ngày càng ít, dẫn đến các chuyến xe của chúng tôi trở thành mục tiêu. Một điều đáng sợ”.

Cuộc chiến bào ngư ở Nam Phi -0
Bào ngư sấy khô xuất khẩu.

Vì thế, để bảo toàn tài sản và tính mạng tài xế, HIK không cho xe xuất bến vào ban đêm đồng thời thường xuyên thay đổi lộ trình. Ông Matthew Naylor nói: “Thậm chí chúng tôi chỉ cung cấp thông tin cho tài xế từng đoạn sẽ phải đi qua nhằm ngăn  chặn họ bán đường cho bọn cướp. Đó không phải là điều bình thường trong kinh doanh nhưng một khi chúng tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra vào ngày mai hay ngày kia, với chiếc xe tải nào và ai là người lái xe thì tăng cường an ninh là điều dễ hiểu”.

Với trang trại bào ngư Abagold, quy trình bảo vệ cũng chặt chẽ không kém. Cứ mỗi chuyến xe chở bào ngư đến điểm giao hàng, Abagold hợp đồng với một công ty vệ sĩ tư nhân cử 2 nhân viên đi theo áp tải.

Ông Michael Dunsdon, giám đốc sản xuất của Abagold cho biết nhược điểm của các vệ sĩ là họ chỉ được phép trang bị súng bắn đạn cao su, bình xịt hơi cay nên khi bị tấn công bằng vũ khí quân dụng, họ rất khó chống trả. Ông nói, những băng nhóm tội phạm thường nhắm vào xe của Abagold  hơn là những công ty khác bởi lẽ quy trình nuôi bào ngư của Abagold rất giống với môi trường thiên nhiên, mỗi bể nuôi sử dụng 6 tấn tảo bẹ mỗi tuần cùng những viên thức ăn được chế tạo đặc biệt. Chưa hết, tất cả mọi người khi ra vào nhà máy chế biến bào ngư phải đeo lưới che tóc, tháo bỏ đồng hồ, trang sức, phải mang găng, đi ủng và mặc quần áo bảo hộ nên giá xuất bán bào ngư sấy khô của Abagold bằng hoặc có lúc cao hơn so với bào ngư khai thác tự nhiên.

Ông Dunsdon cho biết tiếp: “Ngoài việc có thể bị cướp, điều đáng sợ nhất với chúng tôi là dịch bệnh liên quan đến bào ngư. Chỉ cần một vài con bào ngư săn trộm nhiễm nấm hoặc ký sinh trùng do chế biến cẩu thả thì toàn bộ ngành nuôi trồng của chúng tôi sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề vì nhà nhập khẩu, người tiêu dùng khó phân biệt đâu là bào ngư săn trộm, đâu là bào ngư nuôi hợp pháp”.

Vì thế, cùng với Chính phủ Nam Phi, các trang trại nuôi bào ngư đang nỗ lực thực hiện việc cung cấp thông tin đến đại chúng nhằm chặn đứng việc săn trộm. Hầu hết các trang trại này đều có giấy chứng nhận bền vững, cấp bởi Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản nhưng theo nhà nghiên cứu Serge Raemaekers, Đại học Cape Town Nam Phi, chuyên về lĩnh vực buôn bán bào ngư thì: “Rất khó để chấm dứt việc săn trộm và mua bán chợ đen ngoại trừ Nam Phi không còn một con bào ngư tự nhiên nào nữa…”.

Vũ Cao (Theo Africa Today)
.
.
.