Bi kịch của những phù thủy châu Phi

Thứ Ba, 21/03/2023, 08:27

Bước sang thế kỷ 21, khi nhân loại đã đạt được những tiến bộ phi thường về khoa học kỹ thuật thì ở châu Phi, nhiều nơi vẫn tin rằng phù thủy là những người có quyền lực vô biên. Niềm tin ấy không chỉ có ở giai tầng nghèo đói, ít học mà ngay cả giới thượng lưu, một số vẫn nhờ đến phù thủy khi gặp chuyện bế tắc…

Những bi kịch phát xuất từ phù thủy

Ở hàng chục ngôi làng nằm về phía Bắc Uganda, hầu như không ai là không biết đến phù thủy Kwata. Nổi tiếng với những nghi lễ hiến tế trẻ em để mang lại vận may cho người này hoặc tai họa cho người khác, ít nhất đã có hơn 60 trẻ rơi vào tay Kwata mà trong đó, số phận của hai nạn nhân là Ssembatya, 9 tuổi và Kironde, 6 tuổi đã được Lực lượng đặc nhiệm chống buôn người và hiến tế người ở Uganda làm rõ.

afri1.jpg -0
Một phụ nữ được phù thủy đắp bộ ruột trâu lên bụng để lấy hết chất độc do bị người khác hãm hại.

Trưa ngày 21/9/2019, trên đường từ trường về nhà, Ssembatya bị phù thủy Kwata cùng 2 người quen bắt cóc. Tại phòng thờ của Kwata, cậu bé bị gã phù thủy đánh vào đầu, vai, cổ và cắt mất 1 tinh hoàn vì một trong 2 người quen với gia đình cậu là Tutu lấy vợ đã mấy năm nhưng chưa có con. Theo lời phù thủy Kwata, nguyên nhân dẫn đến việc vợ Tutu chưa có con là do ông nội của Ssembatya đã chết, nhập hồn vào cậu bé để ngăn chặn sự thụ thai vì lúc còn sống, ông nội Ssembatya có thù oán với gia đình người phụ nữ này.

Sau khi đánh đập rồi cắt 1 tinh hoàn, Ssembatya bị phù thủy Kwata ném vào một bụi rậm. Gần 3 tiếng sau, một nông dân đi tìm con dê lạc đã phát hiện cậu bé đang thoi thóp. Suốt 1 tháng sau đó, Ssembatya phải nằm trong bệnh viện để mổ sắp lại xương vai, xương đòn còn Kwata bị bắt. Trả lời những cuộc thẩm vấn của Lực lượng đặc nhiệm chống buôn người và hiến tế người Uganda, gã phù thủy thừa nhận mọi hành vi tàn độc của mình nhưng vẫn khăng khăng bảo vệ niềm tin vào sức mạnh siêu nhiên thần bí. Và mặc dù 4 năm đã trôi qua nhưng vụ án chưa được đưa ra xét xử vì theo lời một sĩ quan cảnh sát điều tra: “Ngay cả những người phụ trách tòa án, vẫn có người tin vào… phù thủy! Bên cạnh đó, chúng tôi cũng không loại trừ nguyên nhân hối lộ vì Kwata rất giàu”.

Với Kironde, 6 tuổi, số phận của cậu còn bi thảm hơn nhiều. Cả cha lẫn mẹ đều đi làm ăn xa nên Kironde sống với bà ngoại. Một sáng tháng 12/2009, khi bà ngoại cậu ra chợ thì có 2 kẻ vào nhà, bắt cóc cậu. Xác Kironde được tìm thấy vào ngày hôm sau ở một mảnh vườn gần đó trong tình trạng mất đầu. Kết quả điều tra của Lực lượng đặc nhiệm chống buôn người và hiến tế người Uganda cho thấy thủ phạm giết Kironde là phù thủy Yamtsi mà nguyên nhân là “hiến tế cậu bé để giúp một người khác đắc cử trong cuộc bầu cử nghị viên tỉnh!”.

3 tuần sau khi bắt giam phù thủy Yamtsi, bà ngoại và cha mẹ Kironde đột ngột làm đơn đề nghị hủy bỏ vụ án, từ chối tham gia tố tụng hình sự. Một sĩ quan cho biết gia đình phù thủy Yamtsi đã trả cho cha mẹ Kironde 2.000 USD để họ ký vào tờ đơn ấy nhưng theo sĩ quan này: “Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn tiếp tục truy tố Yamtsi vì trong trường hợp này, tội ác đã hoàn thành nhưng việc xét xử chẳng hiểu vì sao vẫn chưa được thực hiện”. Một báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết 13 trường hợp hiến tế trẻ em đã được ghi nhận  vào năm 2014 và 2015, trong đó 6 trường hợp liên quan đến các cuộc bầu cử. Ông Richie Kirland, chuyên gia của UNICEF làm việc tại vùng châu Phi cận Sahara nói: “Không riêng gì Uganda mà ở Nigeria, Tanzania, Namibia, Liberia, Mali, Mozambique…, việc giết người theo nghi lễ hiến tế, thực hiện bởi các phù thủy vẫn xảy ra trong thế kỷ 21, đặc biệt là với trẻ em. Một khảo sát của chúng tôi cho thấy khoảng 80% các ngôi làng châu Phi cận Sahara vẫn đặt niềm tin vào các thầy phù thủy mặc dù các quốc gia nêu trên đã ban hành rất nhiều điều luật nhằm chống lại tục lệ tàn ác này”.

afri2.jpg -0
Bị buộc tội phù thủy, bà Ashetu Chonfo bị chọc mù một mắt rồi bị đưa vào trại tập trung.

Và những phản ứng cực đoan

Để chống lại nạn phù thủy, một số quốc gia châu Phi đã không ngần ngại áp dụng những biện pháp cực đoan là thành lập những trại giam giữ phù thủy, trong đó có cả những người bị bắt oan. Bà Nanumba chẳng hạn, có lẽ suốt đời bà không bao giờ quên được buổi sáng ngày 24-9-2009, khi bà bị những người thuộc Đội chống phù thủy ở làng Oti, Ghana, xông vào nhà rồi cưỡng bách bà cùng đứa con gái 2 tuổi phải đi theo họ. Trả lời Michele Eken, tình nguyện viên của Tổ chức Ân xá quốc tế Tây Phi, bà Nanumba nói: “Hai ngày trước đó, tôi sang thăm ông hàng xóm Kumasi bị ốm. Chiều hôm sau ông ấy chết và tôi bị nghi ngờ là phù thủy, đã dùng phép thuật để hãm hại ông…”.

Trại phù thủy nơi mẹ con bà Nanumba bị đưa vào nằm cách làng Oti khoảng 15km về phía bắc. Có khoảng 30 căn nhà vách đất, nền đất, mái lợp lá dừa là nơi ở của 72 phù thủy, trong đó 21 người là những đứa trẻ dưới 12 tuổi bị buộc phải đi theo cha mẹ chúng. Trại không có điện, không trường học, không trạm y tế còn nước sinh hoạt là một cái giếng. Mặc dù trại nằm gần con sông Agbadwa nhưng họ không được phép đến đó vì những người quản lý trại tin rằng họ sẽ dùng phép thuật để đầu độc nguồn nước, giết sạch tôm cá, làm hại cộng đồng cư dân sống ở hạ lưu.

Phong trào săn phù thủy ở Ghana đã có từ hàng trăm năm trước nhưng nó chỉ bùng phát công khai khi ông Gambia Yahya Jammeh trở thành tổng thống Ghana. Vốn là người có thành kiến với tà giáo, nhất là với những vụ giết người để hiến tế do các phù thủy thực hiện nhưng thay vì tổ chức những chương trình tuyên truyền rộng rãi nhằm thay đổi nhận thức của người dân, cũng như chứng minh phép thuật phù thủy chỉ là sự đồn thổi, ông đã ra lệnh thành lập những đội săn phù thủy được nhà nước bảo trợ, hoạt động trên khắp đất nước. Chiến dịch săn phù thủy kéo dài từ năm 2008 cho đến 2017, khi ông Gambia Yahya Jammeh rời bỏ quyền lực. Theo Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc, trong thời gian này đã có khoảng 10.000 người bị bắt và bị đưa vào những trại phù thủy, gồm cả phù thủy thật lẫn những người mới chỉ ở dạng nghi ngờ. Tất cả đều bị buộc phải uống những loại thuốc được pha chế từ nhiều loại cây cỏ khác nhau với mục đích “loại bỏ tà thuật ra khỏi thân thể”, dẫn đến nhiều người bị ngộ độc hoặc chết.

Sau khi ông Gambia Yahya Jammeh thôi làm tổng thống, phong trào chống phù thủy tuy không còn được nhà nước khuyến khích nhưng nó vẫn tiếp tục hoạt động. Bà Yaanaa, 69 tuổi, bị đưa vào trại phù thủy Kotoka năm 2016 nói với các tình nguyện viên của Tổ chức Ân xá quốc tế Tây Phi: “Trong mấy ngày đầu tiên, ngày nào tôi cũng bị đánh. Thức ăn cho tôi chỉ là vài củ khoai. Sau đó tôi bị buộc phải uống thuốc trừ tà. Bây giờ người tôi phù lên, đi không nổi nữa”.  Tình nguyện viên Michele Eken cho biết việc buộc tội ai đó là phù thủy rất đơn giản, chỉ dựa vào những điều không may xảy ra, chẳng hạn như trong làng có người ốm nặng. Ngay cả khi những con gia súc chết vì dịch bệnh hoặc một căn nhà bốc cháy do bất cẩn khi nấu nướng, người ta vẫn cho là có bàn tay của phù thủy, thậm chí phù thủy còn bị buộc tội bởi chính những người thân trong gia đình.

afri3.jpeg -0
Phù thủy Yamtsi ăn rắn độc còn sống để có thêm sức mạnh trừ tà.

Để giúp đỡ những “phù thủy”, các tình nguyện viên của Tổ chức Ân xá quốc tế Tây Phi cử người đến các trại, giúp họ thức ăn, nước sạch, hướng dẫn các kỹ năng cần thiết về vệ sinh cơ bản cùng cách phòng tránh những bệnh tật phổ biến như sốt rét, lao, thương hàn và HIV nhưng không phải lúc nào công việc của họ cũng suông sẻ. Nhiều trại phù thủy cấm cửa không cho họ vào. Baako Alhassan, điều phối viên dự án Tổ chức từ thiện toàn cầu, hoạt động ở khu vực phía Bắc Ghana nói: “Hầu hết các cáo buộc dẫn đến việc cưỡng bách phù thủy vào trại là do thiếu kiến thức khoa học. Phần lớn người dân ở đây đều tin rằng chết là do sức mạnh siêu nhiên gây ra chứ không phải vì bệnh tật, đói ăn, tai nạn. Lấy thí dụ một đứa trẻ được tiêm vắc-xin ngừa bại liệt rồi sau đó nó gặp phải những phản ứng phụ như sốt, đau…, thì họ kết luận đó là do phù thủy. Nếu một đứa trẻ bị tiêu chảy thì thay vì đưa nó đến trạm y tế, cha mẹ nó cho nó uống những loại cây, lá chưa được khoa học chứng minh về tính khả dụng. Bi đát nhất là nếu nó chết, phù thủy bị xem là nguyên nhân”.

 Theo ông Jon Benjamin, Cao ủy Anh tại Ghana, Chính phủ Ghana nên nhanh chóng xua tan huyền thoại về sự tồn tại của phù thủy để có thể đưa hàng nghìn người trở về làng của họ. Trong một cuộc họp với chính quyền, ông Benjamin nói: “Cá nhân tôi tin rằng trong thế kỷ 21, không có cái gọi là phù thủy. Việc sử dụng thuật ngữ này được xem như cố tình hạ thấp nhân phẩm của những người dễ bị tổn thương mà hậu quả là 800 người lớn cùng 500 trẻ em vẫn đang bị giam giữ trong các trại tồi tàn ở tỉnh Kuko, miền Bắc Ghana. Nếu ngay từ đầu họ không bị xã hội tùy tiện gán cho hai chữ “phù thủy” rồi bị phân biệt đối xử, đôi khi là bạo lực thì bạn sẽ không cần lập ra những trại đó nữa”.

Cho đến nay, hầu như chưa hề có bất kỳ một người nào sống trong các trại phù thủy quay trở lại cộng đồng mặc dù chính phủ của Tổng thống Nana Akufo Addo thông báo sẽ đóng cửa các trại nhưng theo ông Igwe, một nhà xã hội học Ghana “những người bị kết tội phù thủy không thể tái hòa nhập cộng đồng bời những thành kiến đã dành cho họ. Chẳng người dân nào chấp nhận trong làng lại có một hay nhiều phù thủy. Cũng đã có một số ra khỏi trại này nhưng thực tế là để sang trại khác. Bi kịch lớn nhất của họ là kể từ khi họ bị đưa vào trại, gia đình họ hầu như quên hẳn rằng họ vẫn còn tồn tại trong cuộc đời”.

Với những trẻ em bị buộc phải theo cha mẹ chúng vào trại phù thủy, UNICEF đang có những nỗ lực để đưa chúng trở lại cuộc sống bình thường bằng cách thiết lập trường học, trường dạy nghề, trạm y tế ngay trong những trại phù thủy, đồng thời cung cấp cho chúng những bữa ăn đủ chất dinh dưỡng. Ông Mossi, điều phối viên của UNICEF ở Ghana nói: “Cáo buộc phù thủy với ai đó là một hiện tượng hoang dã, có tính hủy diệt. Việc đóng cửa các trại không phải là giải pháp vì vấn đề nằm ở nhận thức xã hội. Nếu nhận thức ấy không thay đổi thì dù có đóng cửa các trại, những người ở trong đó sẽ đi đâu, hay sẽ lại hình hành những trại khác?”.

Vẫn theo ông Mossi, khác với đại dịch COVID-19 được sự quan tâm của cả nhân loại nhưng vấn đề “phù thủy” thì hầu hết lại thờ ơ vì nó không ảnh hưởng đến phương Tây, nạn nhân chủ yếu là người châu Phi chứ không phải người phương Tây nên “việc chấm dứt cuộc đàn áp phù thủy ở châu Phi là chưa cần thiết”. Ông Mossi nói: “Thế giới cần tiếp cận ngay lập tức các cuộc đàn áp những người bị cho là phù thủy ở châu Phi và phải chấm dứt nó. Đây là lập trường đã được Liên hợp quốc và các tổ chức nhân đạo quốc tế khẳng định”.

Với ông Mike Chibata, Viện trưởng Viện Công tố Uganda, phù thủy ngày càng phát triển vì nhiều người tin rằng việc hiến tế trẻ em sẽ giúp họ khỏe mạnh, tránh được sự hãm hại của kẻ xấu và nhất là sẽ trở nên giàu có. Ông nói: “Sự đồng nhất này đã khiến phù thủy gắn liền với chữa bệnh, trừ tà hoặc trả thù người khác. Nó mang đến lời hứa hẹn cho những người tuyệt vọng một phép thuật thần kỳ để thu hẹp khoảng cách từ không đến có, từ thất bại đến thành công nên cũng dễ hiểu vì sao phù thủy vẫn còn đất sống…”.

Vũ Cao  (Theo Africa Today)
.
.
.