Bảo vệ người lao động trước bọn buôn người

Thứ Bảy, 28/10/2023, 21:15

Thời gian qua, tội phạm mua bán người trên địa bàn cả nước diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng. Mặc dù công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm mua bán người được thực hiện quyết liệt, đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng tình trạng mua bán người vẫn diễn ra với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn. vì vậy, cần phải có sự chung tay của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong cuộc chiến chống mua bán người và công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

Nhiều đường dây buôn người được hình thành ngay trong nước

Tại Bạc Liêu, tuy không có đường biên giới trên bộ với các nước, song tình trạng mua bán người tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, các băng nhóm buôn người có sự câu kết chặt chẽ giữa đối tượng môi giới, dẫn dắt, hình thành các đường dây phạm tội liên tỉnh, xuyên quốc gia. Đáng chú ý, đa phần kẻ chủ mưu, cầm đầu trong đường dây mua bán người Việt Nam ra nước ngoài lại là... người Việt Nam. Với thủ đoạn giới thiệu “việc nhẹ, lương cao”, mai mối “lấy chồng ngoại quốc”, nhiều thanh niên, phụ nữ, thậm chí có cả trẻ vị thành niên trở thành nạn nhân trong các đường dây buôn người. Xót xa hơn, trong số những chân rết móc nối, có những phụ nữ từng là nạn nhân bị mua bán nhưng lại tiếp tay, trở thành thủ phạm lừa bán những phụ nữ, trẻ em khác. Tinh vi hơn, nếu như trước đây các đối tượng tiếp cận, làm quen với nạn nhân theo hình thức trực tiếp gặp mặt thì hiện nay đã chuyển qua sử dụng mạng xã hội để “bẫy mồi”, sau đó lần lượt đưa họ đi qua từng mắt xích của đường dây đã được hình thành, hoạt động trơn tru từ trước.

Bảo vệ người lao động trước bọn buôn người -0
Anh G.Q.T bị lừa bán sang Myanmar với thủ đoạn “việc nhẹ, lương cao” được Công an tỉnh Bạc Liêu giải cứu đầu tháng 9/2023.

Đại tá Lê Thanh Hùng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Qua thực tiễn đấu tranh tội phạm mua bán người thời gian qua, có thể xác định nạn nhân mà bọn buôn người nhắm tới là những thanh niên ở vùng sâu, vùng xa, thiếu hiểu biết pháp luật; chị em phụ nữ có cuộc sống gia đình đổ vỡ, bị tổn thương về tình cảm nên có tư tưởng chán nản, bi quan; các bé gái tuổi mới lớn chưa có nhiều kinh nghiệm sống. Một số phương thức, thủ đoạn bọn buôn người thường sử dụng, như: Kết nối Zalo, Facebook để dụ dỗ đưa phụ nữ ra nước ngoài lấy chồng; lập các nhóm kín “nhận con nuôi, mang thai hộ”; tìm kiếm “việc nhẹ lương cao”... Sau khi con mồi “cắn câu”, chúng khống chế, buộc phải lao động nặng nhọc tại các sòng bạc, hoạt động mại dâm, bán nội tạng, đẻ thuê... Khi nạn nhân không chịu được sự bóc lột, chúng bắt gọi điện về cho gia đình tại Việt Nam để nộp tiền chuộc mới cho về nước. Nhiều trường hợp bỏ trốn khi chưa có tiền chuộc, đã bị các đối tượng bắt nhốt, đánh đập, ngược đãi, bán sang cơ sở khác”.

Từ đầu năm 2021 đến nay, Công an tỉnh Bạc Liêu đã đấu tranh, bóc gỡ 5 vụ mua bán người, bắt giữ 13 đối tượng liên quan. Đặc biệt, mới đây, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh đấu tranh quyết liệt với băng nhóm tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép, qua đó triệt phá thành công đường dây mua bán phụ nữ dưới vỏ bọc lấy chồng ngoại quốc. Theo nhận định, thủ đoạn tội phạm mua bán người không mới, nhưng tính chất, quy mô ngày càng phức tạp, có sự thay đổi trong phương thức hoạt động. Bên cạnh việc cấu kết, móc nối với các đối tượng nước ngoài để mua bán người xuyên quốc gia, hiện nay, một số đối tượng còn thực hiện hành vi mua bán ngay trong nước, thậm chí ngay tại địa phương. Cụ thể là tại một số cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, massage có hành vi lừa gạt, cưỡng ép lao động, mua bán nhân viên... đã bị Cơ quan công an điều tra, xử lý.

Muôn kiểu nạn nhân bị mua bán

Về nguyên nhân tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp thời gian gần đây, một phần do công tác quản lý nhà nước ở một số lĩnh vực còn bất cập, sơ hở để tội phạm lợi dụng hoạt động, nhất là trong quản lý người nước ngoài, nhân hộ khẩu, xuất nhập cảnh, hôn nhân, việc cho, nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài... Song, nguyên nhân trực tiếp vẫn là do đời sống kinh tế của một bộ phận người dân, nhất là vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn rất khó khăn, từ đó áp lực tìm kiếm việc làm khiến họ dễ sa vào cạm bẫy của bọn buôn người. Điển hình như trường hợp một nạn nhân của đường dây buôn người dưới chiêu trò “việc nhẹ, lương cao” được Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Bạc Liêu giải cứu thành công vào đầu tháng 9 vừa qua.

Bảo vệ người lao động trước bọn buôn người -0
Các bị cáo bị TAND tỉnh Bạc Liêu tuyên phạt tổng mức án 34 năm tù vì tội “Mua bán người”.

Giữa tháng 7/2023, anh G.Q.T (sinh năm 1981, ngụ xã Long Điền, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) đi tìm việc làm và được giới thiệu làm quen với một người phụ nữ Myanmar tên Elly Sung, hứa lo toàn bộ chi phí xuất cảnh sang Myanmar làm việc với mức lương 30 triệu/tháng. Đến ngày 24/7, theo hướng dẫn của Elly Sung, anh T ra Hà Nội và tiếp tục được một người phụ nữ khác đưa sang Lào thông qua cửa khẩu quốc tế Tây Trang (Điện Biên), sau đó nhập cảnh trái phép vào Myanmar. Tuy nhiên, không phải làm việc tại công ty như thỏa thuận ban đầu, các đối tượng giam anh T tại một tòa nhà cao tầng chung với hàng chục lao động Việt Nam khác và ép buộc phải thực hiện công việc là tạo các tài khoản game ảo để lừa đảo tiền của người khác. Thấy việc làm trái pháp luật, anh T không đồng ý thì bị chúng nhốt, đánh đập, bỏ đói trong nhiều ngày liền. Sau nhiều ngày bị giam giữ, anh T đã bỏ trốn và liên hệ với gia đình đến Công an tỉnh Bạc Liêu trình báo. Nhận được tin báo, ngày 25/8, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Bạc Liêu nhanh chóng phối hợp với Tổ chức trẻ em Rồng Xanh tiến hành giải cứu anh T, đưa trở về tỉnh Bạc Liêu an toàn vào ngày 7/9.

Cũng liên quan đến thủ đoạn “việc nhẹ, lương cao”, ngày 22/9, kết thúc phiên tòa xét xử sơ thẩm, 3 bị cáo nằm trong đường dây buôn người, gồm: Trần Thành Tài (sinh năm 1995), Phan Văn Hòa (sinh năm 2000, cùng ngụ tỉnh An Giang) và Bùi Thị Tuyết Nhanh (sinh năm 2003, ngụ huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu), bị TAND tỉnh Bạc Liêu tuyên phạt với tổng mức án 34 năm tù giam.

Từ thực tiễn đấu tranh các vụ án mua bán người trên địa bàn tỉnh thời gian qua, Thượng tá Lâm Mỹ Thuận, Phó Thủ trưởng Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Bạc Liêu chia sẻ: “Tội phạm mua bán người được hình thành theo kiểu tội phạm “ẩn”. Việc phát hiện, điều tra làm rõ yếu tố cấu thành tội phạm đòi hỏi quá trình đấu tranh kiên trì, thu thập chứng cứ từ nhiều phía. Bởi lẽ, đối tượng đa phần sử dụng họ tên, địa chỉ giả nên việc làm rõ nhân thân, lai lịch, quá trình hoạt động rất khó khăn. Giữa các đối tượng có sự phân công nhiệm vụ rất chặt chẽ, được giao đảm nhận vai trò riêng và hầu như hoạt động đơn tuyến. Khi cơ quan chức năng tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm của các nạn nhân, việc xác minh thông tin, điều tra làm rõ vụ việc cũng gặp không ít khó khăn, nhất là các vụ mua bán người đa phần xảy ra nước ngoài trong khi tỉnh Bạc Liêu không có đường biên giới trên bộ với các nước nên gây nhiều khó khăn cho Cơ quan công an trong quá trình điều tra, truy bắt, dẫn giải đối tượng”.

Gian nan cuộc chiến chống mua bán người

Một trong những khó khăn khi điều tra, triệt phá các đường dây mua bán người là công tác thu thập tài liệu, chứng cứ phạm tội. Đa phần các chứng cứ thu thập được rất khiêm tốn, chủ yếu căn cứ vào lời khai, tố giác của nạn nhân và người nhà nạn nhân. Tuy nhiên, một số nạn nhân tự trốn thoát trở về quê hương thường có tâm lý mặc cảm, tự ti nên không tố giác tội phạm với cơ quan chức năng. Có những trường hợp nạn nhân đến tố giác nhưng do tâm lý bị khủng hoảng trong thời gian dài nên không nhớ rõ được chính xác nơi mình bị bán, bị giam giữ. Tuy nhiên, với tinh thần quyết tâm đấu tranh tội phạm, bảo vệ tính mạng, sức khỏe nhân dân, nhiều băng nhóm buôn người đã bị Công an tỉnh Bạc Liêu bóc gỡ thành công và chịu sự trừng phạt thích đáng của pháp luật. Điển hình như đường dây mua bán người dưới vỏ bọc “lấy chồng ngoại quốc” bị Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Bạc Liêu triệt phá thành công và đưa ra xét xử ngày 17/10 vừa qua.

Bảo vệ người lao động trước bọn buôn người -0
Công an và chính quyền địa phương thăm hỏi, hỗ trợ những nạn nhân sau khi được giải cứu khỏi bọn buôn người.

Các đối tượng đã tìm kiếm, dụ dỗ những cô gái ở vùng nông thôn để bán cho đàn ông Trung Quốc, tùy thuộc vào độ tuổi, ngoại hình của từng người, chúng sẽ được trả số tiền từ 200-400 triệu đồng. Bằng thủ đoạn trên, từ năm 2019-2022, các đối tượng đã tổ chức đưa 11 phụ nữ Việt Nam sang Trung Quốc để bán nhằm thu lợi bất chính hàng tỷ đồng. 6 “tú bà” trong vụ án đã bị đưa ra xét xử và phải lĩnh tổng mức án lên đến 88 năm tù giam với các tội danh “Mua bán người”, “Mua bán người dưới 16 tuổi”, “Tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép”, “Cưỡng đoạt tài sản”. Đây là những bản án nghiêm minh, thích đáng cho tội ác đã gây ra. Song, khi xét lại toàn bộ vụ án, chúng tôi không khỏi xót xa vì những tủi nhục cả về tâm hồn lẫn thể xác mà các nạn nhân phải gánh chịu.

Đặc biệt, trong số đó có nạn nhân là bé gái vị thành niên nhưng phải trở thành “vợ hờ”, thành “món hàng mua vui” ở vùng đất xa xôi, đầy cạm bẫy; có nạn nhân khi trở về quê nhà đã bụng mang dạ chửa; cũng có người phải ôm con nhỏ trốn chạy khỏi “hang hùm”. Đớn đau hơn, khi sự trở về chưa hẳn đã là giải thoát khỏi chuỗi ngày tăm tối mà ngược lại chuyển sang nhiều bi kịch khác. Chỉ vì suy nghĩ cho con lấy chồng ngoại quốc để có tiền lo cuộc sống gia đình, không ít bậc cha mẹ đã gả con gái khi chưa đủ tuổi, từ đó bị liên đới trách nhiệm và vướng vào vòng lao lý. Chưa kể những đứa trẻ sinh ra ở nước ngoài khi trốn thoát cùng mẹ về Việt Nam lại gặp không ít khó khăn trong việc làm giấy tờ khai sinh, đi học. Mặt khác, đối với những nạn nhân đã được giải cứu, công tác hỗ trợ còn gặp cản trở về nguồn kinh phí, dẫn đến việc các hoàn cảnh được giúp đỡ chưa nhiều, nạn nhân chưa có được cuộc sống mới. Cùng với sự quyết liệt của lực lượng Công an, thiết nghĩ cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cũng cần xác định công tác phòng, chống tội phạm mua bán người là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Phải quán triệt quan điểm phòng, chống mua bán người là một nội dung căn bản của công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm và lồng ghép vào trong các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, trong giải quyết những vấn đề cơ bản về an sinh xã hội như: Vấn đề hỗ trợ việc làm, xóa đói giảm nghèo... Để không trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người, trước hết mỗi người cần nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động nhận biết phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người. Đặc biệt, hãy “nghĩ trước, bước sau”, cân nhắc kỹ trước những lời mời gọi “việc nhẹ, lương cao” hoặc vẻ hào nhoáng của cái gọi là “hôn nhân ngoại quốc” để tự bảo vệ chính mình trước thủ đoạn của bọn buôn người.

Văn Đức - Trọng Nguyễn
.
.
.